Sự kiện & Bình luận

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Di sản “ngoại giao cây tre” sống mãi

Phạm Quỳnh 23/07/2024 11:29

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (1944 – 2024) – vị lãnh tụ thiên tài, cả cuộc đời vì nước, vì dân đã để lại cho dân tộc Việt Nam nhiều di sản, trong đó có di sản “ngoại giao cây tre”. Với trường phái ngoại giao này, “đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

tong-bi-thu.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, sáng ngày 14/12/2021 (Ảnh: TTXVN).

Tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (14/12/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa và phát huy truyền thống, bản sắc đối ngoại, ngoại giao và văn hóa dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của Thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần hồi 13 giờ 38 phút ngày 19/7/2024 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (TP. Hà Nội), hưởng thọ 80 tuổi. Để tỏ lòng tiếc thương và tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức tang lễ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nghi thức Quốc tang (25 - 26/7/2024). Trong thời gian Quốc tang, các cơ quan, công sở, nơi công cộng treo cờ rủ, không tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí công cộng.

“Ngoại giao cây tre” là mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tùy cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt!”.

Cây tre Việt Nam đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chọn làm hình tượng đối ngoại bởi gốc tre vững chắc, cành uyển chuyển, mềm dẻo nhưng rất kiên cường, không có cơn gió nào quật ngã được. Và trường phái “ngoại giao cây tre” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính là sự kế thừa trong việc thực hiện tư tưởng “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

vncb.jpg
Đại tướng Raul Castro Ruz, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 8/7/2012, tại Hà Nội. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN).

Thực tế chứng minh, trường phái “ngoại giao cây tre” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cho thấy giá trị, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Ông Satyendra Pradhan, cựu Phó Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ đánh giá: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra thuật ngữ “ngoại giao cây tre”, có ý nghĩa đặc biệt. Nghệ thuật “ngoại giao cây tre” là giữ vững cội rễ, trong khi thân uốn mình theo chiều gió. Mặc dù ngoại giao của Việt Nam linh hoạt và mềm mỏng để phù hợp với các cực trong thế giới đa cực nhưng vẫn gắn chặt với quốc gia rộng lớn hơn, hướng tới hòa bình và tăng trưởng kinh tế của quốc gia, khu vực.

Chính sách ngoại giao của Việt Nam duy trì sự độc lập để bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích của người dân. Mục đích là tận dụng những điều kiện có sẵn và ngoại giao để thúc đẩy lợi ích của người dân Việt Nam. Niềm tin chắc chắn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng mọi tranh chấp đều được giải quyết một cách hòa bình đã tạo nên nền tảng cho ngoại giao cây tre”.

an-do.jpg
Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì Lễ đón Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind và Phu nhân thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 18 - 20/11/2018.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa từ trần, hãng thông tấn Reuters đã có bài viết phân tích về quan điểm đối ngoại “ngoại giao cây tre Việt Nam” của Tổng Bí thư. Theo tác giả bài báo trên Reuters, “ngoại giao cây tre” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là thêm bạn, bớt thù, uyển chuyển như thân cây tre. Trường phái ngoại giao này được thể hiện qua việc trong các nhiệm kỳ lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã đón nhiều lãnh đạo các nước lớn tới thăm, đồng thời là quốc gia duy nhất có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.

Tờ New York Times gần đây cũng đăng tải bài viết đánh giá cao những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với đất nước, trong đó có trường phái “ngoại giao cây tre”. Tác giả bài viết trên New York Times khẳng định, với trường phái ngoại giao cây tre, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã rất tài tình trong việc cân bằng mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước lớn. Bài báo đồng thời dẫn lời Giáo sư Alexander Vuving (Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á Thái Bình Dương Daniel K.Inouye): “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là bậc thầy của phòng ngừa rủi ro”.

Trong khi đó, tờ Washington Post có bài viết bình luận, trên trường quốc tế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người khéo léo thực hiện trường phái “ngoại giao cây tre”, giúp Việt Nam điều hướng mối quan hệ với các đối tác kinh tế quan trọng, đồng thời xây dựng quan hệ với nhiều quốc gia trong khi vẫn tăng quyền tự chủ của đất nước.

“Bạn sẽ có cảm giác tin tưởng khi gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông là một con người trí tuệ nên bạn có thể trao đổi các ý tưởng. Mặc dù giờ đây Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mất nhưng di sản mà ông lại có sức ảnh hưởng rất lớn. Dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã có lần thứ 2 trúng cử Ủy ban không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc với số phiếu ủng hộ cao. Điều đó thể hiện uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế” - Giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, đánh giá.

tham-lao.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, năm 2019.

Trong khi đó, Tiến sĩ Irina Korgun - Giám đốc Trung tâm Chiến lược Nga tại Châu Á, Viện Kinh tế - Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga nhận định, tư tưởng ngoại giao cây tre của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giúp Việt Nam nâng cao vị thế trên trường quốc tế.

“Nhờ vào trường phái ngoại giao cây tre, Việt Nam đã tạo dựng được mối quan hệ hợp tác kinh tế cùng có lợi với các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Tôi xin chia sẻ những mất mát với nhân dân Việt Nam trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và mong rằng những di sản của ông sẽ sống mãi, tiếp tục mang lại lợi ích cho quốc gia giống như mối quan hệ Việt Nam – Liên bang Nga” - Tiến sĩ Irina Korgun, chia sẻ./.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả, thành tích rất tốt đẹp trong công tác đối ngoại trong 35 năm qua. Nổi bật là 4 nhóm vấn đề:

Một là từ phá thế bị bao vây, cấm vận, chúng ta đã tạo dựng và củng cố ngày càng vững chắc cục diện đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, thuận lợi cho công cuộc đổi mới.

Hai là, chúng ta đã tạo dựng được môi trường quốc tế thuận lợi và huy động được các nguồn lực từ bên ngoài để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội.

Ba là, đối ngoại đóng vai trò tiên phong trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Bốn là, vị thế và uy tín quốc tế của nước ta trong khu vực và trên thế giới ngày càng được nâng cao, đóng góp tích cực và đầy tinh thần trách nhiệm vào việc giữ vững hòa bình, hợp tác phát triển và tiến bộ trên thế giới.

Có được những kết quả, thành tích đó là do có sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, bình tĩnh, tỉnh táo của Trung ương Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự điều hành chủ động, linh hoạt của Nhà nước; sự đồng tình, đoàn kết, ủng hộ của toàn thể nhân dân; sự vào cuộc và hoạt động tích cực của cả hệ thống chính trị, tất cả các ngành, các cấp, trong đó Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương và các cơ quan, đơn vị trực tiếp làm công tác đối ngoại trong cả nước là lực lượng nòng cốt, đóng vai trò quan trọng./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Di sản “ngoại giao cây tre” sống mãi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO