Lễ hội làng Nga My thượng
Nhớ thời nhà Lý vua ta
Thanh Trì đê vỡ mười ba năm liền (1)
Nhà vua truyền lập đàn cầu thiên địa phù giúp việc đắp đê để trăm họ khỏi lầm than. Tuy vậy, công việc đắp đê qua nhiều năm vẫn không thuận. Vùng phía nam kinh thành vẫn thường bị lụt lội.
Một đêm, vào lúc canh tư nhà vua nằm mộng thấy có vị Thần báo về:
- Muốn đắp được đê phải hạ chiếu cho dân Địch Vạn (tức xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì ngày nay) mới thành công.
Vua tỉnh giấc, triệu triều thần văn võ, cả các quan thiên văn, địa lý xem mộng lành hay dữ. Các quan cùng nhà vua xem xét rồi đi đến quyết định hạ chiếu giao cho làng Vạn Phúc việc đắp đê. Nhận được chiếu chỉ vua ban, các chức dịch địa phương ngay lập tức huy động dân, cả nam lẫn nữ, từ 18 tuổi trở lên phải cấp tốc đi đắp đê Đỉnh Nhĩ.
Khi việc đắp đê xong xuôi, dân Vạn Phúc mới biết đoạn đê Đỉnh Nhĩ này thuộc địa phận do làng Nga My đảm trách (nay thuộc xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai, Hà Nội). Khi dân Nga My kéo quân đến đắp đê thì mọi việc đã hoàn tất. Dân làng Nga My cảm tạ ân nghĩa sâu nặng của dân làng Vạn Phúc đã tâu lên nhà vua xin cho hai làng kết nghĩa giao hảo để tiếp tục giúp đỡ lẫn nhau những lúc hoạn nạn, khó khăn. Ước nguyện ấy đã được nhà vua chấp thuận.
Từ đấy, hàng năm vào dịp Thánh đản, kỳ phúc, dân làng Vạn Phúc cử đoàn đại biểu đến mừng làng Nga My. Đáp lại vào kỳ lễ Thánh, hội làng ở Vạn Phúc, dân làng Nga My cũng cử đoàn đến chúc mừng, đồng thời cùng nhau đi xem xét lại đê điều.
Ở đình làng Nga My nay còn đôi câu đối nhắc tới tục kết chạ được hình thành từ trong cuộc đấu tranh chống lại thiên nhiên giữa hai làng:
Hách ti bất khả dục ti, thần tích hân hân đồng Vạn Phúc
Hảo hĩ vô tương do hĩ, lân giao tế tế đối Nga My
Dịch nghĩa:
Thiêng thay! Chẳng lượng được thay, thần thưởng hân hoan chung Vạn Phúc
Tốt thế! Không đâu hơn thế, lân giao nồng đặm đối Nga My.
Từ đó, trải qua biết bao năm lịch sử thăng trầm, tục kết chạ Nga My – Vạn Phúc được tôn vinh là: Thiên giao, Thần giao, Dân giao luôn được người dân hai nơi duy trì và nhắc tới như một niềm thiêng liêng, trân trọng và tự hào.
Mối quan hệ kết nghĩa giữa hai làng Nga My – Vạn Phúc trải qua nhiều đời đều tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Cả hai nơi cùng tôn nhau là anh (quan anh) và xưng mình là em (chúng em).
- Trai gái hai làng không kết hôn với nhau vì là anh em.
- Mọi cuộc tiếp xúc giữa hai làng đều trên danh nghĩa cộng đồng, vì lợi ích cộng đồng.
Vạn Phúc và Nga My có tục lệ “ăn đụng” và dịp lễ Thánh đản của mỗi làng. Sau mỗi kỳ “Ăn đụng” lại đặt ước lệ cho lần tổ chức sau. Ban đầu là 10 năm, sau dần dần định là 40 năm. “Ăn đụng” là cả làng tham gia. Khách Nga My đến Vạn Phúc hay Vạn Phúc đến Nga My “ăn đụng” đều được đón tiếp trọng thị. Người lớn, trẻ con hai làng đều gọi nhau là “Quan anh” một cách kính trọng, coi nhau là “bề trên”! Những ngày ở Nga My người Vạn Phúc được tiếp đón trọng thị, chu đáo về nơi ăn, chốn nghỉ không phải đóng góp gì. Ngược lại người Nga My đến Vạn Phúc cũng không phải đóng góp, còn được dân làng ra nghênh tiếp tận cây gạo đầu làng và đưa tiễn tới bờ đê ngày giã hội…
Ở Nga My – Vạn Phúc đã gần 80 năm nay trong những ngày lễ hội hai làng không tổ chức “ăn đụng” nữa, song mối tình giao hảo, kết nghĩa vẫn ngày càng đầm ấm, bền chặt hơn.
---------------------------
(1) Một dị bản lưu truyền rằng việc vỡ đê nhiều năm diễn ra vào thời nhà Trần và cũng có câu ca:
Đời Trần bão táp mưa sa
Thanh Trì đê vỡ 13 năm liền
(Theo Tục hay lệ lạ Thăng Long – Hà Nội, NXB Phụ nữ, 2016)