Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Báo Người Hà Nội.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn ghi nhận và biểu dương những đóng góp tích cực của Báo Người Hà Nội trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. Báo đã bám sát hoạt động của thành phố; lan tỏa văn hóa Thăng Long - Hà Nội; tuyên truyền xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; kịp thời biểu dương những điển hình tiên tiến, tích cực tham gia thực hiện nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa qua các bài báo, cuộc thi viết, thi ảnh, hội thảo...
Nhà báo Vương Minh Huệ - Phó Tổng Biên tập Phụ trách Báo Người Hà Nội cho biết, trải qua 35 năm xây dựng và phát triển, Báo Người Hà Nội đã có những bước tiến bền vững, trở thành một tờ báo có uy tín trong hệ thống báo chí Thủ đô và cả nước, nhất là về lĩnh vực văn học nghệ thuật. Báo Người Hà Nội tiền thân là tập Sáng tác Hà Nội của Hội Văn nghệ Hà Nội (nay là Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội), được thành lập theo Quyết định số 1322/ TCCQ ngày 8/5/1985 của UBND Thành phố Hà Nội. Tên tờ báo do nhà văn Tô Hoài - Tổng biên tập đầu tiên của báo đặt với những gửi gắm: “Cái chất thanh lịch, cái “phông” văn hóa của người Hà Nội chính là cốt lõi làm nên ưu thế của đất kinh kỳ, không đâu sánh nổi. Văn nghệ Hà Nội có sang trọng, nổi đình đám được, thì cũng phải nhờ ở cái chất người, cái tầm vóc trí tuệ, phẩm cách con người ở nơi “đất lề quê thói” nghìn đời này!”
Sau nhà văn Tô Hoài, báo Người Hà Nội tiếp tục được dẫn dắt bởi nhiều văn nghệ sĩ, nhà báo tên tuổi như: nhà thơ Bằng Việt, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà báo Nguyễn Anh Biên, nhà báo Hồ Xuân Sơn.
Ở giai đoạn đầu thành lập, đội ngũ cán bộ phóng viên của báo hầu hết là các văn nghệ sĩ. Báo cũng tụ hội được nhiều cộng tác viên là các văn nghệ sĩ nổi tiếng (nhạc sĩ Văn Cao, nhà thơ Nguyễn Đình Thi, nhà thơ Tế Hanh, nhà thơ Vũ Cao, GS. Trần Quốc Vượng, họa sĩ Nguyễn Sáng, họa sĩ Bùi Xuân Phái...). Báo có nhiều chuyên mục hấp dẫn, được đông đảo bạn đọc đón nhận. Có thời điểm, báo phát hành được 5.000 bản/ kỳ. Bên cạnh đó, báo còn tổ chức các cuộc thi truyện ngắn, thơ, phóng sự; cuộc thi cho các cây viết trẻ... trở thành diễn đàn cuốn hút các thế hệ sáng tác.
Bước sang thế kỷ 21, báo Người Hà Nội chuyển trụ sở từ 19 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm về địa chỉ 126 Nam Cao, Ba Đình, Hà Nội đồng thời chuyển đổi cơ chế quản lý từ bao cấp sang tự hạch toán. Là tờ báo văn nghệ duy nhất của cả nước tự hạch toán kinh tế toàn phần nên đã có biết bao khó khăn, thách thức đặt ra đối với Người Hà Nội trong suốt 20 năm qua. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo nhà thơ Bế Kiến Quốc, tiếp đó là nhà thơ Vũ Xuân Hoát, nhà thơ Bùi Việt Mỹ, nhà báo Đào Xuân Hưng và hiện nay là Phó Tổng biên tập Phụ trách Vương Minh Huệ, báo đã từng bước vượt qua khó khăn, tiếp tục quy tụ được đội ngũ cộng tác viên tên tuổi.
Không chỉ giữ vững bản sắc tờ báo qua những trang viết đậm chất văn học nghệ thuật, báo Người Hà Nội còn khơi dậy và lan tỏa nét đẹp văn hóa của người Hà Nội, bắt nhịp được “hơi thở” của đời sống, xã hội, kịp thời biểu dương những tấm gương điển hình tiên tiến…
Từ những thành quả ấy, Người Hà Nội đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, được UBND Thành phố Hà Nội, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo Thành phố Hà Nội… tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Người Hà Nội vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba, 4 cá nhân của báo được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội.