Sự kiện & Bình luận

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và sự quan tâm đặc biệt với văn nghệ sĩ Thủ đô

Đặng Thủy 12/08/2024 06:19

Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành cho văn nghệ sĩ những tình cảm sâu đậm. Với văn nghệ sĩ Thủ đô nói riêng, Tổng Bí thư cũng dành sự quan tâm hết sức đặc biệt, nhất là quãng thời gian đồng chí đảm trách cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội. Những định hướng chỉ đạo cho phát triển văn học nghệ thuật (VHNT) thành phố cũng như sự quan tâm tới các văn nghệ sĩ Thủ đô được thể hiện rõ nét trong các bài viết, bài nói, đặc biệt là hai bài phát biểu tại Đại hội Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội lần thứ IX và X (năm 2001 và 2006).

Đề cao vai trò của văn nghệ sĩ Thủ đô

Trong các bài viết, bài nói chuyện của mình khi nhắc tới Thủ đô Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn bày tỏ kỳ vọng làm thế nào để “văn hóa phát triển tương xứng với tầm vóc, vai trò, vị thế Thủ đô”, văn hóa Thủ đô “đi đầu cả nước, có sức tác động và lan tỏa cả nước”. Để thực hiện kỳ vọng đó, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng văn học nghệ thuật, đội ngũ văn nghệ sĩ Thủ đô đóng vai trò vô cùng quan trọng .

anh-bac-trong.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Phát biểu tại Đại hội Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội lần thứ IX được tổ chức năm 2001, khi nhắc đến những thành quả mà Đảng bộ và nhân dân Thành phố đã đạt được thời gian qua, đồng chí Nguyễn Phú Trọng khi ấy là Bí thư Thành ủy Hà Nội đã khẳng định: “Có được những kết quả đó một phần quan trọng là nhờ sự nỗ lực đóng góp quý báu của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức Thủ đô, đặc biệt là trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa - xã hội, bồi dưỡng, xây dựng người Thủ đô”; “Bằng những hoạt động VHNT phong phú, đội ngũ văn nghệ sĩ đã có những đóng góp đáng kể trong công cuộc đổi mới và phát triển Thủ đô, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, xây dựng nền văn hóa và con người mới của Hà Nội”.

Ở Đại hội Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội lần thứ X tổ chức năm 2006, đồng chí nhấn mạnh: “Những năm gần đây, với sự cố gắng to lớn của anh chị em văn nghệ sĩ, các tác phẩm VHNT sáng tác về Hà Nội ngày càng nhiều về số lượng; đa dạng về thể loại, đề tài; phong phú về nội dung, phản ánh các góc độ khác nhau của đời sống xã hội và con người. Mỗi năm có hàng nghìn tác phẩm ra đời với nhiều loại hình và phương pháp thể hiện khác nhau, trong đó có những tác phẩm tạo được sự chú ý đặc biệt của công chúng. Một số tác phẩm phản ánh công cuộc đổi mới đã có độ chín hơn, nhuyễn hơn. Một số công trình nghiên cứu lý luận, phê bình, dịch thuật đã chú ý tổng kết thực tiễn đời sống VHNT, khẳng định, tôn vinh những giá trị văn hóa của dân tộc, giới thiệu những tinh hoa văn hóa thế giới. Những thành quả đó đã góp phần làm phong phú, sinh động đời sống tinh thần và vẻ đẹp của Thủ đô, của con người Hà Nội; đồng thời cũng là minh chứng cho tấm lòng và tài hoa của anh chị em văn nghệ sĩ Hà Nội”.

Theo đồng chí Nguyễn Phú Trọng, trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô, anh chị em văn nghệ sĩ đóng vai trò quan trọng. Họ chính là “những người nối tiếp và phát huy truyền thống tinh hoa của những sĩ phu Bắc Hà”. Với cương vị của người đứng đầu thành phố lúc ấy, đồng chí Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Thành phố sẽ không tiếc sức và đầu tư toàn diện cho văn hóa, thúc đẩy mạnh mẽ để tạo chuyển biến cho sáng tạo VHNT, tạo điều kiện cần thiết để anh chị em văn nghệ sĩ hoạt động sáng tạo, tôn vinh xứng đáng những tác giả có công lao và những tác phẩm có giá trị cống hiến xuất sắc cho Thủ đô và đất nước”.

Trông chờ và gửi gắm niềm tin

Không chỉ riêng thời điểm trước Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, mà cả sau này, đã nhiều lần đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tới những yêu cầu của thành phố đối với văn nghệ sĩ Thủ đô đó là: “phải thúc đẩy phong trào sáng tác văn học - nghệ thuật”; “phấn đấu có một số tác phẩm giá trị tương xứng với Thủ đô, phản ánh sâu sắc tầm cao và chiều sâu của Thủ đô lịch sử, Thủ đô văn hiến, Thủ đô cách mạng, Thủ đô đổi mới; khắc họa chân thực và sinh động cuộc sống vô cùng phong phú và cao đẹp của các thế hệ người Thăng Long - Hà Nội”. Đồng thời nhắn nhủ: “nhân dân, công chúng đang mong muốn, trông chờ, gửi gắm niềm tin cậy, yêu mến ở đội ngũ văn nghệ sĩ”.

2.jpg
Năm 2006, khi đảm trách cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng (ngoài cùng bên phải) đã đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội lần thứ X.

Là người từng tốt nghiệp khoa Văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hiểu rất rõ lao động nghệ thuật là một loại hình sáng tạo đặc biệt, ở đó tài năng, phong cách cá nhân cần được đề cao, tôn trọng, khuyến khích; và người nghệ sĩ rất cần có sự tự do tìm tòi, thể nghiệm, khám phá. Tổng Bí thư nhắc nhở văn nghệ sĩ phải bám sát hiện thực cuộc sống để sáng tạo, làm sao cho mỗi tác phẩm phản ánh chân thực cuộc sống, làm cho người đọc sau khi gấp sách lại đều cảm thấy “mạch đời đập dưới bìa sách như mạch máu đập dưới làn da” (Kalinin).

“Trong thời kỳ phát triển mới của Thủ đô và đất nước, những sáng tác VHNT cần góp phần bồi đắp, nâng cao tư tưởng, tâm hồn, nhân cách đạo đức, lối sống của người Hà Nội; khơi dậy ở mỗi con người lòng tự hào về dân tộc, đất nước và Thủ đô, lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, niềm tin vào lý tưởng và đường lối của Đảng. Các hoạt động VHNT mang đến cho nhân dân những tình cảm và tiếng nói nhân nghĩa, tri ân, động viên, cổ vũ con người tự hào và phát huy truyền thống “ngàn năm văn hiến”, “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thành phố vì hòa bình”, “Thủ đô anh hùng” cùng nhau hướng tới mục đích chung xây dựng Thủ đô”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng căn dặn văn nghệ sĩ tại Đại hội Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật lần thứ IX năm 2001.

Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước còn có diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch không từ bỏ âm mưu và thủ đoạn hòng xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, đồng chí Nguyễn Phú Trọng động viên các văn nghệ sĩ phát huy thiên chức cao quý của người nghệ sĩ và trách nhiệm công dân đối với đất nước, Thủ đô Hà Nội, luôn vững vàng về tư tưởng, say mê nghiên cứu, sáng tạo nên nhiều tác phẩm và công trình VHNT có giá trị, giàu chất trí tuệ, nhân văn để góp phần xây dựng văn hóa và con người Hà Nội phát triển lành mạnh, tốt đẹp…
Với nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, đồng chí Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các văn nghệ sĩ Thủ đô không thể đứng ngoài cuộc, mà phải tham gia tích cực vào quá trình xây dựng con người, tác động mạnh mẽ đến thế giới quan, nhân sinh quan, lý tưởng thẩm mĩ, lối sống của con người. “Chúng ta mong muốn có nhiều tác phẩm VHNT lấy bối cảnh đổi mới vì chủ nghĩa xã hội làm nền, lấy con người thanh lịch, văn minh làm nhân vật trung tâm, để các tác phẩm đó tạo được ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ đến công chúng Hà Nội. Nhân dân đang cần biết bao nhiêu, khao khát biết bao nhiêu được thưởng thức những tác phẩm VHNT tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, có sức nâng cao và tỏa sáng, giúp con người và cộng đồng vươn tới một đời sống tinh thần ngày phong phú, hoàn thiện”, đồng chí Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh.
Để “tiếp sức” cho văn nghệ sĩ Thủ đô thì vai trò của tổ chức Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội cũng rất quan trọng. Tại Đại hội Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội lần thứ X năm 2006, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã đề cập tới một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội. Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Hội cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả theo hướng chủ động, năng động hơn, thực sự là tổ chức chính trị - xã hội và nghề nghiệp, là người bạn tin cậy của anh em văn nghệ sĩ Thủ đô. Đổi mới từ cơ chế hoạt động đến cơ chế tổ chức quản lý, cả trong sáng tác và trong cách thức xét chọn giải thưởng, xét duyệt tác phẩm; năng động nhạy bén trong việc đi thực tế và giao lưu trao đổi kinh nghiệm sáng tác. Với các hội chuyên ngành, mô hình hoạt động cũng cần sinh động, linh hoạt và đa dạng hơn, kết hợp xã hội hóa nhiều hoạt động tạo ra không gian sáng tạo rộng lớn, hiệu quả.
Cho đến hôm nay, lời căn dặn, khích lệ của Tổng Bí thư vẫn còn nguyên giá trị. Những tình cảm cùng sự định hướng, chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Phú Trọng chính là nguồn cảm hứng, là kim chỉ nam tiếp thêm sức mạnh cho các văn nghệ sĩ Thủ đô trong hành trình sáng tạo và phát triển./.

Bài liên quan
  • Gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống Tết Trung thu
    Ngày 8/8, Mondelez Kinh Đô Việt Nam và Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam, thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố thỏa thuận nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và thúc đẩy những lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và sự quan tâm đặc biệt với văn nghệ sĩ Thủ đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO