Rạng danh truyền thống
Theo các cụ cao niên ở làng Thư Trai, từ xa xưa, nơi đây có 2 cổng vào làng. Cổng điếm ghi đậm 2 chữ “Thư Trai” - nghĩa là "phòng đọc sách", còn cổng giếng nổi lên 2 chữ “Thư Điền” - tức là "ruộng sách". Cái chữ đã nói lên truyền thống của người làng: Học hay, làm ruộng giỏi, nhiều sách, nhiều ruộng, nhiều chữ, nhiều lúa…
Lần theo những trang vàng trong sử sách, làng Thư Trai vinh dự có 2 trong 8 tiến sĩ của huyện Phúc Thọ được ghi tại Bảng vàng bia đá nơi Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Khuất Duy Hài (đỗ Tiến sĩ năm 1868, lúc 46 tuổi) và Nguyễn Đình Dương (đỗ Tiến sĩ năm 1880, lúc 37 tuổi). Làng còn có Nguyễn Đỗ Mục (1866-1949) là con của tiến sĩ Nguyễn Đình Dương - là nhà văn, nhà nho uyên thâm, ông đỗ Tú tài năm 1909 khoa Kỷ Dậu, là dịch giả đã biên khảo nhiều tác phẩm như Đông Chu liệt quốc, Khổng Tử tạp ngữ, Thủy hử và nhiều tác phẩm khác. Trong lĩnh vực hội họa, một trong những người nổi tiếng ở thế kỷ XX sinh ra ở Thư Trai là họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung (1912-1977), con trai của nhà văn Nguyễn Đỗ Mục.
Truyền thống hiếu học ở Thư Trai như dòng chảy xuyên suốt chiều dài lịch sử. Những ngày đầu sau Cách mạng Tháng Tám (1945), làng Thư Trai đã thành lập tổ giáo viên tham gia dạy bình dân học vụ, xóa mù chữ. Nhân dân đi học vào các buổi trưa, tối, lớp học là đình chùa hoặc nhà dân. Chính quyền lâm thời tổ chức kiểm tra trên đường ra đồng, ở cổng làng, cổng chợ. Ai biết đọc thì cho qua “cổng sáng”, ai chưa biết đọc thì phải qua “cổng mù”. Các gia đình biết chữ thì vẽ vòng tròn đỏ; chưa biết thạo thì vẽ vòng tròn nửa đỏ, nửa đen; còn gia đình nào mù chữ thì vẽ vòng đen ở bờ tường, đầu nhà hoặc nong nia treo trước ngõ. Không bao lâu sau, nhân dân đã đọc thông, viết thạo, có người còn làm được phép tính 2 con số…
Ông Nguyễn Đình Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Hòa cho hay: Theo cách quản lý dân cư hiện nay, làng Thư Trai gồm 4 thôn (4, 5, 6, 7 của xã Phúc Hòa) với khoảng 1.100 hộ dân, chiếm 2/3 tổng số hộ dân toàn xã. Truyền thống hiếu học vẫn là một trong những nét đẹp đặc trưng của ngôi làng này với rất nhiều thế hệ đạt thành tích cao trong học tập. Hàng nghìn người dân Thư Trai hôm nay trở thành kỹ sư, bác sĩ, giáo viên, cán bộ công chức... công tác tại khắp vùng miền của cả nước.
Cùng vun đắp cho sự nghiệp “trồng người”
Sự học ở Thư Trai có nhiều kết quả ấn tượng ngoài nỗ lực của mỗi cá nhân, sự động viên, vun đắp của gia đình còn có sự chung tay góp sức của cộng đồng làng, xã.
Trong suốt hàng chục năm qua, Thư Trai đã duy trì hoạt động Quỹ Khuyến học của làng, đã góp phần động viên kịp thời con em học hành, chung sức xây dựng quê hương. Việc tổ chức khen thưởng được tiến hành 2 lần/năm tại đình làng. Đợt 1 vào ngày 6 tháng Hai (âm lịch) - nhân ngày lễ hội truyền thống của làng, đối tượng khen thưởng đợt này là tất cả học sinh phổ thông đạt danh hiệu học giỏi cấp trường trở lên, sinh viên học giỏi, giáo viên dạy giỏi và những người có bằng thạc sĩ, tiến sĩ... Đợt 2 trao thưởng vào trước ngày khai giảng năm học mới, đối tượng gồm học sinh thi đỗ đại học và học sinh vượt khó học giỏi. Trung bình mỗi năm, làng phát thưởng cho khoảng 200 học sinh, sinh viên có thành tích trong học tập.
Ông Khuất Duy Dương, Trưởng thôn kiêm Trưởng ban Khuyến học làng Thư Trai cho hay, Quỹ Khuyến học của làng trung bình có khoảng 80 triệu đồng. Mỗi dịp trao thưởng cho học sinh, làng huy động các “mạnh thường quân” hỗ trợ nên Quỹ Khuyến học “vơi” rồi lại “đầy”... Ngoài Quỹ Khuyến học của làng, Thư Trai còn có 7/7 dòng họ duy trì Quỹ Khuyến học riêng như: Khuất Duy, Khuất Văn… với số tiền hàng chục triệu đồng để thưởng các cháu học sinh dịp giỗ họ, cũng như đột xuất khi các cháu có thành tích đặc biệt.
Còn ông Khuất Duy Thịnh ở thôn 4 tự hào nói: “Dòng họ chúng tôi có cụ Khuất Duy Hài đỗ Tiến sĩ năm 1868. Phát huy truyền thống, cứ mùng một Tết hằng năm, họ chúng tôi lại gặp mặt, khen thưởng thành tích học tập cho con cháu. Nhà tôi có 2 con, từng nhận được sự động viên từ Quỹ khuyến học của làng và dòng họ. Hiện cháu lớn vừa tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật quân sự, đang công tác trong quân đội, còn cháu thứ hai đang học tại Học viện Quân y. Gia đình tôi cũng như các gia đình khác luôn tự nguyện đóng góp vào Quỹ Khuyến học của làng, dòng họ nhằm tiếp thêm động lực cho con cháu nỗ lực học tập”…
Theo ông Nguyễn Đình Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Hòa, truyền thống hiếu học tại làng Thư Trai là nét văn hóa, niềm tự hào của xã và đang lan tỏa khắp xã. Điều đó đang tiếp thêm niềm tin vào việc xây dựng địa phương ngày càng văn minh, giàu đẹp...