Báo chí văn nghệ: Cần những “chất xúc tác” để bắt nhịp với chuyển đổi số

Đặng Thủy| 20/06/2022 10:23

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của nhiều ngành nghề trong đó có báo chí. Với báo chí văn nghệ, việc thực hiện chuyển đổi số đang gặp không ít khó khăn. Vậy đâu là “chất xúc tác” để báo chí văn nghệ có thể bắt nhịp với chuyển đổi số? Và những “người trong cuộc” kỳ vọng gì về sự lan tỏa văn học nghệ thuật từ nhịp cầu báo chí khi chuyển đổi số… Đó là những vấn đề được các khách mời của Người Hà Nội chia sẻ nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2022).

Báo chí văn nghệ: Cần những “chất xúc tác” để bắt nhịp với chuyển đổi số
Nhà báo Bùi Anh Tấn Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh
PV:Trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay, chuyển đổi số đã trở thành một xu hướng tất yếu của báo chí, trong đó có báo chí văn nghệ. Từ góc nhìn của người làm nghề, anh/ chị nhận thấy những khó khăn nào đối với báo chí văn nghệ khi thực hiện chuyển đổi số?
Nhà văn, nhà báo Bùi Anh Tấn: Chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu diễn ra trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có báo chí nói chung và báo chí văn nghệ nói riêng. Thật ra bản chất của chuyển đổi số là sáng tạo và hoạt động của báo chí văn nghệ cũng mang tính sáng tạo cao. Cá nhân tôi nhận thấy có những khó khăn đối với báo chí văn nghệ khi chuyển đổi số, đó là:
Nhiều cơ quan báo chí nước ta hiện nay vẫn chưa hiểu rõ thế nào là chuyển đổi số, với báo chí văn nghệ điều này càng “mù mờ” hơn bởi chưa có sự hiểu biết thấu đáo vai trò, lợi ích của chuyển đổi số. Lực lượng làm báo văn nghệ hầu như là văn nghệ sĩ cầm bút với công việc sáng tạo là chủ yếu nên làm báo “chậm chân” hơn so với lực lượng phóng viên các cơ quan báo chí khác.
Mặt khác, so với các cơ quan báo chí khác thì sự đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí cho báo chí văn nghệ rất “khiêm tốn” dẫn đến hạn chế về đầu tư trang thiết bị, phần mềm, công nghệ cho báo chí văn nghệ khi chuyển đổi số và không phải cơ quan báo văn nghệ nào cũng sẵn sàng cho việc chuyển đổi số. Do tính “đặc thù” các tờ báo văn nghệ vốn ít phóng viên, lực lượng cộng tác viên là chủ yếu vì sáng tác văn, thơ, lý luận phê bình… hầu như do cộng tác viên là văn nghệ sĩ gửi đến. Đây cũng là những tờ báo thuần túy về văn học nghệ thuật nên khá “kén” bạn đọc.
Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hiện nay, báo chí cũng đã có những bước chuyển mình, tuy nhiên còn chậm, số cơ quan báo chí tự chủ không nhiều, đa phần phải dựa vào sự “hỗ trợ” của chủ quản hoặc làm những công việc “ngoài báo chí để nuôi báo chí”. Trong khi đó báo chí văn nghệ cả nước hầu như được bao cấp 100% và kỳ phát hành rất xa (có những tỉnh, hai ba tháng mới xuất bản được một số tạp chí, thông thường là một tháng một số và số lượng phát hành rất ít, khoảng vài ba trăm tờ còn lại chủ yếu là tặng, cho nên lượng bạn đọc ít) đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc đầu tư đổi mới cơ sở hạ tầng, các giải pháp kỹ thuật và thực hiện chuyển đổi số.
Báo chí văn nghệ: Cần những “chất xúc tác” để bắt nhịp với chuyển đổi số
Nhà báo Như Bình Trưởng ban chuyên đề báo Công an Nhân dân, Thư ký tòa soạn báo Văn nghệ Công an
Nhà văn, nhà báo Như Bình: Báo chí muốn phát triển, thay đổi, muốn chinh phục được nhiều độc giả, truyền tải được thông tin nhanh nhất phải là trên nền tảng số, chuyển đổi số. Nhưng để làm được cuộc cách mạng chuyển đổi số thì không hề đơn giản, cần yếu tố quan trọng là con người và kinh tế. Khó khăn đối với báo chí khi thực hiện chuyển đổi số cũng xuất phát từ yếu tố này. Con người ở đây chính là người đứng đầu cơ quan báo chí, và đội ngũ nhân viên của tòa soạn. Nếu người đứng đầu không tiếp nhận, hoặc tiếp nhận thờ ơ, không đến nơi đến chốn cuộc cách mạng số hóa, không thay đổi tư duy, không có chiến lược bắt tay vào công cuộc số hóa là sẽ thua cuộc, bởi con người biết làm công nghệ, biết phát triển nội dung, biết định hướng bạn đọc... mới là con người đủ điều kiện cho cuộc cách mạng số hóa. Vì vậy có thể nói rằng yếu tố con người chính là khó khăn lớn nhất.
Về vấn đề công nghệ, ai cũng hiểu chuyển đổi số báo chí trước hết là phải đầu tư về công nghệ, àm chủ công nghệ. Tuy nhiên thực tế hiện nay báo giấy đang trong thời kì khó khăn, ít có độc giả, khó bán được trên thị trường; các đơn vị báo chí bao cấp thì kinh phí hạn hẹp, trong khi các cơ quan báo chí tự thu tự chi thì cũng không phát hành được nên nguồn thu suy giảm nhiều. Trong khi số hóa công nghệ không phải là cuộc chơi của "nhà nghèo", phải dám đầu tư thì mới phát triển được.
Một khó khăn nữa đó chính là cuộc cạnh tranh khốc liệt với mạng xã hội. Báo chí chính thống hiện nay không thể đưa tin nhanh như mạng xã hội, không lan truyền được tới độc giả nhanh như mạng xã hội. Mạng xã hội chính là rào cản lớn trong cuộc đua của báo chí chính thống mà hiện nay phần thắng thế về độ nhanh, độ nóng của tin tức đang thuộc về các trang mạng xã hội.
Báo chí văn nghệ: Cần những “chất xúc tác” để bắt nhịp với chuyển đổi số
Nhà báo Trần Nhật Minh Trưởng Ban Văn học Nghệ thuật, Đài Tiếng nói Việt Nam
Nhà báo Trần Nhật Minh: Như nhiều cơ quan báo chí khác, Ban Văn học Nghệ thuật của Đài Tiếng nói Việt Nam cũng đang bắt nhịp với xu hướng đưa sản phẩm lên hệ thống số và mạng. Qua thực tế triển khai, chúng tôi nhận thấy nhiều rào cản mà nguyên nhân chủ yếu là do đặc thù của tác phẩm. Nếu như mảng thời sự và tin tức việc chuyển đổi số tương đối dễ dàng hơn bởi tính chất, nội dung thông tin khá phù hợp thì với mảng văn học nghệ thuật, do những tính chất đặc thù nên việc thực hiện chuyển đối số gặp phải nhiều khó khăn. Những truyện ngắn, tiểu thuyết rồi những chương trình văn học nghệ thuật đa phần đều có “kích cỡ” lớn, vậy nên khi chuyển sang hạ tầng của chuyển đổi số sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với việc đưa các thông tin thời sự xã hội.
Thêm nữa, vấn đề nhân lực cũng là một rào cản. Hiện nay, phần lớn các anh chị em trong Ban chúng tôi mới chỉ được trang bị kiến thức nghề nghiệp của báo phát thanh, về văn nghệ, về sáng tác... Kiến thức và khả năng tiếp cận về công nghệ thì vẫn còn nhiều hạn chế, cần sự hỗ trợ ở bên ngoài. Việc chưa hoàn toàn chủ động về công nghệ cũng khiến cho quá trình triển khai chuyển đổi số của Ban Văn học Nghệ thuật VOV6 đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Báo chí văn nghệ: Cần những “chất xúc tác” để bắt nhịp với chuyển đổi số
Nhà báo Phạm Thùy Vinh Tổng biên tập tạp chí Sông Lam
Nhà thơ, nhà báo Phạm Thùy Vinh: Hiện nay, hầu hết các tòa soạn đều xuất bản ấn phẩm báo điện tử hoặc có trang thông tin điện tử…; công tác xuất bản đã có sự thay đổi về chất để từng bước bắt nhịp với chuyển biến nhanh chóng, mạnh mẽ của đời sống xã hội. Song, phải thừa nhận rằng các tòa soạn báo vẫn đang phải ứng phó vất vả với mạng xã hội: Facebook, Zalo, Twitter, YouTube, Spotify… Thực tế hiện nay, không chỉ riêng báo chí văn nghệ mà các tòa soạn báo nói chung đều phải đối mặt với sự thay đổi của độc giả về thói quen, thị hiếu tiếp cận thông tin. Độc giả ngày càng đòi hỏi thông tin nhanh hơn, hấp dẫn hơn; các xu hướng trên mạng xã hội cũng thay đổi hàng ngày, hàng giờ…
Chúng ta đều biết chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, song để chuyển đổi số hiệu quả, nhất thiết phải có trang thiết bị - công cụ số. Điều này đặt ra bài toán về tài chính. Đó có thể xem như một việc khó đầu tiên. Tiếp đến không thể không nhắc về nhân sự - yếu tố quan trọng nhất trong quá trình chuyển đổi số là thay đổi tư duy số. Nó đòi hỏi người làm báo không chỉ chuyên nghiệp trong chuyên môn mà còn phải chuyên nghiệp cả trong việc sử dụng các phần mềm, ứng dụng CNTT để sản xuất hoàn thiện tác phẩm đăng trên các nền tảng kỹ thuật số. Mà chúng ta cũng biết, nhân sự ở các tạp chí văn nghệ xưa nay không mạnh về mảng này bởi đặc thù của hoạt động báo chí văn nghệ bấy lâu có những khác biệt so với các báo chí khác (là những tờ báo chạy theo vấn đề thời sự với tốc độ cạnh tranh thông tin khắc nghiệt).
Bên cạnh đó, khi chuyển đổi số, việc bảo mật thông tin, nạn đánh cắp bản quyền, tái sử dụng nhiều lần của tác phẩm báo chí, văn học nghệ thuật… cũng là điều đáng lo ngại.
Báo chí văn nghệ cũng phải tính đến việc ứng phó với khủng hoảng truyền thông khi đăng tải nội dung trên nhiều nền tảng, sự khen - chê, bình phẩm, tương tác của công chúng sẽ trực tiếp, thẳng thắn hơn; đặc biệt trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật vốn dễ tạo nhiều làn sóng đa quan điểm.

PV:
Theo các anh/ chị đâu là “chất xúc tác” để báo chí văn nghệ có thể bắt nhịp với chuyển đổi số?
Nhà văn, nhà báo Bùi Anh Tấn: Ngày 24/11/1946, tại Hà Nội, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Cuối năm 2021, chúng ta cũng vừa tổ chức Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021 và đã đặt văn hóa ngang tầm với sự phát triển chính trị - kinh tế. Chúng ta có Ngày sách Việt Nam, Ngày văn hóa đọc… Chưa bao giờ văn hóa được coi trọng như hiện nay mà văn hóa chính là cốt lõi của các tờ báo văn nghệ, những tờ báo của giới văn học nghệ thuật cả nước. Do vậy để báo chí văn nghệ có thể bắt nhịp với chuyển đổi số, theo tôi những người làm báo văn nghệ cần xác định: Chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí không nằm ở vấn đề công nghệ mà ở con người, ở tư duy và cần phải xác định “bạn đọc ở đâu, báo chí ở đó”. Tức những tờ báo văn nghệ cần gần gũi bạn đọc hơn, gắn liền với đời sống hơn, lấy bạn đọc làm tiêu chí phục vụ, tránh xa tư tưởng “tháp ngà” với báo chí văn nghệ, tránh “sức ì” với những người làm báo chí văn nghệ.
Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước, cần đặt vai trò quan trọng của báo chí văn nghệ trong dòng chảy chung của báo chí cách mạng, có sự quan tâm đầu tư thích đáng, kích thích người nghệ sĩ cầm bút hăng say sáng tạo để phục vụ nhân sinh ngày càng tốt hơn, nhất là thời kỳ chuyển đổi công nghệ số hiện nay.
Nhà văn, nhà báo Như Bình: Báo chí văn nghệ hiện nay đã phần nào cập nhật được với công nghệ số hóa. Bằng chứng là gần như tất cả các ấn phẩm báo chí văn học nghệ thuật đều đã có phiên bản điện tử để cập nhật được các tác phẩm văn chương nghệ thuật lên trên nền tảng số để tiếp cận được đông đảo độc giả và công chúng hơn.
Chất xúc tác lớn nhất đó chính là sự tương tác giữa độc giả với tác giả. Nếu như báo giấy đơn thuần chỉ là sự tương tác một chiều của độc giả, một sự tương tác tĩnh giữa độc giả và tác phẩm thì trên nền tảng số người đọc hoàn toàn có thể tương tác với tác phẩm và tác giả. Họ có quyền để lại comment, bình luận, tham gia thảo luận hay chia sẻ quan điểm.
Đừng nghĩ rằng văn chương nghệ thuật không còn sức hấp dẫn trong thời đại công nghệ thông tin như hiện nay. Tôi xin lấy ví dụ về trang Facebook “Quán Chiêu văn” một trang Facebook mở về văn chương trên mạng nhưng có tới 41.000 người đăng kí thành viên. Từ sự lan tỏa của trang Facebook Quán Chiêu văn, quán mở thêm trang web và trang YouTube với các hình thức phong phú như đọc truyện ngắn, diễn thơ... Hiện nay trang web Quán Chiêu văn có tới 30.0000 lượt view trong vòng một tháng. Điều đó cho thấy sức hấp dẫn văn chương trên nền tảng số là vô cùng tiềm năng. Nếu chúng ta biết khai thác sự tương tác hai chiều giữa tác giả, tác phẩm và độc giả thì không hề khó để làm chuyển đổi số về báo chí văn nghệ.
Nhà báo Trần Nhật Minh: Theo tôi, vấn đề này trước nhất vẫn thuộc về vai trò “đầu tàu” của các nhà quản lý, nhà hoạch định và người làm báo trong khu vực báo chí văn nghệ. Chúng ta cần phải xác định đó là mục tiêu để giữ thị phần khán thính giả. Nếu trong quá trình chuyển đổi số mà chúng ta tụt hậu thì rõ ràng sẽ mất nguồn công chúng của mình. Nhưng làm sao để chuyển đổi và chuyển đổi như thế nào đó cũng là một bài toán khó đang cần lời giải. Hiện nay chưa có một “test” điều tra nhu cầu, thị hiếu của công chúng của báo chí văn nghệ nên đa phần các cơ quan báo chí văn nghệ vẫn đang phải mày mò để tìm ra cách làm phù hợp, sản phẩm phù hợp.
Nhà thơ, nhà báo Phạm Thùy Vinh: Trên hết và trước hết, “chất xúc tác” trong quá trình chuyển đổi số với báo chí văn nghệ chính là sự khao khát mãnh liệt đổi mới, sáng tạo - phẩm tính sẵn có của mỗi văn nghệ sĩ. Cùng với đó là mong mỏi tác phẩm được gần hơn với công chúng nhiều thế hệ. Chuyển đổi số và đa phương tiện báo chí có thể làm được điều này dễ dàng hơn ấn phẩm báo in truyền thống.
PV: Thực tế cho thấy một số ấn phẩm báo chí văn nghệ cũng đang rất nỗ lực để có thể đồng hành với người bạn “chuyển đổi số”. Anh/chị có thể chia sẻ thêm về những nỗ lực này của đơn vị mình cũng như những mong muốn, kỳ vọng về sự lan tỏa văn học nghệ thuật từ nhịp cầu báo chí.
Nhà thơ, nhà báo Bùi Anh Tấn: Ngày 11/1/2021, UBND TP. Hồ Chí Minh đã có QĐ số 133 về “Kế hoạch thực hiện chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” cho báo chí thành phố Hồ Chí Minh. Sở Thông tin và Truyền thông thành phố đang đề nghị các cơ quan báo chí xây dựng chiến lược chuyển đổi số, nâng cao nhận thức, tái cơ cấu tổ chức và quy trình tác nghiệp báo chí, phát triển các sản phẩm báo chí số… Từ ngày chuyển đổi giấy phép (theo quy hoạch) từ báo văn nghệ sang thành tạp chí văn nghệ thành phố (nhập 3 tờ gồm: báo Văn nghệ, tạp chí Kiến trúc và đời sống, Kiến thức ngày nay thành tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh với hai ấn phẩm phụ là Kiến trúc và đời sống, Kiến thức ngày nay) thì tạp chí đang làm thủ tục xin ra tờ online (đang chờ Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép). Chúng tôi đã và đang xây dựng kế hoạch để có những bước chuyển đổi hướng đến việc chuyển đổi số. Đây là một công việc khó khăn đòi hỏi sự nỗ lực rất nhiều, từ đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất và đặc biệt là thay đổi tư duy của những người làm báo văn nghệ khi bước vào chuyển đổi số.

Nhà văn, nhà báo Như Bình:
Hiện tại, báo Công an Nhân dân đang xây dựng Đề án đầu tư phát triển Báo điện tử Công an Nhân dân và Đề án Báo Công an Nhân dân trở thành 1 trong 6 cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện của quốc gia. Văn nghệ Công an là một ấn phẩm của báo Công an Nhân dân, cùng với các ấn phẩm báo in: Nhật báo Công an Nhân dân, An ninh thế giới tuần (tuần 2 số), An ninh thế giới cuối tháng và An ninh thế giới giữa tháng và báo điện tử Công an Nhân dân. Tương ứng, trên báo điện tử Công an Nhân dân có các chuyên trang điện tử Văn nghệ Công an, An ninh thế giới tuần (tháng). Việc chuyển đổi số trong báo chí ở báo Công an Nhân dân được thực hiện theo đề án chung. (theo QĐ 362/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển và quản lí báo chí toàn quốc). Các sản phẩm báo chí đăng tải ở chuyên đề Văn nghệ Công an Nhân dân (báo in truyền thống), sau khi xuất bản, được chuyển tải lên chuyên trang điện tử Văn nghệ Công an của báo điện tử. Từ đây bạn đọc cũng dễ tương tác thông qua comment ở mỗi bài, truyện, thơ... cũng như góp ý với tòa soạn.
Còn tất nhiên Văn nghệ Công an đã có những trăn trở, đề xuất, kiến nghị nhưng trong thời điểm hiện nay chúng tôi đang tập trung nguồn lực cho tờ báo chính thống cơ quan ngôn luận của Bộ Công an là báo Công an Nhân dân điện tử. Nói chung công cuộc chuyển đổi số còn nhiều gian nan không thể ngày một ngày hai mà thành được.

Nhà báo Trần Nhật Minh:
Tôi từng ví von công nghệ là một người bạn mà Văn nghệ VOV phải bắt tay thân thiện để người bạn đó dẫn dắt đi một con đường mới, hỗ trợ tái sinh một đời sống mới cho các chương trình. Và thực tế chúng tôi đang nỗ lực để đồng hành cùng người bạn đó bằng việc đưa các chương trình văn học nghệ thuật trên kênh phát thanh lên trang vov6.vov.vn. Trước đây VOV thuần túy chỉ là báo nói, thì giờ đây chúng tôi đang mở rộng, thử nghiệm nhiều chương trình mới với nhiều hình thức khác như đưa cả text, đường link, file ảnh, thậm chí thời gian tới chúng tôi còn đưa cả video để thu hút công chúng. Đến nay, trang web của VOV6 đã nhận nhiều phản hồi tốt của công chúng. Đặc biệt, chúng tôi còn phối hợp với Trung tâm Quảng cáo dịch vụ truyền thông đa phương tiện, Đài Tiếng nói Việt Nam đưa các truyện ngắn hay trong chương trình Đọc truyện đêm khuya lên App VOV Live. Qua hơn một năm, chương trình đạt được Nút bạc của YouTube. Đây cũng là một tín hiệu tốt.
Từ kết quả thử nghiệm ấy, tôi kỳ vọng, tới đây Ban Văn học Nghệ thuật VOV sẽ có thêm nhiều những sản phẩm phù hợp với chuyển đổi số. Tất nhiên không thể máy móc, “bứng” cách làm truyền thống từ những sản phẩm truyền thống của radio sang nền tảng số hoàn toàn khác được mà phải dần dần, phải nỗ lực tìm tòi, phải năng động hơn để mở rộng và làm phong phú các sản phẩm của mình hơn. Chúng tôi cũng xác định phải có một lộ trình đào tạo về mặt kỹ thuật, công nghệ cho đội ngũ phóng viên sao cho họ ngày càng “đa-zi-năng” hơn, có được những sản phẩm giá trị hơn…
Nhà thơ, nhà báo Phạm Thùy Vinh: Trên đây tôi đã nói về những khó khăn, rào cản mà chúng ta - những người làm báo chí văn nghệ xác định “đối mặt”, vượt qua khi thực hiện “chuyển đổi số” trong tòa soạn của mình, với sản phẩm báo chí của mình. Chúng tôi đã xây dựng Đề án phát triển tạp chí Sông Lam giai đoạn 2022- 2025 và trình UBND tỉnh Nghệ An để phê duyệt. Hy vọng đề án này sẽ sớm được thực hiện để chúng tôi có thể bắt tay vào một cuộc “cách mạng” để thay đổi chính mình mà trong đó có một nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng, nâng cấp, đổi mới tạp chí điện tử Sông Lam.
Và trước mắt, chúng tôi đã chuẩn bị cho việc tập huấn, đào tạo nhân lực; nâng cao kỹ năng công nghệ thông tin, thay đổi tư duy từ báo in truyền thống đến làm báo đa phương tiện cho tất cả các cán bộ, phóng viên của tòa soạn. Chúng tôi kêu gọi sự giúp đỡ và kinh nghiệm từ các báo bạn, các đồng nghiệp ở nhiều nơi để có thể chuẩn bị cho mình về tâm thế, kỹ năng thay đổi và chuyển đổi.
Không gian phát triển mới cần những quy định mới, kỹ năng mới, cách thức hoạt động mới. Không gian số thì cần quy định số, văn hóa số, ứng xử số... Tạp chí đã quán triệt quan điểm này để từng bước xây dựng văn hóa công sở thời “chuyển đối số”.
Báo chí văn nghệ: Cần những “chất xúc tác” để bắt nhịp với chuyển đổi số

Báo chí văn nghệ: Cần những “chất xúc tác” để bắt nhịp với chuyển đổi số

Báo chí văn nghệ: Cần những “chất xúc tác” để bắt nhịp với chuyển đổi số

Báo chí văn nghệ: Cần những “chất xúc tác” để bắt nhịp với chuyển đổi số

Báo chí văn nghệ: Cần những “chất xúc tác” để bắt nhịp với chuyển đổi số
PV:Trân trọng cảm ơn các anh/chị nhà báo đã dành cho Người Hà Nội cuộc trò chuyện thú vị này!

(0) Bình luận
  • Thú vị ngôn từ
    Nhà văn viết truyện ngắn, tiểu thuyết nếu chỉ kỳ công ở việc tạo cốt truyện, kết cấu tác phẩm, xây dựng nhân vật cùng các mối quan hệ, số phận con người mà quên mất trau chuốt ngôn từ thì sẽ giảm đi nhiều phần giá trị tác phẩm. Để thỏa mãn bạn đọc thì rất cần những trang viết hấp dẫn, lôi cuốn bởi ngôn từ, như miêu tả người và cảnh, diễn đạt trữ tình nội tâm…
  • Mùa xuân vãn chuyện bút danh
    Bút danh của nhà báo, nhà văn Việt Nam là một chủ đề phong phú, độc đáo. Đó không chỉ là một cái tên, mà còn ẩn chứa câu chuyện riêng, gắn liền với kỷ niệm, tình cảm và sự sáng tạo. Dù tên thật hay ngẫu nhiên, mỗi bút danh đều phản ánh một phần tâm hồn và hành trình của người viết.
  • Rắc rối con số
    Số 0. Cách viết số 0 đặt trước một, hai số khác (hoặc cả dãy số) đã có từ lâu. Đã nhiều năm rồi ít thấy. Mới đây, cách viết ấy lại xuất hiện nhiều, tạo thuận lợi cho đời sống xã hội thời đổi mới - hội nhập, nhưng cũng gây ra không ít phiền toái và hài hước.
  • Nói chệch, viết trật
    Chữ viết sai chính tả do một số nguyên nhân, mà nguyên nhân chính là phát âm không chuẩn (có nơi không sửa được tật nói ngọng). Bài viết này chỉ nêu một số trường hợp dễ thấy nhất.
  • Tác phẩm văn học chuyển thể thành phim - nhìn từ "Đất rừng phương Nam"
    Bộ phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, đã vượt mốc 100 tỷ doanh thu phòng vé sau hơn 10 ngày công chiếu.
  • Nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát biển Việt Nam được Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định như thế nào?
    Điều 10, Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát biển Việt Nam.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • [Podcast] Câu chuyện truyền thanh: Quy định về phối hợp giữa cảnh sát biển Việt Nam và lực lượng chức năng liên quan
    Tổ công tác rời UBND thành phố sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền, ngày mai họ sẽ xuống các huyện, xã để tiếp tục công việc của mình. Đêm cuối tại thành phố nên Nam bảo mọi người tuỳ ý di tản đi chơi. Trời đêm phố biển sáng rực rỡ bởi ánh đèn ở khắp nơi, Nam và Hải đang vừa đi vừa nói chuyện thì chợt có tiếng gọi...
  • Triển lãm ảnh "Hà Nội trong tôi" - lời tỏ bày tình yêu với Hà Nội
    Từ 28/9/2024 đến 29/10/2024, tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm (đoạn đối diện tượng đài Vua Lê Thái Tổ), Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với Chi hội Nhiếp ảnh - Báo chí (Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội) tổ chức triển lãm ảnh với chủ đề “Hà Nội trong tôi”. Triển làm là một hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
  • Liên hoan hát then - đàn tính và xòe Thái lần thứ VI
    Với chủ đề "Hát Then, đàn Tính và nghệ thuật Xòe Thái Lai Châu - tinh hoa tỏa sáng", các hoạt động nghệ thuật diễn ra tại Liên hoan có nội dung ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, con người, nét đẹp trong đời sống tín ngưỡng mang đậm bản sắc văn hóa độc đáo, thông qua hình thức hát Then, đàn Tính, múa trong Then và nghệ thuật Xòe Thái của đồng bào dân tộc Thái.
  • Hội sách Hà Nội 2024: Cầu nối của tri thức, lan tỏa văn hóa đọc
    Tối 27/9, Hội sách Hà Nội lần thứ IX - năm 2024 với chủ đề “Hà Nội: Thủ đô văn hiến, anh hùng - Thành phố Vì hòa bình” đã khai mạc tại Vườn hoa đền Bà Kiệu, trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội.
  • [Video] “Hà Nội và Tôi”: Bồi đắp và lan tỏa tình yêu Hà Nội
    Ngày 27/9 tại phố Sách Hà Nội (phố 19/12, quận Hoàn Kiếm). Tạp chí Người Hà Nội đã tổ chức Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi viết “Hà Nội & Tôi”. Nhà báo Vương Minh Huệ - Tổng biên tập Tạp chí Người Hà Nội, Trưởng ban tổ chức cuộc thi khẳng định, hàng trăm tác phẩm dự thi cuộc thi viết Hà Nội và tôi đã phản ánh sinh động những nét văn hóa đặc trưng của mảnh đất Hà thành, góp phần lan tỏa một Hà Nội văn hiến – văn minh – hiện đại.
  • [Podcast] Một số nội dung mới cơ bản của Luật Thủ đô (sửa đổi)
    Luật Thủ đô (sửa đổi) Quy định các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô, bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013. Luật Thủ đô (sửa đổi) được đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật, không phải là đạo luật thay thế toàn bộ hệ thống pháp luật hiện hành, áp dụng riêng cho Thủ đô.
  • Phát triển du lịch gắn với bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống ở A Lưới
    Phát triển du lịch sinh thái và cộng đồng gắn với bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống dân tộc của huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) để đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách.
  • "Đào, phở và piano" tham dự giải Oscar
    Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lựa chọn bộ phim: Đào, Phở và Piano (Công ty Cổ phần Phim truyện 1 sản xuất), đại diện Việt Nam tham dự Vòng sơ tuyển giải thưởng Phim truyện quốc tế - Oscar (2024 – 2025)
  • Long Biên: Khai mạc chuỗi sự kiện chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
    Tối 26/9, UBND quận Long Biên tổ chức khai mạc chuỗi sự kiện, hoạt động xúc tiến thương mại - văn hóa thể thao chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).
  • Xúc tiến thương mại gắn kết quảng bá du lịch, văn hóa quận Bắc Từ Liêm
    Chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), tối 26/9, tại Công viên Hòa Bình (Hà Nội), Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội phối hợp với UBND quận Bắc Từ Liêm khai mạc Hội chợ xúc tiến thương mại gắn kết quảng bá du lịch, văn hóa quận Bắc Từ Liêm.
Báo chí văn nghệ: Cần những “chất xúc tác” để bắt nhịp với chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO