Bằng Việt
Về hỏa tuyến thăm con
Bầy ong ngoan của con
Những cánh tơ thơ bé
Bộng ong bào mỏng thế
Vết phân trâu miết đều
Mảnh vườn khi nắng xế
Nghe ong rù rì kêu!
Con đường ra bến sông
Mỗi ngày bom lại thả
Vẫn tiếng súng phòng không
Nổ rền theo vách đá
Vụ chiêm, mùa vất vả
Mùi cơm thơm cứ thơm!
Ôi nùn rơm, nùn rơm
Sợi vàng vương mái tóc
Con che rơm đi học
Vai nhấp nhô đường xa
Em chơi cùng trẻ xóm
Bầy ong coi giữ nhà
Buổi chiều đi học về
Bà con đông đủ cả
Bầy ong ơi bầy ong
Bay cần cù dưới lá
Lâu cha chẳng về thăm
Mật ong màu óng quá!
Cha về rồi đây con!
Cha nhìn con bỡ ngỡ
Con đan lá ngụy trang
Con che đèn đánh lửa
Con đưa em xuống hầm
Biết xoay lưng chắn cửa
Ai dạy con bao giờ
Mà quá chừng ý tứ
Ôi con tôi, con tôi!
Tháng bảy ong bay đi
Chuồn chuồn chao trên sóng
Nhớ mùa đông rất dài
Nhớ mùa thu rất rộng
Bao lâu cha vắng nhà
Bao lâu con đã sống
Bao đêm ngoài biển động
Pháo sáng xanh vườn sau
Trăng mài mòn guốc võng
Giặc rít ngang trên đầu
Nhưng con vẫn học đều
Mỗi năm lên một lớp
Cha vẫn đọc thư con
Chữ dần dà cứng cáp
Cha về mà kinh ngạc
Thấy con còn bé không!
Cha ôm con rưng rưng
Mừng vui lòng nghẹn cả...
Con đường ra bến sông
Mỗi ngày bom lại thả
Nhưng cần cù dưới lá
Bầy ong bay rộn rã
Mùi cơm thơm cứ thơm!
1966
Bằng Việt xuất hiện vào khoảng giữa những năm sáu mươi, gần như cùng lúc với Lưu Quang Vũ và tập thơ in chung của hai người Hương cây, bếp lửa có một vị trí quan trọng trong nền thơ chống Mỹ. Riêng với Bằng Việt, giọng thơ “có học”, sang trọng của anh đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý của đông đảo công chúng yêu thơ vốn cũng đã bắt đầu thấm nhuần nền học vấn do chế độ mới mang lại. Thơ Bằng Việt nhìn chung giàu tính khái quát, chất triết lý, thường đề cập đến những đề tài rộng lớn với giọng điệu chính luận nhưng là thứ chính luận được xây dựng trên chất liệu xanh tươi của cuộc sống, vẫn giàu tính hình tượng và âm hưởng của đời thường (có người nhận ra trong thơ anh hơi hướng của một số nhà thơ Liên Xô, nơi mà anh có thời gian dài du học, và sau này việc anh dịch thành công những Yevgeny Yevtushenko, Olga Berggoltz... có vẻ như càng khẳng định thêm điều đó). Đấy là những Tình yêu và báo động, Bêtôven và âm vang hai thế kỷ, Trở lại trái tim mình... Vì thế, một bài như Về hỏa tuyến thăm con là khá hiếm trong thơ Bằng Việt, nhưng thật may mắn, nó lại là một bài thơ hay, nếu không nói là hay nhất của anh, kể cũng là lạ.
Cậu bé (hay cô bé?) trong bài thơ này không lập thành tích gì thật đặc biệt, vì những gì cậu phải đảm đương cũng giống như ở mọi đứa trẻ khác trên đất nước ta ngày ấy. Hoàn cảnh kỳ lạ của cuộc chiến khiến cho hai tiếng “hỏa tuyến” trở nên chỉ còn ý nghĩa tương đối, những cảnh chiến tranh đã trở nên quen thuộc, khiến cho người ta có thể bình tâm đến mức có thể nhìn thấy và lắng nghe được cả những hình ảnh và thanh âm nhỏ bé và muôn thuở: “Bầy ong ngoan của con/ Những cánh tơ thơ bé/ Bộng ong bào mỏng thế/ Vết phân trâu miết đều/ Mảnh vườn khi nắng xế/ Nghe ong rù rì kêu!”
Những hình, ảnh, âm thanh thường nhật ấy, cộng với một “mùi cơm thơm cứ thơm”, và thậm chí thứ rơm rạ thân quen dẫu đã có công dụng mới là che bom đạn nhưng vẫn là“sợi vàng vương mái tóc”, tất cả vẻ bình thường ấy dường như đã che khuất, lấn át cả những thứ âm thanh, màu sắc dữ dội của chiến tranh những: “Con đường ra bến sông/ Mỗi ngày bom lại thả/ Vẫn tiếng súng phòng không/ Nổ rền theo vách đá và những Đêm đêm ngoài biển động/ Pháo sáng xanh vườn sau/ Trăng mài mòn guốc võng/ Giặc rít ngang trên đầu...”
Chính trong sự vượt lên của cả cộng đồng, những cô, cậu bé cũng lặng lẽ lớn lên như không thể khác được. Trước hết, phải lớn lên để có thể tồn tại: “Con đan lá ngụy trang/ Con che đèn đánh lửa/ Con đưa em xuống hầm/ Biết xoay lưng chắn cửa“.
Và không chỉ để tồn tại, còn phải để làm người đích thực: “…con vẫn học đều/ Mỗi năm lên một lớp/ Cha vẫn đọc thư con/ Chữ dần dà cứng cáp“.
Giá như lớn lên, trưởng thành trước tuổi rồi hóa thành người khác, thì đó là phép màu của thần thánh. Những đứa trẻ của chúng ta không phải thế, chúng vẫn là những đứa bé thơ ngây, vẫn sống hòa nhập với thế giới thiên nhiên, quê kiểng như bản chất của trẻ con, với bầy ong bay cần cù dưới lá với “chuồn chuồn chao trên sóng”, với hình ảnh bé bỏng “che rơm đi học - vai nhấp nhô đường xa”, với nỗi nhớ thương người cha da diết được bật lên trong hai câu thơ tài tình gợi biết bao thương cảm: “Lâu cha chẳng về thăm/ Mật ong màu óng quá“.
Câu thơ đẹp một vẻ đẹp buồn bã, với từ “óng” như màu sắc của giọt nước mắt trẻ thơ long lanh dưới ánh tà dương! Những từ ngữ và hình ảnh đầy ấn tượng “Nhớ mùa đông rất dài/ Nhớ mùa thu rất rộng” và nhất là hình ảnh “Trăng mài mòn guốc võng” như dựng lên cả không khí dẫu không ngớt tiếng bom đạn nhưng vẫn đìu hiu, hoang vắng của một miền quê đã xác xơ tan tác vì chiến tranh.
Trước tất cả những cảnh, những người ấy, có lẽ chúng ta cũng sẽ như người cha phải đi từ “kinh ngạc, thấy con còn bé không”, đến thốt lên tiếng kêu từ đáy lòng: “Ôi con tôi, con tôi!” - một tiếng kêu trần trụi và duy nhất đúng chỗ, vì không còn ngôn từ nào thay thế.
Mặc dù, với thần thái của ngày ấy, tác giả đã đóng bài thơ bằng một mệnh đề hoàn toàn vui vẻ, lạc quan: “Mùi cơm thơm chứ thơm” - cuộc sống là bất diệt, “sự sống chẳng bao giờ chán nản” - nhưng sau tất cả trạng huống mà ta đã trải qua, liệu có thể tìm thấy ở bài thơ chỉ rặt những niềm vui vẻ lạc quan? Tôi chợt nhớ đến một nhà thơ Xô Viết mà chính Bằng Việt đã chuyển ngữ rất thành công, Yevgeny Yevtushenko, người đã làm cả một bộ phim về tuổi thơ của mình trong chiến tranh, bộ phim Vườn trẻ - bởi ông đã gọi chiến tranh chính là “vườn trẻ” của thế hệ mình - một cách ví von đầy ngụ ý chua xót!