Văn hóa – Di sản

Đánh thức di sản Thủ đô: Bảo tồn, tái tạo và phát huy giá trị của nghệ thuật truyền thống: Bài 1: Chèo tàu Tân Hội - di sản văn hóa phi vật thể Xứ Đoài “hồi sinh”

Hải Hoa 30/06/2023 09:07

Chèo tàu Tân Hội là điệu hát chèo thuyền trên cạn độc đáo của Xứ Đoài, một hình thức diễn xướng dân gian độc nhất vô nhị ở Việt Nam. “Sau nhiều năm ngủ đông, chèo tàu được đánh thức và lễ hội chèo tàu được khôi phục”, nghệ nhân ưu tú Ngô Thị Thu, Chủ nhiệm CLB chèo tàu Tân Hội (xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội) hồ hởi cho biết.

Lời tòa soạn: Thủ đô Hà Nội là mảnh đất “giàu có” nhất cả nước về di sản văn hóa phi vật thể với 1.793 di sản, trong đó phải kể đến kho tàng vô giá gồm các loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc như nghệ thuật diễn xướng, trình diễn dân gian, lễ hội truyền thống, nghi thức dân gian, tập quán xã hội… Hàng ngàn di sản văn hóa phi vật thể này chứa đựng tinh hoa của dòng chảy lịch sử Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội. Hòa cùng nhịp sống hiện đại, các loại hình nghệ thuật truyền thống vẫn hiện diện, trở thành một phần hồn cốt không thể tách rời của Thủ đô ngàn năm văn hiến mặc cho sức ép đô thị hóa, sự bùng nổ văn hóa giải trí thời đại mới bủa vây; có những di sản đứng trước nguy cơ mai một đã hồi sinh; có di sản do tác động của thời cuộc bị đứt quãng được phục hồi và hiện nay trở thành sản phẩm du lịch văn hóa. Công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị các loại hình di sản phi vật thể với Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung còn rất nhiều chông gai, thử thách. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Hà Nội đang trên hành trình “đánh thức di sản” từ việc “hồi sinh” chèo tàu Tân Hội, định vị múa rối cạn Tế Tiêu là “tinh hoa độc nhất vô nhị”; giữ gìn hát Dô để “vàng son còn mãi”; khẳng định Lỗ Khê là “cái nôi ca trù Việt”; biến múa rối nước Đào Thục thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc. Góp một phần nhỏ trong nỗ lực để “di sản thức giấc”, Ban Biên tập Người Hà Nội khởi đăng loạt bài phóng sự/ghi chép "Đánh thức di sản Thủ đô: Bảo tồn, tái tạo và phát huy giá trị của nghệ thuật truyền thống"

“Độc, lạ” chỉ dành cho giới nữ đồng trinh

Tân Hội (tên gọi khác là làng Gối) – vùng đất cổ thuộc đất Phong Châu xưa, trước thuộc phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông cũ, có chèo tàu từ thế kỷ XVII. Tương truyền, thế kỷ XV, Văn Dĩ Thành – người đã có công phò vua Trần Trùng Quang đánh giặc Minh xâm lược, khi qua đời, xác của ngài được mối đùn thành gò mộ lớn. Thấy vậy, người dân vùng Tổng Gối xưa lập nơi thờ Văn Dĩ Thành tại cánh đồng Dinh và gọi là “Lăng Văn Sơn”. Lăng đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1997.

cheo-tau.jpg
Đội chèo tàu Tân Hội tập hát tại Lăng Văn Sơn. (Ảnh: NVCC).

Cùng việc lập nơi thờ tự, người dân Tổng Gối xưa đã sáng tạo ra chèo tàu, đồng thời tổ chức lễ hội trong một tuần từ ngày Rằm tháng Giêng để ca ngợi công đức của Thành hoàng làng Văn Dĩ Thành. Năm 1683, lễ hội chèo tàu Tân Hội lần đầu tiên diễn ra, sau đó 25 năm tổ chức một lần.

“Chèo tàu là trình diễn hát chèo trên cạn cùng với tàu (thuyền). Tất cả các bài hát trong chèo tàu đều ca ngợi công đức của Thành hoàng, các anh hùng dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, tình cảm con người… Đây là một nghi lễ diễn xướng dân gian không giống làn điệu nào khi chỉ có nữ hát. Để học, hát được chèo tàu thì ngoài năng khiếu, niềm đam mê nghệ thuật truyền thống còn phải là gái đồng trinh”, nghệ nhân dân gian Nguyễn Tiến Đệ, 79 tuổi, thành viên Câu lạc bộ (CLB) chèo tàu Tân Hội, chia sẻ.

Hát chèo tàu thường theo làn điệu hát lễ trình, hát thuyền đối đáp tàu tượng và hát bỏ bộ giao lưu với khách thập phương. Những người tham gia hát chèo tàu phải là nữ giới, từ 14 tuổi trở lên. Hát lễ trình được diễn ra sau khi phần tế lễ của các cụ kết thúc, gồm hát khởi xướng, hát chúc rượu, chúc vua, chúc thánh, chúc tuổi chúa; thường có từ 20 đến 25 ca nhi hát. Với hát bỏ bộ sẽ có 10 bài, thường hát đơn, hát đôi hoặc hát hai thuyền đối đáp. Hát trên thuyền đối đáp tàu tượng chỉ có 1 bài. Quy trình hát chèo tàu được thực hiện chặt chẽ, theo thứ tự chứ không được đổi vị trí.

Các hình thức trình diễn hát chèo tàu cũng rất độc đáo, chia ra thành 3 hình thức chính gồm hát khẩn, hát xô, ca khúc. Hát khẩn thường xuất hiện sau bài hát thờ lễ trình do người chúa tàu hoặc người thay mặt cả làng hát. Hình thức hát xô có phần hát và phần xô. Phần hát do người cái tàu thể hiện theo hình thức lĩnh xướng, cứ sau một câu lục bát các con tàu lại xô theo. Phần xô lại chia thành 2 vế, vế đầu nhắc lại câu cuối (câu tám chữ) mà cái vừa hát xong, vế sau là câu xô (hò khoan) kết hợp với động tác chèo tàu (chèo thuyền) của các con tàu.

img_7342.jpg
Lễ hội chèo tàu Tân Hội tổ chức đến năm 1922 thì "ngủ đông", sau 93 năm Lễ hội mới trở lại. Trong ảnh là người dân tham gia  Lễ hội chèo tàu Tổng Gối Tân Hội năm 2015. 

Hình thức trình diễn ca khúc gồm tất cả những bài hát khác của hát chèo tàu như các bài tượng, hát chúc, hát bỏ bộ, lý,... Những bài hát thường ngắn gọn, hình thành một tác phẩm độc lập chứ không phải tách ra trong mỗi chuỗi dài diễn xướng như ở hát Dô hay ở một vài loại dân ca khác. Ngoài ra còn có hát ví do con tàu, cái tàu và quản tượng hát đối đáp với nhau hoặc khi tức cảnh sinh tình hát lên.

Âm nhạc chèo tàu chứa đựng những đặc trưng của dân ca cổ người Việt với những nét mộc mạc, tinh tế và duyên dáng, đồng thời tiếp thu, giao thoa với các loại dân ca khác như quan họ, hát Xoan, ca trù, xẩm, hát trống quân. Hiện nay, người dân và nghệ nhân xã Tân Hội sưu tầm, gìn giữ được hơn 20 làn điệu, trong đó có những làn điệu cổ như Se chỉ luồn kim, Cổ kiêu ba ngấn, Răng đen hạt đậu. Ngoài ra, đạo cụ không thể thiếu trong diễn xướng nghi lễ hát chèo tàu chính là tàu và tượng (voi gỗ).

Hồi sinh mạnh mẽ 

Do chiến tranh, Lễ hội chèo tàu Tân Hội trong thế kỷ XX diễn ra lần cuối vào năm 1922. Chèo tàu Tân Hội vì thế đứng trước nguy cơ mai một và thất truyền, nghệ nhân biết hát, đàn, ca, sáo, nhị tuổi ngày một cao và mất đi. Ý thức được điều này, năm 1976, nhiều người dân Tân Hội còn biết về chèo tàu đã tập hợp lại và thành lập Đội văn nghệ chèo tàu. 42 năm sau (1998), Câu lạc bộ (CLB) chèo tàu Tân Hội ra đời với những hạt nhân như nghệ nhân Ngô Thị Thu, Nguyễn Hữu Yến, Nguyễn Thị Tuyết, Nguyễn Thị Lệ Thủy, Đông Sinh Nhật (vừa mất – PV)…  Trước đây, CLB phải mượn nhà dân để dạy hát, sau đó ra Lăng Văn Sơn để luyện tập. CLB chèo tàu Tân Hội giờ có gần 40 thành viên đều là những người đàn hay hát giỏi.

cheo-tau-2-.jpg
Hàng trăm em nữ tuổi từ 14 đến 18 đã được các nghệ nhân CLB chèo tàu Tân Hội trao truyền hát chèo tàu. (Ảnh NVCC).

Đáng mừng hơn, sau 93 năm, Lễ hội chèo tàu Tân Hội được tổ chức trở lại tại địa phương từ ngày 14 đến 16 tháng Giêng năm 2015. Người dân 4 làng: Thúy Hội, Thượng Hội, Vĩnh Kỳ, Phan Long thuộc xã Tân Hội hân hoan, hứng khởi và đã nhận thấy di sản văn hóa phi vật thể của quê hương đã từng bước “hồi sinh”. Cư dân các thôn lại làm thuyền rồng, “ông” voi gỗ đến với Lễ hội chèo tàu để cùng cất lên những làn điệu tỏ bày công ơn Thành hoàng làng, các bậc tiền nhân. Lễ hội đã gắn kết cộng đồng, đem tới sinh khí mới cho chèo tàu Tân Hội. Cũng từ năm 2015, Lễ hội chèo tàu Tân Hội thay vì tổ chức 25 năm/lần đã rút xuống còn 5 năm/lần nhằm lan tỏa di sản văn hóa phi vật thể Xứ Đoài đến với cộng đồng.

Chẳng những lễ hội được tổ chức trở lại và rút ngắn thời gian, chèo tàu Tân Hội còn có bước tiến mạnh mẽ hơn. Theo nghệ nhân ưu tú Ngô Thị Thu, thời gian qua CLB chèo tàu Tân Hội đã có thêm không gian biểu diễn. Các nghệ nhân đã tham gia các lễ hội, chương trình của các tổ chức đoàn thể tại địa phương, các chương trình của chính quyền xã Tân Hội, Hội Văn nghệ dân gian, hoặc được mời biểu diễn ở trường học, phố đi bộ Hồ Gươm (quận Hoàn Kiếm), tham gia các hội thi dân ca dân vũ tại Bắc Ninh, huyện Phúc Thọ, quận Bắc Từ Liêm...

img_7352.jpg
Giấy khen của Ủy ban hành chính Huyện Đan Phượng tặng các nghệ nhân chèo tàu xã Tân Hội năm 1969.

Ngoài ra, nhiều năm trở lại đây, CLB chèo tàu Tân Hội đã tổ chức được gần 10 lớp truyền dạy chèo tàu cho các em nữ tuổi từ 14 đến 18 tại địa phương. Trung bình một lớp chèo tàu do CLB tổ chức có khoảng 20 – 25 em tham gia, thời gian học chủ yếu vào dịp hè, mỗi tuần học từ 2 đến 3 buổi vào buổi sáng. Đến nay đã có hơn 200 bạn nữ với độ tuổi nêu trên đã được các nghệ nhân CLB chèo tàu Tân Hội truyền nghề, các em đều hát thuần thục các làn điệu.

Trước ngưỡng cửa hội nhập cùng với sự pha tạp của nhiều loại hình nghệ thuật mới, con đường "hồi sinh" chèo Tàu Tân Hội vẫn còn nhiều khó khăn thách thức. Để loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc này sống mãi cần hơn nữa sự góp sức, chung lòng của chính quyền và nhân dân Tân Hội, sự sào cuộc của các cấp ngành liên quan, để cùng chung tay gìn giữ và phát huy giá trị của chèo Tàu - một nét văn hóa đẹp đẽ, gần gũi với đời sống người dân vùng đất Tân Hội giàu truyền thống./.

Bài liên quan
  • ''Sống lại'' chèo tàu Tân Hội
    Hội hát chèo tàu (hát tàu tượng) là loại hình diễn xướng dân gian độc đáo của vùng Tổng Gối xưa, nay là xã Tân Hội, huyện Đan Phượng. Hội hát được tổ chức lần đầu vào năm 1683 và duy trì 25 năm một lần. Trải qua những thăng trầm lịch sử, hội hát chèo tàu Tân Hội đã từng bị gián đoạn hàng chục năm. Nỗ lực bảo tồn và phát triển loại hình diễn xướng dân gian độc đáo "có một không hai" này, các nghệ nhân ở xã Tân Hội đã dành nhiều tâm huyết sưu tầm, truyền dạy cho thế hệ trẻ, làm “sống lại” chèo tàu Tân Hội.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Tăng cường xây dựng người Ba Đình văn minh, thanh lịch, nghiêm túc, nghĩa tình
    Quận ủy Ba Đình đã tổ chức Hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chuyên đề năm 2024 về “Phát huy giá trị văn hóa truyền thống”; triển khai Kế hoạch của Ban Thường vụ Quận uỷ về triển khai thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/2/2024 của Thành uỷ Hà Nội “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”; phát động cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ 4.
  • Phát huy vai trò của Phụ nữ Thủ đô trong xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch
    Tiếp tục triển khai hiệu quả 02 bộ Quy tắc ứng xử của Thành phố là một trong những nội dung trọng tâm được đề cập đến trong Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/2/2024 của Thành uỷ Hà Nội “Tăng cường sự chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Chèo tàu Tân Hội - di sản văn hóa phi vật thể Xứ Đoài “hồi sinh”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO