Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ trong chương trình- (Ảnh: VTV)
Phải bay một quãng đường khá xa từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội để tham dự chương trình, chắc hẳn ông có nhiều điều muốn chia sẻ?
Thiếu tướng , nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn: Đúng là công việc hiện tại của tôi khá bận rộn nhưng khi được chương trình mời tham gia tôi cũng phải xin phép đi. Điều đặc biệt, năm nay, cũng tròn 40 năm ngày tôi lên đường nhập ngũ. Kể từ năm 1979, khi “tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới” cả một thế hệ sinh viên đã lên đường và tôi may mắn được phục vụ trong quân đội từ ngày ấy đến nay. Đến với chương trình gặp lại một số anh em, đồng đội từng tham gia chiến trường Quảng Trị (năm 1971), chiến tranh biên giới (năm 1979) như: nhà báo Phùng Huy Thịnh, nhạc sĩ- NSƯT Thế Hiển, nhạc sĩ Trương Qúy Hải…, tôi thực sự rất xúc động.
Chủ đề của chương trình Quán Thanh xuân số 4 mang tên “Ngày mai anh lên đường” đã gợi lại cho ông những cảm xúc gì?
Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn: Mỗi cá nhân, mỗi thời kỳ, giai đoạn lịch sử có đặc điểm, hoàn cảnh riêng, nhưng nhìn chung đất nước ta có 4.000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước gắn liền với cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc cho nên truyền thống đó ăn vào máu từng người dân Việt Nam. Bởi vậy, dù mỗi cá nhân, mỗi thời kỳ đặc điểm khác nhau nhưng tinh thần sẵn sàng dâng hiến cho Tổ quốc luôn nằm trong tiềm thức và trái tim của mỗi người con đất Việt.
Chắc hẳn nhiều người sẽ đang tò mò là liệu rằng cách đây 40 năm, khi lên đường ra chiến trường, ông có một cô bạn gái ở lại là hậu phương vững chắc cho mình không?
Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn: Thực ra ngày ấy tôi còn rất “ngây thơ”, bạn gái cũng còn chưa có nhưng tinh thần hừng hực, khí thế của người đoàn viên, thanh niên cùng với lòng yêu nước nồng nàn đã thôi thúc mình lên đường. Và cả xã hội như thế đã tạo nên một làn sóng, trào lưu vô cùng mạnh mẽ khiến ai cũng thấy có trách nhiệm phải lên đường. Sau này đi bộ đội mới đọc được những dòng lưu bút, quà tặng của các bạn nữ ở lớp, tôi mới thực hiểu ra nhiều điều. Bây giờ nghĩ lại tôi thấy các bạn gái cùng tuổi “khôn” hơn mình (cười).
Ngoài chuyên môn bác sĩ ông lại có khả năng sáng tác âm nhạc, ông có cho rằng đó là điều may mắn với mình?
Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn: Thú thật là rất may mắn. Tôi may mắn trong công việc thực tiễn, nhiệm vụ được đi nhiều nơi, chứng kiến được nhiều cảnh cảnh, số phận con người. Điều may mắn nữa là những chất liệu ấy đã được tôi chuyển biến thành giai điệu và hơn hết là may mắn giai điệu đó đã được người nghe chấp nhận, hưởng ứng, cổ vũ, động viên.
Người ta nói âm nhạc xoa nỗi đau về tinh thần còn nghề y xoa dịu nỗi đau về thể xác. Còn tôi, tôi luôn cảm thấy may mắn vì mình làm được hai điều đó trong cuộc đời này.
Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn (thứ 2 từ phải sang) cùng các vị khách mời và MC Diễm Quỳnh- (Ảnh: VTV)
Được biết trong những sáng tác của mình ông đặc biệt tâm huyết với chủ đề biển đảo quê hương và đã có chung những dự án âm nhạc với nữ nhạc sĩ Quỳnh Hợp. Đây là đề tài không mới nhưng ông đã làm gì để luôn làm mới mình?
Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn:Mỗi chuyến đi Trường Sa, tôi luôn tự giao nhiệm vụ cho mình, đó là nhìn nhận mỗi góc cạnh riêng biệt về miền đất này. Mặc dù đã có nhiều người viết và cũng không ít bài hát hay về mảnh đất thiêng liêng này nhưng tôi muốn viết cái gì đó thật gần gũi với người chiến sĩ, với ngư dân- những người đang trực tiếp ngày đêm bám biển- làm sao để bộc lộ được tâm tư, tình cảm, cảm xúc, suy nghĩ của họ một cách đời thường nhất với mong muốn để mọi người thấy nơi ấy bây giờ rất khác so với ngày xưa. Cùng với đó, tôi mong muốn mình sẽ góp một phần nhỏ bé vào việc bồi đắp thêm tình yêu với Trường Sa, thêm trách nhiệm với Trường Sa, muốn khán giả hiểu hơn nữa về Trường Sa.
Tôi vẫn chưa thể hình dung ra việc ông đã sắp xếp thế nào để hài hòa công việc của một bác sĩ, nhà quản lý với khoảng trời lãng mạn, bay bổng để sáng tác âm nhạc?
Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn:Với tôi, âm nhạc là để thư giãn dưới áp lực của cuộc sống và công việc. Viết ca khúc phải nói là một công việc không hề đơn giản nhưng với tôi đó còn là trách nhiệm- Trách nhiệm của người lính, người chiến sĩ, người quản lý, người thầy thuốc, người thầy giáo là muốn chia sẻ với nhiều người. Và trách nhiệm của tôi là đưa một vấn đề gì đó trong cuộc sống ra với khán giả để họ cảm nhận được cuộc sống của chúng ta tuy còn nhiều vất vả, gian khổ nhưng nó vô cùng đáng quý, đáng yêu.
Sau khi nghỉ hưu với chức vụ quản lý, ông sẽ dồn thời gian, công sức và tâm huyết cho âm nhạc chứ. Và sẽ là những dự án âm nhạc được đầu tư bài bản và chuyên nghiệp hơn chứ, thưa ông?
Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn:Tôi không phải là nhạc sĩ chuyên nghiệp nên tôi sẽ không đặt nặng sự nghiệp âm nhạc. Mình cứ thấy gì có cảm xúc là viết. Có cái gì cần chia sẻ cho mọi người là mình sẽ làm. Còn chuyên sâu về dự án âm nhạc có lẽ chúng ta sẽ phải tiếp tục bàn sau.
Xin cám ơn Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn!