Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: BHXHVN).
Đáng chú ý, Luật BHXH và Luật BHYT được Quốc hội ban hành, đã tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý nhà nước về BHXH, BHYT. Đến nay, việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT đã đạt được những kết quả lớn. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, giải quyết và chi trả các chế độ chính sách vẫn còn tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT diễn ra với nhiều hình thức, nhiều mức độ khác nhau, có chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp...
Trước tình hình đó, Quốc hội đã nghiên cứu bổ sung một số tội danh về lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trong Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015, như: Điều 214, Điều 215 quy định về tội gian lận BHXH, BH thất nghiệp, BHYT và Điều 216 quy định về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ và các điều luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018.
Mặc dù vậy, đến nay, những quy định này vẫn chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cũng như chưa có văn bản hướng dẫn về hồ sơ, trình tự thực hiện chuyển hồ sơ vi phạm có dấu hiệu tội phạm về BHXH, BHYT sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự.
“Do đó, để có cơ sở phối hợp với các cơ quan tố tụng thực hiện theo Bộ luật Hình sự, BHXH Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học này với sự tham dự của các đơn vị, tổ chức liên quan, để thẳng thắn trao đổi, làm tiền đề phối hợp nghiên cứu xây dựng văn bản hướng dẫn hồ sơ, trình tự thủ tục và triển khai thực hiện các quy định của Bộ luật Hình sự liên quan lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trong thời gian tới”- Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu chia sẻ.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận 4 vấn đề, gồm: Các dấu hiệu phạm tội trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; phân biệt hành vi vi phạm hành chính với hành vi phạm tội trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Vai trò pháp lý của cơ quan BHXH các cấp trong quá trình tố tụng, các hành vi phạm tội về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo quy định của Bộ luật Hình sự. Yêu cầu hồ sơ, tài liệu ban đầu cơ quan BHXH phải cung cấp phục vụ công tác điều tra, tố tụng hình sự. Xây dựng quy trình thực hiện tố tụng hình sự trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp (cơ quan có thẩm quyền ban hành để cơ quan BHXH phối hợp tổ chức thực hiện).
Trong buổi sáng 11/10, các đại biểu, chuyên gia và diễn giả đã nghe 4 tham luận, gồm: Khái quát những điểm mới của Bộ luật Hình sự 2015 về các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm và các dấu hiệu pháp lý cụ thể của các tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm do TS.Trần Văn Dũng- Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự- Hành chính (Bộ Tư pháp) trình bày. Quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại trong Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 do TS.Trần Văn Dũng- Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự- Hành chính (Bộ Tư pháp) trình bày. Tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm theo Bộ luật Hình sự năm 2015 và một số vấn đề cần hướng dẫn trong Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao do TS.Nguyễn Chí Công- Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (TAND Tối cao) trình bày. Dấu hiệu phạm tội trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và một số kiến nghị nâng cao hiệu quả áp dụng do ông Hồ Văn Hùng- Phó Trưởng phòng 6 (Cục Cảnh sát Kinh tế, Bộ Công an) trình bày.
Ông Trần Văn Dũng- Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự- Hành chính (Bộ Tư pháp) cho biết: Hiện nay, việc gian lận, trục lợi trong lĩnh vực BHXH, BHYT có tính chất tương đối phổ biến, không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ, người dân, mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sự ổn định và phát triển của chính sách ASXH, ảnh hưởng đến mục tiêu thu hút đầu tư của Đảng và Nhà nước. Hơn nữa, trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế và hội nhập, thì việc bảo đảm sự ổn định và phát triển của chính sách ASXH, bảo vệ lực lượng lao động là một yêu cầu tất yếu. Vì vậy, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung thêm 4 tội danh liên quan đến lĩnh vực này, đó là tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm (Điều 213); tội gian lận BHXH, BH thất nghiệp (Điều 214); tội gian lận BHYT (Điều 215) và tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ (Điều 216).
Theo ông Dũng, sự ra đời của Bộ luật Hình sự năm 2015 đánh dấu bước phát triển mang tính đột phá trong chính sách hình sự và tư duy lập pháp hình sự của Nhà nước ta. Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp hình sự, Bộ luật Hình sự quy định trách nhiệm hình sự của tổ chức- pháp nhân thương mại. Điều này đã làm thay đổi tư duy có tính truyền thống về tội phạm và hình phạt, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống các hành vi phạm tội do pháp nhân thương mại thực hiện ở Việt Nam trong những năm gần đây.
TS.Nguyễn Chí Công- Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (TAND Tối cao) nhận định: Việc tội phạm hóa một số hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm không chỉ cho thấy các hành vi này có tính phổ biến và gây nguy hiểm đáng kể cho xã hội, đòi hỏi phải có chế tài hình sự để xử lý, mà còn thể hiện rõ quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong việc bảo vệ và phát triển hệ thống ASXH. Những quy định này cùng với một loạt các đạo luật khác được Quốc hội thông qua gần đây (Bộ luật Lao động, Luật Việc làm, Bộ luật Tố tụng hình sự…) đã tạo ra nhiều cơ chế để thực thi cũng như phương thức để xử lý các hành vi vi phạm, đã và đang mang lại những hiệu quả nhất định.
Tuy nhiên, để các quy định trên của Bộ luật Hình sự được áp dụng thống nhất, đúng quy định, thì cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Cụ thể, về tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm và thực tiễn thi hành thời gian qua, có một số vấn đề cần phải hướng dẫn trong Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán liên quan đến khái niệm, tình tiết trong các điều luật, như: Gian lận BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; trốn đóng bảo hiểm; thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; có tính chất chuyên nghiệp...
Ông Hồ Quang Hùng- Cục Cảnh sát Kinh tế (Bộ Công an) chia sẻ: Việc quy định các tội danh là rất cần thiết để tạo cơ sở pháp lý trong xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và hành vi vi phạm quyền thụ hưởng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Để làm được điều này, cần dựa trên các dấu hiệu phạm tội, đó là: Khách thể của tội phạm gian lận BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; mặt khách quan của tội phạm, mặt chủ quan của tội phạm và chủ thể của tội phạm. Thứ hai, phải có đủ các các chứng cứ chứng minh tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tương ứng với các dấu hiệu trên, như: Vật chứng, tài liệu, giấy tờ; lời khai người làm chứng, lời khai của bị can và bị cáo; kết luận giám định, biên bản khám xét, khám nghiệm và các hình thức chứng cứ khác.
Do vậy, để nâng cao hiệu quả áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự, ông Hùng kiến nghị: Bộ Công an cần chủ động phối hợp hoặc phối hợp tích cực với Bộ Tư pháp, Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao và BHXH Việt Nam, nhằm sớm ban hành thông tư hướng dẫn áp dụng các điều luật quy định về tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và việc xử lý pháp nhân thương mại phạm tội trong lĩnh vực này. Bên cạnh 3 tội danh đã được quy định trong Bộ luật Hình sự, theo ông Hùng, nên bổ sung thêm quy định về xử lý hình sự đối với những hành vi phạm tội khác liên quan đến quản lý và thực hiện BHXH, BHYT, BH thất nghiệp thay vì vẫn cần viện dẫn các điều luật khác trong Bộ luật Hình sự để xử lý như hiện nay.
Chính phủ cần ban hành Nghị định riêng quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm, trên cơ sở tách bạch Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH và đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; từ đó tạo hành lang pháp lý đầy đủ, cho phép xử lý hiệu quả các hành vi phạm tội về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
Ngoài ra, tiếp tục tăng cường quan hệ phối hợp giữa các đơn vị chức năng trong quản lý và đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm thông qua việc ký và thực hiện các Quy chế phối hợp. Trong đó, BHXH Việt Nam và Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (Bộ Công an) cần tiếp tục duy trì nâng cao hiệu quả quy chế phối hợp mới được ký kết gần đây.
Trong phần thảo luận buổi sáng, các đại biểu đã đặt câu hỏi, gợi mở nhiều vấn đề liên quan đến tội gian lận BHYT (Điều 215), như: Yếu tố kê khống hồ sơ bệnh án; việc “rộng tay” trong kê đơn thuốc, kéo dài ngày giường điều trị; tình trạng nhiều DN cố tình đóng BHXH cho NLĐ ở mức thấp hơn rất nhiều so với thu nhập.
Buổi chiều, các đại biểu tiếp tục nghe 4 tham luận, gồm: “Xử lý vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp- thực trạng và giải pháp” do ThS.Nguyễn Thị Hồng Thắm- Thanh tra viên chính (Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ) trình bày. “Bảo vệ NLĐ trước những hành vi xâm hại của tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp” do ThS.Ngọ Duy Hiểu- Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam trình bày. “Những vi phạm phổ biến được phát hiện qua thanh tra thực hiện chính sách BHXH, BH thất nghiệp tại các DN và những khó khăn, vướng mắc trong xử lý vi phạm” do ông Nguyễn Anh Tuấn- Trưởng phòng Thanh tra BHXH (Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH) trình bày. “Một số bài học kinh nghiệm qua công tác đấu tranh chuyên án 514L với các đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền BHYT trên địa bàn TP.Hải Phòng” do ông Nguyễn Thế Linh- Phó Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an Hải Phòng) trình bày.
Là cơ quan đại diện cho NLĐ, ThS.Ngọ Duy Hiểu- Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã nêu thực trạng nợ đọng BHXH và những thiệt hại tác động đến NLĐ. Theo ông Hiểu, từ năm 2013 đến năm 2015, tổng số nợ BHXH tăng từ 6.257 tỉ đồng lên 7.061 tỉ đồng. Năm 2017, số nợ BHXH có giảm, nhưng vẫn ở mức 5.737 tỉ đồng. Trong đó, số nợ khó thu là 1.667 tỉ đồng; số nợ không thể thu hồi là 476 tỉ đồng. Nguyên nhân là do các DN đã và đang giải thể, phá sản, có chủ là người nước ngoài bỏ trốn.
Có thể khẳng định, tình hình vi phạm pháp luật của các pháp nhân là DN diễn ra khá phổ biến, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế- xã hội, có xu thế tăng, với tính chất và mức độ ngày càng nghiêm trọng. Ông Hiểu cho rằng, nhiều vụ đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015. Với Bộ luật Hình sự năm 2015, lần đầu tiên, pháp luật Việt Nam có quy định xử lý hình sự các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp- tạo cơ sở pháp lý nghiêm khắc hơn đối với các hành vi đang gây bức xúc xã hội.
Ông Nguyễn Anh Tuấn- Trưởng phòng Thanh tra BHXH (Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, qua công tác thanh tra đã phát hiện nhiều DN trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp thông qua việc thỏa thuận với NLĐ để ký kết HĐLĐ dưới 3 tháng, 1 tháng, mùa vụ, khoán việc, hợp đồng cộng tác viên, học nghề hoặc thử việc. Đáng nói, những HĐLĐ này có thời hạn rất dài, lặp lại nhiều lần. Về mức đóng, thường chỉ là mức tối thiểu vùng; đóng BHXH không đủ số người thuộc diện tham gia; vi phạm quy định làm hồ sơ hưởng chế độ ốm đau, dưỡng sức và phục hồi sức khoẻ… Do đó, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đang phối hợp với BHXH Việt Nam và Cục Việc làm tiến hành thanh tra việc thực hiện pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và giúp mang lại hiểu quả tích cực.
Chung quan điểm, ThS.Nguyễn Thị Hồng Thắm- Thanh tra viên chính (Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ) nhận định: Trong thời gian qua, việc giao chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho cơ quan BHXH đã giúp tăng cường các hoạt động thanh tra trong lĩnh vực bảo hiểm. Qua đó, đã phát hiện nhiều vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, NLĐ, hạn chế thất thoát quỹ BHXH, BHYT…
Tuy nhiên, theo bà Thắm, việc thực hiện truy đóng theo các quyết định xử phạt, yêu cầu thu hồi tiền từ các đối tượng được kiểm tra còn gặp nhiều khó khăn, khiến tỉ lệ nộp so với số bị truy đóng, thu hồi vẫn còn thấp; việc phát hiện và xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các vụ việc có dấu hiệu tội phạm còn hạn chế. Do đó, BHXH Việt Nam đã tăng cường phối hợp với các bộ, ngành nhằm thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, trong đó có phối hợp với Bộ Công an thực hiện nghiêm việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các vi phạm có dấu hiện tội phạm tại các Điều 214, Điều 215, Điều 216 Bộ luật Hình sự.
Trong phần thảo luận, các đại biểu đã cùng chia sẻ và gợi mở nhiều vấn đề xoay quanh việc triển khai thực hiện Bộ luật Hình sự về tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, như: Các giải pháp nhằm tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; trách nhiệm của thanh tra chuyên ngành đóng BHXH trong việc phát hiện, chuyển các dấu hiệu vi phạm, kiến nghị cơ quan điều tra xem xét, khởi tố với các tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; làm rõ về khái niệm pháp nhân thương mại để làm căn cứ xác định tội phạm trong lĩnh vực này…
Hầu hết các đại biểu đều đánh giá cao vai trò của thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của ngành BHXH. Đây được coi là bước quan trọng để có thể tiến tới xử lý hình sự các đơn vị, cá nhân vi phạm Luật BHXH, Luật BHYT. Vì vậy, theo các chuyên gia, thời gian tới, cần có giải pháp hữu hiệu hơn trong việc thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra của ngành BHXH; hoàn thiện quy định về công tác thanh tra; cũng như nâng cao chất lượng kết luận thanh tra và xử lý sau thanh tra...
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu nhấn mạnh, trên tinh thần làm việc hết sức tích cực, trách nhiệm và hiệu quả, Hội thảo đã hoàn thành các nội dung theo chương trình đề ra. Đặc biệt, các ý kiến tham luận hết sức đa dạng, phong phú, có giá trị về nhiều mặt, giúp cung cấp cho ngành BHXH những tư liệu mới, những đề xuất, kiến nghị và giải pháp, tạo cơ sở để BHXH Việt Nam xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong việc triển khai Bộ luật Hình sự được hiệu quả...
Trên tinh thần đó, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu đã giao Vụ Pháp chế chủ trì phối hợp với Vụ Thanh tra- Kiểm tra và các đơn vị có liên quan, trên cơ sở ý kiến đóng góp của các chuyên gia và các quy định của pháp luật, để tiếp thu, nghiên cứu xây dựng dự thảo văn bản hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện những quy định của Bộ luật Hình sự về tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
Thay mặt BHXH Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu đã đề nghị các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý tiếp tục có những ý kiến đóng góp, trao đổi, giúp ngành BHXH thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao, qua đó đảm bảo sự an sinh xã hội đất nước bền vững.