Xuất khẩu tăng tốc để cán đích vượt kế hoạch

Hải Truyền| 01/11/2022 10:35

Trong bối cảnh tình hình thế giới vẫn nhiều bất ổn bởi xung đột, dịch bệnh và một loạt khan hiếm do cấm vận, thiên tai, nhưng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 10 tháng năm 2022 vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng. Đặc biệt, nhiều ngành hàng ghi nhận sự vượt trội về cả lượng và giá trị xuất khẩu, khả năng cán đích sớm so với kế hoạch.

Nhiều mặt hàng tăng trưởng cao

Số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 312,82 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, trong 10 tháng năm 2022 có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 64,1%).

Nổi bật như, xuất khẩu cá tra trong 10 tháng năm 2022 đã đem về trên 2,1 tỷ USD, tăng 76,5 so với cùng kỳ. Với kết quả hiện nay và xu hướng hồi phục nhẹ trong vài tháng tới, dự báo kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2022 có thể ghi nhận mức kỷ lục 2,5 - 2,6 tỷ USD, cao hơn gấp 1,5 lần so với năm 2021.

Ngành hàng dệt may xuất khẩu cũng tăng trưởng khả quan khi trong 10 tháng năm 2022 đạt trên 38 tỷ USD, tương đương bình quân mỗi tháng đạt trung bình 3,7 - 3,8 tỷ USD.

z3842889169134_5ec7d553bb8c9413402dc92f22083bf2.jpg
Xuất khẩu của việt Nam 10 tháng năm 2022 mang nhiều tín hiệu tích cực

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Trương Văn Cẩm nhận định: “Dù thị trường dệt may được dự báo trầm lắng hết quý IV/2022 và kéo dài sang năm 2023, nhưng mục tiêu xuất khẩu 43 - 44 tỷ USD trong cả năm 2022 của ngành dệt may vẫn khả thi cán đích”.

Đánh giá về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải nhận định, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhờ nhiều đơn hàng sản xuất dịch chuyển về Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc theo đuổi chính sách “Zezo covid”.

Thêm vào đó, nhờ tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đi vào thực thi trong những năm gần đây như EVFTA, CPTPP, UKVFTA… với lộ trình cắt giảm thuế quan cho nhiều ngành hàng, tiếp tục tạo bệ phóng cho xuất khẩu, kéo lượng đơn đặt hàng lớn về Việt Nam.

Về thị trường xuất khẩu hàng hóa, 10 tháng năm 2022, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 93,4 tỷ USD. Việt Nam cũng xuất siêu sang EU ước đạt 26,7 tỷ USD, tăng 45,6% so với cùng kỳ năm trước.

Vượt thách thức, nỗ lực cán đích vượt kế hoạch

Theo nhận định từ Bộ Công Thương, trong những tháng cuối năm 2022, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ gặp không ít thách thức. Trong đó, giá xăng dầu tiếp tục diễn biến phức tạp; giá dầu tăng cao trong khi đây là nguồn nguyên liệu chính cho sản xuất và tiêu dùng; tình trạng thiếu hụt gián đoạn nguồn cung, chi phí sản xuất, vận tải toàn cầu gia tăng… tạo áp lực lên lạm phát, giá cả hàng hóa trong nước, ảnh hưởng đến kích cầu tiêu dùng đối với thương mại.

Hơn nữa, xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng tại nhiều quốc gia khi nguồn cung hàng hoá đứt gãy, các nước phải có biện pháp để ổn định hàng hoá trong nước.

Lạm phát tăng cao ở hầu hết quốc gia, là những thị trường lớn của Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu, gây sụt giảm nhu cầu hàng hoá nhập khẩu từ các nước. Nhiều nền kinh tế lớn, trong đó có Mỹ thực hiện điều chỉnh tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát gia tăng, dẫn tới đồng tiền bản địa mất giá so với đồng USD.

Nhận định về tình hình xuất khẩu dệt may những tháng cuối năm, ông Trương Văn Cẩm cho hay, trong bối cảnh đồng USD tăng giá sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, DN xuất khẩu dệt may sẽ được lợi về giá bán. Tuy nhiên, để tận dụng được lợi thế này, DN sẽ phải đảm bảo được đơn hàng ổn định. Đó cũng là bài toán với nhiều DN dệt may thời điểm này khi đơn hàng chững lại do lạm phát, nhu cầu tiêu dùng một số mặt hàng giảm trên thế giới.

Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu quý IV và cả năm 2022, ưu tiên lúc này là đảm bảo đa dạng các mặt hàng xuất khẩu, sẵn sàng đơn hàng cho mùa Xuân năm sau.

Đối với thị trường xuất khẩu của nhóm hàng nông lâm thủy sản, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhìn nhận, những cáo buộc gian lận xuất xứ, nguồn gốc nguyên liệu… đang trở thành thách thức đối với xuất khẩu nông sản. Vì vậy, bằng nhiều giải pháp và quyết tâm cao, ngành nông nghiệp vẫn cố gắng nỗ lực về đích với mục tiêu xuất khẩu 50 tỷ USD.

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mỹ Đỗ Ngọc Hưng khuyến nghị, trong quý IV/2022 là thời điểm các DN xuất khẩu nhận được nhiều đơn hàng tiêu dùng từ Mỹ. Do đó, DN Việt Nam cần chú trọng rà soát chuỗi cung ứng và các sản phẩm cuối cùng được xuất khẩu sang Mỹ, đảm bảo không vi phạm những quy định của thị trường Mỹ.

Bài liên quan
  • Tăng lãi suất – nguyên nhân và thích ứng
    Việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng lãi suất nhằm đón đầu định hướng tăng lãi suất của Fed trong thời gian tới. Qua đó góp phần giải tỏa bớt áp lực lên tỷ giá và thị trường ngoại hối, ổn định tình hình kinh tế vĩ mô và kiểm chế lạm phát.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • “Lính thời bình” - những trang ký sự ấm nóng, đượm nghĩa tình
    Nhà xuất bản Quân đội nhân dân vừa cho ra mắt cuốn ký sự “Lính thời bình” của Đại tá, nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng – một cây bút đã gắn bó trọn ba thập kỷ với nghiệp lính và nghiệp báo. Đây là tập sách ký sự độc lập thứ 3 của anh trong vòng hai năm trở lại đây, tiếp tục khẳng định sức bền lao động nghệ thuật và chiều sâu vốn sống quân ngũ.
  • Truyện tranh: Khi văn hóa - lịch sử “kết duyên” cùng hội họa
    Sáng 11/5, tọa đàm "Truyện tranh: Khi văn hóa – lịch sử “kết duyên” cùng hội họa" do NXB Kim Đồng phối hợp với Viện Pháp tổ chức đã diễn trong khuôn khổ chuỗi hoạt động của dự án phát triển truyện tranh tại Việt Nam và Những ngày văn học châu Âu 2025. Sự kiện được tổ chức nhân dịp ra mắt hai cuốn truyện tranh "Ký ức kiều bào: Lính thợ – Lao động Việt tại Pháp giữa Thế chiến II" và "Ký ức kiều bào: Chân đăng – Phu mỏ người Việt ở Tân Thế giới". Hai tác phẩm như lát cắt lịch sử sinh động, tái hiện bằng hình họa và màu sắc số phận những người Việt tha hương giữa thế kỷ XX đầy biến động.
  • Cơ hội chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật tạo hình đặc sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh
    Vào sáng ngày 16 tháng 5 năm 2025, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ diễn ra lễ khai mạc triển lãm chuyên đề “Hồ Chí Minh trong nghệ thuật tạo hình”. Đây là hoạt động ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), đồng thời là dịp để công chúng chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc về hình tượng Người - vị lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc Việt Nam.
  • Học sinh Việt Nam giành 2 Huy chương vàng Olympic hóa học quốc tế Mendeleev
    Cả 4 học sinh trong đội tuyển học sinh trung học phổ thông Việt Nam tham gia Olympic Hóa học quốc tế Mendeleev lần thứ 59 năm 2025 đều xuất sắc giành huy chương, với thành tích 2 huy chương vàng và 2 huy chương bạc.
  • Chính thức ra mắt Boutique Gate - “Cửa ngõ vàng” đón sóng cầu Tứ Liên và Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia
    “Cánh cửa cơ hội” đã chính thức mở tại Vinhomes Global Gate khi Boutique Gate - dòng sản phẩm TMDV được thị trường ngóng chờ - chính thức ra mắt, ngày 13/5. Sự kiện thu hút hàng trăm nhà đầu tư đổ về Đông Bắc Thủ đô, đón đầu làn sóng tăng trưởng từ hai cú hích hạ tầng lớn - khởi công siêu dự án cầu Tứ Liên và hoàn thành Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia.
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu tăng tốc để cán đích vượt kế hoạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO