Sự kiện & Bình luận

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tư cách là một nhà báo

PGS. TS Hà Huy Phượng 22/07/2024 19:36

Những ngày qua, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thông báo về tình hình sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhân dân cả nước và bè bạn quốc tế lo lắng, cầu mong mọi điều bình an đối với người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam. Thật buồn, khi tôi đang viết bài này thì phép màu nhiệm đã không đến... Vào lúc 13 giờ 38 phút ngày 19 tháng 7 năm 2024, trái tim người con ưu tú của nước Việt đã ngừng đập…

9b4138145d7df823a16c(1).jpg

Nói đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta và bạn bè thân thiết trên thế giới đều kính trọng, biết đến ông với tư cách của một nhà lãnh đạo xuất sắc, đặc biệt là trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, làm trong sạch Đảng, lấy lại niềm tin của Nhân dân. Tổng Bí thư là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhân cách lớn, một chính trị gia, nhà lãnh đạo mẫu mực, vô tư, trong sáng, hết lòng vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam…

Viết về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tư cách ông là một người đứng đầu của Đảng, Nhà nước, và viết về phẩm chất, cốt cách của một nhà cách mạng, đã có nhiều bài báo, cuốn sách, hình ảnh đề cập… Tôi viết về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tư cách ông là một nhà báo gắn bó lâu năm với nghề báo, trưởng thành từ làm báo và là tấm gương sáng của nền Báo chí cách mạng Việt Nam hiện đại.

Năm 1967, sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông về nhận công tác tại Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản) với nhiệm vụ là cán bộ Phòng Tư liệu. Sau đó, nhà báo Nguyễn Phú Trọng trở thành biên tập viên Ban Xây dựng Đảng của Tạp chí Cộng sản, đồng thời là Bí thư Chi đoàn Cơ quan Tạp chí Cộng sản. Rồi ông làm Phó Bí thư Chi bộ của Ban. Sau khi hoàn thành bảo vệ luận án Tiến sĩ tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Liên Xô, ông trở về Tạp chí Cộng sản tiếp tục công tác và nhận nhiệm vụ là Phó Trưởng ban Xây dựng Đảng, rồi Trưởng ban Xây dựng Đảng của Tạp chí; là Phó Bí thư Đảng ủy, Bí thư Đảng ủy Cơ quan Tạp chí Cộng sản; Ủy viên Ban Biên tập Tạp chí; Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản. Khi trở thành Ủy viên Bộ Chính trị và cương vị Tổng Bí thư, bên cạnh nhiều chức vụ quan trọng, ông còn trực tiếp Phụ trách công tác tư tưởng - văn hóa và khoa giáo của Đảng; đồng thời là Phó Chủ tịch, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, phụ trách công tác lý luận của Đảng.

Với 30 năm (từ 1967 đến 1997) gắn bó với nghề báo ở Tạp chí Cộng sản, Cơ quan lý luận và chính trị hàng đầu của nền Báo chí cách mạng Việt Nam, nhà báo Nguyễn Phú Trọng được đồng nghiệp quý trọng. Sự nghiệp báo chí của ông gắn liền với sự nghiệp báo chí cách mạng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Ông có nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc, với những bình luận sắc bén, đặng tải trên Tạp chí Cộng sản và các tờ báo khác. Tổng Bí thư còn dành những tác phẩm báo chí đặc biệt vào những dịp trọng đại quốc gia, dịp đón xuân mới, gửi thông điệp đến toàn đảng, toàn quân, toàn dân.

Nhà báo, Đại tá Đỗ Phú Thọ, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân, một trong số những nhà báo vinh dự được là phóng viên chuyên trách tháp tùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ông là Chủ tịch tich Quốc hội trong các chuyến đi công tác trong nước và nước ngoài kể: “Mỗi lần đi công tác, các phóng viên chuyên trách ngồi trên xe ô tô hoặc máy bay cùng với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thường nghe ông nói: “Chẳng mấy khi được tâm sự cùng đồng nghiệp”. Thường thì ông ngồi giữa, các nhà báo ngồi xung quanh cùng một số đồng chí cảnh vệ. Tổng Bí thư thường yêu cầu chúng tôi, rằng làm báo phải “nói thẳng, nói thật những điều mắt thấy, tai nghe, óc suy nghĩ, trái tim mách bảo”.

959045abebc54e9b17d4.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt tay Nhà báo, NSNA Vũ Huyến bạn đồng môn Văn Khóa 8, Đại học Tổng hợp Hà Nội tại cuộc gặp mặt văn nghệ sĩ trí thức. Ảnh: Nguyễn Đăng Khoa

Ngay từ khi còn học phổ thông, nhà báo Nguyễn Phú Trọng đã yêu thích nghề báo. Theo nhà báo, Đại tá Đỗ Phú Thọ kể lại, nhà báo Nguyễn Phú Trọng tâm sự: “Khi tôi viết xong tác phẩm đầu tay, cũng chưa dám gửi, đọc đi, đọc lại, sửa chữa mãi, vài tháng sau mới hoàn thành tác phẩm, đó là bài “Phong vị ca dao dân ca trong thơ Tố Hữu”. Bài viết đăng trên Tạp chí Văn học số 11 năm 1968”. Sau bài báo đầu tiên ấy, nhà báo Nguyễn Phú Trọng tiếp tục tìm tòi viết thêm được nhiều bài báo mang tính chất nghiên cứu. Thế rồi ông được chuyển về làm công tác biên tập của Ban Xây dựng Ðảng, Tạp chí Cộng sản.

Nhà báo, Đại tá Đỗ Phú Thọ kể: “Tháng 8/2008, tôi nhận được điện của Văn phòng Quốc hội thông báo tham gia đoàn công tác của Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đến thăm và làm việc tại Quảng Ngãi. Đúng giờ..., ngày... có mặt tại ga Hà Nội. Nhận điện, tôi cứ nghĩ đồng chí cán bộ văn phòng nói nhầm địa chỉ sân bay Nội Bài thành ga Hà Nội. Bởi lẽ, đồng chí Chủ tịch Quốc hội lại đi công tác bằng tàu hỏa? Thế nhưng, sự thật đúng như vậy. Xuống ga Quảng Ngãi, đồng chí Chủ tịch Quốc hội lên ngay chiếc xe ca 24 chỗ ngồi, ngồi cùng với một số nhà báo đến huyện Tây Trà. Đây là huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Ngãi và là một trong những huyện khó khăn nhất của Việt Nam. Đồng bào các dân tộc trong huyện Tây Trà cứ ngỡ đồng chí Chủ tịch Quốc hội đi xe con, ào ra đón, không ngờ đồng chí lại bước xuống từ chiếc xe ca…”.

Nhà báo, Đại tá Đỗ Phú Thọ cho biết thêm: “Mặc dù công việc rất bận nhưng chúng tôi để ý thấy đồng chí Nguyễn Phú Trọng vẫn thường xuyên đọc báo, nghe đài. Các nhà báo chuyên trách thường xuyên được đồng chí góp ý về cách đưa tin, hình thức thể hiện tác phẩm. Trong những lần đi công tác ở nước ngoài, trước những vấn đề nhạy cảm, chúng tôi viết bài, làm tin thường xin ý kiến trực tiếp của đồng chí và tôi thường được anh em trong nhóm giao làm việc này. Với những lần làm việc như vậy dù trong giờ hành chính hay đến đêm khuya, tôi đều được đồng chí đọc, sửa từng chi tiết, câu chữ… Khi không còn là phóng viên chuyên trách của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, gặp lại tôi, đồng chí vẫn thăm hỏi ân cần”.

Năm 2015, khi Báo Quân đội nhân dân chuẩn bị kỷ niệm 65 năm ngày ra số báo đầu tiên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm tòa soạn. Ông căn dặn: “Báo Quân đội nhân dân là tờ báo có vị trí rất quan trọng trong làng báo cách mạng Việt Nam, một trong những tờ báo chính trị hàng đầu của đất nước và Quân đội, có uy tín và bản sắc riêng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tính tư tưởng, tính chiến đấu cao. Báo đã đấu tranh phê phán kịp thời, sắc bén đối với những cái xấu, cái hư hỏng, phản bác mạnh mẽ những luận điệu xuyên tạc thù địch... xứng đáng là người bạn, người đồng đội tin cậy của Bộ đội và Nhân dân, là cầu nối để Nhân dân hiểu và tin tưởng Đảng, Nhà nước, Quân đội”.

Nhiều nhà báo lão thành đã từng công tác với nhà báo Nguyễn Phú Trọng tại Tạp chí Cộng sản vẫn còn nhớ mãi hình ảnh người phóng viên, biên tập viên trẻ luôn mẫn cán với công việc. Gần 30 năm công tác tại Tạp chí Cộng sản, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã kinh qua nhiều công việc và đã viết, biên tập hàng trăm bài báo lý luận với nhiều thể loại khác nhau, từ xã luận, chuyên luận, bình luận, tiểu phẩm đến giới thiệu sách, giới thiệu kinh nghiệm thực tiễn, phê phán các biểu hiện sai trái, tiêu cực… với tất cả sự trải nghiệm và tâm huyết của mình với nghề.

c81a6936c25867063e49.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với lãnh đạo Ban Biên tập Báo Quân đội nhân dân.

Phát biểu trước các nhà báo ở Tạp chí Cộng sản, đồng chí nói: “Nghề báo là nghề cao quý, nhưng vô cùng gian khổ, khó khăn. Nhà báo phải hiểu đúng và nắm rất vững chức năng, nhiệm vụ của tờ báo mà mình phụng sự, cộng tác. Những người làm ở tạp chí lý luận, chính trị như Tạp chí Cộng sản càng phải có cố gắng lớn, quyết tâm cao và thực sự có lòng say mê, yêu nghề, ham học hỏi và đặc biệt là có một phương pháp làm việc đúng”.

Trong giai đoạn đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Phó Tổng Biên tập, rồi Tổng Biên tập, Tạp chí Cộng sản đã có nhiều đổi mới cả về nội dung và hình thức. Các bài viết đã bớt tính kinh viện, bám sát các vấn đề của cuộc sống, có thêm nhiều hàm lượng thông tin; nhiều bài viết đã đi sâu vào thực tiễn, phục vụ đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Nhà báo Nguyễn Phú Trọng rất sắc sảo trong làm nghề báo, nhưng ông luôn khiêm tốn. Giới báo chí cả nước nhớ mãi hình ảnh đồng chí Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại cuộc họp báo quốc tế thông báo kết quả Đại hội XIII của Đảng sáng 01/02/2021. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chia sẻ: “May mắn 30 năm làm báo, nhưng là làm tạp chí, tôi “mon men” làm quen, được biết tư duy, phương pháp làm việc của nghề báo. Cảm ơn các anh các chị, Đại hội XIII đã thành công rất tốt đẹp”.

Cũng tại cuộc họp báo này, Tổng Bí thư cho biết đồng chí xuất thân từ một người làm báo, rèn luyện và trưởng thành từ một nhân viên tập sự, rồi làm công tác tư liệu trước khi viết báo và đảm đương cương vị Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản. Bởi lý do đó, đồng chí nắm được tư duy và phương pháp của người làm báo và cũng biết được sự trăn trở, suy tư của người làm báo để có được một tác phẩm báo chí tốt và kịp thời phục vụ công chúng. Tin tưởng vào sự trưởng thành của báo chí nước nhà, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ mong muốn báo chí sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho các tầng lớp nhân dân để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước của mỗi người dân đất Việt.

Nhà giáo Nguyễn Hùng Vĩ, cựu sinh viên khoá 18 (1973-1977) khoa Ngữ văn kể lại về những ngày ông là giảng viên bộ môn Văn học dân gian, được phân công kiêm nhiệm trợ lý công tác sinh viên của khoa. Ông đã có dịp được tiếp xúc và làm việc với nhà báo Nguyễn Phú Trọng, khi đó là Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản. Anh kể: "Khoa Ngữ văn khi đó giảng dạy cho sinh viên một chuyên đề về báo chí có tên là Nghiệp vụ báo chí. Chuyên đề này trước đây do nhà báo Quang Đạm, nguyên ủy viên Bộ Biên tập báo Nhân Dân giảng dạy. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, từng viết một cuốn sách “Nghiệp vụ viết báo”. Khoa đã mời nhà báo Nguyễn Phú Trọng vào giảng dạy. Ra Tạp chí Cộng sản đặt vấn đề, đồng chí Nguyễn Phú Trọng bảo: Được trở về phục vụ khoa ta thì còn gì bằng nữa, anh sẵn sàng! Anh còn mời tôi ăn cơm cùng anh chị để vào trường cho kịp giờ giảng. Tôi chở anh Trọng bằng xe đạp suốt cả Chuyên đề báo chí với 70 tiết mỗi năm và kéo dài như vậy 2 năm liền. Một tuần 2 buổi, mỗi buổi 3 tiết, đến tận năm 1991, anh Trọng vẫn dạy. Sau này, khi đã ở cương vị Chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Phú Trọng vẫn giữ phong cách đó. Đi dự hội lớp hồi đại học, không khi nào ông đi ô tô. Ông nhờ xe ôm do các bảo vệ chở đi chứ không phải bắt xe ngẫu nhiên ở ngoài đường".

tbt5.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng với các văn nghệ sĩ trí thức. Ảnh: Nguyễn Đăng Khoa

Nữ nhà báo Thu Hồng, nguyên phóng viên Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội vinh dự trong kíp nhà báo phục vụ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ông còn ở cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Nhà báo Thu Hồng kể: “Ông Nguyễn Phú Trọng là người rất gần gũi, thân tình với cấp dưới và thường dành tình cảm đặc biệt với các nhà báo. Từ trong sâu thẳm, ông luôn coi họ là đồng nghiệp của chính mình”.

Nhà báo Nguyễn Quốc Phong, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Thanh Niên kể lại: “Khi nói về nhà báo Nguyễn Phú Trọng, có một việc còn đáng nói hơn nữa, vì nó liên quan sát sườn đến tất cả những ai làm báo. Đó là nhuận bút. Nhà báo Nguyễn Phú Trọng rất cẩn thận và công bằng. Tất cả các bài báo đứng tên ông đều do ông viết, đọc bông, chỉnh sửa rất tỉ mỉ. Lĩnh được nhuận bút, ông thường mời các biên tập viên trong Ban Xây dựng Đảng, một số nhà báo thân thiết trong Tạp chí ra quán… khao”.

Nhà báo Vũ Lân, cán bộ Ban Xây dựng Đảng Tạp chí Cộng sản kể lại: “Như đã thành thông lệ, những tờ báo, tạp chí đặt bài viết đứng tên ông Nguyễn Phú Trọng, nếu báo chí nêu ý tưởng, đầu đề bài báo và tìm tài liệu, chấp bút rồi được ông đọc, ký duyệt đăng thì bộ phận chuẩn bị, chấp bút hưởng toàn bộ nhuận bút. Nếu ý tưởng, tiêu đề bài báo do ông đề xuất, bộ phận thư ký cung cấp tài liệu, trên cơ sở đó, các nhà báo, biên tập viên chấp bút thể hiện, ông đọc, biên tập, duyệt đăng thì khi có nhuận bút sẽ chia đôi. Tác giả đứng tên nhận một nửa, bộ phận chuẩn bị, chấp bút một nửa. Còn những bài báo, công trình nghiên cứu đứng tên ông Nguyễn Phú Trọng và được ông duyệt đăng thì nhuận bút hoàn toàn thuộc về tác giả. Từ hồi sang công tác ở Thành uỷ Hà Nội, ông Nguyễn Phú Trọng đề nghị anh em giúp việc của ông, mỗi khi nhận được nhuận bút thì cho vào quỹ để anh em chi vào các dịp hiếu, hỉ và trả tiền các bữa ăn trưa của “thầy trò” ở bếp ăn tập thể cơ quan”.

Nhà báo Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản kể lại: “Tôi may mắn khi được làm việc với đồng chí Nguyễn Phú Trọng, khi ông còn công tác ở Tạp chí Cộng sản. Tôi luôn trân trọng gọi ông là Thầy, là Thủ trưởng, là Anh với rất nhiều kỷ niệm xúc động. Tôi vẫn nhớ mãi chuyến công tác vùng cao vào cuối năm 1986 cùng nhà báo Nguyễn Phú Trọng. Khi đó, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đang giữ chức Phó Vụ trưởng Vụ Xây dựng Đảng. Lúc đó là mùa đông rất rét. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng chỉ vào đôi chân trần của những cháu học sinh ở Văn Chấn, Yên Bái đến trường, rồi quay sang hỏi tôi: “Em nghĩ gì?”. Tôi thưa lại: “Anh ạ, hôm nay là khai mạc Đại hội lần thứ VI của Đảng, Đại hội đổi mới của Đảng ta, em kỳ vọng cuộc đổi mới sẽ làm cho những đôi chân trần kia, có đôi dép để đi tới lớp những ngày đông giá”. Tôi nhìn thấy trên gương mặt của đồng chí Nguyễn Phú Trọng lúc bấy giờ có những giọt nước mắt chảy ra. Đấy là hình ảnh mà tôi nhớ mãi cho đến tận bây giờ”.

Nhà báo Nguyễn Quang Hòa, nguyên Trưởng ban Thư ký Tòa soạn Báo HàNộimới kể lại: “Năm 2004, khi đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Phú Trọng đến thăm tòa soạn. Đồng chí vào Ban Thư ký Tòa soạn, xem một trang báo vừa in thử. Ông trao đổi: Khen Báo phát triển nhanh, ra nhiều ấn phẩm phụ, nhưng nhiệm vụ chính trị của Báo mới là quan trọng. Phải làm tốt nhiệm vụ chính trị trước khi nghĩ đến việc ra nhiều ấn phẩm phụ để rồi không quản lý được. Ông nói: Đã xay lúa thì đừng ẵm em! Tôi thấy lời chia sẻ của đồng chí Bí thư Thành ủy rất sâu sắc đối với nghề báo. Sau này, khi làm công tác giảng dạy, viết sách về nghề, tôi rút ra được nhiều điều về chuyên môn từ lời chia sẻ của nhà báo Nguyễn Phú Trọng”.

Nhà báo Lê Trí Dũng, nguyên Trưởng ban Ảnh (Thông tấn xã Việt Nam), phóng viên ảnh chuyên trách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kể: “Tôi may mắn được phục vụ chụp ảnh, đưa tin về hoạt động của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ năm 2006, khi ông đang là Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vốn xuất thân từ nghề báo nên ông rất gần gũi, quan tâm tới anh em báo chí, nhất là trong các chuyến đi công tác. Năm 2015, Tổng Bí thư có chuyến thăm hữu nghị chính thức Hoa Kỳ nhân dịp 20 năm bình thường hoá quan hệ giữa hai nước. Tôi may mắn dường như là phóng viên Việt Nam duy nhất được vào Phòng bầu dục để chụp khoảnh khắc Tổng Bí thư hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama. Gần 20 năm vinh dự được tháp tùng, tác nghiệp ảnh về Tổng Bí thư trong các chuyến đi công tác trong và ngoài nước, tôi học được từ ông rất nhiều điều”.

e924c2cb6ea5cbfb92b4.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các nhà báo trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Hoa Kỳ sau 20 năm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, tháng 7/2015. Ảnh: TTXVN

Nhiếp ảnh gia Jame Dương (Dương Quốc Bình), giảng viên Viện Báo chí - Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đồng thời là cộng tác viên ảnh báo chí với nhiều tòa soạn. Anh kể: “Khi tôi ra thực tế nghiệp vụ ảnh chính trị - ngoại giao tại Ban Ảnh, Thông tấn xã Việt Nam, trong lần tác nghiệp tại Văn phòng Trung ương Đảng, tôi mải mê bấm máy mà không để ý đến xung quanh, vô tình chắn đường đi xuống của Tổng Bí thư. Bác Nguyễn Phú Trọng không nói gì mà chờ tôi chụp xong mới bước đi tiếp…”.

Nhiếp ảnh gia Hoàng Hà, phóng viên ảnh của báo điện tử Vietnamnet chia sẻ theo cách của những nhà báo “Một bức ảnh nói thay cả ngàn từ” bằng việc đưa trên trang facebook cá nhân một status: “Tôi ít có dịp và cơ hội gặp Tổng Bí thư nên chỉ có bấy nhiêu ảnh chân dung từng chụp cụ”. Kèm status, nhiếp ảnh gia Hoàng Hà đăng 10 bức ảnh chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do nhà báo chụp ở các sự kiện chính trị - ngoại giao mà anh được dự, chụp ảnh, đưa tin.

Các nhà báo, nhiếp ảnh gia như Lê Trí Dũng, Jame Dương (Dương Quốc Bình) và Hoàng Hà là một trong số những nhà báo chụp được nhiều khoảng khắc đẹp về Tổng Bí thư, nhà báo Phú Trọng kính mến.

Những câu chuyện thú vị và đầy ý nghĩa được các nhà báo kể lại liên quan đến nhà báo Nguyễn Phú Trọng thật giản dị và cảm động, cho thấy sự rành mạch, rõ ràng của một nhà báo sau này trở thành Tổng bí thư của Đảng.

Không chỉ là một nhà lãnh đạo, nhà lý luận, nhà văn hóa, nhân cách mẫu mực trong gia đình, cơ quan, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn là một nhà báo xuất sắc. 30 năm cuộc đời trai trẻ của Tổng Bí thư đều dành cho nghề báo. Ông là một nhà báo chân chính, là tấm gương sáng để các nhà báo của nền Báo chí cách mạng của chúng ta noi theo.

Những dòng viết này tôi viết về ông với tư cách là một người làm báo và đào tạo báo chí của nền báo chí Cách mạng Việt Nam. Những người làm báo chúng tôi xin được kính cẩn nghiêng mình tiễn biệt Tổng Bí thư - một nhân cách lớn, một nhà báo xuất sắc./.

Theo nguoilambao.vn

Bài liên quan
  • Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và những định hướng, kỳ vọng trong phát triển Thủ đô
    Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành cho mảnh đất Hà thành những tình cảm sâu đậm. Không chỉ riêng quãng thời gian ông giữ trọng trách Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội (1996 – 1998) rồi Bí thư Thành ủy Hà Nội (2000 – 2006) mà sau này ở cương vị Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Phú Trọng vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho Hà Nội, cho sự phát triển văn hóa, con người của mảnh đất Thăng Long.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tư cách là một nhà báo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO