Những năm gần đây vấn đề về vi phạm những quy định đạo đức nghề nghiệp của nhà báo ngày càng nhiều; điều đó đã làm ảnh hướng lớn tới uy tín của báo giới trong đó có những người làm báo chân chính. Đứng trước thực trạng đó, việc quản trị hoạt động của mỗi tòa soạn dựa trên những quy tắc đạo đức nghề nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết. Vậy làm thế nào để quản trị tòa soạn một cách hiệu quả nhất thông qua các quy tắc đạo đức nghề nghiệp đang đặt ra một thách thức không hề nhỏ cho các cơ quan báo chí tại Việt Nam hiện nay?
Vai trò và thực trạng quản trị tòa soạn thông qua các qui tắc đạo đức nghề nghiệp tại các cơ quan báo chí ở Việt Nam hiên nay
Từ khi ra đời đến nay, báo chí đã khẳng định được vai trò quan trọng của mình trong việc thúc đẩy phát triển văn hóa, xã hội, kinh tế của đất nước. Báo chí là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Chính vì vậy, những gì báo chí thông tin tới bạn đọc luôn phải đảm bảo tính khách quan, chính xác, tính thời sự và nhân văn. Để làm được điều đó thì không thể thiếu được những quy tắc về đạo đức nghề nghiệp trong việc hành nghề của mỗi phóng viên, nhà báo. Quy tắc đạo đức người làm báo quy định những việc nhà báo, phóng viên được làm, nên làm và cả những điều không được làm. Hơn hết, đạo đức nghề nghiệp là yếu tố thuộc giá trị của con người, là tinh thần trách nhiệm, thái độ trung thực, khách quan, nghiêm túc đối với mọi thông tin và trong công việc.
Đạo đức người làm báo không chỉ ảnh hưởng đến giới báo chí, mà còn ảnh hưởng đến xã hội nói chung. Tầm quan trọng của đạo đức người làm báo phải được tôn trọng và đề cao trong xã hội ngày nay, đặc biệt trong thời kỳ đất nước hội nhập quốc tế ngày càng toàn diện, sâu rộng, có những thuận lợi, khó khăn, thời cơ, thách thức khác nhau đan xen, hòa quyện. Do vậy, cần ủng hộ và khuyến khích các nhà báo tuân thủ những nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp để đảm bảo sản phẩm báo chí chất lượng và có trách nhiệm, vì lợi ích của người dân, của đất nước. Vấn đề đạo đức nghề nghiệp của người làm báo càng cần được quan tâm và xem trọng hơn.
Chính vì thế, việc quản trị tòa soạn thông qua các qui tắc đạo đức nghê nghiệp đóng một vai trò rất quan trọng. Nó giúp cho mỗi phóng viên, nhà báo biết được quyền, nghĩa vụ của người cầm bút, nó là ranh giới giữa đúng – sai, tốt – xấu, an toàn và nguy hiểm trong tác nghiệp của mỗi nhà báo. Nhưng hiện nay, việc quản trị tòa soạn thông qua các quy tắc đạo đức nghề nghiệp không phải cơ quan báo chí nào cũng làm tốt. Đặc biệt trong bối cảnh cơ chế thị trường đã tác động lên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực báo chí. Bên cạnh đó, sự canh tranh mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông, tình trạng lan truyền nhanh chóng của tin tức giả mạo và thông tin sai lệch thông qua mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến khác khiến cho các cơ quan báo chí đứng trước một thách thức lớn.
Quản trị tòa soạn thông qua các qui tắc đạo đức nghề nghiệp có chức năng giống như chiếc máy điền chỉnh hành vi người làm báo, nó không mang tính cưỡng chế mà mang tính tự giác nên nền tảng đạo đức ấy trước hết phải xuất phát từ cái phông văn hóa, lòng tự trọng của những người làm báo. Hai yếu tố này phụ thuộc và tương hỗ lẫn nhau theo tỷ lệ thuận, phông văn hóa càng cao, lòng tự trọng càng lớn. Do vậy, chỉ khi nào, nếu trước hành vi đúng đắn, mỗi người làm báo như được khích lệ, cảm thấy tự hào và hạnh phúc; ngược lại cảm thấy day dứt, trăn trở, xấu hổ, thậm chí kết tội chính mình trước những hành vi không đúng đắn, thì khi ấy đạo đức nghề nghiệp mới trở thành yếu tố quan trọng, không thể thiếu, như cơm ăn, nước uống hàng ngày của chính họ vậy.
Vậy việc các phóng viên, nhà báo vi phạm các qui tắc đạo đức nghề nghiệp, thậm chí bị rơi vào vòng lao lý là do đâu? Do cơ chế thị trường? Do bản lĩnh người làm báo chưa vững vàng? Hay do việc quản trị, giáo dục của các cơ quan báo chí thông qua các qui tắc đạo đức nghề nghiệp chưa thực sự hiệu quả. Bởi lẽ, nếu mỗi phóng viên, nhà báo thuộc làm lòng và ý thức được vai trò, trách nhiệm của người làm báo thì sẽ không có những sai lầm đáng tiêc xảy ra. Chính vì thế, đạo đức nghề nghiệp phải được tích lũy, được giáo dục trong môi trường văn hóa lành mạnh, tự giáo dục và có gương soi. Vai trò của các cơ quan báo chí trong việc quản trị tòa soạn là phải làm sao để mỗi nhà báo, phóng viên dù ở bất kỳ vị trí nào, thực hiện công việc ở khâu nao cũng đều nêu cao ý thức tự trọng nghề nghiệp thì việc thực hiện những quy tắc đạo đức mới không đơn thuần là cam kết mà thực sự trở thành bôn phận, lương tâm, trách nhiệm, là vấn đề cốt lõi, sống còn và là văn hóa của người làm báo.
Giải pháp tăng cường quản trị tòa soạn thông qua những quy tắc đạo đức nghề nghiệp ở các cơ quan báo chí điện tử tại Việt Nam hiện nay
Một là, nâng cao nhận thức và trình độ năng lực của các chủ thể trong việc quản trị tòa soạn thông qua những quy tắc đạo đức nghề nghiệp ở các cơ quan báo chí điện tử
Để quản trị tòa soạn thông qua những quy tắc đạo đức nghề nghiệp nâng cao được chất lượng và hiệu quả thì phải có sự thống nhất nhận thức về vị trí, vai trò về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Chính vì vậy, việc tăng cường định hướng, quán triệt tư tưởng, nâng cao nhận thức của các các chủ thể quản lý báo chí có ý nghĩa quan trọng
Trước hết là về phía cơ quan chủ quản của các báo mạng điện tử: Cơ quan chủ quản cần tuân thủ chặt chẽ quy trình và tiêu chuẩn bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí, không bổ nhiệm những cán bộ không đủ tiêu chí theo Quy định số 101-QĐ/TW ngày 28/2/2023 của Ban Bí thư về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí, không bổ nhiệm người không được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, không đủ phẩm chất chính trị, không gương mẫu về đạo đức, lối sống. Thường xuyên theo dõi, chỉ đạo hoạt động của cơ quan báo chí thuộc quyền, kiên quyết xử lý người đứng đầu cơ quan báo chí khi để xảy ra các sai phạm, không bao che khuyết điểm, nể nang, nương nhẹ trong việc xử lý vi phạm.
Về phía cơ quan báo chí điện tử: Các cơ quan báo chí điện tử cần tạo điều kiện để cho đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên của cơ quan mình nhận thức được rõ vai trò quan trọng của đạo đức nghề nghiệp của người làm báo thông qua hoạt động đào tạo, tập huấn, sinh hoạt nghiệp vụ với những nhà báo giàu kinh nghiệm. Lãnh đạo tòa soạn cũng cần nghiêm túc phê bình, góp ý, rút kinh nghiệm cho đội ngũ phóng viên trong mỗi cuộc họp, sinh hoạt nghiệp vụ; đề cao việc tự phê bình, đạo đức nghề nghiệp và thái độ cầu thị, sẵn sàng tiếp thu, thay đổi trong hoạt động nghề nghiệp. Từ đó nâng cao nhận thức, giúp họ tiếp tục đổi mới tư duy làm báo hiện đại, cố gắng, đào sâu tìm hiểu những vấn đề được giao thực hiện, dám dấn thân tìm hiểu thực tế để có được những bài báo sâu sắc, có chất lượng, trong đó có những tác phẩm báo chí đạt chất lượng cao, gây ấn tượng mạnh đối với độc giả, đem lại hiệu quả, đạt được mục tiêu mà các cơ quan báo chí điện tử đề ra.
Về phía các Liên chi hội/Chi hội nhà báo tại các cơ quan báo chí điện tử: Sự phối hợp hoạt động giữa các Hội nhà báo các cấp; giữa các chi hội và liên chi hội, là rất cần thiết, nhằm kịp thời giáo dục, phát hiện, xử lý những biểu hiện bất thường trong hoạt động tác nghiệp của hội viên là đội ngũ nhà báo, phóng viên trong cơ quan báo chí điện tử. Trong các cuộc họp hoặc các kỳ sinh hoạt chi bộ, chi hội nhà báo, tổ chức công đoàn nên đưa ra những quy định đạo đức nghề nghiệp nhà báo như là một nội dung quan trọng để vừa cải tiến nội dung sinh hoạt vừa là hình thức giám sát lẫn nhau. Thông qua đó, lãnh đạo cơ quan báo chí có thể kịp thời biểu dương hoặc phát hiện, ngăn chặn những dấu hiệu không lành mạnh trong lối sống, phong cách của nhà báo cấp dưới.
Hai là, tăng cường việc giáo dục, bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp đồng thời phát huy tính tự giác, tự rèn luyện của đội ngũ cán bộ, phóng viên của tòa soạn
Công tác phổ biến, giáo dục các quy định đạo đức cần phải được lãnh đạo các cơ quan báo chí điện tử được hết sức quan tâm, chú ý. Nhiều nhà báo đến bây giờ vẫn không biết và không nắm rõ có bao nhiêu điều trong quy định đạo đức và đó là những điều gì. Điều này có nguyên nhân từ bản thân các cấp hội cơ sở, các lãnh đạo cơ quan báo chí chưa thực sự quan tâm tới việc này. Do đó, việc học tập, quán triệt tiêu chuẩn đạo đức nghề báo phải tiến hành thường xuyên liên tục, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, không mang tính hình thức mà luôn bám sát thực tiễn, khuyến khích, nêu gương các tấm gương tiêu biểu, phải tạo thành văn hóa, tạo thành động lực để mỗi người cùng phấn đấu.
Cùng với việc nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, lãnh đạo các cơ quan báo chí điện tự cần phải phát huy tính tự giác, tự rèn luyện đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ những người làm báo. Quá trình tự giáo dục, tự rèn luyện đạo đức nghề nghiệp luôn gắn liền với quá trình nhà báo tự nâng cao trình độ nhận thức mọi mặt và năng lực nghề nghiệp của mình. Đạo đức nghề nghiệp của nhà báo là một môn học tự thân. Giáo trình duy nhất, trường học cần thiết nhất để nâng cao đạo đức nghề nghiệp của nhà báo chính là nội tại trong bản thân con người họ. Mỗi nhà báo phải tự ý thức rằng mình cần đạo đức như cần không khí để thở. Đương nhiên, quá trình tự học phải gắn với một quá quá trình lao động cần cù và có phương pháp học, làm việc một cách hiệu quả. Nhà báo tự học là tự mình tìm tòi, nhận thức và vận dụng kiến thức vào từng tình huống cụ thể. Đấy cũng là quá trình nhà báo tự đấu tranh với chính mình để vượt qua cạm bẫy vật chất từ nhiều phía, những thử thách phức tạp, hết sức tinh vi, xảo quyệt từ những kẻ ác, kẻ xấu luôn tìm đủ mọi cách để mua chuộc từng bước và làm thoái hóa nhà báo.
Ba là, đảm bảo chế độ, chính sách cho đội ngũ những người làm báo
Nâng cao đời sống vật chất cho đội ngũ những người làm báo là một trong những nhiệm vụ tưởng chừng như rất đơn giản nhưng trên thực tế lại gặp vô vàn khó khăn. Chúng ta ý thức được rằng cái nghèo không phải là nguyên nhân dẫn đến tiêu cực, vi phạm đạo đức nghề báo. Song không thể phủ nhận khi đồng lương và thu nhập chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng vật chất thì nhà báo nào không đủ tỉnh táo, cảnh giác sẽ bị gục ngã trước những cám dỗ của đồng tiền. Ngược lại, nếu đội ngũ nhà báo có được một mức sống ổn định, phải chăng có thể sống bằng nghề của mình thì đó sẽ là điều kiện tốt và cần thiết để họ phát triển tài năng, đồng thời ngăn chặn sự vi phạm đạo đức, hạn chế những tiêu cực ngoài ý muốn. Vì vậy, để tạo điều kiện cho nhà báo hoạt động nghề tốt thì vấn đề đãi ngộ, lương, phụ cấp, vấn đề nhuận bút cũng cần được coi trọng, quan tâm đúng mực.
Hội nhà báo, các cơ quan chủ quản báo chí cần chủ động tham mưu đề xuất với cấp có thẩm quyền tính toán lại, cân nhắc để cải thiện chế độ nhuận bút cho nhà báo, phóng viên, các chính sách hỗ trợ về nhà ở, việc làm, ngạch lương và phụ cấp của nhà báo, phóng viên; Các chính sách về thi đua, khen thưởng, các hoạt động khoa học, sáng tạo….Các tiêu chí đánh giá chất lượng tin, bài, đánh giá phóng viên, nhà báo phải thực sự tường minh, tạo ra động cơ cống hiến cho đội ngũ phóng viên, nhà báo. Nhà báo, phóng viên họ có niềm tin nghề nghiệp và sự nhạy cảm của thông tin cần khai thác, nhưng phải làm gì để họ có cuộc sống ổn định và giúp họ yên tâm hơn trong tương lai, sự nghiệp, bởi họ cũng như bao người khác, họ cần có sự đãi ngộ phù hợp.
Bốn là, tăng cường việc rà soát, chấn chỉnh, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật
Đối với cơ quan chủ quản của các tòa soạn báo mạng điện tử, yêu cầu chú trọng công tác xây dựng Đảng trong cơ quan báo chí. Nâng cao vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của các cấp ủy, tổ chức đảng, của người đứng đầu cơ quan chủ quản đối với hoạt động của cơ quan báo mạng điện tử trực thuộc. Quan tâm sâu sát hơn nữa đối với hoạt động của cơ quan báo chí trực thuộc. Chỉ đạo cơ quan báo chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép. Thường xuyên kiểm tra, giám sát; kiểm điểm, xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí nếu cơ quan báo chí bị xử lý vi phạm hoặc để nhà báo, phóng viên, cộng tác viên vi phạm quy định pháp luật.
Đối với người đứng đầu cơ quan báo chí nói chung các cơ quan báo chí điện tử nói riêng, yêu cầu phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương thông tin và công tác quản lý đội ngũ nhà báo, phóng viên, cộng tác viên của cơ quan mình. Chỉ đạo đội ngũ nhân sự trong quá trình tác nghiệp phải tổ chức thực hiện đúng theo tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép và các quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo, cũng như tuân thủ quy định của pháp luật, các quy định của địa phương. Đối với Trưởng văn phòng đại diện, phóng viên thường trú tại địa phương, do ở xa tòa soạn, cần tuyển chọn kỹ lưỡng những nhân sự có phẩm chất tốt về chính trị, đạo đức và theo dõi, giám sát hoạt động một cách thường xuyên, chặt chẽ.
Các tòa soạn báo mạng điện tử cần rà soát, quản lý chặt chẽ, thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở đội ngũ phóng viên, nhất là phóng viên thường trú, cộng tác viên tại các địa phương thực hiện nghiêm quy định của Luật Báo chí, 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Đồng thời, giám sát, quản lý chặt chẽ việc sử dụng thẻ nhà báo, thẻ hội viên, giấy giới thiệu cấp cho cán bộ, phóng viên...
Năm là, xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí điện tử
Từ năm 2022, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam và Báo Nhân Dân phối hợp tổ chức phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”, đồng thời công bố Bộ tiêu chí thực hiện “Cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam”, trong đó với 6 điểm dành cho cơ quan báo chí và 6 điểm dành cho người làm báo.
Thực hiện nghiêm quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo thì một “việc cần làm ngay” nữa là tiếp tục đưa phong trào thi đua "Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí" đi vào chiều sâu, lan tỏa rộng rãi hơn nữa từ đó tạo nên những kết quả, hiệu quả thực chất hơn nữa. Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan Báo chí với mục đích tạo dựng một môi trường làm việc tích cực, năng động, sáng tạo; đồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, trong cơ quan báo chí nhằm phát huy tốt vai trò của các tổ chức, đoàn thể cơ quan trong xây dựng lề lối, nền nếp làm việc khoa học, trật tự, kỷ cương...
Do đó, trong thời gian tới, cần triển khai tốt phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí” trong tất cả các cơ quan báo chí, chi hội nhà báo từ trung ương đến địa phương và thi đua trong mỗi cá nhân người làm báo. Nếu triển khai tốt việc này sẽ nhân lên những giá trị nhân văn, lòng tự hào, tự tôn về nghề báo, khích lệ mỗi cá nhân người làm báo, đơn vị báo chí phát triển, đoàn kết và thể hiện sức mạnh của báo chí, góp phần quan trọng chống lại những ảnh hưởng mặt trái về tiêu cực trên không gian mạng và báo chí trong bối cảnh công nghệ 4.0 hiện nay.
Những giải pháp nêu trên là những giải pháp mang tính khả thi nhằm gợi mở cho các cơ quan báo chí điện tử nói riêng, hệ thống các cơ quan báo chí ở nước ta hiện nay nói chung trong việc nâng cao hiệu quả, chất lượng quản trị tòa soạn thông qua những quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong thời gian tới, từ đó giúp cho đạo đức của người làm báo trong hoạt động báo chí được đề cao và thực hiện nghiêm chỉnh, cũng như góp phần thúc đẩy các cơ quan báo chí phát triển lành mạnh, phù hợp với đạo lý và truyền thống văn hóa của dân tộc, và quan trọng nhất là giữ được niềm tin của công chúng đối với báo chí./.