Nghệ nhân Quách Văn Hiểu - người “giữ lửa” nghề đậu bạc ở Định Công. Thăng trầm nghề cũ
Nghề đậu bạc ở làng Định Công (phường Định Công, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) là một trong 3 làng nghề kim hoàn của vùng đồng bằng Bắc bộ và là một trong những nghề truyền thống tinh hoa của kinh thành Thăng Long. Không giống với những làng nghề kim hoàn khác, nghề đậu bạc Định Công có kĩ thuật đạt đến độ tinh xảo. Các sản phẩm với những hoa văn, họa tiết trang trí rất tỉ mỉ, thể hiện đức tính kiên trì, sự thông minh, khéo léo, óc sáng tạo của những người thợ đậu bạc Định Công.
Từ nửa đầu thế kỷ XVI cho đến giữa thế kỷ XIX, sản phẩm đậu bạc Định Công đã nổi tiếng trên thị trường trong và ngoài nước. Vào thời điểm trước năm 1945 riêng thôn Thượng có đến 80% hộ gia đình theo nghề. Nhưng từ năm 1954 trở đi, nghề kim hoàn nơi đây bước vào những thăng trầm mới.
Năm 1957, Nhà nước ra chính sách quản lý vàng bạc và nghề chế tác vàng bạc, tư nhân không được tự ý sản xuất, lưu hành. Người dân dù có tiền cũng không dám mua sắm, tích lũy. Ai lưu giữ từ hai chỉ vàng trở lên phải khai báo (nếu không sẽ bị thu hồi). Nhờ chính sách này mà trong giai đoạn từ năm 1959 đến năm 1964, hầu hết các hợp tác xã mỹ nghệ vàng bạc đều làm ăn phát đạt. Nhà nước cung ứng vật tư, bao tiêu sản phẩm, chịu trách nhiệm khâu xuất nhập khẩu hàng hóa. Thợ kim hoàn ồ ạt gia nhập các hợp tác xã. Nhưng từ sau năm 1964, đặc biệt là giai đoạn 1970 - 1980, sau khi thị trường vàng bạc Đông Âu bị giảm sút, hàng hóa ế ẩm, Nhà nước không đủ sức bao tiêu, nghề đậu bạc lại rơi vào tình trạng trôi nổi. Đây là một trong số nguyên nhân khiến nghề kim hoàn Định Công mai một dần.
Vào giai đoạn trước năm 1985, nhiều thợ kim hoàn bỏ làng, bỏ nghề. Một số người ra nội thành kiếm kế sinh nhai nhưng số ít người có điều kiện để mở cửa hàng. Thậm chí, vào thời điểm này, kiếm một chỗ làm thuê cũng khó.
Năm 1988 - 1989 với chính sách đổi mới cơ cấu kinh tế, Nhà nước công bố mở cửa cho các mặt hàng mỹ nghệ. Từ đấy, nghề đậu bạc ở Định Công không những được khôi phục mà còn có triển vọng lấy lại sự sầm uất vốn có xưa kia. Vào giai đoạn này, một người thợ Định Công dù làm công cũng dành ra được mỗi năm vài cây vàng. Hội Mỹ nghệ kim hoàn thành lập. Cửa hàng, cửa hiệu mọc lên khắp nơi. Nhưng sự thịnh vượng này cũng chỉ kéo đến năm 1995. Từ đó đến nay, mặc dù đời sống kinh tế chung của xã hội được cải thiện nhưng nghề đậu bạc Định Công lại bắt đầu một giai đoạn khó khăn mới.
“Giữ lửa” làng nghề
Hiện nay, trong bối cảnh đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, làng nghề đậu bạc Định Công đã bị mai một do không đáp ứng đủ các tiêu chí để là một làng nghề thủ công truyền thống. Ở Định Công chỉ còn 2 gia đình duy nhất quyết tâm giữ nghề cổ truyền của cha ông để lại là gia đình ông Quách Văn Trường và gia đình ông Quách Văn Hiểu. Tìm về làng xưa, hỏi về nghề đậu bạc thì ngoài thế hệ lớn tuổi sinh ra tại Định Công, còn những cư dân nhập cư, sinh viên, người đi làm ở trọ, thanh niên… hầu như không biết nơi đây từng tồn tại làng nghề kim hoàn nổi tiếng ở kinh thành Thăng Long.
Nghệ nhân Quách Văn Hiểu cho hay: “Từ khi nguyên liệu khan hiếm, không có bạc, thợ bạc phải chuyển sang đậu đồng tốn công, giá sản phẩm lại thấp nên người ta bỏ nghề nhiều lắm. Cho đến bây giờ những người Định Công còn giữ được nghề, nhất là lớp trẻ không còn mấy ai. Hà thành vốn là “đất trăm nghề”, thời buổi công nghệ người ta cũng chạy theo những nghề thời thượng. Ở Định Công hiện nay, những hiệu mua bán sửa chữa điện thoại di động nhiều hơn là những xưởng nghề”.
Là người biết nghề từ nhỏ và cũng chứng kiến làng nghề bị mai một, nghệ nhân Quách Văn Trường chia sẻ sau khi đi bộ đội về, ông đã nghĩ đây là nghề quý, cần phải khôi phục lại. Nghệ nhân khẳng định: “Gia đình chúng tôi đang và sẽ cố gắng duy trì nghề đậu bạc của cha ông, mặc dù sự phát triển này diễn ra rất chậm”.
Một số sản phẩm được làm từ bàn tay tài hoa của người thợ đậu bạc Định Công.
Không chỉ có thế hệ nghệ nhân đi trước mà lớp nghệ nhân trẻ cũng rất tâm huyết với nghề và đang cố gắng duy trì nối tiếp nghề của cha ông. Anh Quách Phan Tuấn Anh - con trai nghệ nhân Quách Văn Trường cho biết: “Học xong đại học, tôi thấy mình có một lợi thế lớn: bố tôi là một nghệ nhân có tay nghề cao. Chứng kiến nghề quý của làng đang dần mai một, tôi thấy mình càng phải có trách nhiệm, thế nên tôi quyết định học nghề và theo nghề”.
Nghề đậu bạc Định Công còn được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương nhằm bảo tồn duy trì và phát triển nghề truyền thống. Trước tình hình số hộ gia đình làm nghề còn ít, số nghệ nhân thực sự tài hoa và tâm huyết với nghề chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, và đa số đều đã già yếu, từ năm 2005, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với UBND quận Hoàng Mai xây dựng đề án khôi phục làng nghề truyền thống Định Công, trong đó có việc mở lớp đào tạo cơ bản nghề kim hoàn cho những thanh niên có nhu cầu. Hai nghệ nhân Quách Văn Trường, Quách Văn Hiểu cũng trực tiếp tham gia giảng dạy cho học viên.
Tạo dựng thương hiệu để phát triển bền vững
Quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ đã có những tác động tới sự phát triển và biến đổi của nghề đậu bạc Định Công. Vì vậy, vấn đề bảo tồn và duy trì phát triển kĩ thuật đậu bạc nổi tiếng của thợ kim hoàn Định Công là yêu cầu cấp thiết. Để bảo tồn và phát triển nghề đậu bạc Định Công hiện nay đã và đang đặt ra một số vấn đề.
Về vấn đề cung và cầu: Có một thực tế hiện nay là trong khi một số nghề truyền thống bị mai một vì sản phẩm làm ra không được chuộng thì nghề đậu bạc Định Công lại ngược lại, có cầu nhưng chưa đủ cung. Theo lời kể của một chủ xưởng sản xuất, có lần, một khách đến đặt hàng hơn một nghìn sản phẩm, thế nhưng vì không có nhân công nên ông đành từ chối. Đặc thù của nghề đậu bạc Định Công là thủ công hoàn toàn, máy móc không thể thay thế sức lao động của con người nên năng suất lao động không cao. Để tạo ra một sản phẩm đậu bạc cần rất nhiều thời gian, ví dụ, để làm một chiếc hộp đựng card thì người thợ phải mất hơn bốn ngày công mới có thể hoàn thành. Ngoài ra, khi làm hàng theo đơn đòi hỏi người thợ phải có trình độ tay nghề cùng sự khéo léo bởi vì sản phẩm khi xuất xưởng phải qua sự kiểm tra tỉ mỉ của các chủ xưởng. Thực tế cho thấy những đơn đặt hàng có quy mô lớn đã mở ra nhiều cơ hội cho những chủ xưởng ở Định Công nhưng họ không thể nhận vì không đủ lao động và thời gian.
Vấn đề về sản phẩm: Nếu như trước kia sản phẩm của nghề đậu bạc Định Công chủ yếu tập trung vào sản xuất đồ thờ cúng, đồ trang sức, đồ trang trí, thì nay trước tác động của nền kinh tế thị trường, các sản phẩm đậu bạc đa dạng hơn, phong phú hơn. Nhờ sự dễ dàng tìm kiếm, kết nối thông tin trên internet mà các nghệ nhân đã phát triển thêm nhiều mẫu mã mới phù hợp với thị hiếu khách hàng. Chính vì thế, các sản phẩm đậu bạc không bị “lỗi mốt”.
Để thuận tiện cho công việc kinh doanh và quảng bá sản phẩm, nhiều cơ sở sản xuất còn mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm của gia đình mình, trong khu làng nghề của Khu du lịch Thiên đường Bảo Sơn và cửa hàng giới thiệu sản phẩm ở phố Hàng Bạc. Ngoài ra, trang web vietsilver.com.vn được lập đã góp phần quảng bá sản phẩm đến khách hàng.
Cùng với đó, nguyên liệu để sản xuất sản phẩm cũng có nhiều thay đổi, thích ứng theo từng điều kiện thực tế. Nếu như ban đầu sản phẩm đậu bạc làm bằng nguyên liệu vàng và bạc thì đến thời kỳ Nhà nước quản lý vàng, bạc người thợ Định Công đã khéo léo sử dụng nguyên liệu đồng để thay thế. Hiện nay, do nhiều yếu tố thay đổi, trong đó có sự thiếu ổn định của giá vàng và các chủ cơ sở sản xuất thiếu vốn sản xuất nên sản phẩm đậu chủ yếu bằng bạc.
Về quy trình chế tạo và sản xuất: Sự xuất hiện của nhiều kỹ thuật tiên tiến đã giúp người thợ, mặc dù vẫn làm thủ công nhưng bớt được một số công đoạn. Họ hầu như không phải trực tiếp thực hiện động tác chuyên bạc, tuyển bạc. Các thỏi bạc sau khi mua về được người thợ chặt nhỏ, đem nấu cháy rồi đổ vào thão, sau đó tiến hành doi bạc.
Anh Quách Phan Tuấn Anh -người hiếm hoi đang gìn giữ được nghề đậu bạc truyền thống của gia đình.
Đối với công cụ sản xuất cũng có những thay đổi. Nếu như trước đây, một người thợ muốn sản xuất độc lập, họ phải học hỏi tìm tòi và tự chế tạo lấy bộ dụng cụ cho mình thì ngày nay, người thợ có thể mua một bộ đồ nghề của Trung Quốc được bán rất nhiều ở phố Hàng Bạc. Như vậy, nhờ sự tiến bộ của khoa học kĩ thuật đã hỗ trợ người thợ đậu bạc trong một số khâu sản xuất, tuy nhiên, các sản phẩm đậu bạc vẫn hoàn toàn là thủ công.
Có thể nói, trong bối cảnh nhiều làng nghề truyền thống bị mai một mà nghề đậu bạc Định Công vẫn còn tồn tại, thì việc xây dựng con đường phát triển bền vững cho nghề là một vấn đề quan trọng đang được các chủ sản xuất, các nghệ nhân và chính quyền rất quan tâm. Muốn phát triển bền vững, nghề đậu bạc Định Công cần tạo ra đặc trưng riêng, thương hiệu riêng mang tính đặc trưng của mình. Đó chính là con đường tốt nhất để có thể tiếp tục duy trì và phát triển bền vững nghề đậu bạc Định Công.