Vương Trọng - Nhà thơ chiến sĩ đa tài

Nguyễn Thị Thiện| 21/12/2022 08:02

Thuở mới tốt nghiệp khoa Văn, Đại học Sư phạm, những năm tám mươi của thế kỷ trước, tôi được biết đến bài thơ “Bên mộ cụ Nguyễn Du” và rất khâm phục tác giả Vương Trọng. Sau này, đọc thêm nhiều tác phẩm của ông, tôi càng trân quý và ngưỡng mộ Vương Trọng hơn - một nhà thơ, một chiến sĩ đã có những đóng góp đáng kể vào tiến trình phát triển của nền thơ ca Việt.

nha-tho-vuong-trong(1).jpeg

Nhà “Kiều học” xứng danh “giải Nhất chi nhường cho ai”
“Truyện Kiều” là kiệt tác số một trong nền văn học Việt Nam. Vương Trọng là người đặc biệt say mê truyện Kiều. Đại thi hào Nguyễn Du luôn được ông tôn vinh là thần tượng để bản thân học và noi theo. Vương Trọng đọc Kiều bao giờ không rõ nhưng ông bảo đã thuộc lòng “Truyện Kiều” từ câu đầu đến câu cuối từ năm học lớp 6. Say mê và dày công nghiên cứu Kiều nên ông đã từng có nhiều bài viết công phu, hấp dẫn về “Truyện Kiều”. Ông có thể chọn ra ngay và luôn rất đúng những câu Kiều hay nhất, hợp với hoàn cảnh. Ai hỏi câu nào ông trả lời ngay được câu đó, hỏi đoạn nào ông đọc ngay được đoạn đó. Bởi yêu mê say đến mức sùng bái Kiều, ông đã đặt cho con trai của mình tên gọi Vương Liêu Dương (Liêu Dương là quê Kim Trọng). Cũng bởi thấu cảm sâu sắc với bậc tiền bối, năm 1982 ông sáng tác bài thơ “Bên mộ cụ Nguyễn Du” bày tỏ nỗi lòng buồn thương, bi phẫn của kẻ hậu sinh trước cảnh cô liêu, hoang lạnh của ngôi mộ:“Tưởng là phận bạc Đạm Tiên/ Ngờ đâu Cụ Nguyễn Tiên Điền năm đây?”. Đến năm 1989, mộ Nguyễn Du đã được nâng cấp khang trang. Có người khẳng định rằng nhờ có bài thơ trên của Vương Trọng nên thời gian tu sửa và xây dựng mộ Nguyễn Du to đẹp đã được rút ngắn lại. Ngoài bài thơ trứ danh này, Vương Trọng còn có những bài khác cùng chủ đề như: “Ghi trong Nhà Bảo tàng Nguyễn Du”, “Đạm Tiên”, “Mô-tip Thúy Vân”, “Phác thảo Tiên Điền”.


Không chỉ say mê Kiều, Vương Trọng còn rất yêu thích thơ chữ Hán của Nguyễn Du. Đây là lý do khiến ông âm thầm, mê mải làm công việc cần đến rất nhiều tâm, tài và lực: Viết nhiều cuốn sách, dịch toàn bộ thơ chữ Hán của Nguyễn Du, nhiều bài sang thơ lục bát - thể thơ được coi là quốc thi ở Việt Nam. Công việc này nhà thơ làm hàng chục năm trời chính bởi tình yêu sâu sắc và sự ngưỡng kính với bậc tiền bối.

Chủ nhân của nhiều câu đối và bài thơ trào lộng thú vị, giàu suy tư

Ở tạp chí Văn nghệ Quân đội, Vương Trọng nổi tiếng hóm hỉnh, có trí nhớ tuyệt vời và biệt tài trào lộng. Ông thường được bạn văn gọi một cách thân thiện, trân quý là Đồ Nghệ. Con người ông toát ra phong thái nho nhã, dáng thư sinh, mái tóc bồng bềnh lúc nào cũng hất ngược về phía sau để lộ vầng trán rộng thông minh. Gương mặt luôn tươi tắn, hồng hào toát lên vẻ tự tin. Kiến văn sâu rộng, tài làm câu đối rất chuẩn chỉnh và khả năng ứng tác thơ nhanh nhạy đã mang lại sự khâm phục cùng nhiều tiếng cười sảng khoái tới các bạn văn cùng những người ở quanh ông.


Nhà thơ Đoàn Tuấn trong bài “Khẩu khí trào lộng của Đồ Nghệ Vương Trọng” đã chia sẻ: “Có lần Vương Trọng đang xúc cơm cho con ăn. Con trai hiếu động cứ chạy lung tung khiến ông phải chạy theo dỗ cho ăn. Cậu bé nấp sau cửa hoặc góc khuất, thi thoảng hai bố con lại vang lên những chuỗi cười giòn giã. Nhà thơ Thanh Tịnh đi ngang, đọc ngay vế đối: “Bố cho con ăn, con cười bố cười“. Rất nhanh trí, Vương Trọng đối lại ngay là: “Con cho bố ăn, con khóc bố khóc“. Thanh Tịnh rất bất ngờ và cảm phục vế đối rất xuất sắc. Một lần khác: Cơm đã bày ra mà thằng cu bé vẫn còn ư ử mè nheo đòi ăn mì tôm, Đồ Nghệ cáu sườn: “Có cơm, có cá, có canh cua/ Mày muốn moi mỳ mẹ mới mua/ Bố buồn bực bảo: bây bài bướng/ Đáng đánh đòn đau, đếch đánh đùa!”. Nghe bố quát bằng thơ, anh cu vội im thin thít“.

tho-vuong-trong.jpg


Vương Trọng không chỉ có khiếu làm thơ hài hước, còn có tài chơi chữ đáng nể. Làm ở tạp chí Văn nghệ Quân đội gần cả cuộc đời, ông hiểu rõ tính cách, năng lực và tác phẩm của các bạn văn, người là sếp, người là bậc cây cao bóng cả nên có lần ông sắp xếp quan hệ trên dưới các nhà văn quân đội là Dũng Hà, Hồ Phương, Xuân Thiều, Nguyễn Trọng Oánh, Hữu Mai, Nguyên Ngọc thành một cặp câu đối hết sức thú vị: “Dưới ánh Sao mai, Khúc sông nghe lời Biển gọi/ Trên nền Đất trắng, Vùng trời ngán cảnh Rẻo cao”. Chính tài ứng đối nhanh và hóm hỉnh trào lộng nhưng giàu suy tư trong con người và thơ Vương Trọng truyền năng lượng cho mọi người qua tiếng cười lạc quan, thêm động lực trong cuộc sống.

Hồn thơ nặng tình với quê hương và con người

Vương Trọng làm thơ ở nhiều đề tài, bao giờ viết về quê hương cũng da diết ân tình sâu nặng với miền quê nghèo khó cùng những kỷ niệm đau đáu của tuổi thơ. Có năng khiếu thơ từ sớm nên mới học lớp 4, Vương Trọng đã làm bài thơ đầu tiên nói lên cảm xúc của mình với nơi chôn nhau cắt rốn. Bài thơ có cái tên rất cổ “Vịnh khe Bò Đái”, tuy gửi đi không được đăng báo nhưng là một kỷ niệm khó quên. Sau này, trong bài thơ “Lời dặn” (viết năm 1989), Vương Trọng bày tỏ mong ước thiết tha nơi trở về của mình: “Thi hài tôi sẽ trở về với làng/ Trên sức lực bạn bè, xóm mạc/ Những bàn tay lam nham cua cắp/ Những bàn chân tập tễnh bước gai đâm/ Núi Quỳ Sơn sẵn dành chỗ tôi nằm/ Hoa ấm lửa, đất nồng hơi than cháy/ Hạnh phúc lắm được nằm xuống đấy/ Dù gió mưa, không biết lạnh bao giờ…”. Điều đáng nói là, dù viết về tình đất hay tình người, thơ Vương Trọng đều có cốt lõi chung là nỗi lòng sâu đằm của riêng ông, không lẫn với bất cứ nhà thơ nào khác.


Tôi cũng như nhiều người khác đều xúc động khi đọc những bài thơ Vương Trọng viết về tình cảm gia đình. Bài “Khóc giữa chiêm bao” nhà thơ kể đã nhiều lần gặp mẹ trong mơ, lần nào cũng khóc. Đoạn thơ sau trong bài đã chạm tới trái tim của người đọc bởi sự chân thật đầy ám ảnh: “Anh em con chịu đói suốt ngày tròn/ Trong chạng vạng ngồi co ro bậu cửa/ Có gì nấu đâu mà nhóm lửa/ Ngô hay khoai còn ở phía mẹ về”. Hình ảnh mấy người con đói rã suốt ngày, trời tối vẫn còn “ngồi co ro bậu cửa” đợi mẹ về để có bữa tối là “ngô hay khoai” khiến lòng ta thổn thức... Bài thơ làm sống dậy chân dung người mẹ nghèo tần tảo, vất vả hi sinh vì đàn con và gia đình với tình yêu thương và lòng biết ơn vô hạn. Đó cũng là hình ảnh rất tiêu biểu của bao mẹ Việt Nam khác.


Hay trong bài thơ “Chị dâu” với 38 câu thơ lục bát nhuần nhị, tác giả đã thể hiện tấm chân tình của mình với người chị dâu đảm đang, thương yêu lo toan cho các em chồng chẳng khác gì người mẹ chăm lo cho các con: “Nghĩ mà thương lắm chị dâu/ Chiều mưa, gạo hết, mẹ đau cuối giường/ Em ngồi đôi mắt nhòa sương/ Nón tơi, cắp rá ngang vườn chị đi/ Chiều ơi mưa mãi làm gì/ Hoàng hôn đừng xuống trước khi chị về!...”. Bao nhiêu xót đau và thương cảm và biết ơn chị dâu gửi gắm qua những vần thơ được chưng cất từ gan ruột như thế?


Hồn thơ Vương Trọng luôn rộng mở. Trân trọng và biết ơn những người chiến sĩ ông viết bài thơ “Đường về Phum” nói về những cô thanh niên xung phong quên mình xả thân hi sinh vì nước khi tuổi còn rất trẻ. Trong bài “Lời thỉnh cầu ở Nghĩa trang Đồng Lộc” ra đời năm 1995, nhà thơ đã hóa thân vào linh hồn mười liệt nữ để thỉnh cầu: “Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang/ Cho mọc dậy vài cây bồ kết/ Hương chia đều trong hư ảo khói nhang”. Lời thỉnh cầu thiết tha gắn với thói quen gội đầu bằng bồ kết của những cô gái ngã xuống vì nghĩa lớn đã được những người còn sống thực hiện với lòng cảm phục và biết ơn sâu sắc.


Điều đáng quý khác nữa ở Vương Trọng là thơ ông luôn đồng cảm, bênh vực những phận người kém may mắn. Bài “Với đứa con ngoài giá thú” là một minh chứng, ở đó nhà thơ bênh vực người mẹ và em bé như ông Bụt với cô Tấm trong truyện cổ tích qua lời thơ: “Mặc người đời gọi con ngoài giá thú/ Con vẫn trong tình mẹ vuông tròn”. Chứng kiến trong cuộc sống ngày nay rất nhiều cặp vợ chồng ly hôn, ông viết bài thơ “Hai chị em” năm 1985, bày tỏ lòng thương cảm những đứa trẻ bơ vơ trong cảnh ngộ bố mẹ ra tòa ly hôn. Lời thơ ở đây như những tiếng nấc nghẹn ngào: “Nó biết đâu bố mẹ nó ra tòa/ Là cầm cưa xẻ ngang tình đoàn tụ/ Đứa còn mẹ thì thôi, không còn bố/ Hai chị em rồi sẽ mất nhau…”. Thơ Vương Trọng không chỉ là tiếng nói của cảm xúc, còn là những suy tư triết lý về cuộc sống con người. Bài thơ còn gióng lên hồi chuông cảnh báo những ông bố, bà mẹ trước khi đặt bút ký đơn li hôn “Phút giây thôi, hãy nghe tiếng con mình!”. Không chỉ gia đình mà toàn xã hội hãy quan tâm đến con trẻ vì đó là tương lai của đất nước chúng ta.


Tuy đến nay đã tròn tuổi bát thập nhưng nhà thơ Vương Trọng vẫn còn sáng tác. Bạn đọc mãi trân quý và ghi nhận những đóng góp của nhà thơ Vương Trọng với nền văn học nước nhà.

Nhà thơ Vương Trọng sinh năm 1943 tại Đô Lương, Nghệ An - một vùng đất địa linh giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Là con một cụ đồ Nho, các anh trai ông cũng đều yêu thơ, hay đọc thơ nên đã truyền đến cho Vương Trọng tình yêu thơ rất sớm. Thuở nhỏ, Vương Trọng học giỏi toàn diện. Sau khi tốt nghiệp khoa Toán trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (năm 1965), Vương Trọng lên đường nhập ngũ. Kết thúc thời gian huấn luyện, ông về công tác tại Cục 2, Bộ Tổng tham mưu. Năm 1970, Vương Trọng được điều chuyển làm giáo viên, giảng dạy tại Trường Văn hóa Bộ Quốc phòng. Ở đó, ông được chọn đi học lớp Bồi dưỡng sáng tác của Hội Nhà văn Việt Nam. Từ năm 1974, ông làm việc tại tạp chí Văn nghệ Quân đội đến năm 2007 về hưu với quân hàm Đại tá.
Nửa thế kỷ sáng tác ông đã cho ra mắt bạn đọc gần 30 đầu sách, trong đó có 16 tập thơ và trường ca, ngoài ra là các tập truyện ngắn, bút ký, sách dịch. Vương Trọng đã 2 lần được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam; 5 lần được Giải thưởng Bộ Quốc phòng và được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học & Nghệ thuật đợt 2 năm 2007.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Xuất bản cuốn sách "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi"
    Nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), NXB Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân" đi nhằm tri ân, ghi nhớ những đóng góp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam; đồng thời khẳng định, vai trò của tư tưởng văn hoá Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị to lớn, định hướng cho công cuộc xây dựng nền văn hoá Việt Nam hiện nay.
  • Huyện Đông Anh khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp nhà lưu niệm Bác Hồ
    Nhân dịp Kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), 60 năm ngày Bác Hồ về thăm thôn Lỗ Khê, xã Liên Hà (1964 - 2024); Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân xã Liên Hà (huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) đã khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp Nhà lưu niệm bác Hồ tại thôn Lỗ Khê.
  • Khai mạc hoạt động nghiên cứu, trao đổi về bảo tồn và phát huy giá trị di sản giữa Hà Nội và Bắc Kinh
    Trong khuôn khổ hợp tác về lĩnh vực di sản văn hóa, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Trung tâm Quản lý Công viên Bắc Kinh, Văn phòng Ban quản lý Cung điện Mùa hè tổ chức Lễ Khai mạc hoạt động nghiên cứu, trao đổi về bảo tồn và phát huy giá trị di sản giữa Hà Nội và Bắc Kinh, bao gồm: Triển lãm “Thăng Long - Hà Nội: Di sản kết nối và hội tụ” và Tọa đàm “Bắc Kinh- Hà Nội, kết nối phát huy giá trị di sản” tại Khu di sản thế giới Di Hòa Viên (Bắc Kinh). Đây là hoạt động bên lề nhân chu
  • [Podcast] Truyện ngắn Hố băng
    Huỳnh Trong Khang được biết đến là cây bút tài năng thuộc thế hệ 9x và là một trong những tác giả trẻ đầy triển vọng. Ngay từ khi xuất hiện trên văn đàm 2016 cây bút trẻ quê gốc An Giang Huỳnh Trọng Khang đã gây ấn tượng với chất văn chương già hơn so với tuổi, cái già trong văn chương của Khang được thể hiện rõ nét trong từng tầng nghĩa. Hầu hết các tác phẩm của Khang mang đến cho bạn đọc mênh mang chữ, sâu thẳm nghĩa.
  • “Sinh viên Việt Nam với văn hóa sở hữu trí tuệ trong nền kinh tế số”
    Trường Đại học Luật (Đại học Huế) phối hợp tổ chức Cuộc thi “Sinh viên sáng tạo và quyền sở hữu trí tuệ” lần thứ IV với chủ đề “Sinh viên Việt Nam với văn hóa sở hữu trí tuệ trong nền kinh tế số”.
Đừng bỏ lỡ
Vương Trọng - Nhà thơ chiến sĩ đa tài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO