Truyền thống quê hương, gia đình đã hun đúc hình thành nhân cách, chí hướng cách mạng của đồng chí Đào Duy Tùng
Tham luận tại Hội thảo khoa học “Đồng chí Đào Duy Tùng - Người cộng sản kiên trung, nhà lý luận xuất sắc của Đảng”, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Đào Xuân Dũng, cho biết, truyền thống quê hương, gia đình đã hun đúc hình thành nhân cách, chí hướng cách mạng của đồng chí Đào Duy Tùng.
Đồng chí Đào Duy Tùng, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, sinh ngày 20/5/1924 tại xóm Chợ, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội trong gia đình “Nho y gia trạch”, ông nội là cụ Đào Duy Ánh, một nhà nho yêu nước, một lương y sống thanh bạch, luôn lấy trí, tâm, đức để truyền đạt cho môn sinh và để lại tư tưởng đạo đức lớn cho con cháu là trọng đức, quý người, nhân ái và bao dung. Cha đồng chí Đào Duy Tùng là cụ Đào Duy Khải, người có cảm tình với cách mạng. Cụ Đào Duy Khải đã cho cả ba người con trai của mình là Đào Duy Bách, Đào Duy Tùng và Đào Duy Cương tham gia hoạt động cách mạng từ những năm 1943, 1944.
Sinh ra, lớn lên tại quê hương giàu truyền thống cách mạng một gia đình nhà nho yêu nước, đồng chí Đào Duy Tùng đã sớm giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, Đào Duy Tùng đã cùng các đồng chí khác tham gia lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền tại địa phương. Là một cán bộ trẻ giàu năng lực, hăng hái, tâm huyết với sự nghiệp cách mạng, đồng chí được Đảng tín nhiệm giao nhiều trọng trách. Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, đồng chí được cử đi thành lập chính quyền cách mạng và các đoàn thể quần chúng nhân dân tại huyện Đông Anh.
Đồng chí Đào Duy Tùng là nhà lãnh đạo có tư tưởng đổi mới, luôn tìm tòi, sáng tạo những nhân tố mới. Đồng chí là một trong những người tham gia đổi mới từ những năm 1980, cùng với các lần "khoán thử" ở Vĩnh Phúc, Hải Phòng, “khoán 100” rồi "khoán 10" đến Cương lĩnh đổi mới đất nước.
Trong những bước ngoặt của cách mạng, đồng chí đã cùng tập thể Bộ Chính trị, các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học đi sâu nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, dành nhiều thời gian xuống cơ sở, tiếp xúc với nhân dân, học hỏi kinh nghiệm lắng nghe, trân trọng mọi ý kiến đóng góp để chắt lọc cái đúng, cái hay, góp sức vào việc xây dựng và phát triển đường lối, chủ trương của Đảng. Có thể nói, “ba quan điểm kinh tế”, “bốn nguy cơ” và “hai điều đánh giá tổng quát” về 10 năm đổi mới là công trình tập thể của Đảng ta nhưng mang dấu ấn của đồng chí Đào Duy Tùng về mặt khái quát lý luận.
Từ 1965 - 1982, trên cương vị Tổng Biên tập Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản), đồng chí Đào Duy Tùng đã góp phần quyết định đưa tạp chí lý luận của Đảng có những bước phát triển vượt bậc và toàn diện. Với tư cách là nhà lãnh đạo công tác tư tưởng, lý luận của Đảng, đồng chí cũng nêu rõ, báo chí là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội, đồng thời là diễn đàn của nhân dân.
Sau gần 40 năm đổi mới, có thể khẳng định đồng chí Đào Duy Tùng có những đóng góp đặc biệt trong vấn đề đổi mới tư duy. Hình thành tư duy mới, xây dựng tư duy mới là vấn đề mà đồng chí Đào Duy Tùng dành rất nhiều tâm huyết.
Đồng chí Đào Duy Tùng trong công cuộc đổi mới của Đảng
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Đào Xuân Dũng, cho biết, Đại hội VI của Đảng (12/1986), đồng chí Đào Duy Tùng được bầu là Ủy viên Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu là Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, phụ trách công tác tư tưởng và khoa giáo.
Tháng 5/1988, đồng chí được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị và trong nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương khóa VII là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và Thường trực Bộ Chính trị (từ tháng 1/1994 đến tháng 6/1996). Trong 4 kỳ Đại hội từ Đại hội IV đến Đại hội VIII, đồng chí Đào Duy Tùng được phân công là Thành viên của Tổ biên soạn - Biên tập các văn kiện Đại hội, là Thường trực Ban soạn thảo Cương lĩnh chính trị và Chiến lược kinh tế - xã hội được Đại hội VII thông qua.
Từ 1986 - 1996, đồng chí là Chủ tịch Hội đồng biên soạn bộ giáo trình chuẩn về chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh theo tinh thần đổi mới; là chủ tịch hội đồng xuất bản Mác – Ăngghen: Toàn tập, Lênin: Toàn tập, Hồ Chí Minh: Toàn tập, Văn kiện Đảng: Toàn tập.
Dù ở bất cứ nơi đâu, cương vị công tác nào, đồng chí Đào Duy Tùng đều hết mực trung thành, tận tụy, quên mình cho công việc và đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Đặc biệt, trước những khó khăn, thử thách lớn của đất nước khi bước vào thời kỳ đổi mới, đồng chí đã cùng tập thể lãnh đạo, các nhà khoa học đi sâu nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, tiếp xúc với nhân dân, lắng nghe, trân trọng mọi ý kiến đóng góp để chọn lọc cái đúng, cái hay, góp sức vào việc xây dựng và phát triển đường lối, chính sách của Đảng, đặc biệt đóng góp vào việc hình thành lý luận đường lối đổi mới của Đảng.
Trong đổi mới tư duy, đồng chí đặc biệt quan tâm tới vấn đề thông tin và đã chỉ rõ, “đổi mới công tác thông tin là điều kiện quan trọng để đổi mới tư duy. Bởi vì có được thông tin đúng thì mới có suy nghĩ đúng. Không được nhận thông tin thì không có gì để suy nghĩ cả. Nhận thông tin sai lệch thì tư duy không thể đúng được. Công khai, dân chủ trong thông tin là điều kiện phát triển tư duy khoa học, chống lại tình trạng “cửa quyền” trong tư duy, kịp thời phát hiện tình trạng trì trệ hoặc “hư hỏng” trong tư duy”.
Trong công cuộc đổi mới, đồng chí Đào Duy Tùng là một nhà lãnh đạo công tác tư tưởng, lý luận và báo chí có tư duy mới, suy nghĩ hiện đại và tầm nhìn bao quát, rộng lớn. Chính những người lãnh đạo công tác tư tưởng, lý luận, báo chí của Đảng như đồng chí Đào Duy Tùng đã tạo ra những bước phát triển vượt bậc của công tác báo chí, truyền thông trong thời kỳ đổi mới.
Đánh giá những công lao, đóng góp của đồng chí Đào Duy Tùng trong công tác tư tưởng, lý luận, tuyên truyền, báo chí, xuất bản, Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã viết bài với tiêu đề: “Đào Duy Tùng, nhà lãnh đạo liêm khiết, con người đổi mới của Đảng” khẳng định “Những đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đồng nghiệp cùng làm việc với đồng chí, ai cũng cảm nhận ở đồng chí một con người khiêm nhường, giản dị, đạm bạc, trung thực, song lại chứa một trái tim sâu nặng nghĩa tình, một bộ óc có tầm cao trí tuệ luôn sống động hướng về sự nghiệp chung của dân của Đảng”.
Thời gian đã lùi xa, đồng chí Đào Duy Tùng cũng đã đi xa, nhưng những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những định hướng và căn dặn của đồng chí đối với công tác báo chí, truyền thông của Đảng nói chung và đối với Tạp chí Cộng sản nói riêng vẫn mang tính thời sự, giữ nguyên giá trị. Đó thực sự là những di sản tinh thần vô cùng quý báu với công tác báo chí, truyền thông của Đảng và đối với mỗi cán bộ, phóng viên làm việc trong các cơ quan báo chí của Đảng.
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Đào Duy Tùng từ lúc là một cán bộ cơ sở cũng như khi giữ cương vị cao trong Đảng, đã luôn có những cống hiến rất lớn cho sự nghiệp cách mạng, con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Với bản chất cách mạng kiên trung, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, luôn luôn phấn đấu không mệt mỏi, không ngừng nghỉ cho lý tưởng cách mạng và đặc biệt là những đóng góp lớn lao cho công tác tư tưởng lý luận của Đảng, cũng như những đóng góp trong sự nghiệp đổi mới mà Đảng ta tiến hành đã phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổng kết thực tiễn để đưa cách mạng Việt Nam đi lên theo con đường xã hội chủ nghĩa, góp phần xây dựng, củng cố và bảo vệ thành công Tổ quốc Việt Nam. Chính những đóng góp đó cho thấy, đồng chí Đào Duy Tùng không chỉ là một tấm gương sáng về đạo đức cách mạng mà còn là một nhà cách mạng, tư tưởng - lý luận xuất sắc mà các lớp cán bộ, đảng viên, thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, đặc biệt là những con người làm công tác giáo dục lý luận chính trị, tư tưởng học tập và noi theo.
Đồng chí Đào Duy Tùng đã sống và cống hiến trọn đời cho Đảng và cho Tổ quốc, là tấm gương cho cán bộ, đảng viên, nhân dân và tuổi trẻ Thủ đô học hỏi và phát huy phẩm chất cao đẹp, mãi tỏa sáng theo thời gian
Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Đào Xuân Dũng.