Thị trưởng Trần Văn Lai - người để lại nhiều dấu ấn cho Thủ đô Hà Nội

arttime| 09/06/2022 15:45

Có những con người là “công bộc của dân” mà danh thơm cuộc đời họ vẫn còn đọng lại trong lòng dân, đầy sự tin yêu và kính trọng; ngay cả khi họ đã mất, người đời vẫn còn ngưỡng mộ, tụng ca. Thủ đô Hà Nội đã từng có những vị thị trưởng tài năng và đức độ song toàn như vậy. Đúng như câu tục ngữ: “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”.

Đó là hai vị thị trưởng Hà Nội đầu tiên của hai chế độ, đều là bác sỹ và cùng họ Trần: Bác sỹ Trần Văn Lai uyên bác và mẫn tuệ; Bác sĩ Trần Duy Hưng sang trọng và nhân ái. Các ông là những trí thức tiêu biểu, vừa là người lãnh đạo vừa là công bộc của dân theo đúng nghĩa. là người đại diện cho thế hệ lãnh đạo Thủ đô cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, suốt đời vì nước vì dân. Trong bài viết này chúng tôi trân trọng giới thiệu thân thế và sự nghiệp của Thị trưởng Hà Nội - Bác sỹ Trần Văn Lai.
Thị trưởng Trần Văn Lai – người để lại nhiều dấu ấn cho Thủ đô Hà Nội - 1
Bác sỹ Trần Văn Lai

Bác sỹ Trần Văn Lai (1894 - 1975), sinh trưởng trong một gia đình làm nghề khảm trai truyền thống ở Hà Nội, nhưng ông theo học ngành y và trở thành một bác sĩ nổi tiếng ở nhà thương Phủ Doãn. Ông là người kín đáo, điềm đạm và nhân hậu. Ngôi nhà ông ở ngõ Tức Mạc gần Ga Hàng Cỏ trong nhiều năm liền là nơi người dân nghèo Hà Nội đến khám bệnh và xin thuốc miễn phí. Trần Văn Lai còn tham gia hoạt động xã hội, làm Phó Hội trưởng Hội Tế sinh do bà Cả Mọc thành lập. Do có uy tín trong quần chúng, năm 1938 ông được bầu vào Viện Dân biểu, nhưng ông đã từ chối làm việc vì nhận ra đây thực chất chỉ là nghị viện bù nhìn. Ông là thành viên Đảng Xã hội Việt Nam và vì tham gia các hoạt động chống Pháp, từng bị chính quyền Pháp bắt giam cuối năm 1943 tại nhà tù Hỏa Lò, rồi đày lên nhà tù Sơn La, đến đầu năm 1945 mới được thả.

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Ngay sau đó, Vua Bảo Đại đề nghị quân đội Nhật công nhận nền độc lập của nước An Nam để triều đình Huế bãi bỏ các hiệp ước bảo hộ của thực dân Pháp trước đó. Được sự đồng ý của quân Nhật, Vua Bảo Đại cho thành lập chính phủ chọn Trần Trọng Kim (1883 - 1953) là một học giả, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu sử học, văn học, tôn giáo Việt Nam, (tác giả của nhiều cuốn sách về lịch sử, văn hóa như Việt Nam sử lược, Việt Nam văn phạm, Nho giáo…) làm Thủ tướng, với nội các gồm nhiều vị trí thức uy tín và đổi tên chính thể thành Đế quốc Việt Nam.

Nội các Đế quốc Việt Nam của học giả Trần Trọng Kim tồn tại từ ngày 17/04 đến 25/08 năm 1945 gồm toàn các trí thức: một giáo sư, hai kỹ sư, bốn bác sĩ, bốn luật sư, đó là các ông Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn, Hồ Tá Khanh, Trịnh Đình Thảo, Vũ Trọng Khánh, Vũ Ngọc Anh, Trần Văn Chương, Trần Đình Nam, Vũ Văn Hiền, Phan Anh và Nguyễn Hữu Thi.

Nhà vua cũng bổ nhiệm các vị khâm sai thay mặt triều đình giải quyết công việc tại Bắc Bộ (Phan Kế Toại – nguyên Tổng đốc Thái Bình) và Nam Bộ (Nhà báo Nguyễn Văn Sâm). Triều đình cũng bổ nhiệm Thị trưởng người Việt tại các thành phố lớn như: Bác sỹ Trần Văn Lai làm Thị trưởng Hà Nội, Luật sư Vũ Trọng Khánh làm Thị trưởng Hải Phòng và Chính khách Nguyễn Khoa Phong làm Thị trưởng Tourane (Đà Nẵng).

Vào tháng 7/1945, triều đình Huế mời Bác sỹ Trần Văn Lai đảm nhiệm chức vụ Thị trưởng Hà Nội. Ông chính thức nhận nhiệm sở, thay người tiền nhiệm là Maruyama. Lúc đó, bác sĩ Lai 51 tuổi. Trước bác sĩ Lai, đã có 49 vị Đốc lý Hà Nội từ khi thành phố được người Pháp quản lý từ năm 1885, theo thỏa thuận với triều đình Huế đều mang quốc tịch Pháp. Như vậy Bác sỹ Trần Văn Lai là người Việt Nam đầu tiên làm Đốc lý (Thị trưởng) thành phố Hà Nội và là Thị trưởng Hà Nội thứ 50 kể từ 1885 đến 1945. Cũng là thị trưởng có thời gian tại vị ngắn nhất (trong vòng chưa đầy 1 tháng). Nhưng trong một tháng ngắn ngủi đó, ông đã làm được hai công việc vĩ đại là ra sắc lệnh Dùng tiếng Việt làm ngôn ngữ hành chính và Thay tên tiếng Việt cho hầu hết các địa danh bằng tiếng Pháp ở Hà Nội (hơn 100 địa danh).

Thị trưởng Trần Văn Lai – người để lại nhiều dấu ấn cho Thủ đô Hà Nội - 2
Tòa Thị chính Hà Nội. Ảnh: Chu Đức Soàn

Chỉ nắm chức Thị trưởng Hà Nội có vỏn vẹn một tháng, nhưng bác sĩ Trần Văn Lai đã làm được nhiều việc để lại danh tiếng mãi đến ngày nay. Đầu tiên, ông cho ra sắc lệnh Dùng tiếng Việt làm ngôn ngữ hành chính. Đó là tất cả các văn bản của tòa thị chính đều là tiếng Việt thay vì tiếng Pháp vẫn dùng từ trước. Chữ Quốc ngữ phải trở thành văn tự diễn đạt phổ biến, cổ động việc thâu nhận chữ Quốc ngữ như là một cách nâng cao trình độ kiến thức đại chúng, canh tân xã hội, thức tỉnh tinh thần yêu nước và huy động động lực phản kháng của người Việt trước quyền lực của thực dân Pháp. Ngôn ngữ trong văn bản pháp luật phải bảo đảm tính chính xác và có tính phổ thông, tuân theo những quy tắc chung của tiếng Việt. Sử dụng tiếng Việt để soạn thảo các văn bản pháp luật không chỉ là yêu cầu mang tính pháp lý mà còn là vấn đề khoa học, vì tiếng Việt là tiếng được đại đa số người dân biết đến. Văn bản pháp luật được soạn thảo bằng tiếng Việt thì mới có thể phổ biến tới nhiều người và nhiều người cùng hiểu được nội dung của văn bản, nhờ đó hiệu quả thực hiện văn bản cũng cao hơn.

Việc làm song song là xóa bỏ hầu hết các tượng đài mang di sản thực dân như để khẳng định tinh thần dân tộc của mình, như tượng Nữ thần Tự do mà nhân dân thường gọi là tượng “Bà đầm xòe” ở Vườn hoa Cửa Nam (vì trên đầu tượng đội vương miện xòe ra xung quanh), tượng viên toàn quyền Paul Bert ở vườn hoa Paul Bert bên hông Tòa Thị chính (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ)… Việc đầu tiên mà ông làm là cho giật đổ hầu hết tượng mà thực dân Pháp đã dựng ở Hà Nội: Tượng bà đầm xòe ở vườn hoa Cửa Nam; tượng Sĩ Công Nông Thương ở vườn hoa Canh Nông (nay là vườn hoa Lê-Nin); tượng Toàn quyền Paul Bert ở vườn hoa Paul Bert (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ). Việc làm của ông đã được người Hà Nội yêu nước nhiệt tình hưởng ứng. Số đồng thu được từ việc phá dỡ các tượng đài được tập trung vào kho của Sở Lục lộ Hà Nội (Sở Giao thông - Vận tải ngày nay). Năm 1952, làng đúc đồng Ngũ Xã đã xin chính quyền Hà Nội dùng số đồng này để đúc bức tượng Phật A Di Đà nặng tới 12.300kg đặt tại chùa Phúc Long (còn có tên là chùa Thần Quang) ở phố Ngũ Xã, Hà Nội.

Bác sỹ Trần Văn Lai là người rất say mê lịch sử dân tộc và dành sự ngưỡng mộ đặc biệt với các anh hùng có công trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, dựng nước và giữ nước. Chính vì vậy, ông đã chủ trương dùng tên danh nhân Việt Nam để đặt tên phố là nét đặc biệt của thành phố Hà Nội, từ Ngô Quyền, đến Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Bùi Thị Xuân, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Học… Tầm nhìn của ông đáng nể ở chỗ, cùng với việc xóa bỏ các di sản của chế độ thực dân ở Thủ đô. Thời Pháp thuộc, các phố của Hà Nội được đặt tên bằng tên Pháp - tên của những nhân vật của chính quyền bảo hộ, như Paul Bert, hay Gambetta. Ngay cả hai tên tướng Pháp bỏ mạng trong trận Cầu Giấy là Francois Garnier và Henri Rivière cũng được dùng để đặt tên phố.

Hội đồng đặt tên đường của Hà Nội thời thị trưởng Trần Văn Lai cũng thể hiện cách làm việc khoa học, khi quy hoạch thành “cụm” tên đường theo sự kiện lịch sử. Theo báo Tin mới ngày 31/7/1945, Hội đồng xét đổi tên đường và công viên của thành phố đã hoàn thành danh sách “các danh nhân và liệt sĩ” để đặt tên đường.

Thị trưởng Trần Văn Lai cùng chính quyền Hà Nội đã làm được một việc quan trọng, trong đó có việc thay thế các tên đường do người Pháp đặt thành tên các danh nhân và địa danh lịch sử nước nhà. Rất nhiều tên đường được đổi thời đó vẫn được sử dụng cho đến ngày nay. Những tên phố Hà Nội không lộn xộn như ở các thành phố khác mà đều được đặt một cách có hệ thống. Khu trung tâm quanh Hồ Gươm là tên các vị vua Đinh, Lý, Lê. Xa hơn về phía đường Trần Hưng Đạo là khu vực của các danh tướng thời Trần. Ngay cả ngõ Tức Mạc (nằm trên đường Hưng Đạo, trước là ngõ Tân Hưng) cũng là lấy tên theo quê quán của dòng họ Trần. Dọc sông Hồng, thì những Vạn Kiếp, Bình Than, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật đều là tên của những vị tướng và những trận thủy chiến nổi tiếng trong lịch sử.

Trong việc sắp xếp lại trật tự đô thị, lấy trung tâm "Hà Nội 36 phố phường" làm trọng tâm để mở rộng “Quy hoạch” thành 11 “Cụm”. Điều đặc biệt, việc sắp xếp tên các tuyến phố theo “Cụm”, có chủ đích và có giá trị lịch sử. Đến khi Hà Nội được giải phóng, các phố của Hà Nội vẫn được giữ lại. Sau này, với các đường phố mới, các nhà chức trách cũng noi theo cách đặt của thị trưởng Trần Văn Lai, ngoại trừ các tuyến phố lâu đời đã có tên tiếng Việt từ thời xa xưa như Tràng Thi, Lò Sũ, Lò Đúc ... các phố có từ thời Pháp thuộc sau khi được thị trưởng Trần Văn Lai đặt tên đều có những quy tắc chung theo dòng thời gian như sau:

1. Cụm “truyền thuyết - cổ đại”: Bao quanh Hồ Tây gồm Lạc Long Quân, Âu Cơ, An Dương Vương, Hùng Vương

2. Cụm “chống Bắc thuộc”:

Phía dưới Hồ Gươm: Hai Bà Trưng, Bà Triệu.

Mai Hắc Đế, Triệu Việt Vương, Triệu Quốc Đạt, Phùng Hưng, Lý Nam Đế, Khúc Hạo

3. Cụm “thời đầu tự chủ, độc lập”:

Đông Hồ Gươm: Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Ngô Quyền. Đây là tên 3 vị vua có công lớn trong thời kì đầu của độc lập tự chủ.

4. Cụm “nhà Trần”:

Lấy đường Trần Hưng Đạo làm mốc. Xung quanh và giao cắt Trần Hưng Đạo: Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Quốc Toản, Trần Bình Trọng, Yết Kiêu, Dã Tượng, giao với Yết Kiêu là Đỗ Hành.

5. Cụm “khởi nghĩa chống giặc Minh”:

Gần hồ Trúc Bạch: Đặng Tất, Nguyễn Cảnh Chân, Đặng Dung, Nguyễn Biểu.

6. Cụm “nhà Lê”:

Chạy kề phía Tây Hồ Gươm: Lê Thái Tổ. Xung quanh hồ, hướng về Hồ Gươm là các con phố: Lê Lai, Lê Thạch, Đinh Liệt, Đinh Lễ, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Xí.

7. Cụm “Tây Sơn”:

Gồm các phố song song với nhau: Quang Trung, Lê Ngọc Hân, Ngô Thì Nhậm, Ngô Văn Sở, Bùi Thị Xuân, Phan Huy Chú.

8. Cụm “Chống Pháp thời Nguyễn” - “Cần Vương”:

Quanh di tích thành Hà Nội: Hoàng Diệu và Nguyễn Tri Phương. Đây là 2 vị quan nhà Nguyễn thủ thành Hà Nội trong hai lần Pháp đưa quân đánh ra Bắc.

9. Cụm “bạo động chống Pháp”:

Gồm: Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Đội Cấn, Đội Nhân - Tên những người lãnh đạo các cuộc bạo động chống Pháp sau giai đoạn Cần Vương. Ngoài ra còn có ngõ Yên Thế là tên khởi nghĩa của Hoàng Hoa Thám.

10. Cụm “Trí thức Ái quốc”:

Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Đặng Thái Thân, Ấu Triệu, Lương Văn Can, Lương Ngọc Quyến.

11. Cụm “Văn học Giáo dục”:

Gần Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ngoài hai phố Văn Miếu, Quốc Tử Giám là các phố mang tên của:

- Các nhà giáo dục, sử học: Chu Văn An, Nguyễn Như Đổ, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên

- Các nhà thơ văn trung đại: Bà Huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm, Đặng Trần Côn, Phan Văn Trị...

Sau này, những người có đóng góp to lớn với cách mạng, với chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cũng như kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cũng được lấy tên đặt cho đường phố. Những người đặt tên sau đó cũng noi theo quy tắc trên để đặt cho một số cụm như: Tiền Cách mạng tháng 8, gần quảng trường Ba Đình là các đường Bắc Sơn (khởi nghĩa), Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Phong, Trần Phú, Hoàng Văn Thụ. Đây là những người có đóng góp to lớn cho thành công của Cách mạng tháng 8 sau này.

Cùng với việc đặt tên phố, một loạt vườn hoa, công viên mang tên các viên chức, sĩ quan thực dân cũng được đổi sang những cái tên mang truyền thống hào hùng của dân tộc, như Vườn hoa trước phủ Khâm sai mà nhân dân thường gọi là Vườn hoa Con cóc do có các tượng cóc phun nước, được đổi tên thành Vườn hoa Hồng Đức, Vườn hoa Paul Bert (Vườn hoa Lý Thái Tổ ngày nay) được đổi tên thành vườn hoa Thăng Long và Vườn hoa Puginier được đổi thành Ba Đình, rồi sau đó trở thành địa điểm lịch sử, nơi diễn ra Lễ Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Xin nói đôi nét về việc đặt trên Quảng trường Ba Đình mà ngày Quốc khánh 2/9, hầu như ai cũng nhớ đến những câu thơ mô tả Lễ Độc lập trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, nhưng ít người nhớ tên quảng trường này được đặt từ khi nào.

Ba Đình là tên gọi của một cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp do Đinh Công Tráng, Phạm Bành chỉ huy, với căn cứ nằm trọn ba làng là làng Mậu, làng Thượng và làng Mỹ Khê nằm trên địa bàn xã Ba Đình, gần huyện lỵ Nga Sơn, Thanh Hóa. Cuộc khởi nghĩa diễn ra trong 2 năm 1886 - 1887, cho đến khi bị quân Pháp huy động lực lượng đàn áp. Sau khi nghĩa quân rút lui, quân Pháp đã tàn ác xóa sổ hoàn toàn ba ngôi làng nằm trong căn cứ kháng chiến, nhưng cái tên Ba Đình vẫn còn mãi với phong trào Cần Vương, với lịch sử dân tộc.

Do đó, trong thời kỳ thực dân Pháp cai trị, tên Ba Đình gần như không được nhắc tới nữa. Cái tên này chỉ được dùng để đặt cho quảng trường lớn ở Hà Nội theo quyết định của Thị trưởng Trần Văn Lai.

Khu vực Quảng trường Ba Đình nằm ở phía Tây thành Thăng Long xưa. Năm 1894, sau khi kiểm soát được hoàn toàn Đông Dương, người Pháp đã cho phá dỡ tòa thành, chỉ giữ lại cửa Bắc. Ở góc Tây thành cổ, người Pháp xây dựng dinh Toàn quyền và công viên Bách Thảo.

Phía trước dinh Toàn quyền có một bùng binh hình tròn, nằm ngay trên vị trí mặt đường Hùng Vương hiện nay. Quanh bùng binh xây vườn hoa nhỏ, đặt tên là Vườn hoa Pugininer - tên vị linh mục có công với người Pháp trong công cuộc đánh thành Hà Nội.

Phía ngoài vườn hoa là quảng trường rộng lớn trồng cỏ, với diện tích gần tương tự như Quảng trường Ba Đình ngày nay. Cái tên Vườn hoa Ba Đình mới được đặt trong thời gian bác sĩ Trần Văn Lai giữ chức Thị trưởng Hà Nội (từ 21/7/1945-19/8/1945).

Những thành tựu và tinh thần yêu nước, tôn trọng lịch sử mà chính quyền Hà Nội – dù chỉ tồn tại trong một tháng trước Cách mạng tháng Tám – đã làm, vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay.

Trở lại thời Hà Nội bị tạm chiếm, lần thứ hai ông bị thực dân Pháp bắt giam tại Hỏa Lò là vào ngày 22/12/1946 ngay sau khi Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, chúng đưa ra lý do bắt ông đó là “đảm bảo an toàn cho các nhân sĩ, trí thức”. Cùng bị tạm giam tại Hỏa Lò lúc này với bác sỹ Trần Văn Lai còn có: Cụ Phạm Khắc Hòe, Kĩ sư Đào Trọng Kim, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, Luật sư Vũ Văn Hiền và Bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ, họ đã thành “một mâm” đủ 6 người trong Nhà tù Hỏa Lò. Hàng ngày, ngoài hai bữa cơm muối, các nhân sĩ, trí thức đã cùng thảo luận những vấn đề thời sự, mà trọng tâm là hai nội dung: Một là: Ai đánh trước? ta hay Tây (Thực dân Pháp)? Hai là: Cuộc chiến tranh sẽ chấm dứt mau hay lâu và chấm dứt như thế nào?

Tất cả những nhân sỹ, trí thức Hà Nội đều im lặng, không ai thèm nói gì với Mutê, họ thể hiện rõ sự khinh bỉ tên thực dân cấp cao ấy. Mutê cảm thấy lúng túng, trơ trẽn, vội chào tạm biệt và nói với bác sĩ Trần Văn Lai cùng đi với hắn lên phòng tên sếp ngục để “nói chuyện riêng”. Mutê tưởng rằng, hắn và bác sỹ Trần Văn Lai cùng là đảng viên Đảng Xã hội nên có thể lung lạc được ý chí của vị nhân sĩ này, nhưng hắn đã nhầm khi không thể làm lay chuyển được ý chí và lòng yêu nước của những người trí thức Việt Nam, dù rằng họ với hắn đang cùng chung một Đảng phái.

Sau khi Đế quốc Việt Nam sụp đổ và trong kháng chiến chống Pháp, mặc dù không tản cư về vùng kháng chiến, nhưng ông kiên quyết từ chối mọi lời mời ra cộng tác của chính quyền thực dân Pháp, tỏ rõ quan điểm một lòng ủng hộ chính phủ Hồ Chí Minh. Bác sỹ Trần Văn Lai có người con trai duy nhất là Trần Mạnh Chu cũng được ông cho theo cách mạng về vùng kháng chiến sau này trở thành bác sĩ quân y.

Thời điểm đầu năm 1954, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Thành ủy Hà Nội đã chủ trương vận động trí thức tiêu biểu ký tên vào bản kiến nghị đòi hòa bình, nhằm tạo nên làn sóng đấu tranh công khai, gây áp lực trên mặt trận ngoại giao. Ông chính là người góp ý về nội dung bản kiến nghị và là người đầu tiên đặt bút ký tên. Tên ông được đặt hàng đầu trong danh sách các nhân sĩ, trí thức kiến nghị, thể hiện uy tín và ảnh hưởng của ông trong giới trí thức. Bản kiến nghị đã được ông Nguyễn Mạnh Hà ở Thủ đô Paris nước Pháp gửi cho báo Le Monde và L’ Humanité tại Pháp dưới nhan đề Les Notabilites (Những nhân sĩ Hà Nội). Hai tờ báo lớn của nước Pháp đăng bản kiến nghị này đã tạo được tiếng vang lớn trong xã hội Pháp.

Với uy tín, nỗ lực cá nhân và công lao với cách mạng, ông là một trong bốn nhân sĩ Hà Nội được Hồ Chí Minh tặng chiếc radio sau năm 1954.

Thị trưởng Trần Văn Lai đã để lại dấu ấn lịch sử cho thành phố Hà Nội.

Bác sĩ Trần Văn Lai, đại biểu Quốc hội khoá II, III, Đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố các khoá I, II, III, IV, và V. Phó chủ tịch Uỷ ban hành chính Thành phố Hà Nội. Uỷ viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Phó chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Hà Nội. Ông qua đời ngày 5/11/1975 hưởng thọ 81 tuổi. BS Trần Văn Lai không nằm ở nghĩa trang Mai Dịch theo tiêu chuẩn mà theo nguyện vọng của ông nên gia đình đã đưa về quàn tại làng Mọc Quan Nhân.

Thị trưởng Trần Văn Lai – người để lại nhiều dấu ấn cho Thủ đô Hà Nội - 3
Phố Trần Văn Lai

Tháng 12 năm 2011, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc đặt tên phố Trần Văn Lai thuộc xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm nay là phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, có vị trí từ số 30 đường Phạm Hùng đến cổng khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì, dài 830m, rộng 17,5m.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • [Podcast] Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh – Nơi “nuôi dưỡng” niềm tự hào dân tộc
    Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ đã từng đi nhiều nơi và đã có rất nhiều địa điểm in dấu chân Người, gắn liền với sự kiện quan trọng của dân tộc. Một trong số đó là ngày 3/12/1946, Bác Hồ về nhà cụ Nguyễn Văn Dương ở làng Vạn Phúc (nay thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông) để chuẩn bị rút lên chiến khu. Tại ngôi nhà này, Bác đã viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và được Đài Tiếng nói Việt Nam chuyển đến toàn thể quốc dân, đồng bào, kêu gọi bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.
  • Khai mạc Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024
    Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam: Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, hội nhập và phát triển vì một Thế giới hòa bình”, Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024 quy tụ 16 tỉnh, thành phố tham gia: Bắc Giang, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Sơn La, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Phúc và Quảng Trị.
  • Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - sứ mệnh lịch sử
    Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng. Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam là kỷ nguyên đột phá, phát triển tăng tốc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đưa quốc gia, dân tộc lên một tầm cao mới, tiến cùng thời đại.
  • Những âm thanh cổ điển vang lên trong đêm “Hà Nội Concert: Hoà nhạc mùa đông”
    Tối 13/12, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Dàn nhạc giao hưởng trẻ Việt Nam cùng Dàn hợp xướng Bình Minh đã có những màn trình diễn thăng hoa trong đêm hòa nhạc “Hà Nội Concert: Hoà nhạc Mùa đông” dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng trẻ tài năng Phan Đỗ Phúc.
  • Triển khai đợt 2 Giải thưởng quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”
    Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch vừa có Công văn đề nghị các cơ quan, đơn vị trực thuộc triển khai đợt II xét tặng Giải thưởng quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021 - 2025.
  • Hà Nội dự kiến giảm 5 sở, 2 đảng ủy khối sau khi sắp xếp
    Ngày 13/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đã ký ban hành Thông báo Kết luận của Thường trực Ban Chỉ đạo TP Hà Nội về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW sau khi tiếp thu ý kiến của Ban Chỉ đạo Trung ương (Thông báo số 07-TB/BCĐ)
  • Thưởng lãm tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Hải Nam
    Từ ngày 17/12/2024 đến hết ngày 23/12/2024, tại nhà triển lãm 29 Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) sẽ diễn ra triển lãm tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Hải Nam.
  • Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế: “Đường băng” để Hà Nội tiến vào kỷ nguyên mới
    Quán triệt quan điểm phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, văn hóa phải được coi trọng và đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; Thành phố Hà Nội thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong chính trị và trong kinh tế, xác định đây là giá trị, chất lượng, trình độ phát triển của chính trị, kinh tế với tư cách là hai lĩnh vực cơ bản, trọng yếu nhất của đời sống xã hội.
  • Triển lãm "Quân đội anh hùng - Quốc phòng vững mạnh"
    Sáng 13/12, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức Triển lãm “Quân đội anh hùng - Quốc phòng vững mạnh”. Triển lãm giới thiệu gần 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật khái quát quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, thành tựu 35 năm thực hiện Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
  • Hà Nội - 36 khúc giao thời: Khám phá sự giao thoa quá khứ và hiện tại của 36 phố phường
    “Hà Nội - 36 khúc giao thời” - chuỗi hoạt động khám phá 36 phố phường Hà Nội và những nét văn hóa đặc sắc từ Hà Nội xưa sẽ diễn ra vào ngày 15/12/2024 tại Cafe Phố Hàng (251 Phố Hồng Hà, Phường Phúc Tân, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đến với không gian mang đậm dấu ấn đặc trưng của từng góc phố cổ Hà Nội, công chúng, đặc biệt là giới trẻ sẽ có cơ hội khám phá và hiểu hơn những giá trị văn hóa của Thủ đô.
Thị trưởng Trần Văn Lai - người để lại nhiều dấu ấn cho Thủ đô Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO