Một số cuốn sách nước ngoài nghiên cứu về “Truyện Kiều”.
Ảnh: Hữu Sơn
20 thứ tiếng của 60 bản dịch
Ngay từ cuối thế kỷ XIX, “Truyện Kiều” đã được Abel des Michel dịch ra tiếng Pháp (3 tập, 1884). Điều đáng lưu ý là việc dịch “Truyện Kiều” sang các thứ tiếng có nhiều nhân duyên khác nhau: có người nước ngoài và người Việt Nam, có người nước ngoài từng ở Việt Nam và có người hoàn thành bản dịch khi chưa đặt chân đến nước Việt, có người trực dịch từ tiếng Việt và có người dịch qua ngôn ngữ khác (chủ yếu từ bản tiếng Pháp). Lại nữa, có người dịch vì ngẫu nhiên được giới thiệu, tiếp xúc với một truyện thơ hay; có người qua gợi ý của nhà chính trị, đồng nghiệp, bạn bè; có bản dịch độc lập, theo sự cộng tác song phương hoặc nhiều người. Thêm nữa, có người dịch “Truyện Kiều” khi còn rất trẻ, có người hoàn thành bản dịch khi đã mãn chiều xế bóng, có bản dịch in ở Việt Nam và có bản dịch in ở nước ngoài, có bản in đơn ngữ và loại song ngữ.
Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến nay kiệt tác “Truyện Kiều” đã được dịch ra trên 20 thứ tiếng với trên 60 bản dịch khác nhau và xuất bản ở các nước Anh, Ả Rập, Ba Lan, Bungari, Đức, Hàn Quốc, Hunggari, Hy Lạp, Lào, Mông Cổ, Nga, Nhật Bản, Pháp, Phần Lan, Rumani, Séc, Tây Ban Nha, Thái Lan, Thụy Điển, Trung Quốc,... Nhiều thứ tiếng có số bản dịch phong phú: Anh ngữ 18 bản, Pháp 15 bản, Trung Quốc 11 bản, Nhật Bản 5 bản, Nga 2 bản… Đơn cử trường hợp bản dịch sang tiếng Đức “Das Mädchen Kiều/ Nàng Kiều” của Franz Faber (1917-2013), in lần đầu ở Berlin (Cộng hòa Dân chủ Đức) vào năm 1964 (tái bản vào các năm 1976, 1980, 2000 và in song ngữ Việt - Đức tại Việt Nam năm 2015). Cơ duyên của việc dịch này bắt đầu từ cuối năm 1954 khi Franz Faber sang Việt Nam công tác. Trước ngày ra về, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cuốn “Truyện Kiều” song ngữ Việt – Pháp kèm theo câu nói tựa như một lời đề nghị, khuyến khích, động viên, hy vọng: “Biết đâu anh có thể làm được một điều gì đó với cuốn sách này”. Về nước, từ một người chưa biết tiếng Việt, ông đã cùng vợ là Irene vừa học tiếng vừa nghiền ngẫm đọc hiểu, qua bảy năm thì hoàn thành việc dịch toàn văn “Truyện Kiều”… Điều này xác nhận vị thế và sức sống mãnh liệt của “Truyện Kiều” trong di sản tinh hoa văn học nhân loại và khả năng đồng cảm, lan toả, tiếp nhận sâu rộng trong thế giới hiện đại.
Bên cạnh hoạt động dịch thuật và nỗ lực giới thiệu, quảng bá của các thế hệ người Việt trong và ngoài nước cần đặc biệt chú ý đến thành tựu nghiên cứu của các nhà Việt học người nước ngoài về “Truyện Kiều” trong hơn một thế kỷ qua. Nhìn chung, họ là những nhà Việt học uy tín, am hiểu tiếng Việt và nền văn hoá Việt, am hiểu “Truyện Kiều” và các hiện tượng truyện thơ tương đồng ở phương Đông và thế giới.
Tinh thần đặc biệt của nước Nam
Trên tư cách người dịch “Truyện Kiều”, Abel des Michels (1833-1918) đã giới thiệu khái lược 5 phương diện so sánh: tương quan “Truyện Kiều” và “Kim Vân Kiều”, ngôn ngữ “Truyện Kiều” và ngữ liệu Trung Hoa, chữ Nôm tiếng Việt Bắc Bộ và Nam Bộ, phổ văn hóa phương Đông của “Truyện Kiều” và sự khác biệt Âu châu, từ đó nhấn mạnh hiện trạng ẩn dụ ngôn ngữ “Truyện Kiều” “chúng hoàn toàn đối nghịch với tinh thần các ngôn ngữ châu Âu” (1884)… So sánh hệ thống và trực diện hơn, René Crayssac (1883-1940) trước hết biện luận về vấn đề Nguyễn Du dựa theo “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân cũng tương tự như Molière soạn hài kịch “Người keo lận” (L’Avare) lấy từ “Aulularia” (Truyện cái nồi) của nhà soạn kịch La Mã Plôt; Raxiz soạn kịch cũng lấy truyện của Hy Lạp, La Mã, Do Thái; kịch Coócnây lấy tích từ Tây Ban Nha, La Phôngten bắt chước truyện Esore và đi đến xác định: “Phàm xét văn chương không cần phải xét rằng sự tích là mượn của ngoài hay là tự tác giả đặt ra, chỉ nên xét rằng tác giả kết cấu truyện ấy ra tiếng nước mình có thêm được cái đặc sắc gì không, có hóa theo được cái tinh thần của Tổ quốc mình không. Nay “Truyện Kiều” của cụ Nguyễn Du thật là có cái tinh thần đặc biệt của nước Nam ở đó”… đến tiếp tục so sánh và đối sánh các phương diện đạo đức, tôn giáo, tập quán, quan niệm chữ hiếu, hôn nhân, sắc dục, từ đó nhấn mạnh cả những nét tương đồng của thuyết nghiệp báo, nhân quả trong miêu tả nhân vật: “Mã Giám Sinh, gã buôn người, là một nhân vật cũng giống như Letellier hay là Philiberl trong tiểu thuyết Tây, thường ăn mặc chải chuốt điếm đót”; hoặc tương đồng trong ứng xử về đạo hiếu, ái tình và nghĩa vụ: “Không nói gì xa xôi cho lắm, nói ngay về thời đại ông Coócnây, và thử xét các hài kịch của ông xem. Phần nhiều các bài ấy, cốt truyện là thế nào? Là ở ái tình và nghĩa vụ xung đột nhau. Chàng Lộ Địch (Rôđrigơ) phải chọn một bên là lòng thương yêu nàng Chí Miên (Simen), một bên là nghĩa báo thù cho cha mình, cũng là bên hiếu bên tình phải quyết xem bên nào nặng hơn, há chẳng phải là anh em đồng bệnh với cô Kiều nước Nam đó dư?”, đồng thời xác định: “Cụ Nguyễn Du có ngọn bút tả cảnh rất tài, trong truyện có vô số những bức tranh nho nhỏ xinh xinh, nét vẽ vừa thanh tao mà vừa diễm lệ. Chỉ mấy nét bút, chỉ vài bốn câu thơ mà vẽ nên phong cảnh rất có khí sắc và rất có cảm tình, giống như lối thơ hai kai của Nhật Bản mà có ý tinh tế hơn… “Truyện Kiều” thật là một nền quốc văn hoàn toàn của nước Nam. Trong suốt văn chương nước Pháp, dễ không có một tập thơ văn nào phổ thông trong dân gian bằng “Truyện Kiều” ở nước Nam. Thật không có một người An Nam nào bất cứ sang hay hèn, giàu hay nghèo, mà lại không biết đến Truyện Kiều” (Truyện Kiều và xã hội Á Đông, 1926).
Nhà Việt Nam học người Nga N.I. Nikulin đi sâu lý giải: “Trong thiên trường ca của Nguyễn Du cũng có những mô-típ định mệnh chủ nghĩa. Theo ý nhà thơ, nguyên nhân đầu mối của những nỗi gian truân của Kiều là chữ mệnh, là cái "karma". Song điều đó không hề cản trở nhà thơ phản ánh một cách hiện thực cuộc sống và tính quy luật của nó. Các lực lượng huyền bí không hề can dự tới quá trình diễn biến của các sự việc trong thiên trường ca, nó chỉ là một phương tiện để tác giả giải thích nguyên nhân các nỗi thống khổ của nàng Kiều. Cách giải thích này chủ quan, võ đoán và không được cuộc sống hiện thực phản ánh trong tác phẩm xác nhận. Vì cũng cùng những sự việc ấy mà nhìn nhận theo một quan điểm khác thì có thể đưa ra một cách giải thích đúng đắn, duy vật. Trung thành với sự thật trong cuộc sống - đó là một thắng lợi lớn của khuynh hướng hiện thực vốn có trong bản chất của thiên trường ca “Đoạn trường tân thanh và toàn bộ sáng tác của Nguyễn Du” (Nguyễn Du - nhà thơ nhân đạo lỗi lạc, 1971)…
Hơn thế nữa, xúc cảm từ Nguyễn Du và “Truyện Kiều”, nhiều nhà thơ thế giới đã biết đến Thúy Kiều, làm thơ về Thúy Kiều và Việt Nam với tất cả niềm trân trọng, mến yêu. Đơn cử mấy câu thơ của nhà thơ Hunggari H. Andrasơ (1953-1992): Anh đừng nói: Trời cao/ Xin hãy nói: Màn xanh trùm bể khổ/... Anh đừng nói: Suối vàng/ Xin hãy nói: Tơ đời không thể dứt (Từ những điều Nguyễn Du dạy, 1984)...
Bước sang thiên kỷ 21, tiếp tục xuất hiện các công trình nghiên cứu về “Truyện Kiều” mới mẻ của nhiều nhà Việt học trên thế giới như K.C. Leung (Australia), Trần Ích Nguyên (Đài Loan), Yang Soo Bae, Ahn Kyong Hwan, Park Hyun Kyu (Hàn Quốc), Bountheng Souksavatd (Lào), Sonom-Ish Dashtsevel (Mông Cổ), Jaipal Tuttle, John Swensson (Mỹ), V.P. Larin, V.V. Remartruc, M. Tkatrov, A.A. Sokolov, V. Popov (Nga), Kawaguchi Kenichi, Nohira Munehiro, Sato Seiji, Kuroda Yoshiko, Kuroda Yoshiko (Nhật Bản), Alain Guillemin (Pháp), Jan Komárek (Séc), Nhan Bảo, Lưu Chí Cường, Triệu Ngọc Lan, La Trường Sơn, Lô Uý Thu (Trung Quốc),…
Thay cho lời kết, xin dẫn lại tư liệu và bình luận của nhà nghiên cứu Bùi Mạnh Nhị về tầm vóc quốc tế và ý nghĩa “Truyện Kiều” trong mối quan hệ Việt - Mỹ: “Trở lại vấn đề “Truyện Kiều” trong diễn văn của các tổng thống Mỹ, đến nay những người đứng đầu nước Mỹ đã ba lần sử dụng tác phẩm vĩ đại này trong những bối cảnh trân trọng đặc biệt. Lần thứ nhất, trong diễn văn đáp từ của Tổng thống Bill Clinton tại cuộc chiêu đãi trọng thể của Chủ tịch nước Trần Đức Lương tối 17/11/2000. Lần thứ hai, trong diễn văn của Phó tổng thống Mỹ Joe Binden, thay mặt Tổng thống Barack Obama chủ trì, tại buổi tiệc trưa ngày 7/7/2015 chiêu đãi trọng thể Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu Việt Nam tại Nhà Trắng. Và, lần thứ ba, Tổng thống Barack Obama trích dẫn Truyện Kiều trong bài phát biểu trước 2.000 người Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ngày 25/5/2016… “Truyện Kiề”u của Nguyễn Du từ một tác phẩm nghệ thuật đã bước vào vũ đài chính trị (…) để nối con người, nối các dân tộc với nhau” (2018)…