Công Hầu Bá Tử Nam, triều đình long hiển tước,
Di Mao Lão Kỳ Một, hương đảng quý cao niên.
Nghĩa là:
Các tước Công, Hầu, Bá, Tử, Nam – 5 bậc của triều đình thật là cao quý;
Các tuổi 60, 70, 80, 90, 100 – 5 bậc tuổi thọ cao làng xã rất kính trọng.
Ngày 13 tháng Giêng hàng năm là ngày Rước Yến. Theo lệ cổ xưa thì rước yến ở Đa Sĩ tức là các cụ lão làng đăng thọ 70, 80, 90, 100 tuổi năm đó sẽ cùng sửa lễ chung tại nhà một cụ nào đấy hội đủ các tiêu chuẩn và điều kiện về Phúc (song toàn và con cháu đề huề, tấn tới), về Thọ (từ 70 tuổi trở lên), về Khang (mạnh khỏe), về Ninh (yên vui cùng làng xóm). Sau khi lễ nghi đã sắm sửa xong, bày đủ ra các mâm, bàn, gồm thịt lợn, xôi phẩm, xôi đĩa, phẩm oản, hoa, trái cây, cau trầu, rượu thì con cháu các cụ đội mâm lễ đi trước, các cụ thứ tự lần lượt theo sau dâng lễ về miếu, chùa.
Đoàn người đội lễ là con cháu các cụ trong những bộ quần áo trang trọng nhất, nét mặt hân hoan thành kính. Các cụ lão ông lẫn bà trong những bộ lễ phục thọ lão: Các cụ bát quần áo đỏ, mũ no đỏ che tai, chân đi hia đỏ; các cụ thất áo đỏ quần trắng, mũ ni thâm che tai, chân đi dép (riêng cụ bà không đội mũ ni mà chít khăn vuông đỏ, cụ nào cũng tay chống gậy bằng trúc hoặc bằng gỗ). Sáng ngày 13 là ngày dành riêng để kính mừng các cụ từ 70 tuổi thơ lên tại miếu đình. Bài văn Tế Yến Lão của làng có đoạn như sau (tạm dịch):
“Ấm áp ôn huề tiết khí mùa Xuân, hội Yến Lão lại đến tuần làng đặt, lũ lượt cả đoàn tựa chiếc gậy quê hương râm ran khắp chốn đều ca khúc mừng thọ. Chỉnh tề áo mũ chậm chạp, cung kính tiến theo, dâng yến thọ tạ ơn… ngửa trong lên bộ ngọc chín tầng ăm ắp tình thương, ban thêm tuổi 70, 80, 90, 100 cho làng quê muôn đời được ơn sâu, phúc dầy mãi mãi”.
Lễ được dâng vào cung miếu và các nơi chùa, đình, văn chỉ… Nghi thức cũng giống như lễ tế Thần ngày 12 tháng Giêng, chỉ khác là trong văn tế sau họ tên vị chủ tế là họ tên tất cả các cụ lão cao nhất trở xuống đến cụ 51 tuổi đã lên lão làng. Mỗi năm chỉ được có một lần ghi tên vào văn làm lễ như vậy. Tuần tế dứt, lần lượt các cụ vào lễ nhà Thánh.
Sau khi tế xong, tất cả các quan viên, Chức dịch thụ lộc tại miếu, đình. Còn các cụ thì về nhà đăng cai ăn uống. Lệ Yến Lão, hội Rước Yến hay các cụ ăn yến là như vậy.
Sau thời gian làng và đám (sau ngày Rằm tháng Giêng) tùy theo khả năng điều kiện mà tổ chức lễ Khao thọ tại các gia đình cho đến hết tháng Giêng. Các cụ thường tự thu xếp bố trí ngày khao thọ lệch nhau. Ví dụ các cụ là anh chị em gần gũi hoặc là thông gia thì sẽ khao vào các ngày khác nhau để an hem, con cháu đỡ vất vả. Vào ngày này trong làng niềm vui tràn ngập, suốt đường làng, ngõ xóm đến tận từng nhà các cụ lên tuổi thọ, đèn hoa sáng trưng rực rỡ, tiếng cười tiếng nói chào mời chúc tụng râm ran xen lẫn với tiếng nhạc. Từng đoàn, từng tốp người thân, bạn bè mang tặng phẩm đến mừng.
Vài chục năm lại đây, việc tổ chức hội mừng thọ tuy vẫn được duy trì, nhưng những hình thức như ngày xưa không giữ được nữa, mà thay vào đấy là một thể thức gần như khuôn mẫu ít có nét đặc trưng riêng của làng.
Nhưng cái riêng nhất, đẹp nhất của Đa Sĩ là ngay từ thời xa xưa việc kính trọng tuổi thọ 60, 70, 80, 90, 100 của các cụ lão ông, lão bà không hề có phân biệt. Các cụ truyền lại rằng, nhớ ơn Lương y dược Linh thông cư sĩ Hoàng Đôn Hòa và phu nhân Phương Dung công chúa – Nhị vị Thành Hoàng làng, nên dân làng Đa Sĩ được sống thọ, xưa cũng như thế và ngày nay cũng vẫn thế.
Hoàng Thế Xương sưu tầm
(Theo "Tục hay, Lệ lạ Thăng Long - Hà Nội, NXB Phụ nữ, 2016)