Trăn trở về văn hóa - văn nghệ dân gian

arttime| 17/02/2022 10:47

Văn hoá, văn nghệ nói chung và những người làm văn hóa, văn nghệ dân gian nói riêng đang đứng trước những thách thức không nhỏ với những vấn đề giữ gìn bản sắc dân tộc ra sao? Bảo tồn và phát triển như thế nào? Hội nhập với thế giới đến đâu, ở trình độ như thế nào?

Đặc thù của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam là một hội của những người sưu tầm, nghiên cứu, giảng dạy văn hoá, văn nghệ dân gian trong cả nước. Hội được thành lập năm 1967 giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở giai đoạn vô cùng ác liệt. Chính vì vậy, khi nghe tin Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam được thành lập, báo chí phương Tây, cụ thể là đài BBC đã đưa tin đại ý nói rằng trong khi bận bịu vì cuộc chiến gay go như vậy mà cộng sản Bắc Việt vẫn coi trọng việc giữ gìn văn hoá, chứng tỏ họ đã biết khai thác tiềm năng văn hoá cho cuộc kháng chiến cứu nước.

Thực tế đã chứng minh điều đó khi cả nước ra mặt trận, văn nghệ sĩ cũng là chiến sĩ, như một nhà thơ đã viết “Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận” để có một thắng lợi vẻ vang năm 1975. Từ đó đến nay, sự bùng nổ của văn hoá dân tộc và những thành tựu thu được của văn hoá, văn nghệ dân gian đã góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng đất nước.

anh-bai-duoit8-1644368357.jpeg

Từ việc sưu tầm được hàng ngàn tác phẩm văn hoá nghệ thuật của 54 dân tộc anh em sống trên dải đất Việt Nam, góp phần vào việc bảo tồn, lưu giữ được các giá trị văn hoá, nghệ thuật độc đáo và đa dạng của các dân tộc không bị mất đi, giúp cho sự phát triển văn hoá ngày nay. Qua đó góp phần vào việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, phát triển du lịch, thu hút khách quốc tế đem lại nguồn lợi kinh tế cho đất nước. 

Tuy nhiên, đứng trước sự bùng nổ của mạng internet toàn cầu và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, văn học nghệ thuật nói chung, văn hoá, văn nghệ dân gian nói riêng đang đối mặt với những tác động vô cùng mạnh mẽ, đặc biệt là nguy cơ mai một văn hoá dân tộc, xuống cấp đạo đức và các giá trị nhân bản của cha ông để lại. Những điều đó đã gây nên bức xúc cho nhân dân, cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tất cả những nhà nghiên cứu, quản lý trong các lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật.

Hiện tại chúng ta đang đứng trước những thách thức về nhiều mặt.

Về mặt tổ chức ở các địa phương, ở góc độ Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, chúng tôi thấy, tình trạng hiện nay lớp trẻ không mặn mà với văn hoá dân gian. Việc tham gia hội của họ rất ít. Số hội viên lớn tuổi có sự say mê làm việc và có kinh nghiệm, nhưng sức khoẻ lại không cho phép. Do đó phần lớn chỉ làm những công việc tổng kết hay hệ thống lại những tư liệu đã cũ. Một số hội viên lớn tuổi có sự không tin tưởng các hội viên trẻ nên không ủng hộ việc kết nạp lớp trẻ. Do vậy mối quan hệ làm việc của họ có những bất cập.

Hội Văn nghệ dân gian là hội của những người sưu tầm, nghiên cứu, truyền dạy văn hoá văn nghệ dân gian, nên đòi hỏi ở những nhà sưu tầm, nghiên cứu, truyền dạy cần có kinh nghiệm, có trình độ nên số lượng đó ở các địa phương không nhiều. Nghề này lại cần có sự đào tạo chuyên môn và mất thời gian, nên ít người muốn tham gia. Hội trung ương do kinh phí hàng năm eo hẹp nên việc tổ chức tập huấn, trại viết, hội thảo, tài trợ sưu tầm nghiên cứu có hạn, không khuyến khích được các hội viên địa phương làm việc. Hầu hết những hội viên sưu tầm lại là những người nghiệp dư, điều kiện kinh tế khó khăn, lại là những người cao tuổi, làm việc vì say mê là chính.

Đối với các nhà nghiên cứu, chủ yếu là những người đã nghỉ làm việc tại cơ quan nhà nước, đời sống không cao nên điều kiện làm việc không tốt, lại không có tài trợ nên càng khó khăn. Vấn đề hỗ trợ cho các văn nghệ sĩ khó khăn chưa bao quát hết được những người khó khăn thật sự, bởi đa số họ là những người không được giải thưởng Nhà nước, bởi vậy xảy ra tình trạng nhiều văn nghệ sĩ có nhiều đóng góp nhưng do không có Giải thưởng Nhà nước hay Giải thưởng Hồ Chí Minh nên không được nhận sự tài trợ, giúp đỡ.

Đối với các thành phố lớn, ngoài một số trung tâm nghiên cứu và trường đại học, thì hội viên cao tuổi đang dần dần vắng bóng, số người trẻ, do sự khắc nghiệt của kinh tế thị trường làm cho họ không mặn mà với việc theo học các ngành khoa học xã hội nói chung, văn hóa nói riêng, bởi ra trường không xin được việc làm. Vì thế, đầu vào ngày một ít đi, người cũ dần vắng bóng, đầu ra ít ỏi nên số hội viên trẻ, say sưa, nhiệt huyết và có tâm với văn hoá, văn nghệ dân gian ngày càng ít, nguy cơ thế hệ kế cận ngày một suy giảm.

Đó là thực tế về mặt tổ chức, hoạt động và hội viên của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Còn nhìn rộng ra chung trong xã hội liên quan đến các lĩnh vực trong Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật chúng ta, chúng tôi thấy còn một số những thách thức như sau:

Một thách thức của toàn cầu hoá hiện nay là việc một bộ phận lớn thanh niên muốn chạy theo luồng văn hoá mới từ bên ngoài vào. Do bản lĩnh còn chưa vững vàng nên dễ bị tiêm nhiễm và đua đòi, ăn chơi nên bỏ quên, thậm chí coi thường văn hoá dân tộc, làm cho văn hoá dân tộc mất chỗ đứng trong bản thân họ và nguy hiểm hơn là đôi khi họ quay mặt lại với văn hoá truyền thống.

Đây cũng là một lỗi của các thế hệ đi trước trong giai đoạn bao cấp, kinh tế khó khăn vì mải mê đi kiếm sống nên lơ là với việc giáo dục con cái, nên khi nhận ra thì đã muộn. Có một vấn đề nữa là trong tâm thức của thế hệ đi trước, theo truyền thống cứ nghĩ rằng “trăng đến rằm trăng tròn” nên cũng có phần chủ quan, không uốn nắn từ lúc còn trẻ, giống như cái cây, đến khi đã lớn nếu uốn không cẩn thận thì gãy. Đây chính là vai trò của văn hoá gia đình, cộng đồng làng và các tổ chức phi quan phương, những bộ phận vô cùng quan trọng của văn hoá dân gian Việt Nam, để đến bây giờ truyền thống bị thách thức.

Thách thức của kinh tế thị trường đối với văn hoá truyền thống cũng là một vấn đề nan giải. Do mục đích kinh tế, vì lợi nhuận mà làm biến dạng những di sản truyền thống. Đó là việc khai thác những chi tiết, khía cạnh giật gân, trần tục của văn hoá truyền thống, vốn không phải thực chất là như vậy trong những sinh hoạt của cha ông ta ngày xưa ví như những bức phù điêu khoả thân, những phong tục mang tín ngưỡng phồn thực hay những thực hành tín ngưỡng mang tính “mật khẩn” tức là chỉ làm ở chỗ kín và chỉ một số người được tham dự với tính chất nghi lễ như việc chém lợn, đâm trâu... Hoặc những nghi lễ có tính biểu tượng như phát ấn, cho lộc…, nhưng được người đời nay coi như đó là thứ đem lại sự giàu sang, may mắn nên xảy ra mua bán, tranh cướp làm mất hết những giá trị văn hoá của nó. Nhiều giá trị văn hoá truyền thống bị hiểu sai lệch và dẫn đến những thực hành thiếu văn hoá, gây ra những phản cảm trong xã hội hiện đại.

Một thách thức khác đối với văn hoá đó là tốc độ đô thị hoá, hiện đại hoá diễn ra ở tất cả mọi nơi. Tấc đất tấc vàng nên không gian của đình, đền, chùa, miếu và những di sản khác bị lấn chiếm, thôn tính một cách không thương tiếc. Nhiều di sản vật thể bị phá huỷ kéo theo nó là các di sản phi vật thể cũng đi theo. Thêm nữa, do không có sự quy hoạch trước hoặc có quy hoạch nhưng do lợi ích kinh tế quá lớn nên người ta cố tình phá huỷ các di sản văn hoá trên những khu đất đã được quy hoạch xây dựng, nên từng ít, từng ít một di sản bị biến mất. 

Một vấn đề có ảnh hưởng khá lớn đến việc phát triển văn học nghệ thuật nói chung, văn hoá văn nghệ dân gian nói riêng đó là nguồn kinh phí tài trợ của nhà nước. Trong suốt 35 năm qua từ khi Đổi Mới, nhà nước đã tạo điều kiện cho văn học nghệ thuật một nguồn lực kinh phí, tuy nhiên do điều kiện khó khăn của đất nước nên nguồn kinh phí đó còn rất hạn hẹp. Vì thế, các hoạt động như hội thảo, trại viết, triển lãm, trại sáng tác… của tất cả các hội trong Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật, với Hội Văn nghệ dân gian là sưu tầm, nghiên cứu, tập huấn, tài trợ… đều bị hạn chế. Do đó, mặt bằng tri thức và việc phổ biến các kinh nghiệm, kĩ năng nghề nghiệp của các hội đều bị hạn chế.

Trong khi nền kinh tế còn khó khăn thì việc khai thác các nguồn tài trợ từ các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân, doanh nghiệp còn chưa có nhiều, do vậy chủ yếu vẫn nhờ kinh phí của Nhà nước. Vẫn biết rằng không nên đòi hỏi giữa lúc đất nước còn nghèo, song rất cần những bước đi trước, tầm nhìn xa, bởi vì nhiều giá trị văn hoá, nhất là văn hoá truyền thống sẽ mất đi trước khi đất nước giàu lên, mà khi giàu rồi thì không thể nào có lại được. Tài sản đó là các nghệ nhân, những di sản phi vật thể, vật thể… cần phải có chiến lược khai thác, lưu giữ nó càng sớm càng tốt trong bối cảnh hiện nay.

Vậy giải pháp cho thời gian tới là gì? Theo chúng tôi, có thể nhìn nhận ở những điểm dưới đây:

Trước hết, tiếp tục nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về vai trò của văn hoá nói chung, văn học nghệ thuật nói riêng trong việc phát triển đất nước. Đảng đã xác định văn hoá là nền tảng, là động lực, là sức mạnh nội sinh cho sự phát triển đất nước. Nhận thức này cần phải được thấm nhuần, sâu rộng trong toàn bộ xã hội và cụ thể hoá trong mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội của đất nước.

Cần khai thác và phát huy tính dự báo những vấn đề nảy sinh của xã hội từ vai trò các văn nghệ sĩ như là các ăng ten của chế độ, sớm phát hiện và dự báo các hiện tượng, các vấn đề mà xã hội đặt ra, giúp cho Đảng và nhà nước trong việc quản lý và ứng phó với tình hình.

Các nhà văn hoá, các văn nghệ sĩ là những người có công trực tiếp vào việc bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống trước nguy cơ xâm lăng văn hoá ngày càng mạnh mẽ của toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế. Từ đây có thể dùng văn hoá, nghệ thuật truyền thống để phát triển công nghiệp văn hoá và tạo ra nguồn lực kinh tế cho sự phát triển đất nước. Khuyến khích được tài năng và khát vọng sáng tạo của các văn nghệ sĩ, các nhà văn hoá thì bộ mặt văn hoá của đất nước sẽ chói sáng hơn trước quốc tế.

Nêu cao tính chủ động Liên hiệp và các hội thành viên trước các vấn đề xảy ra của đất nước, từ góc độ chuyên môn của mình, Liên hiệp bằng các tác phẩm nghệ thuật để tuyên truyền, định hướng cho xã hội trước những thay đổi hay tình huống khó khăn để tạo nên sự bình tĩnh, không hoang mang, dao động, vững vàng, đồng thuận và đoàn kết cho toàn xã hội trước biến cố lớn. Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật phải là nơi tập hợp, đoàn kết, kết nối tất cả các hội thành viên và các tỉnh thành trên cả nước vào một mối vì sự phát triển văn hoá nghệ thuật của nước nhà.

Trong bối cảnh thế giới hiện nay, do biến đổi khí hậu toàn cầu, cùng nhiều điều kiện phức tạp khác, nên những thảm họa đột xuất sẽ không tránh khỏi và không phải là hiếm xảy ra. Do vậy, bên cạnh các cơ quan khoa học và quản lý nhà nước, thì vai trò mới của Liên hiệp sẽ từ khả năng và vị trí đặc thù của mình, bằng tài năng nghệ thuật của các nghệ sĩ, tạo điều kiện để họ dùng nghệ thuật để an ủi, xoa dịu những nỗi đau của đồng loại khi gặp phải rủi ro trước những thiên tai, dịch bệnh như vừa qua.

Tạo điều kiện cho các hội, các văn nghệ sĩ được rộng đường sáng tạo và đóng góp trí tuệ và tâm huyết của mình cho đất nước. Sáng tạo ra các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị mang nhiều sự nhân ái, nặng lòng trắc ẩn, tính nhân văn, truyền thống dân tộc, đi vào lòng người, lan tỏa cho đông đảo nhân dân, tạo nên một xã hội tốt đẹp.

Mở rộng “sân chơi” cho các văn nghệ sĩ để họ có điều kiện sáng tạo ra các tác phẩm có chất lượng, mang tính thời đại… Tôn trọng nghệ sĩ, tôn trọng tự do sáng tác của họ, để họ chọn hướng đi, ý tưởng nghệ thuật được thăng hoa. Nếu thấy có vấn đề lệch lạc, bất thường thì nên có sự đối thoại, và dùng nghệ sĩ đối thoại với nghệ sĩ mà không phải dùng biện pháp hành chính để ngăn cấm hay áp đặt họ. Tôn trọng văn nghệ sĩ, tạo ra sự tự do sáng tác, đa dạng hình thức nghệ thuật…Đây là cách làm chính trị bằng văn hoá một cách khéo léo và sâu sắc.

Khai thác vai trò cá nhân của các nghệ sĩ nổi tiếng vào những hoạt động tuyên truyền, giáo dục thẩm mỹ, giáo dục nhân cách (bởi họ có lượng fan đông đảo, nên lời nói của họ có trọng lượng, việc làm của họ nhiều người trông vào  và noi theo).

Khơi dậy lòng nhân ái, tính chất nhân văn qua các tác phẩm, các việc làm của họ để lôi kéo, đặc biệt là định hướng cho lối sống, tư tưởng của hàng triệu quần chúng, nhất là giới trẻ hiện nay trước bão táp của toàn cầu hoá.

Tăng cường việc giao lưu văn hoá với quốc tế để quảng bá các giá trị văn hoá Việt Nam ra thế giới và thu nhận những tinh hoa của văn hoá thế giới vào nước ta. Dùng văn hoá như một phương tiện để hội nhập sâu rộng với quốc tế và kêu gọi sự ủng hộ quốc tế cũng như đóng góp vào văn hoá thế giới bằng văn hoá dân tộc. Đẩy mạnh ngoại giao văn hoá, giao lưu văn hoá với tất cả các nước trên thế giới.

Biến văn hoá thành sản phẩm hàng hoá, mà là hàng hoá chất lượng cao mang lại nguồn lợi kinh tế cho đất nước.

Tóm lại, văn hoá, văn nghệ nói chung và những người làm văn hóa, văn nghệ dân gian nói riêng đang đứng trước những thách thức không nhỏ với những vấn đề giữ gìn bản sắc dân tộc ra sao? Bảo tồn và phát triển như thế nào? Hội nhập với thế giới đến đâu, ở trình độ như thế nào? Đóng góp gì vào bức tranh chung của văn hoá nhân loại? v.v. và v.v.

Họ là những người đóng vai trò lớn đối với việc bảo tồn, phát huy, cũng như quảng bá các giá trị di sản văn hoá dân tộc ở trong nước, với kiều bào ở nước ngoài, cũng như các chính phủ và người dân trên thế giới.

(0) Bình luận
  • Đổi mới thi ca cũng không được xa lạ với con người
    Cuộc đối thoại của nhà thơ với thời đại trong thơ ca mang lại hy vọng, nâng cao giá trị con người ngay cả trong thời điểm bi tráng nhất của lịch sử hoặc thời khắc đau khổ nhất của mỗi một số phận. Một nhà thơ đích thực phải biết dùng ngôn ngữ của thơ để chạm vào tâm hồn con người. Không chỉ bằng sự phá vỡ sắc cạnh của lý trí, ngôn ngữ đó cần có thêm cảm xúc của trái tim - những cảm xúc được tái hiện từ chất liệu đời thường.
  • Thú vị ngôn từ
    Nhà văn viết truyện ngắn, tiểu thuyết nếu chỉ kỳ công ở việc tạo cốt truyện, kết cấu tác phẩm, xây dựng nhân vật cùng các mối quan hệ, số phận con người mà quên mất trau chuốt ngôn từ thì sẽ giảm đi nhiều phần giá trị tác phẩm. Để thỏa mãn bạn đọc thì rất cần những trang viết hấp dẫn, lôi cuốn bởi ngôn từ, như miêu tả người và cảnh, diễn đạt trữ tình nội tâm…
  • Mùa xuân vãn chuyện bút danh
    Bút danh của nhà báo, nhà văn Việt Nam là một chủ đề phong phú, độc đáo. Đó không chỉ là một cái tên, mà còn ẩn chứa câu chuyện riêng, gắn liền với kỷ niệm, tình cảm và sự sáng tạo. Dù tên thật hay ngẫu nhiên, mỗi bút danh đều phản ánh một phần tâm hồn và hành trình của người viết.
  • Rắc rối con số
    Số 0. Cách viết số 0 đặt trước một, hai số khác (hoặc cả dãy số) đã có từ lâu. Đã nhiều năm rồi ít thấy. Mới đây, cách viết ấy lại xuất hiện nhiều, tạo thuận lợi cho đời sống xã hội thời đổi mới - hội nhập, nhưng cũng gây ra không ít phiền toái và hài hước.
  • Nói chệch, viết trật
    Chữ viết sai chính tả do một số nguyên nhân, mà nguyên nhân chính là phát âm không chuẩn (có nơi không sửa được tật nói ngọng). Bài viết này chỉ nêu một số trường hợp dễ thấy nhất.
  • Tác phẩm văn học chuyển thể thành phim - nhìn từ "Đất rừng phương Nam"
    Bộ phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, đã vượt mốc 100 tỷ doanh thu phòng vé sau hơn 10 ngày công chiếu.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Trăn trở về văn hóa - văn nghệ dân gian
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO