Bài 2 và hết: “Nếu tôi nghỉ, nghề làm đàn Đào Xá sẽ bị xóa sổ”
Sau thời hoàng kim, làng nghề Đào Xá vẫn có tên trên bản đồ làng nghề truyền thống của Hà Nội. Nhưng gọi “làng nghề” với Đào Xá hiện nay có thể không còn hợp, bởi cả làng hiện chỉ còn một người làm nghề, giữ nghề, đó là anh Đào Anh Tuấn (con trai nghệ nhân ưu tú Đào Văn Soạn, đã mất năm 2022), năm nay 56 tuổi.
Dần lụi tàn, bên bờ vực bị xóa sổ
Thời hưng thịnh nhất của làng nghề làm đàn Đào Xá từ giữa thế kỷ XIX. Đến cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp có 90% người dân trong làng sống với nghề, đi tới vùng đất này ai cũng nghe tiếng đục, tiếng gõ, người thợ so dây, thử phím. Đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, do điều kiện xã hội và kinh tế khó khăn, những người làm đàn tại Đào Xá gần như ngưng hoạt động. Đất nước thống nhất và tới những năm 1990, nhờ chính sách đẩy mạnh khôi phục văn hóa truyền thống của Nhà nước, nghề làm đàn làng Đào Xá dần có những bước chuyển mình, được khôi phục.
Tuy nhiên, càng về sau, số hộ gia đình làm đàn ở Đào Xá giảm dần, từ 10 hộ xuống 7 hộ, rồi 5 hộ. Đến năm 2020 chỉ còn 2 hộ và hiện tại ở làng Đào Xá, anh Đào Anh Tuấn là người duy nhất còn gìn giữ nghề làm đàn do ông cha để lại. Người làng Đào Xá đã chuyển sang các nghề khác có thu nhập cao hơn, trong khi đó những năm gần đây, các khu công nghiệp mọc lên, lớp thanh niên ở Đào Xá hầu như đổ ra các khu công nghiệp tại các thành phố lớn để đi làm vì thu nhập khá, ổn định. Bây giờ “làng nghề Đào Xá” chỉ còn đúng trong quá khứ, còn thực tế còn một người làm nghề thì không thể là “làng”.
Nối nghiệp cha – nghệ nhân ưu tú Đào Văn Soạn, anh Tuấn đã có hơn 10 năm làm nghề. Giọng đầy tự hào, anh Tuấn cho biết, so với đàn tranh của Trung Quốc, đàn tranh làng Đào Xá khi ngân lên vẫn thánh thót hơn, tiếng đàn tranh của nước bạn trầm. Thêm nữa, đàn của nước khác thường sản xuất hàng loạt theo kiểu công nghiệp, còn đàn làng Đào Xá cơ bản còn thủ công và giữ nét độc đáo riêng.
Hàng tháng, cơ sở sản xuất của anh Đào Anh Tuấn bán ra thị trường hàng trăm cây đàn, trong đó đàn tranh và đàn nguyệt là hai loại nhạc cụ thuộc diện "best seller". Nhiều năm qua, anh Tuấn cũng đón tiếp nhiều nghệ sĩ đến đặt hàng, có những nhân vật nổi tiếng như nhạc sĩ Thao Giang, nghệ sĩ Bá Phổ, Bạch Tuyết, Bạch Vân… với những yêu cầu cao. Song với kinh nghiệm đã có, các loại đàn anh Tuấn làm cho cho các nghệ sĩ đều đảm bảo về thanh lẫn sắc, “không bị các nghệ sĩ trả lại”.
Chúng tôi hỏi anh Tuấn: “Ở làng còn mình anh giữ nghề làm đàn, anh có cho rằng nếu anh không làm nữa thì Đào Xá sẽ bị xóa sổ làng nghề hay không?”. Khuôn mặt người đàn ông đầy khắc khổ, đang hăng say kể nghề làm nhạc cụ truyền thống vốn là niềm tự hào của gia đình, quê hương bỗng trĩu nặng, ưu tư. “Nếu bây giờ tôi nghỉ, không còn ai theo học nữa thì chắc chắn nghề làm đàn Đào Xá sẽ biến mất. Làng còn 3 người biết làm nghề nhưng hai người đã chuyển nghề khác, còn có mỗi tôi”, anh Tuấn trải lòng.
Tiếng lòng đắng chát
Theo chia sẻ của anh Đào Anh Tuấn, trước khi mất, nghệ nhân ưu tú Đào Văn Soạn luôn trăn trở với việc đào tạo người kế cận, gìn giữ nghề truyền thống của cha ông. “Khi còn sống, bố tôi thường tâm sự, nếu như có người học nghề thì sẵn sàng truyền nghề một cách miễn phí, vô điều kiện nhưng cũng không ai học cả. Tôi bây giờ cũng vậy, chưa thể truyền nghề hay đào tạo được cho ai”, anh Đào Anh Tuấn cho biết, “thực ra, làm nghề này, hàng tháng bán được hàng trăm cái đàn, trừ các chi phí tôi cũng bỏ ra được một khoản, sống khỏe với nghề”.
Nhấm một hớp nước trà đã nguội, anh Tuấn cho biết thêm, do còn mình anh làm đàn, thời gian qua khi có các hội chợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề truyền thống được tổ chức, anh đều tham gia. Đến với các sự kiện này, có khi anh phải bỏ tiền túi hoặc may mắn được đơn vị bên ngoài quý mến nên họ hỗ trợ kinh phí. “Hơn 10 năm gắn bó với nghề, hình như có một lần xã hỗ trợ vài trăm nghìn để tôi tham gia hội chợ quảng bá sản phẩm”, anh Đào Anh Tuấn nở một nụ cười hiền, chia sẻ.
Theo Kế hoạch số 55 /KH-UBND ngày 18/2/2022 của UBND Thành phố Hà Nội về “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội đến năm 2025”, nghề làm đàn Đào Xá thuộc danh mục “Di sản văn hóa phi vật thể ưu tiên bảo vệ”. Nằm trong nhóm này, công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghề làm đàn Đào Xá nói riêng, các di sản khác nói chung được ưu tiên các nguồn lực. Trong đó khuyến khích việc duy trì, phục hồi và phát triển các nghề thủ công truyền thống có giá trị tiêu biểu. Chính quyền địa phương phối hợp với cộng đồng tổ chức các lớp truyền dạy nghề, giáo dục giá trị văn hoá làng nghề cho thế hệ trẻ tại địa phương…
Đối chiếu thực trạng làng nghề làm đàn Đào Xá hiện tại với công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản phi vật thể loại hình nghề thủ công truyền thống theo Kế hoạch số 55 /KH-UBND, có thể thấy giữa chính quyền địa phương và người giữ nghề, làm nghề đang có một... khoảng cách. Phải chăng đây là một trong những nguyên nhân khiến nghề làm đàn Đào Xá đang đứng trước nguy cơ lụi tàn?
Hơn 10 năm làm nghề và kể từ lúc bố tôi mất, cũng chưa có cán bộ phụ trách văn hóa hay kinh tế của xã đến cơ sở của tôi để tìm hiểu, nắm bắt những khó khăn, thuận lợi về việc gìn giữ, phát triển làng nghề - tiếp mạch chuyện, anh Tuấn khẳng định.
Người duy nhất còn giữ nghề làm đàn của làng Đào Xá chia sẻ, trước kia cơ sở sản xuất hay có khách, trong đó có cả người nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm tại làng nghề. Bây giờ thì ít, họa hoằn lắm cơ sở của anh Tuấn mới có vài du khách ghé chơi.
Theo anh Đào Anh Tuấn, muốn khôi phục làng nghề thì ít nhất phải có người học nghề. Việc học nghề này nếu không có các cấp ngành liên quan hỗ trợ rất khó thu hút mọi người, nhất là lớp trẻ. “Bởi vì học được nghề này, nếu tinh ý và chịu khó cũng phải 2 – 3 năm mới có thể làm được tất cả các loại đàn. Trong lúc học nghề, người ta không có thu nhập để trang trải cuộc sống. Bây giờ có các khu công nghiệp nên người ta có thể xin vào công ty, nhà máy để làm, tháng cũng được vài triệu. Các cơ quan chức năng không có hỗ trợ chắc chắn rất khó có người học làm đàn, gìn giữ nghề truyền thống này.
Tôi cũng chia sẻ với rất nhiều cơ quan báo chí truyền hình, muốn giữ và phát triển làng nghề phải từ cấp cơ sở là xã, ít ra phải có hành động tuyên truyền, thúc đẩy, khơi dậy hứng thú cho lớp trẻ. Ở đây, trưởng thôn của chúng tôi cũng là người nhiệt huyết nhưng một mình anh ấy cũng chẳng giải quyết được việc gì cả”, anh Đào Anh Tuấn chia sẻ./.