Chuyển động Hà Nội

Tăng cường công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố Hà Nội

Kim Thoa 16/11/2023 21:20

Phấn đấu mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, gia đình cán bộ, đảng viên trở thành “Đơn vị học tập”, “Công dân học tập”, “Gia đình học tập” để làm nòng cốt trong việc xây dựng các mô hình học tập trong Nhân dân.

hoc-tap-suot-doi320231002164653.jpg
Đồng chí Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội phát động gửi thông điệp của Tuần lễ học tập suốt đời năm 2023. (Ảnh: Thanh Tùng)

Thành uỷ Hà Nội vừa ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố Hà Nội từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phấn đấu Thủ đô Hà Nội gia nhập vào mạng lưới “Thành phố học tập” của UNESCO trong thời gian sớm nhất

Quan điểm của Nghị quyết là thống nhất nhận thức việc đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cả hệ thống chính trị nhằm thực hiện tốt các chính sách xã hội, phát triển, khơi thông nguồn lực văn hóa, nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nhân tài, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tạo động lực mới cho phát triển nhanh, bền vững Thủ đô và đất nước, phù hợp với yêu cầu chuyển đổi mô hình kinh tế dựa vào tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và xu thế phát triển của thời đại theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cụ thể là: “Tập trung xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế...”; Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội đã xác định: “Xây dựng môi trường giáo dục nhân văn, an toàn, lành mạnh, thân thiện, không có bạo lực học đường; chú trọng giáo dục phẩm chất, nhân cách, văn hóa, lịch sử Thăng Long - Hà Nội...”…

Mục tiêu của Nghị quyết số 23-NQ/TU là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập theo tinh thần Kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư (khóa XII) về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030” do Thủ tướng Chính phủ phát động ngày 10/6/2023;

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân, các cấp, các ngành tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong Nhân dân; qua đó nâng cao nhận thức của Nhân dân về tầm quan trọng, ý nghĩa chiến lược của chủ trương xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy việc học tập suốt đời cho mọi người dân;

Đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của nhân dân Thủ đô, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Thủ đô và đất nước; huy động sức mạnh của toàn xã hội tham gia xây dựng và phát triển giáo dục. Phấn đấu Thủ đô Hà Nội gia nhập vào mạng lưới “Thành phố học tập” của UNESCO trong thời gian sớm nhất.

Trong đó có các mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn từ nay đến 2025 và từ 2025 – 2030 như: Tập trung xoá mù chữ; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên được đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật đạt 50%, trong đó, 12% dân số có trình độ đại học trở lên; 100% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản; 70% các trung tâm học tập cộng đồng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức hoạt động giáo dục; tỷ lệ gia đình, dòng họ, cộng đồng đạt danh hiệu gia đình, dòng họ, cộng đồng học tập đạt 60%; 40% quận, huyện, thị xã được công nhận danh hiệu huyện học tập theo các tiêu chí do cơ quan có thẩm quyền ban hành… đặc biệt là phấn đấu để Hà Nội trở thành thành phố học tập vào năm 2030.

Các cấp, các ngành và toàn xã hội đều phải vào cuộc

Nghị quyết yêu cầu các cấp, các ngành và toàn xã hội đều phải vào cuộc hoàn thành nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để hoàn thành mục tiêu mà đề ra, đó là: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn Thành phố; Đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục trong Đảng và Nhân dân; Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng xã hội học tập trong phạm vi từng địa phương, đơn vị; Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin; Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp và tổ chức xã hội trong phong trào khuyến học, khuyến tài phù hợp với tình hình mới; Phát triển tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động và đa dạng các mô hình học tập; Hoàn thiện cơ chế, chính sách về xây dựng xã hội học tập; Tăng cường hợp tác quốc tế, phấn đấu trở thành “Thành phố học tập” của UNESCO…

Đồng thời nâng cao tỷ lệ và chất lượng xoá mù chữ cho người lớn gắn với việc phổ cập nghề và giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là đối với phụ nữ. Thực hiện đa dạng hoá các hình thức học tập, củng cố kết quả xoá mù chữ, chống tái mù, xoá mù chữ chức năng để mọi người, mọi lứa tuổi đều có quyền học tập suốt đời phù hợp với điều kiện của mỗi cá nhân, với yêu cầu phát triển của địa phương và Thành phố.

Nghiêm túc thực hiện chế độ đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc đối với cán bộ công chức, viên chức theo vị trí việc làm, chức danh phù hợp với đặc điểm của địa phương, đơn vị. Khuyến khích cán bộ công chức cấp xã, phường, thị trấn học ngoại ngữ. Nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo của Thành phố, đổi mới chương trình, tài liệu giảng dạy, nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp cho công nhân, người lao động trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ, lao động sáng tạo trong điều kiện nền kinh tế số. Khuyến khích các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề và kỹ năng sống cho người lao động.

Nghị quyết số 23-NQ/TU nêu rõ, “Các cấp, các ngành và toàn xã hội đều phải vào cuộc để công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập có kết quả tương xứng với vị trí, vai trò của Thủ đô; tập trung xây dựng xã hội học tập gắn với xây dựng văn hóa, xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh mà Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị đã đề ra; Phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên trước hết là người đứng đầu đối với công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập. Phấn đấu mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, gia đình cán bộ, đảng viên trở thành “Đơn vị học tập, “Công dân học tập, “Gia đình học tập để làm nòng cốt trong việc xây dựng các mô hình học tập trong Nhân dân; mỗi doanh nghiệp là hạt nhân quan trọng trong việc đào tạo, đào tạo lại người lao động; mỗi người dân có ý thức tự học để nâng cao trình độ bản thân, nhất là năng lực tự học trong kỷ nguyên số để góp phần triển khai thành công phong trào thi đua “Cả nước xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030” mà Thủ tướng Chính phủ đã phát động.”./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO