Tết hòa bình năm 1976

Nguyễn Minh Hoa| 05/02/2019 09:00

Hoa đào cho xuân thắm, rượu nồng cho men say, người ta đi cùng tháng năm dẫu có phai màu áo, bạc mái tóc, thì vẫn nhớ “ngày xưa”. Xuân, hạ, thu, đông 4 mùa luân chuyển, con tàu đi từ quá khứ đến hiện tại, để làm nên hành trình mang tên số phận mỗi người. Có nụ cười, có nước mắt, có những chặng thênh thang, lại có đầy những chông gai mà số phận làm phép thử. Ta né tránh hay dang tay đón nhận thì cũng đã đến và sẽ qua, như quy luật của mùa. Mùa đương chuyển, đất trời sớm nay vào xuân mới, đào bao năm vẫn một

 Tết năm 1976 là một cái Tết hòa bình, một cái Tết được đến từ ước mơ đã trở thành hiện thực. Không còn chiến tranh, không còn tiếng súng, Bắc - Nam sum họp, thống nhất đất nước. Tết của những xe đạp Thống Nhất, xe khung dựng Sài Gòn theo tàu ra Bắc… thong dong đi trên phố ngắm hoa và mua hàng Tết với những quầy hàng rất đông. Ngọn gió thơ thới hơn bởi lòng người nhẹ tênh, phơi phới cùng sắc hoa. Năm ngoái mà như hôm qua, những năm 1972, 1973 hoa đào đến hẹn vẫn nở hoa mà tiếng súng vang trời Bắc, chiến tranh thật khủng khiếp. Tết trong nơm nớp âu lo. Thế mà nay, mẹ ung dung sắp lễ, đốt trầm, Hà Nội hay quê nhà một mùa xuân mới về tự trong tim mỗi người, trong mắt người mẹ rưng rưng đón con về sau chiến trận.

Tâm trạng Tết năm 1976, không thể nói là vui mà phải nói hân hoan -  Nghệ sĩ ưu tú Trương Ngọc Hiền kể với tôi -  bữa gió đang chuyển mùa:

“Năm 1975 tôi trong lực lượng văn nghệ miền Bắc vào miền Nam diễn, Tết năm 1976, ra Bắc, ăn Tết với mẹ ở số nhà 179 phố Bà Triệu. Mẹ tôi mặc áo gấm bên trong, ngoài là tấm áo bông chần bằng nhung, vấn khăn tươm tất. Bà vui vì con trở về, vui với bánh chưng, măng mọc, giò thủ như mọi năm, nhưng tâm thế khác hẳn. Tôi về Hà Nội với mẹ, cảm nhận đầu tiên là hòa bình hiển hiện, như thể cầm nắm được, như thể hòa trong hơi thở. Lần đầu tiên thấy gói hàng Tết đầy đặn hơn những năm qua, nhớ nhất là mỗi suất được cả cân đậu xanh ăn Tết, chứ không như mọi năm chỉ được 2 lạng. Quần áo Tết của con gái tôi được mang ra từ Sài Gòn, đẹp lắm. Con em bạn bè năm nay cũng diện hơn, vì phiếu vải cũng đã khác, thoải mái hơn. Phải nói là diện hơn hẳn mọi năm qua. Với cuộc đời nghệ sĩ của tôi thì Tết năm 1976, cũng là 1 dấu ấn của nghề, bởi qua Tết, đoàn kịch Hải Phòng nơi tôi công tác sẽ khôi phục lại vở “Con Cáo và chùm nho” do nghệ sĩ Nguyễn Đình Nghi đạo diễn. Tôi, bạn bè đồng nghiệp và tất cả mọi người đều hiểu rằng, từ nay, từ Tết này mọi sự sẽ khác, đất nước đã hòa bình, mọi người sẽ đón nhận những tháng ngày, công việc với một tâm thế và hoàn cảnh khác trước rất nhiều. 42 năm đã qua, tôi không còn trẻ, chuyện nhớ, chuyện phải gợi để trở về, nhưng Tết 1976, thực sự là 1 dấu mốc của tôi trong cuộc sống, cũng như nghề nghiệp”.


Tết hòa bình năm 1976

Còn với cựu chiến binh Nguyễn Hữu Tài, câu chuyện Tết năm 1976 bắt đầu từ năm 1975, với những trận đánh cuối cùng ở chiến trường Thừa Thiên – Huế. Sau ngày giải phóng, ông trở lại ấp Thái Hà – Hà Nội của mình sau những năm chinh chiến với những dự định ngắt quãng bởi chiến tranh. Một cái Tết mà người thân có quà mang về từ chiến trường miền Nam, là con búp bê biết ngủ, là cuốn album nhấp nháy và những dây mỹ kí như thật. Ai đó bảo Tết năm 1976, miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng. Hàng của người lính trở về với mẹ dẫu có thế, nhưng cũng đủ để người mẹ khóc trước khi cười, ôm lấy con mình bằng xương bằng thịt, tay lần tấm áo nó mặc suốt cả một chặng tàu xe khét lẹt. Tết năm ấy có những bà mẹ ngắm con mình ăn cũng đủ no.

Tết về trên phố, người lính trở về thắng bộ K72, đón người yêu đi chơi chợ Tết, tần ngần ngắm nhìn mà chẳng thể mua. Tết năm 1976, cô ấy chọn hộ mẹ áo phin nõn, áo bông, khăn vấn mới. Một cái Tết vẫn măng miến, nem, giò tai, giò thủ mà khác mọi năm, khác năm ngoái quá nhiều.

Tết năm 1976, hết chiến tranh, nhưng ông còn đau đáu bởi mình là “lính lưu”, không biết sau cái Tết này sẽ về Đại học Mỏ, học tiếp K15, hoặc sau Tết này có cơ hội theo đuổi ước mơ theo học Đại học Mỹ thuật Hà Nội không? Hay lại tiếp tục đến phòng lao động quận Đống Đa chờ các anh chị ở đó bố trí cho một việc làm kiểu như trưởng nhóm nạo vét sông Tô Lịch như năm ngoái…

Bộn bề những âu lo, nhưng bộ K72 mới tinh và đôi giầy vải cao cổ cũng khiến ông đĩnh đạc hơn. Những thược dược, vi-ô-lét, đào quất trên phố khoe sắc cũng cho ông không nguôi những hi vọng. Năm ấy, ông nhớ bạn, nhớ đồng đội, người ngã xuống, người trên trại thương binh nặng. Ông ngắm nhìn mẹ bận áo mới mà nghĩ về mẹ cha đồng đội, với những lời mời về quê chơi Tết, chơi hội xuân chẳng bao giờ thực hiện được. Tết năm 1976 với ông là một cái Tết nghèo mà nghĩa tình, mà đau đáu những âu lo cho những ngày rời quân ngũ, tìm đường cho một tương lai…

Ông đã không đi con đường như dự định trước khi nhập ngũ, ông cũng chẳng thực hiện ước mơ vào trường Đại học Mỹ thuật Yết Kiêu như khi trở về sau chiến tranh. Ông đi học và trở thành phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam. Ngả đường mới này, xuất phát từ sau cái Tết đặc biệt của mùa xuân năm 1976, một khoảng thời gian không nhiều sau mốc tháng 4/1975, đến Tết năm 1976, đã có quá nhiều điều để nhớ trong ông.

Thấm thoắt đã 42 năm, chuyện nhớ, chuyện gợi mới trở về. Nhưng dường như đào năm ấy cũng khác, áo năm ấy cũng khác, khác năm trước đó, khác cả những năm sau này. Có một con đường mới đã mở ra, một con đường dự là không còn tiếng súng nhưng nhiều những khó khăn bởi sau đằng đẵng những bom đạn, người trở về phải gánh phần việc người đi để lại. Những vết thương trên thịt da người, trên đồng đất, núi rừng còn chưa thể lành. Một lần nữa, người ta lại phải lạc quan, hi vọng. Chỉ có những tin yêu trong hành trang mới cho người ta sự hứng khởi để mà bước tiếp. 

Mỗi người một công việc, một tâm trạng, nhưng người tôi gặp đã trải lòng mình, để tôi thấy và ghi lại một cái Tết kỳ diệu, đánh dấu mốc quan trọng của người đi qua chặng ấy và của đất nước trong hành trình lịch sử. Một Hà Nội của dư âm trong sắc đào trên phố, trong tấm áo bông chần của mẹ và trong khói trầm của những buồn vui, hi vọng đi cùng tháng năm, mỗi người đều cất giữ theo cách của riêng mình, để mùa xuân năm nay, kể lại. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Phát huy tinh thần Đại thắng mùa Xuân 1975 trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay
    Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) là dịp chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, nhìn lại chặng đường phấn đấu xây dựng và phát triển đất nước.
  • “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”
    Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), Đồng chí Tô Lâm - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Việt Nam đã có bài viết với tiêu đề “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” của Tổng Bí thư Tô Lâm.
  • Dấu ấn đời lính, dấu ấn cuộc đời
    Hiếm có người nào gần như dành trọn cả cuộc đời mình một cách can trường, quả cảm, làm nên một “biên niên sử” bằng thơ - cũng là “biên niên sử” cuộc đời như Nguyễn Văn Á.
  • Hà Nội vận dụng Luật Thủ đô để người có công được hưởng chính sách hỗ trợ đặc thù
    Xây dựng các văn bản thi hành Luật Thủ đô 2024 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã, đang được Thành phố Hà Nội triển khai thực hiện quyết liệt thời gian qua. Trong đó, Hà Nội hướng tới ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đặc thù đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp hằng tháng của Thành phố Hà Nội.
  • "Ngày hội non sông" hồi ức hào hùng bằng ngôn ngữ nghệ thuật xiếc
    Khán giả Thủ đô sẽ được đắm mình trong hành trình nghệ thuật đặc biệt mang tên "Ngày hội non sông" nơi những trang sử hào hùng của dân tộc được tái hiện bằng ngôn ngữ nghệ thuật xiếc độc đáo, mãn nhãn...
Đừng bỏ lỡ
Tết hòa bình năm 1976
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO