Việc đề cao khâu hậu kiểm sẽ làm tăng hiệu quả thực thi pháp luật trong quản lý văn hóa, quảng cáo. (Ảnh minh họa)
Tăng mức phạt và hành vi bị cấm
Nhìn một cách tổng thể, mức phạt mới tăng từ 20 - 30%, cá biệt có trường hợp tăng 100% như việc sử dụng nội dung trái thuần phong mỹ tục (bạo lực, đồi trụy) trong các chương trình trò chơi điện tử không kết nối internet. “Quy ra tiền”, có thể thấy những con số “đáng gườm”, tựa như một nấc thang mới trong công tác quản lý văn hóa và quảng cáo. Ví như hoạt động biểu diễn nghệ thuật mà thực hiện hành vi không phù hợp với văn hóa truyền thống, lứa tuổi, giới tính theo quy định của pháp luật, sẽ bị phạt từ 25 - 30 triệu đồng và đình chỉ biểu diễn từ 6 - 12 tháng. Hành vi tổ chức biểu diễn, thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn có nội dung xuyên tạc lịch sử, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo, xúc phạm lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân, sẽ bị phạt từ 45 - 50 triệu đồng, cộng với hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động biểu diễn trong 12 - 24 tháng. Với những người đẹp dự thi các cuộc thi nhan sắc quốc tế mà không có văn bản chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì bị phạt từ 20 - 25 triệu đồng và nếu người này sử dụng danh hiệu của cuộc thi ở nước ngoài chưa được cơ quan trong nước chấp thuận để quảng bá cho mình còn bị phạt từ 15 - 20 triệu đồng. Hành vi tổ chức thi người đẹp và người mẫu mà không có văn bản chấp thuận sẽ bị phạt từ 25 - 30 triệu đồng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp. Đặc biệt là việc tổ chức lễ hội truyền thống không đúng với bản chất, ý nghĩa lịch sử, văn hóa bị phạt từ 15 - 20 triệu đồng; hành vi viết, vẽ, làm bẩn, làm ô uế di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh cũng bị phạt từ 1 - 3 triệu đồng…
Ngoài mức phạt nặng, một số hành vi thiếu chuẩn mực trong hoạt động văn hóa và quảng cáo cũng được đưa vào vòng cương tỏa của nhà quản lý. Ở lĩnh vực điện ảnh là việc kê khai không trung thực, sử dụng giấy tờ, tài liệu giả mạo trong hồ sơ đề nghị cấp phép hợp tác, liên doanh, cung cấp dịch vụ sản xuất phim, hành vi phổ biến phim mà không có cảnh báo khi phim đã được phân loại phổ biến, hành vi phổ biến phim Việt Nam, phim cho trẻ em tại rạp không đúng tỷ lệ và thời gian, hành vi hoạt động văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh nước ngoài tại Việt Nam và văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh Việt Nam tại nước ngoài không có giấy phép hoặc hoạt động không đúng giấy phép. Ở lĩnh vực biểu diễn là việc kê khai không trung thực hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả mạo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, hành vi cho tổ chức cá nhân khác sử dụng giấy phép hoặc sử dụng giấy phép của tổ chức, cá nhân khác. Trong lĩnh vực tổ chức lễ hội, kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường, hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng là quy định xử phạt các hành vi lợi dụng hoạt động tín ngưỡng để trục lợi, hành vi về nếp sống văn hóa gây ảnh hưởng đến phong tục tập quán, sức khoẻ con người, điều kiện doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường. Trong lĩnh vực quảng cáo là những vi phạm về quảng cáo trên bảng biển, băng rôn, không tự tháo dỡ sản phẩm quảng cáo rách, nát mất mỹ quan, quảng cáo thuốc, trang thiết bị y tế, mỹ phẩm, dịch vụ khám chữa bệnh, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, quảng cáo trên thiết bị đầu cuối, quảng cáo trong phim…
Rõ là, quản lý văn hóa và quảng cáo đang có xu hướng dịch chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm nhằm đưa các dịch vụ văn hóa đi vào đúng quỹ đạo của nó.
Quyết tâm của nhà quản lý
Có thể thấy rõ trong những quy định mới này quyết tâm của nhà quản lý, dù Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Thanh Liêm có lý giải: “Về lý thuyết bao giờ pháp luật cũng trễ hơn so với thực tiễn vì thực tế cuộc sống rất đa dạng, phong phú. Pháp luật về nội dung cũng khó quy định cụ thể hơn”. Bởi đi vào từng lĩnh vực, thấy rõ nhà quản lý đã cố gắng hết sức để cụ thể, chi tiết những vi phạm. Ví dụ, tại Khoản 1, Điều 14, Nghị định 38 đã “đếm đầu” từng vi phạm có thể diễn ra trong hoạt động tổ chức lễ hội, cũng từng là những vấn nạn làm đau đầu nhà quản lý: thắp hương, đốt vàng mã không đúng nơi quy định; nói tục, chửi thề, xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm của lễ hội; mặc trang phục không lịch sự hoặc không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt; chèo kéo người tham dự lễ hội sử dụng dịch vụ, hàng hóa của mình; không thành lập ban tổ chức lễ hội; bán vé, thu tiền tham dự lễ hội; không có nhà vệ sinh hoặc có nhà vệ sinh nhưng không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định trong khu vực lễ hội, di tích; lợi dụng hoạt động tổ chức lễ hội để trục lợi; tham gia hoạt động mê tín dị đoan; thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm…
Cũng có ý kiến băn khoăn trước những khái niệm có thể gây mơ hồ trong việc vận dụng nghị định, dẫn tới cách thực thi không thống nhất giữa các cơ quan chức năng, điển hình như các cụm từ “không phù hợp với giới tính”, “xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo”… Tuy nhiên, như ông Lê Thanh Liêm giải thích, Nghị định 38 không tự đặt ra những hành vi để xử phạt mà căn cứ vào pháp luật về nội dung. Hành vi xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo đã được quy định trong Luật Tôn giáo như một hành vi cấm. Và tất nhiên vẫn phải có những quy chuẩn chung và quy chuẩn này lại phải xét trên nhiều yếu tố. Ví dụ như một hành vi riêng lẻ thì khác với hành vi có khả năng tạo thành trào lưu gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Hơn nữa, quyền của người bị xử phạt đã được pháp luật quy định rõ, như quyền yêu cầu người xử phạt phải chứng minh lỗi của họ. Thế nên bản thân người thực thi pháp luật cũng đã phải kỹ lưỡng, cẩn trọng trong tác nghiệp, “tựa lưng” vững chắc vào nghị định, cũng như bối cảnh xã hội của hành vi, động cơ, hậu quả của hành vi vi phạm.
Mùa lễ hội năm nay không ồn ào như những mùa lễ hội đã qua, sân khấu biểu diễn cũng lắng lại, dịch vụ vũ trường, karaoke cũng có những khoảng lặng nhất định… vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thế nhưng, đấy lại chính là cơ hội vàng để nhà quản lý nhìn lại, tìm ra các biện pháp hữu hiệu chấn chỉnh các vi phạm trong lĩnh vực quản lý văn hóa và quảng cáo. Dù thực tế luôn đi trước và diễn tiến phức tạp hơn so với các quy định trên văn bản, song với quyết tâm của nhà quản lý, công chúng có thể hy vọng “bầu không khí” của quản lý văn hóa và quảng cáo sẽ trong lành hơn khi tình trạng xử phạt không đủ tính răn đe được khắc phục.