Emagzine

Bài cuối: Phát huy thanh lịch, tỏa sáng văn minh

Phương Anh 29/05/2023 15:55

Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa của đất nước, là sự kết tinh, tỏa sáng phẩm chất Việt Nam. Trong suốt hành trình phát triển, Thành phố Hà Nội luôn chú trọng và quan tâm tới việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; coi đây là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị, là nguồn lực nội sinh quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô.

bia-ky-3-_3_.jpg
0002.jpg
0003.jpg

Nét hào hoa, văn minh, thanh lịch đã được hun đúc, kết tinh qua bao thế hệ cho đến nay đã trở thành “định danh” khi nhắc tới văn hóa người Hà Nội. Đáng nói, nhiệm vụ phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh cũng đã được Thành phố xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, gắn với các chương trình hành động cụ thể. Trong giai đoạn 2021 – 2025, Thành ủy Hà Nội đã triển khai Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Theo đó, nhiệm vụ “xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh” được đặt song song với nhiệm vụ “phát triển văn hóa” và “nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”.

0002(2).jpg

Để thực hiện nhiệm vụ “xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh”, Thành phố tập trung vào 3 nội dung chính, bao gồm: Bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh và tinh thần thượng tôn pháp luật của người Hà Nội; Nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong việc thực hiện 2 quy tắc ứng xử; Phát huy hiệu quả của quy ước, hương ước và các giá trị văn hóa truyền thống trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh.

Đến nay, qua nửa chặng đường triển khai, Chương trình số 06-CTr/TU cũng đã đạt nhiều kết quả khả quan trong việc phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh. Nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng trong nhận thức người dân về văn hóa ứng xử, nếp sống văn minh, ý thức chấp hành pháp luật; phát huy sức mạnh tổng hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng các khu dân cư văn hóa, văn minh.

Có thể kể tới phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, “Người tốt, việc tốt”... đã tác động tích cực đến nhận thức của mỗi người, mỗi gia đình trong việc phát huy truyền thống thanh lịch của người Hà Nội trong cuộc sống hiện đại.

0003(1).jpg
ky-4-gin-giu-thanh-lich-2-_page-0001.jpg

Hay như mô hình “Dân vận khéo” đã góp phần giải quyết thành công nhiều việc mới, việc khó phát sinh ở cơ sở, góp phần củng cố niềm tin, mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân. Rồi cuộc thi “Giữ gìn ngõ phố xanh, sạch, trang hoàng đường phố đẹp” đã không còn dừng lại ở một cuộc thi, mà đã được nhân rộng, triển khai đến hầu khắp các quận, huyện, thị xã tạo nên một phong trào, thành nét văn hóa tích cực, đúng với mục tiêu mà thành phố đang hướng tới.

Theo số liệu của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội, năm 2022, thành phố có 88% gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, 63% thôn (làng) đạt danh hiệu Làng văn hóa, 72,5% tổ dân phố đạt danh hiệu Tổ dân phố văn hóa. Hầu hết các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đều tập trung xây dựng đời sống văn hóa cơ sở phù hợp với nhu cầu của nhân dân.

0004(1).jpg

Đáng chú ý, việc triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc Thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thủ đô đã dần đi vào cuộc sống, góp phần làm chuyển biến nhận thức và hành động của người dân Thủ đô, từng bước hình thành nếp văn hóa người Hà Nội.

Với mục tiêu phấn đấu xây dựng Thành phố Hà Nội tiêu biểu về lối sống và phong cách ứng xử văn hóa, Thành phố đã ban hành Hướng dẫn triển khai thực hiện nâng cao chất lượng xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh, nâng cao hiệu quả xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước, thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2022 - 2025… Trên địa bàn huyện Gia Lâm, các xã Đa Tốn, Phù Đổng, Dương Xá… là một trong những địa phương tiêu biểu trong việc thực hiện tốt hương ước, quy ước. Trong đó, thôn Thuận Tốn, xã Đa Tốn đã mạnh dạn đưa vào hương ước của thôn quy định về thực hiện tang văn minh, tiến bộ loại bỏ các hủ tục đã tồn tại lâu đời trong đời sống của cư dân…

0005(1).jpg

Bên cạnh đó, Thành phố còn tổ chức nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh văn hóa đọc; không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục lịch sử địa phương gắn với giáo dục nếp sống văn hóa trong các nhà trường. Bà Ngô Minh Hồng - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin quận Thanh Xuân cho hay: “Quận đã triển khai thực hiện nghiêm túc và hiệu quả nội dung giáo dục lịch sử địa phương Hà Nội, giáo dục truyền thống quận Thanh Xuân với nhiều nội dung và hình thức phong phú: Liên hệ, tích hợp trong các bài học chính khóa; tổ chức hoạt động ngoại khóa, tham quan các điểm di tích, tổ chức và tham gia các cuộc thi tìm hiểu về quận, về phường, nhận chăm sóc các công trình văn hóa... Đặc biệt, quận đã chỉ đạo biên soạn, xuất bản “Tài liệu giáo dục Lịch sử truyền thống quận Thanh Xuân” để sử dụng giảng dạy và học tập thống nhất trong các trường phổ thông trên địa bàn. Nội dung này đang được thực hiện rất hiệu quả góp phần quan trọng trong việc cung cấp kiến thức, hiểu biết về lịch sử địa phương, giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ quận Thanh Xuân”.

ky-4-gin-giu-thanh-lich.jpg

Nhiều phương thức truyền thông đã góp phần lan tỏa mạnh mẽ nếp sống văn minh, thanh lịch không chỉ tới từng người dân đang sinh sống tại Thủ đô mà còn hướng tới bạn bè quốc tế, đưa bản sắc Hà Nội hội nhập với dòng chảy quốc tế. Tại SEA Games 31, Thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-UBND “về việc thực hiện nếp sống văn minh, trang trí, vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố hướng tới Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31”. Các cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật, cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền về “Phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch”, giải báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh... cũng đã được phát động góp phần khơi dậy niềm tự hào cũng như ý thức, trách nhiệm vun đắp nếp sống văn minh.

ky-4-gin-giu-thanh-lich-_20_.jpg
0009.jpg

Tại Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, cần phải xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại, tôn trọng pháp luật. Người Hà Nội phải sống thực sự có văn hóa, tiêu biểu cho văn hóa dân tộc. Đó là lối sống nhân ái, nghĩa tình, thủy chung, trong sáng. Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã khẳng định: “Xây dựng người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam”.

Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã khẳng định: “Xây dựng người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam”.

0006(1).jpg

Qua nửa chặng đường thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU có thể thấy bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận thì vẫn còn những “điểm nghẽn” từ cả phía cấp ủy, chính quyền cũng như người dân trong việc triển khai, cụ thể hóa các mục tiêu mà Chương trình đã đề ra. Như nhận định của Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 06/CTr-TU Nguyễn Văn Phong thì: “Trong ba lĩnh vực trọng tâm của Chương trình, một số địa phương, đơn vị mới tập trung chủ yếu vào lĩnh vực văn hóa - xã hội, chưa coi trọng, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Chính vì thế, nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh với những nội dung cụ thể đã được đề ra trong Chương trình 06 phải là một công việc lâu dài, thường xuyên, mang tính chất tiếp nối và phát triển.

0007(1).jpg

“Trong bối cảnh phát triển và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước cũng đặt ra nhiều thách thức trong bảo tồn, xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc, con người Việt Nam cũng như Thủ đô Hà Nội. Những biến động phức tạp, khó lường về tình hình chính trị, kinh tế quốc tế; sự xâm nhập của các luồng văn hóa phẩm độc hại và hiện tượng lai căng; tác động từ mặt trái kinh tế thị trường đã ảnh hưởng không nhỏ đến các chuẩn mực đạo đức xã hội. Hiện tượng phai nhạt lý tưởng, lối sống thực dụng, vị kỷ, vô cảm; sự vô trách nhiệm, thiếu kỷ luật trong lao động, hoạt động công vụ, một số biểu hiện, xu hướng lệch lạc trong sáng tác, trình diễn, cảm thụ văn học, nghệ thuật chưa được khắc phục. Môi trường văn hóa bị ô nhiễm và có những biểu hiện phức tạp. Những tệ nạn tiêu cực trong hoạt động quản lý văn hóa chậm được ngăn chặn, đẩy lùi, tác động xấu đến quá trình phát triển văn hóa, xây dựng đạo đức, nhân cách, lối sống của con người Việt Nam nói chung, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh nói riêng”. Đây là những dự báo đã được Thành phố xác định rõ và cũng là những thách thức đặt ra trong việc triển khai Chương trình 06 giai đoạn tới, trong đó có nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

0008(1).jpg

Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, để thực hiện nhiệm vụ này, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp: Tuyên truyền bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh, gương mẫu và tinh thần thượng tôn pháp luật của người Hà Nội; Nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong việc thực hiện 2 quy tắc ứng xử; Phát huy hiệu quả của quy ước, hương ước và các giá trị văn hóa truyền thống trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh…

Để gìn giữ nét thanh lịch, tỏa sáng văn minh, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng người Hà Nội hôm nay cần biết gạn đục, khơi trong, kiên trì thu nạp và dung hòa cái cũ - cái mới, nhân lên những điều tốt, việc thiện từ trong gia đình, thôn, xóm, tổ dân phố tới cơ quan, trường học, doanh nghiệp…

ThS. Hà Đỗ Quyên, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định xây dựng con người văn minh chính là nhân tố cốt lõi góp phần xây dựng văn minh đô thị Hà Nội hiện nay. “Có thể nói, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh cũng chính là xây dựng văn hóa đô thị, lối sống đô thị. Tạo ra một lối sống đô thị mà ở đó có sự quyện hòa giữa nét thanh lịch cổ truyền với văn minh, thanh lịch, hiện đại, thích ứng với thời kỳ hội nhập đó không phải là việc có thể thực hiện trong một sớm một chiều” - ThS. Hà Đỗ Quyên nhận định.

ky-4-gin-giu-thanh-lich-_17_.jpg

Theo PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, hiện nay, Thành phố Hà Nội đề ra việc xây dựng con người văn minh cũng có nghĩa là đòi hỏi mọi người phải luôn luôn vươn lên với tầm cao của văn hóa. Toàn cầu hóa và nền kinh tế tri thức với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển nhanh chóng và lôi cuốn mọi dân tộc vào trong guồng máy chung của thời đại. Thời cơ và thách thức đều đặt ra đối với tất cả mọi dân tộc. Tình hình trên đòi hỏi mỗi một quốc gia dân tộc phải có những con người thông minh, cơ chế chính sách thông minh, tổ chức thực tiễn thông minh với một kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đáp ứng của tiến bộ, văn minh.

ao-dai-16-13111219.jpg

Với vị thế là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, vấn đề phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội, thanh lịch, văn minh luôn được Đảng bộ và nhân dân Hà Nội coi trọng, đặt thành một trong những nhiệm vụ chủ yếu trong tiến trình đổi mới Thủ đô. Đây cũng chính là giải pháp căn cốt góp phần tạo dựng căn cước văn hóa người Hà Nội, tiếp nối mạch nguồn văn hiến ngàn năm./.

Tác giả: Miên Thảo

Thiết kế: Phương Anh

29/05/2023 15:55

Bài liên quan
  • Bài 3: Nhà văn Trần Chiến: “Rễ sâu, cành khỏe thì không sợ gió to”
    Nhà văn Trần Chiến là người phố “Hàng”. Lịch sử gia đình cũng lại gắn bó sâu đậm với thăng trầm của Thăng Long - Hà Nội. Nhưng đời lính, đời báo, đời văn đã dẫn bước chân ông đi nhiều vùng đất. Có thể từ đó mà ông có “cái nhìn về” Hà Nội một cách thấu hiểu, tỉnh táo, dí dỏm hơn. Câu chuyện về căn cước văn hoá đô thị Hà Nội qua cuộc trò chuyện với nhà văn Trần Chiến dưới đây hy vọng mang đến cho độc giả một góc nhìn gần gũi hơn về vấn đề này.
(0) Bình luận
  • Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả
    Tổng Bí thư Tô Lâm gần đây đã có bài viết “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” với những yêu cầu, giải pháp cấp bách thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị. Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhận được sự quan tâm và đồng tình của các cán bộ, đảng viên trên khắp cả nước, kỳ vọng chủ trương của Đảng và sự quyết liệt của người đứng đầu trong thực hiện sẽ làm bộ máy thực sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
  • Cột cờ Hà Nội: Chứng nhân lịch sử ngày tiếp quản Thủ đô
    Nằm trong khuôn viên của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trên đường Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, Hà Nội, Cột cờ Hà Nội là di tích lịch sử thời Nguyễn còn tương đối nguyên vẹn nhất trong khu vực Hoàng thành Thăng Long kể từ đầu thế kỷ XIX đến nay. Nơi đây, đúng vào ngày 10/10/1954, lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng của nước Việt Nam độc lập được kéo lên đỉnh Cột cờ, tung bay trên bầu trời Hà Nội.
  • Dấu son ngoại giao văn hóa Thăng Long – Hà Nội
    Hà Nội với vị thế là Thủ đô – trái tim của Việt Nam, đã thể hiện được vai trò đầu tàu, dẫn dắt trong hầu hết các lĩnh vực kể từ khi thành lập nước (2/9/1945), đến ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954), tới ngày thống nhất non sông (1975) và hiện tại. Trong đó, Hà Nội đạt được nhiều thành tựu nổi bật về ngoại giao, nhất là ngoại giao văn hóa, trở thành điểm sáng và hình mẫu của cả nước.
  • Chờ đợi sự bứt phá và sáng tạo
    Xây dựng Thủ đô thời kỳ đổi mới là một trong số những đề tài đã được các tác giả phản ánh trong nhiều tác phẩm mỹ thuật đương đại. Là một đề tài mũi nhọn, được nhiều công chúng và giới chuyên môn kỳ vọng, nhưng thực tế mảng sáng tác này vẫn còn “thiếu” và “yếu” đòi hỏi cần có sự dấn thân, đột phá và sáng tạo của cá nhân mỗi nghệ sĩ.
  • Góc nhìn lịch sử mới mẻ, lãng mạn và hào hoa
    Sau gần 3 tháng phát động, Cuộc thi Sáng tác tranh cổ động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) đã khép lại với Lễ trao giải thưởng và khai mạc triển lãm được tổ chức tại Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền, Hà Nội (từ 10/8 đến 31/8). Những tác phẩm được giới thiệu tại triển lãm góp phần tuyên truyền đậm nét về mốc son và ý nghĩa của Ngày Giải phóng Thủ đô, đồng thời mang đến những góc nhìn mới mẻ về lịch sử hào hùng của Thành phố nghìn năm văn hiến.
  • Kỷ niệm về bức bích họa chào mừng Ngày Giải phóng Thủ đô
    Tháng 10 năm 1978, học xong chương trình cao học ở Sophia, nước CHND Bungari, chuyên khoa tranh hoành tráng, tôi về làm việc ở Xưởng Mỹ thuật Quốc gia - nơi tập trung các họa sĩ có tên tuổi để sáng tác và thực hiện những bức tranh và những bức tượng đài có tầm vóc lớn cả về nội dung tư tưởng và hình thức mà các họa sĩ đơn lẻ không thể thực hiện được.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Phát huy thanh lịch, tỏa sáng văn minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO