Hà Nội hiền hòa, cổ kính như được vẽ ra từ hoài niệm của ký ức. |
Chiều chủ nhật một tuần trước Rằm Trung thu, trên con phố Hàng Mã nhộn nhịp của Thủ đô, người ta bắt gặp từng tốp nhỏ, đủ các lứa tuổi từ mẫu giáo đến học sinh, sinh viên, công chức, nghệ sĩ... ngồi dưới bóng mát của gốc cây bên góc phố hí hoáy vẽ. Người dùng giá vẽ, người chấm phá vào cuốn sổ bìa mềm, hoặc tập giấy vẽ. Thời tiết, không khí, tiếng còi xe, tiếng cười đùa... len lỏi vào từng nét phác, lay chuyển từng gam mầu trong tranh.
Đã thành lệ, cứ chiều cuối tuần là các thành viên trong nhóm Ký họa đô thị Hà Nội tổ chức những buổi trực họa ở các khu tập thể, những di tích lịch sử, làng nghề thủ công truyền thống hay những góc phố đặc trưng của Hà Nội để vẽ bằng chính cảm xúc của mình. Dấu chân của nhóm đã lưu lại khắp phố phường Thủ đô, bất kể ngày hay đêm, để ghi lại cuộc sống và kiến trúc đô thị Hà Nội.
KTS Thanh Thủy bên bức ký họa bác Lưu Văn Hào, 78 tuổi làm nghề bán nộm bò khô trên phố cổ Hà Nội. |
Chị Thanh Thủy cho biết, chị và 3 thành viên khác lập ra nhóm Ký họa đô thị Hà Nội vào tháng 9-2016. Đây là một tổ chức thuộc Urban Sketchers Vietnam và Urban Sketchers thế giới nhằm kết nối Hà Nội - Việt Nam với thế giới thông qua ký họa.
Một buổi trực họa của nhóm Ký họa đô thị Hà Nội tại xóm Phao - bãi sông Hồng. |
Là một sân chơi cộng đồng bổ ích cho những người yêu Hà Nội, yêu cái đẹp, Urban Sketchers Hanoi lôi cuốn các thành viên trong một gia đình cùng tham gia. Những buổi đi vẽ, gánh nặng cơm áo tạm gác lại sau lưng, ai cũng được sống trong đam mê và ký ức. Người già được hồi tưởng, sẻ chia những ký ức hình ảnh cho bạn bè và các thế hệ sau về Hà Nội. Người trẻ được kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi và nâng cao ý thức, tôn trọng những giá trị đặc trưng của Thủ đô.
Đặc biệt đối với trẻ em, những buổi ngoại khóa này đã kéo chúng rời xa màn hình máy tính, được hòa mình cùng thiên nhiên, phát hiện ra vẻ đẹp bình dị trong cuộc sống xung quanh và cảnh sắc bốn mùa của phố phường Hà Nội mà thêm quý, thêm yêu mảnh đất này.
Bức ký họa đơn giản nhưng vẫn “bắt” được cái hồn của Hà Nội. |
Mãi mãi một tình yêu Hà Nội
Nói đến ký họa là nói đến lối vẽ ghi chép và phác thảo một cách rất cơ bản mà họa sĩ cũng như các kiến trúc sư thường dùng để ghi lại cảm xúc, không gian, bố cục hoặc các chi tiết quan tâm. Mọi giác quan của người vẽ được tập trung trong khoảng thời gian ngắn, truyền vào nét cọ, nét chì nên mỗi bức ký họa đều chứa đựng cảm xúc và là một góc nhìn độc đáo mang đậm dấu ấn người cầm cọ.
Nhà tập thể H3 Kim Giang một chiều thu. |
Nói về kế hoạch hấp dẫn này, kiến trúc sư Thanh Thủy hào hứng: “Khu tập thể cũ từng là bước ngoặt trong lịch sử phát triển nhà ở của Hà Nội sau chiến tranh, là nơi có rất nhiều kỷ niệm của biết bao thế hệ người Hà Nội. Những ngõ ngách, những tòa nhà cổ hoặc những khu tập thể xuống cấp rồi sẽ có ngày kết thúc sứ mệnh của nó, nhưng khi còn ở đó, chúng vẫn có giá trị riêng, làm nên một Hà Nội đặc biệt, rất đáng để trân trọng, nâng niu”.
Chị Thanh Thủy dự định sẽ in cuốn sách, trong đó, ngoài phần hình ảnh (là tất cả các bức ký họa về những khu tập thể cũ) còn có cả những mảnh ghi chép ký ức đáng yêu của nhiều thế hệ đã từng sống và gắn bó với những khu tập thể này.
Khu tập thể C3 Kim Liên. |
Ký họa người bán hàng rong đêm trên phố Hàng Vải. |
“Hy vọng trong thời gian tới, những việc làm nhỏ bé của chúng tôi sẽ đem lại nhiều cảm xúc cho cộng đồng và sẽ lan tỏa tới các miền khác trên đất nước, để tất cả mọi người và bạn bè năm châu thêm yêu và trân trọng những di sản, văn hóa, con người Hà Nội” - chị Thanh Thủy nói.