Và cũng chửa cần nói đến cảm giác hay cảm xúc gì đó, ngay độ bền thì những thứ nhựa - sắt kia so với “anh tre”, xin lỗi còn… xách dép. Độ bền không cao, cảm giác không thật, đồng nghĩa với việc người ta dễ “thảy” nó ngay khi cảm thấy chán. Khi đó, những vật dụng kể trên sẽ trở thành rác khó phân hủy, “góp phần” làm ô nhiễm môi trường…
Thành thị thì không nói làm gì, nhưng chốn thôn dã, vốn là nơi “chôn rau, cắt rốn” của tre trúc, nhưng tre trúc cũng đang bị “quay lưng”. Bởi cảnh trâu đi trước, cái cày theo sau đã đi vào dĩ vãng. “Cối xay tre, nghìn đời nay, nặng nề quay, xay nắm thóc”- đã được máy xay xát thay thế; vậy là dần sàng, thúng mủng… cũng bị bao tải dứa “cướp” vai trò.
Thế hệ chúng tôi, những tác phẩm như "Cây tre Việt Nam” (Thép Mới), “Tre Việt Nam” (Nguyễn Duy), hay những ca khúc như “Làng tôi” (Văn Cao), hay “Làng tôi” (Hồ Bắc)… đều được nhiều người nằm lòng. Dẫu là văn xuôi, thơ ca hay âm nhạc, nhưng mỗi khi ngân lên, hình bóng “người bạn dân cày Việt Nam” vẫn đem lại cho chúng tôi cảm xúc bâng khuâng về một thời quá vãng: “Làng tôi sau lũy tre mờ xa/ Bình yên thân thương những nếp nhà…” (Làng tôi - Hồ Bắc); hay: “Làng tôi xanh bóng tre/ Từng tiếng chuông ban chiều/ Tiếng chuông nhà thờ rung…” (Làng tôi - Văn Cao).
Ở lứa chúng tôi, hai ca khúc nói trên dẫu không được dạy trong nhà trường, nhưng đều được yêu thích. Còn hai tác phẩm văn học: "Cây tre Việt Nam" và "Tre Việt Nam" thì gần như ai cũng thuộc lòng.
Hiện ở nhiều vùng quê, bờ tre, khóm trúc xanh mát những trưa hè, đang bị người ta triệt hạ. Thay vào đó là những bức tường bê tông, gạch, đá vô hồn… Khi lục vấn điều này, câu trả lời chung mà chúng tôi nhận được: Ôi dào, tre trúc bây giờ mấy ai còn dùng, để làm gì cho rậm vườn… Nói là vậy, nhưng trên thực tế, tre vẫn chưa hết tác dụng trong cuộc sống của con người đâu ạ.
Biểu hiện là để ngăn lũ, ở nhiều đoạn đê, bê tông cũng phải… chào thua tre đó. Và “Làng tôi”, làng anh, làng của chúng ta thì vẫn còn; nhưng bóng tre thì ngày càng mai một. Quả thật dân quê đang quay lưng với người bạn ngàn đời!