Thơ lục bát xứng đáng được đặt ở vị trí “Quốc thi”

Bằng Việt| 26/06/2022 18:07

Thơ lục bát  xứng đáng  được đặt  ở vị trí  “Quốc thi”
Làm thơ lục bát tài hoa phải đến đỉnh cao bậc “thi thánh”, ai ai cũng phải tâm phục khẩu phục, thì chỉ mới có cụ Nguyễn Du.
Thơ lục bát  xứng đáng  được đặt  ở vị trí  “Quốc thi”
Lục bát bước vào thế kỷ XX như vậy là đã trở nên một thể thơ hoàn chỉnh và có vị thế ổn định trong thơ Việt. Những cách tân trong thơ lục bát thế kỷ XX và sang cả thế kỷ XXI là không nhiều. Về nội dung, thì tất nhiên nó phải chứa đựng thêm nhiều nội dung của thời đại mới, tương ứng, với cách nghĩ và cách nói mới, phù hợp với các trào lưu của thời đại, kể cả các biến đổi cách mạng trong xã hội. Những nhà thơ tên tuổi đã đem lại nhiều thành tựu trong thơ lục bát thế kỷ XX, phải kể đến sau Tản Đà là Á Nam Trần Tuấn Khải. Tiếp đó là “thời kỳ vàng son” của lục bát qua các nhà thơ Thế Lữ, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Trần Huyền Trân, Lưu Trọng Lư, Bùi Giáng, Phạm Thiên Thư... và đặc biệt là Nguyễn Bính với chất “chân quê” đặc sệt của ông đã làm nên cái hồn lục bát duyên dáng và độc đáo gần như vô địch trong thơ Việt Nam cận - hiện đại, mà ai cũng dễ thuộc:
Láng giềng đã đỏ đèn đâu
Chờ em ăn giập miếng giầu, em sang,
Đôi ta cùng ở một làng
Cùng đi một ngõ, vội vàng chi anh,
Em nghe họ nói mong manh
Hình như họ biết chúng mình... với nhau
Ai làm cả gió, đắt cau,
Mấy hôm sương muối 
cho trầu đổ non!. 

(Hẹn)
Cái “tôi trữ tình” trong thơ lục bát của các nhà thơ thế kỷ XX thực sự đã được nâng lên rõ rệt, ở tầm cao và tầm sâu hơn nhiều so với các thế kỷ trước, lại còn cộng thêm cả “cái tôi tuyệt đối”- khi chịu ảnh hưởng khá rõ của chủ nghĩa cá nhân, khi trí tuệ tự do và cảm xúc cá nhân đã được giải phóng trong sáng tác của các nhà thơ phương Tây sau trào lưu của các cuộc cách mạng tư sản thành công. Tính tâm sự, nhằm để bộc bạch, giãi bày, chia sẻ..., đã thoát khỏi mọi ước lệ và cung bậc nặng nề của thơ cổ điển, được nâng lên tới mức chân thực và giàu biểu cảm nhất, từ mọi khía cạnh phong phú của niềm vui và nỗi buồn con người, đã được các nhà thơ thế kỷ XX thể hiện một cách phóng khoáng và nhuần nhụy. 
Lục bát cũng có được một phần rõ nét trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ đó. Hãy thử cảm nhận các yếu tố cá nhân rất riêng tư, rất mong manh - kiểu ta vẫn hay gọi một thời là “tiểu tư sản” - trong tình yêu và cảm nhận đôi lứa, đã được nhà thơ Huy Cận khéo léo kết hợp như thế nào, cùng các yếu tố Đông và Tây, cổ và kim, trong một bài thơ tình khá điển hình, bài “Ngậm ngùi”: 
Nắng chia nửa bãi... Chiều rồi,
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu,
Sợi buồn, con nhện giăng mau,
Em ơi hãy ngủ, anh hầu quạt đây!
Lòng anh mở với quạt này,
Trăm con chim mộng về bay đầu giường.
Ngủ đi em. Mộng bình thường,
Ru em sẵn tiếng thùy dương mấy bờ,
Cây dài, bóng xế ngẩn ngơ,
Hồn anh đã chín mấy mùa thương đau,
Tay anh, em hãy tựa đầu, 
Để em nghe nặng trái sầu rụng rơi! 
Rồi tiếp đó, các nhà thơ ở lớp trẻ hơn, sau cách mạng 1945 và nhất là qua  cả cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước dài dặc hơn 20 năm, vẫn tiếp nối được truyền thống của lục bát, vững vàng mà uyển chuyển, hiện thực và mơ ước bay bổng, lại còn có thêm những nét mới, khỏe khoắn và mạnh mẽ hơn, nhưng vẫn có các yếu tố thực và ảo, mới và cũ, xa và gần, tôi và chúng ta... đan xen, trong thời kỳ sau này, như lục bát của các nhà thơ: Xuân Quỳnh, Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Nguyễn Trọng Tạo... Trong hoàn cảnh những năm được yêu cầu làm nhiều thơ tuyên truyền, cổ vũ mạnh mẽ hơn cho cuộc chiến đấu, hoặc con người mới, cuộc sống mới..., cũng khá là bất ngờ khi nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo dám “cho ra lò” một bài thơ thể hiện rõ chất nghệ sĩ tung hứng trong cái tôi cá nhân phóng túng, một khía cạnh không phải lúc nào cũng được hoan nghênh, nhất là ở thời điểm đó. Tuy nhiên, bài thơ đã được phổ nhạc và phổ cập, bài “Chia”:
Chia cho em một đời tôi,
Một cay đắng, một niềm vui, một buồn,
Tôi còn cái xác không hồn,
Cái chai không rượu, tôi còn vỏ chai!
Chia cho em một đời say,
Một cây si với một cây bồ đề,
Tôi còn đâu nữa đam mê,
Trời chang chang nắng, tôi về héo khô,
Chia cho em một đời thơ,
Một lênh đênh, một dại khờ, một tôi.
Chỉ còn cỏ mọc bên trời,
Một bông hoa nhỏ, lặng rơi mưa dầm!

 ...Về hình thức, thơ lục bát luôn vẫn giữ được tính ổn định cao. Tuy nhiên, có một số tìm tòi nỗ lực làm mới lục bát, cũng đáng được ghi nhận, đó là  đưa thơ lục bát đến gần với thơ “leo thang” như kiểu Mayakovsk của Nga, tức là mỗi dòng không nhất thiết có 6 rồi đến 8 câu như thông thường, mà tùy ý ngắt nó ra, có khi 2-3 chữ, hoặc 3-4 chữ một dòng, theo một tiết tấu nhất định. Nhà thơ hải ngoại là Du Tử Lê còn đưa lối viết “hậu hiện đại” vào lục bát, theo kiểu “leo thang” như vậy, và cũng được nhiều người tán thưởng, ví dụ như: 
Nằm nghe
chăn gối rơi. Cùng
tháng năm bằn bặt
Phật còn ở không. 
Tôi nhìn
tôi rất chon von                                 
núi non âm bản
rừng son vẽ
Buồn”.        
             (Buồn)
 ...Còn một điểm cuối cùng nữa chúng ta cần phải làm rõ, đó là: Thơ lục bát có tồn tại trong một số nền thơ khác, ngoài thơ tiếng Việt hay không. Ở trên, chúng ta đã có đề cập đến một nhà thơ cổ điển Việt Nam, đó là cụ Nguyễn Huy Oánh, từ thế kỷ XVIII đã dùng thể lục bát để viết bài thơ du ký dài “Phụng sứ Yên Kinh tổng ca” bằng chữ Hán. Nhưng đó vẫn là lục bát chữ Hán do một tác giả Việt Nam viết, không phải thơ của người Trung Hoa. Riêng có ý kiến của nhà thơ Inrasara dân tộc Chăm mới đáng phải lưu ý, khi ông cho rằng: Có tồn tại một kiểu thơ lục bát của người Chăm (Champa hay Chiêm, theo nhiều cách gọi).
Theo nhà thơ Inrasara, dạng thơ của người Chăm có tên gọi là Ariya có rất nhiều điểm tương đồng với thơ lục bát Việt. Thể thơ Ariya này gieo vần ở chữ thứ 6 dòng lục, hiệp vần với chữ thứ 4 dòng bát, giống như câu ca dao Việt:
Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà, hái nụ tầm xuân.
Và cũng theo ông Inrasara, vần của thơ Ariya Chăm có thể là vần trắc, chứ không nhất thiết chỉ là vần bằng. Trong lục bát Việt cũng có hiện tượng tương tự:
Tò vò mà nuôi con nhện
Ngày sau nó lớn nó quện nhau đi.
Tuy nhiên, có một điểm mà nhà thơ Inrasara cũng thấy rõ sự khác biệt giữa thơ Chăm và thơ Việt, đó là: Ngôn ngữ Chăm là ngôn ngữ đa âm tiết, không phải ngôn ngữ đơn âm như tiếng Việt. Theo tôi, chính đó là điều khác biệt cơ bản. 
Nhà thơ Inrasara cho rằng, có thể đếm các chữ trong câu thơ Ariya Chăm theo số âm tiết chủ đạo (của ngôn ngữ đa âm) mà không lệ thuộc vào số lượng chữ trong câu. Hoặc có thể đếm theo số lượng trọng âm ở các từ trong một câu, giống như các tiếng châu Âu, khi trọng âm rơi vào đâu, thì phải đọc nhấn rõ vào âm ấy, còn các âm khác không phải trọng âm, thì có thể đọc lướt đi, có khi còn bị nuốt đi cũng không tính. Và như vậy, có thể không cần đếm hết tất cả số âm không nhấn ấy, mà chỉ cần tính “công thức 6-8” nằm ở các trọng âm mà thôi!
Ví dụ đoạn thơ sau, có vần ở các chữ: crong với tapong (câu 1-2) và harơk với pơk (câu 3-4), vần nằm ở trọng âm giữa câu có 8 âm tiết, và 2 câu sau là vần trắc:
 Mai brik dei brei pha crong
Tangin dei tapong kauk luk mưnhưk,
Bbuk ai tarung yuw harơk
Tangin dei pơk nhjwok yuw tathi
 (Đoạn trích thơ Chăm của Inrasara)
Nghĩa là: 
Về đi, đôi ta đùi gác
Bàn tay em vuốt, đầu xức dầu thơm,
Tóc anh bù rối như rơm
Tay em vuốt lên, mượt như lược chải
 (Lời dịch của Inrasara)
Như vậy, có thể thấy dạng thơ Ariya này cũng có một chút hơi hướng hiệp vần theo kiểu thơ lục bát, nói rõ hơn là biết hiệp một vần lưng cùng với một vần cuối câu, dù vần lưng đó là ở âm tiết thứ 4 hay thứ 6 của câu có 8 âm tiết chủ đạo (trọng âm), mà vần đó có thể là vần bằng hoặc vần trắc, tùy theo mỗi câu thơ.
Tuy nhiên, chừng ấy là chưa đủ để chúng ta khẳng định rằng đó là thể thơ lục bát hoặc tương đồng lục bát, lý do thật đơn giản: tiếng Chăm vốn là tiếng đa âm, nên không thể chỉ đếm âm chủ đạo, hay các trọng âm, để từ đó có thể coi nó thực sự là câu có 6 hay 8 âm tiết chính. Cho dù các âm không phải trọng âm, có thể đọc nuốt đi, hoặc đọc lướt đi, nhưng không thể bảo rằng nó không có, vì vậy, câu thơ đọc lên vẫn bị kéo dài, các âm phụ bị dôi dư ra, làm tiết tấu câu thơ nặng thêm, nhạc tính câu thơ bị phá mất sự cân đối, còn các âm thì không được phân biệt rành rẽ (vì khi đọc nối dính vào nhau), còn cao độ và trường độ của các âm thì không bao giờ có thể sắc nét và phân minh như khi ta đọc câu thơ lục bát tiếng Việt. Còn khi viết ra trên giấy, thì nó lại càng lộ rõ khiếm khuyết, khi không cho ta hình dung được cụ thể và chính xác, rằng đó là các câu thực đúng chỉ có 6 từ hay đúng chỉ có 8 từ rõ rệt. Và như thế, sao lại có thể gọi là thơ lục bát được?.
Phân tích trên đây đủ để chúng ta thêm một lần nữa, khẳng định rằng thơ lục bát là một thể thơ đơn thuần chỉ có được của dân tộc Việt, đã có quá trình hình thành và phát triển hữu cơ trong môi trường văn hóa Việt qua nhiều thế kỷ, không thể tách rời khỏi những ưu thế độc đáo của ngôn ngữ đơn âm và đa thanh trong tiếng Việt, nhờ thế, câu thơ có nhạc điệu bổng trầm. 
Nhạc điệu của thơ lục bát rất gần gũi với nhạc điệu những bài dân ca, bài hát ru con... hồn hậu và thâm thúy từ xa xưa trong dân gian; lại gần gũi với những điệu hò, điệu vè, hát ví, hát dặm... phóng túng và hồ hởi khi hỏi han, động viên nhau trong lao động sản xuất; thêm nữa, nó cũng đồng thời là “họ hàng” thân cận của các làn điệu âm nhạc dân tộc trên sân khấu truyền miệng tự nhiên, phát xuất từ nhiều đời, như các điệu hát xoan, hát xẩm, hát quan họ, hát trống quân... Vì nó quá thân quen, gần gũi với chúng ta, nên có thể nói không ngoa, rằng mỗi người Việt bẩm sinh đều có thể tự sáng tác hay tự ngâm nga một vài câu lục bát ứng khẩu, khá là “sạch nước cản” trong mọi hoàn cảnh và mọi điều kiện khác nhau, những lúc tự dưng “tức cảnh sinh tình”. Đấy cũng là một nét độc đáo tự nhiên và đáng yêu nữa của mỗi tâm hồn Việt đối với thơ lục bát, để bạn bè nước ngoài có thể nói nửa đùa nửa thật, rằng người Việt nào cũng đều biết làm thơ cả!
Tuy nhiên, rộng thì rất rộng mà cao thì lại rất cao, đó mới là cái khó và cái tinh của thể loại thơ này! Hò vè ứng khẩu tuy thú vị đấy, nhưng vẫn chưa thể được công nhận là thơ!  Làm thơ lục bát tài hoa phải đến đỉnh cao bậc “ thi thánh”, ai ai cũng phải tâm phục khẩu phục, thì chỉ mới có cụ Nguyễn Du, người mà “lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu” trong các câu Kiều của cụ, để hàng trăm năm nay vẫn không có ai sánh nổi! Và thứ thơ lục bát “thứ thiệt” ấy vẫn là những đỉnh cao vời vợi, đầy hấp dẫn và bí ẩn, đang mong chờ tất cả chúng ta chinh phục.
Thơ lục bát  xứng đáng  được đặt  ở vị trí  “Quốc thi”
Xuân Quỳnh - một trong các nhà thơ hôm nay tiếp nối được truyền thống của lục bát cùng những nét mới đan xen.
Với những điều kỳ diệu và hiếm thấy như thế, từ tính bình dân đến tính bác học, từ tính lịch sử đến tính văn hóa, từ mặt bằng dễ phổ cập đến đỉnh cao vô tận không dễ gì đạt tới, thơ lục bát luôn có một tiềm năng hấp dẫn với tất thảy mọi người. Âm điệu, tiết tấu và nhạc tính của nó từ bao đời luôn chinh phục được mọi trái tim và khối óc người Việt hơn tất cả mọi hình thức và thể loại thơ nào khác.
Và quả thật sẽ không ngoa, nếu chúng ta đồng lòng tôn vinh tài sản tinh thần độc đáo và vốn quý vô song là thể thơ lục bát của chúng ta, xứng đáng được đặt ở vị trí “Quốc thi” trong gia tài thi ca và văn hóa dân tộc.
(0) Bình luận
  • Đổi mới thi ca cũng không được xa lạ với con người
    Cuộc đối thoại của nhà thơ với thời đại trong thơ ca mang lại hy vọng, nâng cao giá trị con người ngay cả trong thời điểm bi tráng nhất của lịch sử hoặc thời khắc đau khổ nhất của mỗi một số phận. Một nhà thơ đích thực phải biết dùng ngôn ngữ của thơ để chạm vào tâm hồn con người. Không chỉ bằng sự phá vỡ sắc cạnh của lý trí, ngôn ngữ đó cần có thêm cảm xúc của trái tim - những cảm xúc được tái hiện từ chất liệu đời thường.
  • Thú vị ngôn từ
    Nhà văn viết truyện ngắn, tiểu thuyết nếu chỉ kỳ công ở việc tạo cốt truyện, kết cấu tác phẩm, xây dựng nhân vật cùng các mối quan hệ, số phận con người mà quên mất trau chuốt ngôn từ thì sẽ giảm đi nhiều phần giá trị tác phẩm. Để thỏa mãn bạn đọc thì rất cần những trang viết hấp dẫn, lôi cuốn bởi ngôn từ, như miêu tả người và cảnh, diễn đạt trữ tình nội tâm…
  • Mùa xuân vãn chuyện bút danh
    Bút danh của nhà báo, nhà văn Việt Nam là một chủ đề phong phú, độc đáo. Đó không chỉ là một cái tên, mà còn ẩn chứa câu chuyện riêng, gắn liền với kỷ niệm, tình cảm và sự sáng tạo. Dù tên thật hay ngẫu nhiên, mỗi bút danh đều phản ánh một phần tâm hồn và hành trình của người viết.
  • Rắc rối con số
    Số 0. Cách viết số 0 đặt trước một, hai số khác (hoặc cả dãy số) đã có từ lâu. Đã nhiều năm rồi ít thấy. Mới đây, cách viết ấy lại xuất hiện nhiều, tạo thuận lợi cho đời sống xã hội thời đổi mới - hội nhập, nhưng cũng gây ra không ít phiền toái và hài hước.
  • Nói chệch, viết trật
    Chữ viết sai chính tả do một số nguyên nhân, mà nguyên nhân chính là phát âm không chuẩn (có nơi không sửa được tật nói ngọng). Bài viết này chỉ nêu một số trường hợp dễ thấy nhất.
  • Tác phẩm văn học chuyển thể thành phim - nhìn từ "Đất rừng phương Nam"
    Bộ phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, đã vượt mốc 100 tỷ doanh thu phòng vé sau hơn 10 ngày công chiếu.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tổ quốc trong sáng tác của các cây bút trẻ
    Trong trái tim mỗi người con nước Việt, bóng hình đẹp đẽ và thiêng liêng, kiêu hùng và nhân hậu chính là Tổ quốc. Tổ quốc rạng ngời trên trang viết của bao thế hệ đi trước, rồi được kế thừa bởi thế hệ trẻ hôm nay. Mỗi tác giả có một cách thể hiện khác nhau về đề tài Tổ quốc, mỗi tác phẩm là một nét vẽ riêng về dáng hình Việt Nam, góp phần hình thành nên diện mạo chung của đất nước tráng lệ và linh thiêng trong văn chương nghệ thuật. Tiếp nối sự thành công và dấu ấn sâu đậm mà những cây bút thời kỳ trước ma
  • “Ngày về” - lời ru giàu cảm xúc về làng quê Việt Nam
    “Ngày về” được mở đầu bằng hình ảnh quen thuộc, dễ nhận thấy nhất của làng quê Việt Nam với những giá trị truyền thống thiêng liêng: “Cây đa, bến nước, sân đình/ Con đường gạch lát nối tình xóm thôn”.
  • Nguyễn Đình Thi một bản lĩnh  văn hóa lớn
    Nguyễn Đình Thi là một nhà hoạt động cách mạng lão thành và là người làm văn học nghệ thuật đa tài, nhiều sáng tạo. Ông viết sách khảo luận triết học, viết văn, viết báo, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình, và ở lĩnh vực nào, ông cũng thể hiện mình là một bản lĩnh văn hóa lớn. Những chia sẻ của nhà thơ Bằng Việt - nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, người đã tuyển chọn và dịch tác phẩm của Nguyễn Đình
  • 34 tác phẩm xuất sắc đạt giải cuộc thi ‘Việt Nam hạnh phúc’ 2024
    Tối 11/12, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam long trọng tổ chức Lễ khai mạc Triển lãm và công bố Giải thưởng Cuộc thi ảnh, video “Việt Nam hạnh phúc - Happy Vietnam” năm 2024.
  • CLB Giám đốc các bệnh viện miền Trung chia sẻ kinh nghiệm quản lý, điều hành
    CLB Giám đốc các bệnh viện khu vực miền Trung chia sẻ kinh nghiệm quản lý, điều hành… để hướng tới người bệnh và lấy người bệnh làm trung tâm phấn đấu cho mục tiêu cung cấp dịch vụ y tế chất lượng.
Đừng bỏ lỡ
Thơ lục bát xứng đáng được đặt ở vị trí “Quốc thi”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO