Chuyển động Hà Nội

50 tỉnh, thành phố tham gia Cuộc thi sáng tác tranh cổ động và logo kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Huyền Anh 10/08/2024 11:46

Chương trình Lễ tổng kết, trao giải, khai mạc triển lãm tranh cổ động và logo tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô là sự kiện quan trọng, mở đầu cho chuỗi sự kiện thành phố Hà Nội tổ chức từ nay đến Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10).

Sáng ngày 10/8, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp tổ chức Lễ trao giải thưởng và khai mạc triển lãm Cuộc thi sáng tác tranh cổ động và logo tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024). Cuộc thi do thành phố Hà Nội và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng chủ trì thực hiện.

Tham dự Chương trình có các đồng chí: Hồ An Phong, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng - Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi; Nguyễn Hoàng Sơn, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; Lương Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở; Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội - Phó Trưởng ban tổ chức Cuộc thi.

Quy mô vượt trội

Phát biểu khai mạc chương trình, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, công tác tổ chức đã được triển khai kỹ lưỡng, bài bản, từ việc xây dựng kế hoạch đến ban hành Thể lệ cuộc thi; từ việc xây dựng tiêu chí đến việc tổ chức chấm chọn các tác phẩm. Hội đồng chấm chọn các tác phẩm dự thi đã quy tụ được những tên tuổi có uy tín cao trong ngành mỹ thuật, đồ họa của cả nước.

5.jpg
Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng phát biểu khai mạc chương trình.

Ban Tổ chức đã tuyển chọn được 01 logo nhận diện và 70 tác phẩm tranh cổ động có chất lượng tốt để phục vụ công tác tuyên truyền và tuyên truyền cổ động trực quan, làm đẹp cảnh quan đô thị tại các vị trí trọng điểm của Thành phố, tạo các điểm nhấn thu hút khách tham quan và người dân Thủ đô trong đợt kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

anh-tac-pham-nguyen-cong-quang.jpg
Tác phẩm đạt giải Nhất thiết kế logo của hoạ sỹ Nguyễn Công Quang.

Tác phẩm đạt giải Nhất thiết kế logo của họa sỹ Nguyễn Công Quang đã được Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội nhất trí chọn làm biểu trưng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô", ông Đỗ Đình Hồng nhấn mạnh.

Cuộc thi lần này được đánh giá có quy mô lớn nhất với 50 tỉnh, thành và các cơ quan, đơn vị hưởng ứng tham gia như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Hòa Bình, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Bình, Nam Định, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Sơn La, Quảng Nam, Đắk Nông, Tây Ninh, Đà Lạt, Đồng Tháp, công an, quân đội; các cơ quan đơn vị Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang, Trung tâm Văn hóa tỉnh Hưng Yên, Trung tâm Văn hóa tỉnh Vĩnh Phúc, Trung tâm Văn hóa Điện ảnh Phú Thọ, Hội liên hiệp văn học Nghệ An, Hội Văn học Nghệ thuật Hải Dương, Trung tâm Thông tin và xúc tiến Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc, Viện kiến trúc cảnh quan và cây xanh đô thị, Báo Phụ nữ Việt Nam, Công ty in Hồ Gươm. Trường Đại học Kinh doanh Công nghệ Hà Nội, Trường Đại học Mở Hà Nội; Trường Mầm non Tây Tiến, Trường Tiểu học và THCS Nà Khương, huyện Mộc Châu tỉnh Sơn La và nhiều cơ quan, đơn vị.

6.jpg
Các đại biểu tham quan triển lãm.

Đồng thời, Cuộc thi đã thu hút sự tham gia nhiều nhất với hơn 300 tác giả chuyên nghiệp và không chuyên, cùng số lượng tác phẩm dự thi cũng nhiều nhất với 700 tác phẩm; trong đó có những tác giả chuyên sáng tác về tranh cổ động, có các tác giả chuyên sáng tác logo, nhiều lần đạt giải cao tại các cuộc thi sáng tác tranh cổ động, logo toàn quốc.

8.jpg
Nhân dân tham quan triển lãm.

Vẻ đẹp lãng mạn, hào hoa của Thủ đô nghìn năm văn hiến

Theo tổng kết đánh giá của Ban Tổ chức, các tác phẩm thiết kế logo dự thi đã thể hiện được những nét khái quát, hình ảnh, hoạ tiết đậm nét về mốc son, ký ức hào hùng, truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang của quân và dân Thủ đô trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

0.jpg
Tác phẩm "Khát vọng hoà bình thịnh vượng" của tác giả Nguyễn Anh Minh (Vĩnh Phúc).

Bên cạnh đó, các tác phẩm dự thi cũng đã nêu bật được những nội dung tuyên truyền, giáo dục về ý nghĩa lịch sử to lớn của Ngày Giải phóng Thủ đô, về truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân Hà Nội trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, khát vọng xây dựng và phát triển Thủ đô “ Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; tuyên truyền về sự anh dũng, hi sinh “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của quân và dân Hà Nội; tuyên truyền những thành tựu của Thủ đô đạt được qua 70 năm xây dựng, phát triển và sau gần 40 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới trên các lĩnh vực như: văn hoá, kinh tế, xã hội, y tế, khoa học kỹ thuật.

Các tác phẩm tranh cổ động dự thi đều thể hiện được nội dung tiêu chí của Cuộc thi, về hình thức thể hiện như: bố cục, bút pháp, màu sắc đa dạng, phong phú về nội dung. Nhiều tác phẩm dự thi có phong cách mỹ thuật mới, vượt qua lối mòn cũ trong sáng tác tranh cổ động.

00.jpg
Ông Nguyễn Nghĩa Phương - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam thay mặt Hội đồng xét tặng giải thưởng phát biểu tại chương trình.

Thay mặt Hội đồng xét tặng giải thưởng, ông Nguyễn Nghĩa Phương - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Đồ họa, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam khẳng định, 70 tác phẩm tranh cổ động và logo được lựa chọn để trưng bày tại triển lãm thể hiện chất lượng của cuộc thi khá cao. Những yếu tố liên quan đến công nghệ, kĩ thuật số được thể hiện trong những bức tranh này rất rõ nét. Ngoài việc có những tìm tòi mới về ngôn ngữ của tranh cổ động, ngôn ngữ của logo thì ở đây chúng ta thấy cuộc thi này khác biệt với những cuộc thi tranh cổ động khác.

"Chúng tôi nhận thấy có tinh thần lãng mạn, hào hoa trong các hình ảnh được lựa chọn. Cũng là chim bồ câu, cũng là con số 70, cũng là những hình ảnh quen thuộc về Thủ đô nhưng rõ ràng lần này chúng ta thấy có sự chắt lọc, chuyển biến, toát lên nét vừa khỏe khoắn, vừa tinh tế và đặc biệt có tính lãng mạn, hào hoa thể hiện rất rõ, nhất là trong bộ ảnh đạt giải mà chúng ta được thưởng thức trong triển lãm này. Có những bộ tranh cổ động có tứ rất lãng mạn như một bài hát, bài ca thiết tha. Đó là những điểm mà Hội đồng thống nhất đánh giá rất cao những điểm mới trong cuộc thi này. Sự đóng góp của các tác giả là rất lớn để tạo nên thành công của cuộc thi", ông Nguyễn Nghĩa Phương chia sẻ thêm.

4.jpg
Đồng chí Hồ An Phong, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và đồng chí Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội trao giải Nhất thiết kế logo cho tác giả Nguyễn Công Quang.
3.jpg
Các đồng chí Lãnh đạo trao Giải nhất sáng tác tranh cổ động cho 03 tác giả.

Thông qua cuộc thi, đã lựa chọn được 26 tác phẩm tiêu biểu để trao giải: Giải thiết kế logo có 01 Giải Nhất; Giải sáng tác tranh cổ động có 03 Giải Nhất, 05 Giải Nhì, 07 Giải Ba, 10 Giải Khuyến khích.

2(1).jpg
Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm.

Trong khuôn khổ Lễ trao giải, các đại biểu đã cắt băng chính thức khai mạc Triển lãm tranh cổ động và logo tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội diễn ra từ ngày 10/8 đến hết ngày 31/8.

9.jpg
Nhiều sinh viên, đoàn viên thanh niên tham quan Triển lãm.

Cùng với 26 tác phẩm đoạt giải, Ban Tổ chức đã lựa chọn 45 tác phẩm có chất lượng cao để trưng bày triển lãm lần này.

Đồng hành cùng Cuộc thi, Công ty Cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ đã tài trợ cho 04 giải thưởng cao nhất với tổng số tiền là 60 triệu đồng./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm: Chất liệu múa đương đại trong nhạc kịch “Lửa từ Đất”
    Sáng 23/5 tại Hà Nội, Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm chuyên đề “Chất liệu múa đương đại trong nhạc kịch Lửa từ Đất”. Sự kiện thu hút sự quan tâm của đông đảo nghệ sĩ và giới chuyên môn, cùng trao đổi về vai trò và sức mạnh biểu đạt của múa đương đại trong một tác phẩm mang đậm dấu ấn lịch sử - chính trị.
  • Họa sĩ Đặng Thị Khuê: Người kết nối giá trị văn hóa và thẩm mỹ trong đời sống đương đại
    Với họa sĩ Đặng Thị Khuê, nghệ thuật không chỉ là sáng tạo mà còn là hành trình trở về với cội nguồn văn hóa dân tộc. Gần như cả cuộc đời, bà lặng lẽ theo đuổi một “nghĩa vụ tự thân” - kết nối di sản với đời sống đương đại thông qua tác phẩm cá nhân và các hoạt động cộng đồng. Là một trong những nghệ sĩ thực hành nghệ thuật đương đại đầu tiên tại Việt Nam nhưng thay vì chạy theo xu hướng, bà chọn lối đi ngược dòng: quay về với mỹ cảm bản địa. Chính lựa chọn khác biệt ấy đã tạo nên một Đặng Thị Khuê độc đáo, không hòa lẫn trong đời sống nghệ thuật.
  • Vở kịch “Ngược chiều bình an” khắc họa chân thực hình ảnh người lính cứu hỏa
    Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 - 19/8/2025) và 20 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005 - 19/8/2025), Công an thành phố Hà Nội; Hiệp hội Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ Việt Nam; Nhà hát Kịch Việt Nam tổ chức công diễn và giới thiệu vở kịch “Ngược chiều bình an”.
  • Hà Nội bổ sung diện tích rào chắn phục vụ thi công trên đường Kim Mã
    Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đơn vị sẽ bổ sung khu vực rào chắn để thi công gia cố nền đất tại khu vực giếng đứng trên đường Kim Mã để ứng phó trong trường hợp khẩn cấp (khu vực ngã tư nút giao Kim Mã - Núi Trúc) trong quá trình thi công khoan hầm đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội.
  • Huyện Thường Tín đề xuất 4 trụ sở xã mới sau sắp xếp, đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương lớn của Đảng
    Thông tin UBND huyện Thường Tín (TP. Hà Nội) vừa cho biết, địa phương đã có đề xuất với UBND Thành phố Hà Nội về việc đặt trung tâm hành chính - chính trị, trụ sở Đảng ủy - HĐND - UBND - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng các tổ chức chính trị - xã hội của 4 xã mới được thành lập sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện.
Đừng bỏ lỡ
50 tỉnh, thành phố tham gia Cuộc thi sáng tác tranh cổ động và logo kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO