Văn hóa – Di sản

Đánh thức di sản Thủ đô: Bảo tồn, tái tạo và phát huy giá trị của nghệ thuật truyền thống:Bài cuối: Múa rối nước Đào Thục - đưa nghệ thuật truyền thống thành sản phẩm du lịch hấp dẫn

Trung Kiên 15/07/2023 06:50

Múa rối nước làng Đào Thục (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội) trải qua 300 năm tồn tại, có lúc đứng trước nguy cơ mai một bởi tác động của đời sống xã hội. Song các thế hệ nghệ nhân, người dân làng Đào Thục vẫn bền bỉ gìn giữ nghề, lan tỏa múa rối nước truyền thống tới cộng đồng.

Trăm năm tồn tại, phát triển

Làng Đào Thục cách trung tâm Hà Nội gần 30km. Hiện nay làng có thủy đình, phường rối nước với hơn 50 nghệ nhân tham gia biểu diễn các tích trò. Tương truyền, ông Đào Đăng Khiêm – một quan triều đình thời Hậu Lê khi rời quan trường, đã đưa rối nước về làng Đào Thục, truyền dạy cho người dân ở mảnh đất này về các tích trò, cách điều khiển các con rối trên mặt nước. Vì thế người dân nơi đây suy tôn ông làm tổ nghề.

toinoc.jpg
Khách du lịch xem múa rối nước tại sân khấu thủy đình Đào Thục. 
roi-dao-thuc.jpg
Múa rối nước Đào Thục vẫn gìn giữ, bảo tồn được hơn 10 tích trò cổ.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Phi (phường rối nước Đào Thục) cho biết, đến nay người dân và nghệ nhân vẫn gìn giữ, bảo tồn được hơn 10 tích trò cổ. Đa số các tích trò ở làng Đào Thục gắn với công việc sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam như người nông dân cày bừa, cấy lúa…, các trò chơi dân gian đánh đu, múa hát. Cùng đó, múa rối nước Đào Thục diễn những điển tích, truyền thuyết trong kho tàng văn hóa Việt Nam như Thạch Sanh đánh Trăn Tinh, sự tích Sọ dừa, chú Cuội...

“Trong các tích trò rối nước ở Đào Thục bây giờ, chúng tôi còn sử dụng âm nhạc dân tộc như chèo, ca trù. So với những nơi khác, rối nước Đào Thục có nét riêng là con rối vừa có thể chuyển động tịnh - tiến, đi chéo hoặc cử động được cả hai tay, từ đó giúp nghệ nhân có thể linh động, nhịp nhàng trong lúc biểu diễn”, nghệ nhân Nguyễn Văn Phi chia sẻ.

mua-roi-5-.jpg
Trải qua hàng trăm năm, các thế hệ nghệ nhân, người dân Đào Thục bền bỉ lưu giữ, phát triển múa rối nước của quê hương. 

Thường một tích trò có khoảng 8 nghệ nhân phường rối nước Đào Thục tham gia, tiết mục có nhiều nhân vật thì sẽ đông nghệ nhân hơn, họ “ngâm mình” dưới nước để điều khiển những con rối. Đặc thù diễn dưới nước sau tấm rèm tre, trước chưa có đồ bảo hộ, nghệ nhân rối nước Đào Thục gặp không ít trở ngại. Nhất là mùa đông, việc ngâm mình dưới làn nước rét buốt để điều khiển con rối đòi hỏi nghệ nhân vừa phải có sức khỏe, vừa phải có niềm đam mê, yêu nghệ thuật truyền thống thì mới có thể giữ lửa nghề.

Không chỉ biểu diễn các tích trò cổ gắn với truyền thống, nét đẹp văn hóa đất nước và con người Việt Nam, rối nước Đào Thục còn sáng tác thêm các tiết mục đương đại mang nhiều dấu ấn sáng tạo. Tiêu biểu có tiết mục Hà Nội 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không (tác giả - nghệ nhân Đinh Thế Văn, đạo diễn NSƯT Mạnh Hùng). Tiết mục tái hiện không khí lịch sử một thời. Những người nông dân đang vui vẻ cấy cày bỗng có tiếng kẻng vang lên, tiếng loa thúc giục mọi người sơ tán khẩn cấp vì “máy bay địch đang tiến vào Hà Nội”.

mua-roi-6-.jpg
Không chỉ biểu diễn các tích trò cổ, nghệ nhân múa rối nước Đào Thục còn sáng tác thêm các tiết mục đương đại mang nhiều dấu ấn sáng tạo.

Những đoàn máy bay kéo tới cắt bom, tiếng nổ rung chuyển đất trời. Từ dưới mặt đất tên lửa, pháo cao xạ đanh thép đáp trả. Chiếc máy bay địch trúng đạn bốc khói cố chạy đi xa nhưng chỉ được một đoạn thì nổ tung thành một quầng lửa giữa trời. Mọi thứ đi qua, người dân trở lại cuộc sống bình thường, đi bắt cá, cấy cày. Qua bàn tay khéo léo của nghệ nhân làng Đào Thục, hình ảnh rối là người nông dân, các anh bộ đội hiện lên sinh động, mềm mại; ánh sáng và âm thanh thể hiện cảnh quân ta bắn rơi máy bay địch đem lại nhiều cảm xúc với người xem. Thông qua Hà Nội 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không, nghệ nhân rối nước Đào Thục góp phần truyền dạy cho các thế hệ bài học anh dũng chống giặc ngoại xâm của quân dân Thủ đô nói riêng, Việt Nam nói chung.

Để rối nước trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn

Làng múa rối nước Đào Thục hiện nay có “quy trình khép kín” vì nơi này có cả các nghệ nhân chế tác, sửa chữa con rối. Những quân trò rối như chú Tễu, Thạch Sanh, Tấm Cám, cô tiên, người nông dân, chim phượng, rồng, hổ, con trâu, cái cày đều do các nghệ nhân trong làng thiết kế, chế tác. Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Phi, vật liệu để chế tác con rối thường là gỗ sung vì sung không chỉ nhẹ mà còn gắn bó mật thiết với người dân khi có ở trong vườn, bờ ao ở các gia đình. Chữ “sung” cũng hàm ý chỉ sự sung túc, hơn nữa khi phơi khô thì tỉ lệ hút nước của gỗ sung rất thấp.

mua-roi-3-.jpg
Khách du lịch nước ngoài tìm hiểu cách tạo hình con rối tại phường múa rối nước Đào Thục.

Từ việc đứng trước nguy cơ mai một bởi tác động của đời sống xã hội, được khôi phục ở những năm đầu 1980, hiện nay phường múa rối nước Đào Thục đã, đang dùng nghệ thuật truyền thống – dân gian để phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh địa phương.

Nhiều năm qua, phường múa rối nước Đào Thục biểu diễn các tích trò tại sân khấu thủy đình ngay đầu làng, có ngày 5 - 6 buổi phục vụ hàng ngàn du khách trong đó có nhiều khách nước ngoài, các em học sinh trong và ngoài Hà Nội. Sau khi xem xong các tích trò, khách du lịch có thể xuống thủy đình trải nghiệm trực tiếp cùng nghệ nhân về cách điều khiển con rối, hoặc tìm hiểu về cách chế tạo, tô màu con rối như một nghệ nhân thực thụ.

nghe-nhan.jpg
Nghệ nhân Nguyễn Văn Phi giới thiệu nét đặc sắc của con rối tới các em học sinh tham gia trải nghiệm.

“Khi du khách trải nghiệm thực tế với nghệ nhân, nhiều người mới hiểu rõ vì sao chỉ ở Việt Nam là quốc gia duy nhất có múa rối nước”, nghệ nhân Nguyễn Văn Phi chia sẻ. Ngoài việc biểu diễn thường xuyên tại sân khấu thủy đình của làng, phường múa rối nước Đào Thục có nhiều chuyến biểu diễn lưu động đến các trường học, trung tâm thương mại, điểm di tích mỗi khi có nhu cầu. 

Nỗ lực gìn giữ, bảo tồn

Tháng 3/2023, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ghi danh nghệ thuật múa rối nước Đào Thục vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Điều này chứng minh, múa rối nước làng Đào Thục mang trong mình những giá trị văn hóa nổi bật, không chỉ là di sản của Hà Nội mà đã thuộc về cả nước. Vì thế, Thành phố Hà Nội, huyện Đông Anh và chính quyền xã Thụy Lâm đặc biệt chú trọng công tác bảo tồn, gìn giữ múa rối nước Đào Thục.

mua-roi-1-.jpg
Nghệ nhân phường rối nước  Đào Thục biểu diễn lưu động tại trường học.

Phường múa rối nước những năm gần đây đã mở rộng liên kết với nhiều công ty du lịch để quảng bá trên các kênh truyền hình, website du lịch, mạng xã hội,… góp phần lan tỏa văn hóa múa rối nước Đào Thục tới cộng đồng.

Thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật múa rối nước truyền thống giai đoạn 2019 -2025”, UBND xã Thụy Lâm đã tổ chức, mở lớp bồi dưỡng, đào tạo cho nghệ nhân. Một lớp tập huấn được tổ chức trong 20 - 30 buổi, nội dung tìm hiểu về cách sử dụng các loại hệ thống sào, dây điều khiển con rối, các tích trò và được phụ trợ bởi tiếng trống, tiếng sáo.

Mỗi năm phường rối nước Đào Thục mở các lớp truyền nghề cho các bạn trẻ, người có đam mê với nghệ thuật truyền thống của quê hương. Sau khi tốt nghiệp, trong 2 năm, nếu vượt qua thử thách, đạt tiêu chuẩn “Từ - Tâm - Nghề”, các học viên mới được công nhận là nghệ nhân múa rối nước ở Đào Thục.

mua-roi-2-.jpg
Du khách nhí trải nghiệm điều khiển con rối cùng nghệ nhân tại thủy đình.

Phường rối nước cũng đẩy mạnh công tác phục dựng các tích trò cổ và các tích trò mới, biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị trên địa bàn xã và theo chỉ đạo của cấp trên, thường xuyên khai thác, sử dụng các cơ sở vật chất được đầu tư để tập luyện, tham gia các liên hoan, hội thi, hội diễn, các chương trình giao lưu. Các nhà trường trên địa bàn được UBND xã khuyến khích tổ chức các buổi ngoại khóa, trải nghiệm nghệ thuật múa rối nước  để thêm yêu, thêm hiểu và góp sức lan tỏa rối nước Đào Thục  đi muôn nơi.

Thăng Long - Hà Nội ôm trọn trong mình hàng nghìn di sản văn hóa phi vật thể, đây sẽ là kho tàng vô giá để phát triển du lịch; trong đó, các loại hình nghệ thuật truyền thống chính là “chìa khóa” để khai mở. Sự kết hợp giữ nghệ thuật truyền thống và du lịch sẽ là cơ hội vừa để quảng bá tinh hoa văn hóa, nghệ thuật của Hà Nội, vừa để tăng nguồn thu tạo tiền lực cho nghệ thuật truyền thống phát triển bền vững trước ngưỡng cửa hội nhập./.

Bài liên quan
  • Bài 4: Ca trù Lỗ Khê - xứng danh cái nôi ca trù Việt
    Làng Lỗ Khê (xã Liên Hà, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) là cái nôi nghệ thuật ca trù cả nước. Hơn 600 năm tồn tại, ca trù Lỗ Khê vẫn giữ nét riêng có, được bảo tồn và phát triển trong nhịp sống hiện đại.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Ra mắt bộ phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” - Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước
    Tối 31/3, tại Landmark 81 (TP.HCM) đã diễn ra sự kiện ra mắt bộ phim 'Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối'. Bộ phim tái hiện cuộc sống và quá trình chiến đấu của những du kích ở Củ Chi trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ.
  • Hình ảnh người mẹ qua các tác phẩm trong sách giáo khoa Ngữ văn hiện nay
    Trong thơ ca Việt Nam, hình tượng người mẹ không chỉ mang ý nghĩa sinh thành, dưỡng dục mà còn là biểu tượng của sự hi sinh thầm lặng, lòng bao dung vô hạn và những giá trị văn hóa truyền thống bền vững.
  • “Hồn Việt” và “dặm đời” trong thơ Lê Cảnh Nhạc
    Nhà báo, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc từng đảm nhiệm chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dân số, Tổng biên tập báo Gia đình và Xã hội, hiện đang là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội. Anh đã in bốn tập truyện và truyện kí cùng nhiều tập thơ như: “Khúc giao mùa” (2005), “Không bao giờ trăng khuyết” (2010), “Khúc thiên thai” (2015), “Non nước đàn trời” (2015). Tập thơ thứ 5 của anh có tên là “Đi về phía mặt trời”, do cơ duyên mà đến tay tôi. Tôi đọc và không khỏi ngạc nhiên, khâm phục trước sức cảm, sức viết của anh. Nhan đề của tập thơ giàu tính biểu tượng, thể hiện khái quát nội hàm hướng về mặt trời, hướng về ánh sáng.
  • [Podcast] Bánh đúc riêu cua – Món ngon của người Hà Nội xưa
    Hà Nội là nơi lưu giữ những hương vị khó quên với những món ăn không quá cầu kỳ nhưng lại chứa đựng biết bao tinh túy của đất trời, của văn hóa, của con người, được tích tụ và lan tỏa theo chiều dài hơn 1000 năm lịch sử. Và có một món ăn dân dã, bình dị nhưng đã đi cùng bao thế hệ người Hà Nội, nhất là những ai từng lớn lên trong những con phố nhỏ. Một món ăn mà chỉ cần nghe tên thôi cũng đủ gợi lên cả một trời ký ức: Bánh đúc riêu cua.
  • Hà Nội: Đẩy nhanh tiến độ khởi công và xây dựng 43 cụm công nghiệp
    UBND TP Hà Nội ban hành Thông báo số 171/TB-VP ngày 31/3 về kết luận của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền tại cuộc họp rà soát quy trình thành lập cụm công nghiệp.
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Múa rối nước Đào Thục - đưa nghệ thuật truyền thống thành sản phẩm du lịch hấp dẫn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO