Kiến trúc - Quy hoạch

Xây mới 2 sân bay ở miền Trung năm 2030

Kim Thoa 11:56 20/06/2023

Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Kế hoạch phát triển vận tải theo hướng hiện đại, đồng bộ, giảm chi phí và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

1-103836177_500x300.jpg
Đến năm 2030, khu vục miền Trung sẽ xây dựng mới Cảng hàng không Phan Thiết và Cảng hàng không Quảng Trị (ảnh minh hoạ)

Theo đó, đến năm 2023, Bộ GTVT sẽ ưu tiên phát triển mạnh, đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia, quốc tế gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, các trục hành lang kinh tế trọng điểm và tuyến thương mại liên vùng tại 14 tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Đến năm 2030, khu vục này sẽ xây dựng mới Cảng hàng không Phan Thiết và Cảng hàng không Quảng Trị; kết hợp nâng cấp, cải tạo và nâng cao hiệu quả khai thác 9 cảng hàng không hiện có trong vùng.

Cũng trong giai đoạn này, Bộ GTVT sẽ phối hợp, hỗ trợ các địa phương liên quan đầu tư xây dựng Trung tâm logistics hàng không gắn với sân bay quốc tế Đà Nẵng và Chu Lai; bố trí các trung tâm logistics tại các cảng hàng không có nhu cầu vận tải lớn hơn 250.000 tấn/năm. Các trung tâm logistics đảm bảo các điều kiện về kho vận và kết nối các loại hình giao thông thích hợp để vận tải hàng hóa tại các cảng hàng không Đà Nẵng, Chu Lai.

Bộ GTVT cũng sẽ có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phương tiện chở container trên  đường sắt, đường thuỷ nội địa; đổi mới, hiện đại hóa các phương tiện vận tải, thiết bị xếp dỡ và nâng cao chất lượng dịch vụ xếp dỡ.

Đáng chú ý, việc huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng sân bay Quảng Trị (khoảng 3.800 tỷ đồng) và sân bay Phan Thiết (khoảng 4.800 tỷ đồng) sẽ được Bộ GTVT tính toán dựa trên dự báo nhu cầu vận tải thực tế, khả năng nguồn lực đầu tư để huy động tối đa các nguồn vốn theo phương thức đối tác PPP, trong bối cảnh nguồn lực Nhà nước hạn chế. Để hấp dẫn được nhà đầu tư, Bộ GTVT đang tập trung tháo gỡ các vướng mắc về giải phóng mặt bằng, cơ chế đảm bảo giá đầu ra, cơ chế thu hút hành khách, hỗ trợ phát triển thị trường…

Để đạt được các mục tiêu trên, Bộ GTVT sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng theo phương thức đối tác công tư, ứng dụng công nghệ thông tin, cơ chế chính sách xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo môi trường pháp lý đầy đủ cho quản lý phát triển thị trường vận tải.

Huy động mọi nguồn lực, ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình hạ tầng thiết yếu tạo động lực thu hút doanh nghiệp vận tải. Hỗ trợ, kiến tạo cho việc hợp tác, liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp vận tải của các chuyên ngành để cung cấp dịch vụ vận tải đa phương thức và các dịch vụ logistics liên hoàn và hình thành những doanh nghiệp lớn về logistics. Tăng cường kết nối dịch vụ vận tải đường thủy nội địa với các phương thức vận tải khác bằng các hình thức xã hội hóa đầu tư hệ thống kho bãi, thiết bị xếp dỡ, đường giao thông kết nối tại các cảng đầu mối./.

Bài liên quan
  • Hà Nội kiểm tra các khóa tu mùa hè sau vụ việc tại chùa Cự Đà
    Lãnh đạo Ban Tôn giáo thành phố Hà Nội cho biết Ban đã làm việc với Giáo hội Phật giáo huyện Thanh Oai về trường hợp một phụ huynh phản ánh con bị đánh tại khóa tu mùa hè ở chùa Cự Đà. Ban Tôn giáo Hà Nội cũng đã yêu cầu các quận huyện tổng hợp toàn bộ danh sách khóa tu tổ chức trong mùa hè 2023. Nếu nhà chùa chưa đủ điều kiện thì tạm dừng các khóa tu lại.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Xây mới 2 sân bay ở miền Trung năm 2030
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO