Văn nghệ sĩ Hà Nội - Đồng Nai giao lưu trao đổi kinh nghiệm sáng tác
Sáng ngày 26/3, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội và Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đồng Nai đã tổ chức chương trình giao lưu trao đổi kinh nghiệm sáng tác văn học nghệ thuật “Văn nghệ sĩ đồng hành cùng đất nước”.

Tham dự chương trình giao lưu về phía Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đồng Nai có NSND, đạo diễn Giang Mạnh Hà - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đồng Nai cùng các văn nghệ sĩ đến từ các ban chuyên ngành trực thuộc hội. Về phía Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội có NSND Trần Quốc Chiêm - Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội cùng đại diện 9 hội chuyên ngành và các thành viên trong Ban chấp hành.

Phát biểu tại buổi giao lưu, đại diện lãnh đạo của hai Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội và Đồng Nai đã giới thiệu chung về quy mô, phương thức hoạt động cùng những nỗ lực của văn nghệ sĩ của hai hội trong thời gian qua từ việc đẩy mạnh các chuyến đi thực tế, các trại sáng tác, hội thảo, tọa đàm, tổ chức các cuộc vận động sáng tác, khích lệ, khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho các hội viên.

Sau buổi trò chuyện, giao lưu tại Hội trường Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, đoàn văn nghệ sĩ của hai Hội Liên hiệp đã tới thăm một số di tích tiêu biểu nằm trên phố Hàng Buồm thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Điểm đến đầu tiên là di tích đền Bạch Mã tọa lạc tại số 76 phố Hàng Buồm, phường Hàng Buồm, trung tâm khu phố cổ Hà Nội. Ngôi đền thờ thần Long Đỗ – Thần Quảng Lợi Bạch Mã Đại Vương. Long Đỗ được tôn vinh là Thành hoàng của kinh thành Thăng Long. Theo sách cổ Việt Điện U Linh, vào thế kỷ IX, Cao Biền – viên quan đô hộ phương Bắc – khi đắp La Thành đã có cuộc đấu phép với thần nhưng thất bại, buộc phải lập đền thờ.

Tương truyền, năm 1010, khi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, việc đắp thành gặp khó khăn, nhiều lần xây lên lại bị sụp đổ. Nhà vua bèn cho người đến cầu khấn tại đền Long Đỗ, bỗng thấy một con ngựa trắng từ đền đi ra. Lần theo dấu chân ngựa, vua quyết định dựa vào đó để quy hoạch thành. Nhờ vậy, thành mới đứng vững. Từ đó, thần được phong làm Thành hoàng kinh thành Thăng Long.
Đền Bạch Mã là một công trình kiến trúc lớn trong khu phố cổ Hà Nội, thuộc loại di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật. Đền có quy mô rộng rãi, với bố cục tổng thể trên một trục chính gồm: Nghi môn, Phương đình, Tiền tế, Trung tế và Hậu cung.
.png)
Dù đã trải qua nhiều lần trùng tu, đặc biệt vào các dịp kỷ niệm 990 năm và 995 năm Thăng Long – Hà Nội, ngôi đền vẫn giữ được phong cách nghệ thuật đặc trưng của thế kỷ XIX. Những mảng chạm khắc tinh xảo, lối kết cấu kiến trúc truyền thống cùng hệ thống hoành phi, câu đối… tạo nên nét cổ kính, uy nghiêm. Đáng chú ý hiện nay, đền vẫn bảo tồn được nhiều di vật có giá trị như: bia đá, các đạo sắc phong thần có niên đại từ thời Lê đến triều Nguyễn.

Điểm đến tiếp theo của đoàn là Hội quán Quảng Đông tọa lạc tại số 22 Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là một công trình mang đậm dấu ấn văn hóa của cộng đồng người Hoa gốc Quảng Đông, được xây dựng vào thế kỷ XIX để làm nơi gặp gỡ, giao thương và thờ cúng.


Kiến trúc hội quán mang phong cách truyền thống với cổng tam quan, sân trời, mái ngói cong, cùng những bức chạm khắc tinh xảo. Ngoài ý nghĩa tín ngưỡng, hội quán còn là nơi sinh hoạt cộng đồng, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa của người Quảng Đông tại Thăng Long xưa.
Trải qua nhiều lần trùng tu, hội quán vẫn giữ được giá trị lịch sử và nghệ thuật đặc sắc. Ngày nay, nơi đây là một trong những điểm tham quan thu hút du khách trong và ngoài nước, góp phần phản ánh sự giao thoa văn hóa giữa người Hoa và người Việt trong lòng phố cổ Hà Nội.



Kết thúc chuyến thăm quan và giao lưu với Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, thay mặt các văn nghệ sĩ của tỉnh Đồng Nai, NSND, đạo diễn Giang Mạnh Hà đã gửi lời cảm ơn chân thành vì sự tiếp đón nhiệt tình, nồng hậu của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội. Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai cũng bày tỏ hi vọng trong thời gian tới sẽ được đón tiếp các văn nghệ sĩ Thủ đô tại quê hương Nam bộ.