Xe hợp đồng trá hình: Sẽ hết đường ''tự tung tự tác''

Tuấn Lương/Hanoimoi| 02/07/2020 12:23

Thời gian qua, tình trạng xe hợp đồng trá hình (hoạt động như xe khách liên tỉnh tuyến cố định) đã gây lộn xộn thị trường vận tải, mất trật tự an toàn giao thông... Trước tình trạng này, các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô. Những quy định mới này được trông đợi sẽ khiến xe hợp đồng trá hình hết đường "tự tung tự tác".

Xe hợp đồng trá hình: Sẽ hết đường ''tự tung tự tác''

Cùng với việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô. Trong ảnh: Kiểm tra giấy phép lái xe của tài xế một xe hợp đồng trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: TTXVN

Nhiều hệ lụy từ xe hợp đồng trá hình

Suốt 5 năm qua, hàng vạn xe hợp đồng hoạt động dưới danh nghĩa xe du lịch, đặc biệt là loại xe Limousine hoạt động như xe khách liên tỉnh hằng ngày hoạt động trên nhiều tuyến phố nội đô của Hà Nội đã gia tăng sức ép lên hạ tầng giao thông; làm phát sinh tình trạng xe “dù”, bến “cóc”, phá vỡ quy hoạch luồng tuyến vận tải… Trong khi đó, do thiếu hành lang pháp lý, lực lượng chức năng chỉ có thể xử phạt các xe này về lỗi dừng, đỗ, đón, trả khách sai quy định.

Ông Nguyễn Trung Hiếu (ngõ 347 phố Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng) bức xúc: “Xe hợp đồng cỡ lớn, cỡ nhỏ chạy như mắc cửi suốt ngày chính là nguyên nhân gây thêm ùn tắc. Ngay trên phố Trần Khát Chân và quanh cầu Mai Động (quận Hoàng Mai) khu vực tôi ở, từ lâu đã hình thành mấy điểm tập kết hoạt động như bến xe. Rất mong cơ quan chức năng xử lý nghiêm!”.

Chính vì vậy, việc Bộ Giao thông - Vận tải ban hành Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ (có hiệu lực từ ngày 15-7-2020) và trước đó là Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (có hiệu lực từ ngày 1-4-2020) được trông đợi sẽ từng bước đưa hoạt động vận tải hành khách vào nền nếp, khiến cho xe hợp đồng trá hình khó còn cơ hội “tự tung tự tác” như trước đây. Đồng thời, giúp dần loại bỏ nạn xe “dù”, bến “cóc” và góp phần giảm thiểu tình trạng lộn xộn, mất trật tự an toàn giao thông.

Siết trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh vận tải

Trong hai văn bản quy phạm pháp luật vừa được ban hành nói trên, nhiều quy định đã được bổ sung để quản lý chặt chẽ hơn xe hợp đồng. Cụ thể: Các phương tiện phải có phù hiệu “xe hợp đồng” và dán cố định cụm từ “xe hợp đồng” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và phía sau xe. Các doanh nghiệp không bảo đảm chất lượng dịch vụ và an toàn giao thông sẽ bị xử lý, đồng thời gắn trách nhiệm của chủ xe khi xảy ra các sự cố, đặc biệt là khi gây ra tai nạn giao thông…

Xe hợp đồng trá hình: Sẽ hết đường ''tự tung tự tác''

Xe Limousine hoạt động như xe khách liên tỉnh làm gia tăng sức ép lên hạ tầng giao thông, phá vỡ quy hoạch luồng tuyến vận tải. Ảnh: Hoàng Anh

Làm rõ hơn về những điểm mới nhằm siết chặt quản lý, đưa xe hợp đồng vào khuôn khổ, qua đó từng bước loại bỏ tình trạng xe hợp đồng trá hình, Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Lê Xuân Tiến giải thích: Các quy định trước đây chỉ tập trung xử lý đội ngũ lái xe (dẫn tới tình trạng chủ doanh nghiệp "khoán trắng" cho lái xe) thì nay đã quan tâm nhiều hơn đến việc xử lý trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh vận tải với các mức chế tài tăng nặng.

“Đơn cử, trước đây nếu doanh nghiệp không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho lái xe chỉ bị phạt 3 triệu đồng thì nay bị phạt ở mức 8,5-17 triệu đồng, đồng thời tạm đình chỉ hoạt động và tước giấy phép kinh doanh vận tải”, ông Lê Xuân Tiến nêu.

Đáng chú ý, hành vi gom khách và sử dụng hợp đồng vận chuyển bằng văn bản giấy rồi điền tên khách để đối phó với lực lượng chức năng khi bị kiểm tra sẽ bị xử lý. Bởi theo quy định tại Khoản 3, Điều 7 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe không được gom khách, đón khách ngoài danh sách đính kèm theo hợp đồng đã ký; không được xác nhận đặt chỗ, bán vé hoặc thu tiền đối với từng hành khách đi xe; không được đón, trả khách lặp đi lặp lại hằng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện...

Bên cạnh đó là quy định “trong thời gian một tháng, mỗi xe ô tô không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến có phạm vi, điểm đầu hay điểm cuối trùng lặp”. Theo ông Lê Xuân Tiến, việc xác định điểm đầu, điểm cuối trùng lặp hay không được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe và hợp đồng vận chuyển đã ký kết…; do đó lực lượng chức năng sẽ dễ dàng phát hiện, xử lý vi phạm.

Ông Đỗ Văn Bằng (đại diện nhà xe Sao Việt, một nhà xe đang kinh doanh vận tải hành khách với quy mô lớn, chuyên chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai) nhận định, các quy định mới sẽ giúp những doanh nghiệp kinh doanh vận tải có một “sân chơi” bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh. Đồng thời buộc các doanh nghiệp phải nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc tuân thủ quy định pháp luật, hạn chế tình trạng trốn, né thuế…

Về các giải pháp của lực lượng chức năng, ông Lê Xuân Tiến cho biết, ngay sau khi Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT có hiệu lực, Thanh tra Sở sẽ tập trung lực lượng, phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan trong khâu phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm về kinh doanh vận tải hành khách. “Ngoài ra, để xử lý hiệu quả hơn tình trạng xe hợp đồng trá hình, chúng tôi kiến nghị, thành phố và Tổng cục Đường bộ Việt Nam sớm “số hóa” bản đồ giao thông; nâng cấp, tích hợp các phần mềm quản lý, giám sát thông qua dữ liệu giám sát hành trình, từ đó tăng khả năng cảnh báo các phương tiện vi phạm, chia sẻ dữ liệu, phục vụ công tác kiểm tra, xử lý”, ông Lê Xuân Tiến đề xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Thưởng thức 6 phim tài liệu đặc sắc về Điện Biên Phủ tại Hà Nội
    Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5//2024), từ ngày 3 – 5/5 tại Hà Nội, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương tổ chức “Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ”, giới thiệu đến khán giả 6 bộ phim tài liệu đặc sắc.
  • [Emagzine] Chiến dịch Hồ Chí Minh: Năm ngày làm nên “lịch sử”
    Chiến dịch Hồ Chí Minh - chiến dịch cuối cùng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Mùa Xuân 1975, là chiến dịch quân sự có thời gian ngắn nhất trong chiến tranh Việt Nam. Chỉ diễn ra trong 5 ngày (từ 26/4 đến 30/4/1975) song chiến dịch đã đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử Việt Nam.
  • Điện ảnh Quân đội nhân dân tổ chức Tuần phim kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
    Điện ảnh Quân đội nhân dân tổ chức Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 – 7-5-2024) từ ngày 3 đến 6-5 tại Rạp chiếu phim Điện ảnh QĐND (17 Lý Nam Đế, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
  • “Người chép sử” trận thắng thế kỷ Điện Biên Phủ bằng ảnh
    Năm 1953, nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Triệu Đại được Bộ Quốc phòng và Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp điều động tham chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói:"Tôi đánh giá cao về anh Triệu Đại, những bức ảnh về Điện Biên Phủ của anh rất tốt. Triệu Đại ra mặt trận không trực tiếp cầm súng như các chiến sĩ, mà vũ khí là máy ảnh. Các bức ảnh là chiến công của Triệu Đại..."
  • "Lật mặt 7" của Lý Hải cán mốc 100 tỉ sau 3 ngày ra rạp
    Theo số liệu từ Box Office Vietnam (trang thống kê độc lập), Lật mặt 7: Một điều ước cán mốc 100 tỷ đồng vào sáng 29/4, trở thành phim Việt thứ hai vượt mốc 100 tỷ đồng trong năm nay, sau Mai của Trấn Thành.
Đừng bỏ lỡ
Xe hợp đồng trá hình: Sẽ hết đường ''tự tung tự tác''
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO