Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chậm nhất tháng 6-2022, phải có vắc xin Covid-19 sản xuất trong nước

Hà Văn/Chính phủ| 26/06/2021 10:17

Chiều 24-6, tới thăm, làm việc với một số cơ sở sản xuất vắc xin, sinh phẩm, vật tư y tế, Thủ tướng khẳng định quyết tâm cao nhất trong chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và sản xuất vắc xin Covid-19 càng sớm càng tốt, chậm nhất tới tháng 6-2022, phải có vắc xin sản xuất trong nước. Chúng ta có những tiền đề quan trọng để có thể sớm đạt được mục tiêu này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chậm nhất tháng 6-2022, phải có vắc xin Covid-19 sản xuất trong nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Công ty TNHH một thành viên Vắc xin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech).

Chiều 24-6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới thăm và làm việc tại Công ty TNHH một thành viên Vắc xin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Sau khi thăm các phòng thí nghiệm, kho lưu trữ vắc xin, tìm hiểu về dây chuyền đóng ống, đóng gói vắc xin, Thủ tướng đã có cuộc làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành và các đơn vị nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vắc xin.

Cùng dự cuộc làm việc có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.

Nhanh chóng, thần tốc hơn nữa trong thực hiện chiến lược vắc xin

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng nhắc lại yêu cầu cần tổ chức thực hiện nhanh nhất, hiệu quả nhất chiến lược vắc xin, bao gồm việc tiếp cận đa dạng các nguồn vắc xin, thúc đẩy tiến độ đàm phán để mua vắc xin nhanh nhất, nhiều nhất có thể; thúc đẩy nhanh hơn việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ và sản xuất, thử nghiệm vắc xin trong nước; triển khai nhanh nhất, hiệu quả nhất, an toàn nhất chiến dịch tiêm vắc xin.

Thủ tướng phân tích, việc thực hiện thành công chiến lược vắc xin có vai trò hết sức quan trọng, là công cụ số 1 để ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch, trong bối cảnh độ mở của nền kinh tế rất lớn, Việt Nam không thể mãi đóng cửa, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài là không thể tránh khỏi, các biến chủng của vi rút nguy hiểm hơn, lây lan nhanh hơn.

Tuy nhiên, nguồn cung vắc xin hiện đang thiếu hụt trên phạm vi toàn cầu từ nay đến tháng 9-2021. Việc chuyển giao công nghệ vắc xin không thể thực hiện trong ngày một ngày hai. Việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước đòi hỏi nền tảng nghiên cứu khoa học lâu dài qua các thế hệ với sự lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư về nguồn lực, con người… một cách căn cơ, chiến lược. Việc tiến hành chiến dịch tiêm vắc xin cũng đòi hỏi nhiều điều kiện, như điều kiện bảo quản vắc xin khắt khe.

“Yêu cầu đặt ra với Chính phủ là phải nhanh chóng, thần tốc hơn nữa trong thực hiện chiến lược vắc xin”, Thủ tướng nhấn mạnh. “Tại cuộc làm việc này, chúng ta khẳng định quyết tâm với Đảng, Nhà nước và nhân dân trong việc tiếp cận, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và sản xuất vắc xin nói chung và nhất là tập trung cho vắc xin Covid-19 nói riêng”. Từ quyết tâm đó, báo cáo các cấp có thẩm quyền, huy động sự vào cuộc của nhân dân để thực hiện bằng được mục tiêu đã đề ra.

3 tiền đề quan trọng để sản xuất vắc xin trong nước

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, bên cạnh những khó khăn, chúng ta có những tiền đề hết sức quan trọng để thực hiện quyết tâm này.

Trước hết, Việt Nam có truyền thống trong nghiên cứu, sản xuất các loại vắc xin, trong đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương là cơ sở nghiên cứu lớn nhất, có truyền thống nhất. Việt Nam đã sản xuất, chủ động 11/12 loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, chấm dứt, thanh toán được nhiều loại dịch bênh nguy hiểm như bại liệt, uốn ván sơ sinh… Thủ tướng yêu cầu, phải kế thừa các truyền thống, nền tảng đã có được, ổn định, đổi mới và phát triển trên cơ sở thực tiễn của đất nước.

Tiền đề thứ hai, các cơ sở của Việt Nam đã và đang nghiên cứu, thử nghiệm một số loại vắc xin Covid-19, sản xuất thành công nhiều loại sản phẩm, vật tư… phòng, chống dịch.

Tiền đề thứ ba là, truyền thống của người Việt Nam, càng gặp khó khăn, thách thức, càng quyết tâm, đoàn kết và thống nhất, lấy khó khăn, thách thức làm động lực để phấn đấu, vươn lên, trưởng thành và phát triển.

Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta phải phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, vươn lên từ bàn tay, khối óc theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, khắc phục mọi khó khăn theo tinh thần “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chậm nhất tháng 6-2022, phải có vắc xin Covid-19 sản xuất trong nước
Làm việc tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phải tập trung cho việc chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc xin nói chung và trước mắt là vắc xin Covid-19 càng sớm càng tốt, chậm nhất là tháng 6-2022 phải có vắc xin Covid-19 sản xuất trong nước. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Các trọng tâm nghiên cứu thời gian tới của ngành Y tế

Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và đại diện các công ty, đơn vị đã báo cáo về việc chuyển giao, nghiên cứu và sản xuất các loại sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế nói chung, trong đó có vắc xin và các sản phẩm phòng, chống Covid-19. Tại buổi làm việc, các đại biểu kiến nghị tăng cường đầu tư cho nghiên cứu, sản xuất vắc xin, cùng một số nội dung liên quan tới giá vắc xin, kinh phí tiêm chủng…

Định hướng nghiên cứu thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, ngành Y tế sẽ tập trung vào 4 nội dung: Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin Covid-19; phát triển mạnh kỹ thuật chẩn đoán để giảm gánh nặng cho nhân viên y tế; phát triển các sản phẩm, trang thiết bị y tế khác; nghiên cứu, sản xuất một số sản phẩm phục vụ cho trạng thái bình thường mới, ví dụ như mũ cho công nhân sử dụng khi làm việc không cần khẩu trang…

Hiện nay, một số doanh nghiệp đã đầu tư nhà máy, tìm kiếm công nghệ sản xuất vắc xin trong nước và quốc tế, cố gắng cuối năm 2021, chậm nhất đầu năm 2022, sẽ có 1 nhà máy sản xuất vắc xin quy mô lớn đi vào hoạt động.

Bộ Y tế đang thúc đẩy Công ty Vabiotech tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin Sputnik V của Nga theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, dự kiến sẽ nhập bán thành phẩm, tận dụng hạ tầng của Vabiotech để đóng ống, đóng gói vắc xin Sputnik V, test thử tại Việt Nam từ tháng 6 và dự kiến sẽ nhập chính thức đóng ống, đóng gói từ tháng 7 năm nay.

Giai đoạn 2, sẽ lên kế hoạch xây dựng nhà máy mới để mở rộng công suất đóng gói lên 100 đến 150 triệu liều/năm. Đồng thời, tiếp tục đàm phán với đối tác cho việc chuyển giao công nghệ và xây dựng nhà máy sản xuất gia công toàn phần vắc xin Sputnik V tại Việt Nam.

Bộ Y tế, các cơ quan cũng tạo điều kiện tối đa cho thử nghiệm vắc xin trong nước, nếu đạt kết quả thử nghiệm tốt, trong tình trạng khan hiếm vắc xin, Bộ Y tế sẽ trình các cơ quan có thẩm quyền để thông qua việc cấp phép sử dụng trong tình trạng khẩn cấp.

Huy động hợp tác công - tư trong chuyển giao, nghiên cứu, sản xuất vắc xin

Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng hoan nghênh Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan, các doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu đều khẳng định quyết tâm rất cao trong sản xuất vắc xin và các sinh phẩm, vật tư phục vụ phòng, chống dịch bệnh trước mắt và lâu dài, thực hiện mục tiêu miễn dịch cộng đồng với dịch Covid-19 và nhiều loại dịch bệnh khác trong tương lai.

“Phải tập trung cho việc chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc xin nói chung và trước mắt là vắc xin Covid-19 càng sớm càng tốt, chậm nhất là tháng 6-2022 phải có vắc xin Covid-19 sản xuất trong nước”, Thủ tướng nêu rõ.

Để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng giao Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan xây dựng đề án về chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc xin, trong đó có vắc xin Covid-19, báo cáo Chính phủ theo thủ tục rút gọn.

Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan, nhất là Bộ Tư pháp, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả, kịp thời cho việc chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc xin.

Thủ tướng cũng đồng ý dành một phần nguồn ngân sách của Nhà nước trong điều kiện cho phép để làm “vốn mồi” cho hợp tác công tư, huy động mọi nguồn lực hợp pháp khác để chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc xin, trong đó có Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19 hiện đã có gần 8 nghìn tỷ đồng.

Thủ tướng yêu cầu kế thừa truyền thống, thành quả đã đạt được, tiếp tục đào tạo, phát huy, nâng cao trình độ nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ của ngành vắc xin Việt Nam bởi nguồn lực con người có tính chất quyết định, đây là vấn đề chiến lược, lâu dài.

Về cơ sở vật chất, đất đai phục vụ chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc xin, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan xem xét, xử lý theo quy định hiện hành, trong đó có quy định về ưu đãi với các lĩnh vực công nghệ cao, nếu vượt quá quy định hiện hành thì trình các cấp có thẩm quyền.

Bộ Y tế ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai nhanh nhất, hiệu quả nhất, an toàn nhất chiến dịch tiêm vắc xin để chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện.

Thủ tướng đánh giá các kiến nghị tại cuộc làm việc là xác đáng, xuất phát từ thực tiễn với tinh thần trách nhiệm; giao Bộ Y tế phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ xử lý, những vấn đề thuộc thẩm quyền của các Bộ thì xử lý trước, nếu vượt quá thẩm quyền thì báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.  

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần tiến công, nói đi đôi với làm, đây là việc quan trọng phải làm có hiệu quả, vướng mắc tới đâu tháo gỡ tới đó. Chúng ta quyết tâm phải sản xuất bằng được vắc xin Covid-19, chậm nhất là tháng 6-2022. Cũng có thể sớm hơn vì chúng ta đã có nhiều tiền đề quan trọng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chậm nhất tháng 6-2022, phải có vắc xin Covid-19 sản xuất trong nước
Thủ tướng đã tới thăm và làm việc tại Công ty Medicon (xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) - chuyên sản xuất test thử (xét nghiệm nhanh) phục vụ các nhu cầu y học. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Khuyến khích các doanh nghiệp nhạy bén, chủ động cùng cả nước phòng chống dịch

Chiều cùng ngày, Thủ tướng đã tới thăm và làm việc tại Công ty Medicon - chuyên sản xuất test thử (xét nghiệm nhanh) phục vụ các nhu cầu y học. Ngay từ khi dịch bắt đầu bùng phát, công ty đã tập trung phát triển test nhanh Covid-19 phục vụ chống dịch với công suất khoảng 120.000 test thử mỗi ngày.

Đáng chú ý, công ty đã được cấp đăng ký lưu hành sản phẩm xét nghiệm mới, hướng đến đối tượng sử dụng là tự xét nghiệm tại nhà. Sản phẩm này hiện đang thử nghiệm tại Việt Yên (Bắc Giang) và sẽ có kết quả trong vòng 10 ngày tới. Nếu sản phẩm dùng mẫu dịch mũi này được các chuyên gia đánh giá tốt và hữu dụng trong công tác phòng, chống dịch, nhà máy sẽ lên kế hoạch sản xuất quy mô công nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, với giá chỉ bằng 1/3 so với sản phẩm nhập khẩu của các nước phát triển, sản phẩm test nhanh của công ty là một trong những sản phẩm rất hữu hiệu trong chống dịch. Thực tế chống dịch tại Bắc Giang cho thấy, sản phẩm của công ty có độ nhạy gần 90%, đây là yếu tố quan trọng giúp đẩy lùi dịch tại Bắc Giang.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết thêm, trong đợt dịch vừa qua, Hà Nội thực hiện gần 100.000 test nhanh nhưng chỉ có 3 mẫu dương tính giả.

Bộ Y tế đã có khuyến cáo chính thức về việc dùng test này để sàng lọc các ca nhiễm. Bộ cũng đề nghị các hãng cung cấp test nhanh, trong đó có Công ty Medicon, giảm giá sản phẩm và tăng công suất lên cao hơn nữa. Đồng thời, Bộ cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, vừa làm vừa hướng dẫn, giúp đỡ doanh nghiệp, “Bộ trưởng nếu nghe doanh nghiệp phàn nàn sẽ yêu cầu các vụ giải trình ngay”.

Phát biểu tại cuộc làm việc tại Công ty Medicon, Thủ tướng ghi nhận, hoan nghênh sự sáng tạo, nhạy bén của công ty, đã chuyển hướng sản xuất rất nhanh khi dịch Covid-19 bùng phát. Từ đó, đóng góp vào công tác phòng, chống dịch, cung cấp test nhanh với giá chỉ bằng 1/3 sản phẩm nhập khẩu nhưng chất lượng tương đương và quan trọng nhất là giúp chúng ta có thể chủ động được nguồn sản phẩm, không bị động.

Thủ tướng nêu rõ điều này cần được khuyến khích và bảo vệ; đề nghị các cơ quan chức năng tích cực ủng hộ, tạo điều kiện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, cắt giảm, đơn giản hóa, rút ngắn các thủ tục theo tinh thần “chống dịch như chống giặc” và bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo.

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục năng động, sáng tạo trong nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm y học, trong đó có các sản phẩm phòng, chống dịch Covid-19. Các doanh nghiệp cần tuân thủ pháp luật, có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, xử lý hài hòa, hợp lý, hiệu quả lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước, tiếp tục giảm giá thành sản phẩm nếu có điều kiện. Thủ tướng cũng đề nghị Công ty Medicon tiếp tục mở rộng quy mô, nghiên cứu, sản xuất thêm nhiều sản phẩm khác phục vụ cộng đồng để ngày càng phát triển và đóng góp cho đất nước.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Chùa Thầy - Di sản văn hóa xứ Đoài tỏa sáng cùng Thủ đô ngàn năm văn hiến
    Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến có hàng ngàn di tích lịch sử - văn hóa, nhưng hiếm có di tích nào hàm chứa cả giá trị di sản vật thể và phi vật thể như Chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) được xây dựng từ thế kỷ thứ 11, gắn liền với tên tuổi của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Cuối năm 2014, chùa Thầy được Chính phủ công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt, tới năm 2023, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội công nhận Chùa Thầy là “Điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt" và đầu năm 2024, Đảng bộ - Chính quyền và nhân dân h
  • Phố cũ
    Chiều. Làn gió se lạnh vời vợi dọc theo những con phố. Gió về cuốn đi cái oi nồng của những ngày nắng hanh hao. Bỗng vòng xe vô tình rẽ vào phố cũ. Lâu lắm không về phố, hình như đã không còn cảm giác thân thuộc ngày nào. Phố cũ hiện ra trước mặt là lạ, quen quen…
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • 18 tỉnh, thành phố tham gia Hội chợ trái cây, nông sản an toàn tại Hà Nội
    Tối 22/11, Sở Công thương Hà Nội chủ trì, phối hợp Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì tổ chức Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố tại Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Thanh Trì, Hà Nội.
  • Nghệ thuật múa Hàn Quốc “Vũ điệu thời gian: Truyền thống & Hiện đại”
    Các nghệ sĩ Hiệp hội Múa Gyeonggi Hàn Quốc biểu diễn múa “Vũ điệu thời gian: Truyền thống & Hiện đại” tại Nhà hát Duyệt Thị Đường (TP Huế).
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chậm nhất tháng 6-2022, phải có vắc xin Covid-19 sản xuất trong nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO