Cuộc thi viết "Các vấn đề gia đình thời nay” lần thứ XI - năm 2021 có chủ đề “Chung tay vì môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái” được phát động từ ngày 1/10/2021. Sau 2 tháng triển khai, BTC đã nhận được hơn 1.000 bài dự thi của các tác giả chuyên và không chuyên, thuộc nhiều lứa tuổi, đến từ nhiều vùng miền trong cả nước và ở nước ngoài. Bên cạnh các tác giả nữ, nhiều nam giới, những người chồng, người cha, con trai trong gia đình cũng tham gia dự thi. Ngoài tác giả cá nhân, lần đầu tiên, cuộc thi còn sự tham gia của nhóm “Be a rainbow” về phòng chống xâm hại trẻ em của các nữ sinh lớp 12 tại Hà Nội và doanh nghiệp xã hội Cyberkid Việt Nam với các hoạt động phòng chống xâm hại trẻ em trên không gian mạng.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Thành phố Hà Nội trao giải Nhất cho tác giả Dương Tự Minh.
Bà Lê Quỳnh Trang – Tổng biên tập báo Phụ nữ Thủ đô, Phó ban tổ chức cuộc thi cho biết, các tác phẩm dự thi có nội dung phong phú tập trung vào 3 chủ đề. Nhóm chủ đề thứ nhất bao gồm các bài viết luận giải về các vấn đề an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Nhóm chủ đề này đã thu hút tác giả là các chuyên gia đầu ngành về bình đẳng giới đã và đang làm việc tại các viện nghiên cứu, phát triển giới, tổ chức Giáo dục - Khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam, học viện Phụ nữ, nghiên cứu sinh giảng viên các trường đại học, cán bộ Hội phụ nữ… Các bài viết đã đưa ra các góc nhìn đa dạng khác nhau về các yếu tố an toàn và nguy cơ mất an toàn cho phụ nữ, trẻ em gái hiện nay, kiến giải các giải pháp để bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái…
Nghiên cứu sinh Tạ Thị Ngọc Diệp, chuyên ngành Tâm lí Giáo dục - Khoa Giáo dục, Đại học Chung Ang, Seoul, Hàn Quốc đã tiếp cận vấn đề an toàn cho phụ nữ và trẻ em bằng thông điệp hãy “Xóa bỏ quyền lực giới bằng yêu thương”. Tác giả Đỗ Hà My, Bắc Ninh lại đề cập đến một vấn đề rất thời sự là an toàn cho nữ công nhân và con em của họ ở các khu công nghiệp và khu chế xuất như các con đường trong nhiều khu công nghiệp chưa có đèn giao thông, nguy cơ nữ công nhân bị xâm hại khi tan ca trở về trên đường vắng.
Nhóm chủ đề thứ hai là các bài viết về hoạt động bảo vệ phụ nữ, trẻ em. Cuộc thi năm nay thu hút nhiều tác giả - cũng chính là những người đang tự mình vượt lên định kiến, hoặc triển khai các hoạt động, dự án… về bình đẳng giới, xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em… được cộng đồng đánh giá cao. Đó là hành trình bảo vệ phụ nữ, trẻ em của tác giả, luật sư Trần Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội bảo vệ Quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh, người đã tham gia 14 phiên tòa tranh chấp quyền nuôi con, bảo vệ cho 17 em bị bạo hành; giúp đỡ 25 trường hợp trẻ em bị lạm dụng, sàm sỡ và bị bạo hành. Hay như hoạt động của các cấp Hội Phụ nữ trong việc tham gia bảo vệ phụ nữ, trẻ em. Tác giả Nguyễn Đắc Hoàng là sáng lập một dự án đấu tranh với định kiến giới thu hút hơn 50.000 người theo dõi trên mạng xã hội… Thạc sĩ Lê Minh Huân, chuyên gia tham vấn tâm lý đại học Quốc tế Sài Gòn đề cập đến vấn đề vai trò của người cha trong gia đình.
Giao lưu với một số tác giả tham gia cuộc thi tại lễ trao giải.
Nhóm chủ đề thứ ba mà tác giả tập trung thể hiện là các vấn đề về gia đình trong thời hiện đại, các gương gia đình hạnh phúc. Có thể kể tới bài viết của tác giả Dương Tự Minh, con trai út của GS Dương Quảng Hàm, hiệu trưởng đầu tiên của trường Bưởi với câu chuyện về tầm nhìn chiến lược, tiến bộ trong cách dạy con trai - con gái, tạo cho các con mái ấm gia đình yêu thương… của cha ông. Hay bài viết giản dị nhưng tình cảm về gia đình tứ đại đồng đường nơi các thành viên đều yêu thương, sống hòa thuận với nhau của tác giả Sái Thị Hường - Chủ tịch Hội LHPN xã Liên Hà, huyện Đan Phượng; ký ức tuổi thơ bình yên dưới ngôi nhà của bà và mẹ với ngôn ngữ giản dị, chân thật… của tác giả Lưu Thị Kiều Diễm, Hội LHPN huyện Ứng Hòa.
Phát biểu tại lễ trao giải, bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội, Trưởng ban Tổ chức, Trưởng Ban giám khảo cuộc thi khẳng định: “Cuộc thi năm nay có chất lượng cao, nhiều tác phẩm đã nêu bật được nhiều thông điệp ý nghĩa, đáng suy ngẫm. Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm cũng đã chạm tới cảm xúc của người đọc khi viết về những thân phận long đong, những hoàn cảnh éo le, môi trường, gia đình, cộng đồng và xã hội nhiều bất chắc, rủi ro. Tuy nhiên, các bài viết ấy không chỉ phản ánh một màu xám mà điều đáng ghi nhận là còn thể hiện sự chia sẻ, động viên nhau nỗ lực vươn lên. Nhiều tác phẩm là sự nhắc nhở, phê phán các thói tật coi thường, xem nhẹ, chà đạp, bạo lực, xâm hại phụ nữ, ngay cả khi họ là những người thân thiết của mình…”.
Tại lễ trao giải Ban tổ chức đã trao 22 giải thưởng bao gồm 1 giải Nhất, 3 giải Nhì, 5 giải Ba, 8 giải Khuyến khích và 5 giải Chuyên đề. Giải Nhất thuộc về tác giả Dương Tự Minh, với tác phẩm “Một cách để của cho con của cha tôi - Giáo sư Dương Quảng Hàm”. Tác giả Dương Tự Minh là người giành giải cao Nhất, đồng thời cũng là tác giả cao tuổi nhất trong cuộc thi năm nay. Năm nay, tác giả đã 88 tuổi.