Cán bộ thú y kiểm tra sản phẩm động vật tại chợ. |
Năm 2017, Chi cục Thú y Hà Nội đã làm tốt khâu tuyên truyền đến các đối tượng là hộ chăn nuôi, kinh doanh buôn bán; nâng cao kiến thức chuyên môn và quản lý nhà nước cho các đối tượng liên quan với tổng số 9.147 người tham dự; đã xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm cho 549 người. Đặc biệt, để chủ động phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm lây nhiễm sang người, tháng 3-2017, Chi cục đã phối hợp với ngành Y tế tổ chức diễn tập phòng, chống cúm A/H7N9. Từ đầu năm 2017 đến nay, ngành Thú y phối hợp với các ngành liên quan tổ chức 4.933 buổi kiểm tra 18.496 lượt cơ sở.
Qua đó, xử lý vi phạm 1.530 trường hợp (tăng 9,4% so với năm 2016), trong đó, cảnh cáo 400 trường hợp; phạt tiền 846 trường hợp với tổng số tiền lên tới hơn 2,5 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, lực lượng thú y và các địa phương đã thực hiện 6 đợt tổng tẩy uế với quy mô lớn, đồng loạt trên địa bàn thành phố với tổng diện tích phun khoảng 270 triệu mét vuông. Tổng số hóa chất thành phố đã cấp 205.300 (lít, kg); UBND quận, huyện, thị xã hỗ trợ 1.230 tấn vôi bột. Nhờ vậy, góp phần bảo đảm chăn nuôi phát triển tốt, ý thức của người dân về vệ sinh an toàn thực phẩm được nâng lên.
Theo ước tính, lượng gia súc, gia cầm xuất, nhập vào địa bàn thành phố thời điểm từ tháng 12-2017 đến tháng 3-2018 tăng khoảng hơn 30% so với trung bình các tháng trong năm. Với dân số thường xuyên có mặt khoảng hơn 10 triệu người, nhu cầu sử dụng thịt gia súc, gia cầm của người dân Thủ đô khoảng 900 tấn/ngày, nhưng mới chỉ kiểm soát được 55%. Để bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng, không để dịch bệnh gia súc, gia cầm xảy ra, ngành Thú y Hà Nội đã và đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp cụ thể.
Theo kế hoạch từ nay đến đầu năm 2018, ngành Thú y tiếp tục cùng các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền để người dân cùng phòng, chống dịch bệnh cho người và gia súc, gia cầm. Đồng thời, tiếp tục tăng số lượng và số lượt kiểm tra, trong đó tập trung vào việc xác định nguồn gốc sản phẩm; sử dụng xe chuyên dụng và dụng cụ chuyên ngành, test nhanh để kiểm tra chất cấm, chất tạo nạc, tồn dư kháng sinh... nhằm xử lý vi phạm và đưa ra cảnh báo với người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm động vật; tăng cường kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật tại các đầu mối giao thông; nâng cao năng lực hoạt động của 9 chốt kiểm dịch liên ngành, đặc biệt tại các chốt có cơ sở giết mổ, như: Vạn Phúc, Hà Vỹ, Hải Bối, Minh Hiền… nhằm ngăn chặn gia súc, gia cầm không đủ điều kiện vào các lò mổ.
Về quản lý hoạt động giết mổ, ngành Thú y sẽ tập trung cao độ và bố trí đủ cán bộ thú y để kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các cơ sở giết mổ đã được chính quyền cho phép; đồng thời tăng cường hướng dẫn các cơ sở nhỏ lẻ hoạt động tại khu giết mổ tập trung, nhằm từng bước giảm tình trạng tự phát...
Từ tháng 12-2017 đến tháng 3-2018, ngành Thú y tiếp tục tham mưu với thành phố phát động đợt ra quân đồng loạt về tổng tẩy uế môi trường nhằm làm sạch môi trường, ngăn chặn dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Chi cục Thú y Hà Nội tập trung hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi đăng ký xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh...
Từ đó, tạo sản phẩm an toàn chất lượng, rõ nguồn gốc, xuất xứ; đồng thời, nâng tỷ lệ tiêm phòng và giám sát dịch bệnh đàn gia súc, gia cầm. Theo đó, Chi cục Thú y chỉ đạo cán bộ thú y thôn, bản quản lý nhập, xuất gia súc, gia cầm; tiêm bổ sung ngay gia súc, gia cầm mới nhập đàn; thực hiện tốt chế độ báo cáo hằng ngày để xử lý những vấn đề mới phát sinh, không để lây lan dịch bệnh...
Với các giải pháp triển khai đồng bộ cùng với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, sự đồng thuận của người dân, chắc chắn sẽ góp phần kiểm soát và bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm trên địa bàn Thủ đô.