Chuyển động Hà Nội

Du lịch Hà Nội đã có sự phục hồi, phát triển khả quan

Trung Kiên 16:56 15/11/2023

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, thông qua việc triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển du lịch theo định hướng, chủ trương của Chính phủ, Bộ VH-TT&DL; du lịch Thủ đô đã có sự phục hồi, phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

ha-noi.jpg
Các đại biểu Thành phố Hà Nội dự Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững tại điểm cầu Hà Nội, sáng 15/11.

Thông tin trên được đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền chia sẻ tại Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững diễn ra sáng 15/11 tại Hà Nội, theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Trình bày tham luận Hội nghị từ điểm cầu trụ sở UBND Thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, cho biết, năm 2023, dự báo tổng số lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 24 triệu lượt khách, tăng 27% so với năm 2022 (bằng 82,7% so với năm 2019 - thời điểm trước đại dịch Covid-19). Trong đó có 4 triệu lượt khách quốc tế, tăng 138,1% so với năm 2022 (bằng 57% so với năm 2019). Đây là những kết quả khả quan, cho thấy du lịch Hà Nội đang từng bước phục hồi, phát triển, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô.

Để có được thành công bước đầu này, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, Hà Nội thời gian qua đã triển khai quyết liệt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển du lịch, du lịch Thủ đô. Trong đó, Thành phố Hà Nội đã chủ động ban hành, triển khai nghiêm túc Kế hoạch phục hồi, phát triển hoạt động du lịch Thủ đô Hà Nội. Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND ngày 10/3/2023 về “Phát triển du lịch Thành phố Hà nội năm 2023”.

Sau đó , các sở, ngành liên quan của Hà Nội đã nhanh chóng nhập cuộc triển khai Kế hoạch số 79/KH-UBND của Thành phố, trong đó thực hiện 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Rà soát quy hoạch, đầu tư phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật du lịch chuyên nghiệp, đồng bộ; Công tác quản lý, nâng cao chất lượng điểm đến, phát triển sản phẩm du lịch; Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến, hợp tác liên kết du lịch; Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; Hỗ trợ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch; Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số ngành Du lịch Thủ đô.

z4740206905024_438d93870768beaab1d881e13e05722c.jpg
Khách quốc tế tham quan một triển lãm ảnh của các em học sinh Hà Nội sáng tại tại Festival Thu Hà Nội 2023. (Ảnh: HQ).

Để đạt được những kết quả nói trên, đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền cho biết thêm, Thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025.

Đồng thời, Hà Nội cũng đã cố gắng, nỗ lực theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, do đó Thủ đô Hà Nội tiếp tục được các tổ chức quốc tế vinh danh các giải thưởng quan trọng như: Giải thưởng Điểm đến Thành phố hàng đầu thế giới năm 2022; Giải thưởng Điểm đến Thành phố Golf tốt nhất thế giới năm 2023. “Đây là điều kiện để tạo động lực thúc đẩy các du khách đến với Hà Nội năm 2024 và những năm tiếp theo”, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, chia sẻ tại Hội nghị.

Không khó để nhận thấy, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã tổ chức hàng nghìn chương trình nghệ thuật, văn hóa, du lịch, lễ hội đặc sắc, quy mô, đặc biệt là các sự kiện thường niên, mang dấu ấn thương hiệu du lịch Thủ đô như: Chương trình Du lịch Hà Nội chào 2023; Cuộc thi ảnh du lịch (Thủ đô Hà Nội chào đón bạn - Welcome Ha Noi City); Liên hoan làng nghề, phố nghề Hà Nội năm 2023; Festival Áo dài Du lịch Hà Nội 2023; Festival Thu Hà Nội, Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội 2023; và tới đây là Tuần lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023. Các lễ hội, sự kiện kể trên thường thu hút hàng vạn lượt khách trong nước và quốc tế đến với Hà Nội dù được tổ chức trong khoảng thời gian chỉ 3 đến 5 ngày.

Tại Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững sáng 15/11, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã có những kiến nghị, đề xuất với cơ quan chức năng để triển khai các giải pháp phát triển du lịch Hà Nội hiệu quả hơn trong giai đoạn tới. Theo đó, Thành phố Hà Nội kính đề nghị Chính phủ xem xét sớm phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045, trong đó xem xét đưa vào định hướng khu du lịch quốc gia 3 địa điểm tiềm năng của Hà Nội, gồm: khu du lịch Ba Vì, khu du lịch Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam và hồ Đông Mô, khu di tích thắng cảnh du lịch Hương Sơn (chùa Hương) để tạo cơ sở pháp lý cho Hà Nội quy hoạch, đầu tư, thu hút đầu tư phát triển các khu du lịch quốc gia.

img_6900.jpg
Rất nhiều du khách quốc tế đã đến với Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2023 vừa qua. (Ảnh: HQ).

Thành phố Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan liên quan tham mưu ban hành cơ chế, chính sách về hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch tại một số khu, điểm du lịch trọng điểm, các điểm du lịch cộng đồng, nông nghiệp nhằm cụ thể hóa điều 5 Luật Du lịch 2017, để Thành phố có cơ sở đầu tư hạ tầng, nâng cấp điểm đến để đón tiếp du khách.

Đồng thời, Hà Nội đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ về kinh tế, về thủ tục giúp các doanh nghiệp lữ hành tham gia các sự kiện, hội chợ du lịch quốc tế và trong nước để mở rộng, tiếp cận được các đối tác có tiềm năng; Quan tâm, xây dựng chiến lược tổng thể về xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tại thị trường quốc tế. Trong đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là đơn vị chủ trì, tổ chức triển khai thực hiện trên địa bàn toàn quốc.

Theo chia sẻ của bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, trước đại dịch COVID-19, du lịch Thủ đô đã cho thấy được vai trò quan trọng, là một ngành kinh tế, đã đóng góp đáng kể vào chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của Thành phố. Năm 2019, Hà Nội đón gần 29 triệu lượt khách, bằng 1/3 lượng khách du lịch của cả nước, trong đó có hơn 7 triệu lượt khách quốc tế; đóng góp tỷ trọng trực tiếp là 5,16% GRDP của Thành phố (nếu tỉnh cả tỷ lệ gián tiếp là khoảng 12,54%).

Mục tiêu đặt ra trong năm nay, Hà Nội phấn đấu số lượng khách du lịch đến Thủ đô đạt trên 22 triệu lượt khách, tăng 17,6% so với năm 2022, trong đó gồm 3 triệu lượt khách quốc tế (khoảng 2,1 triệu khách quốc tế có lưu trú), tăng gấp 2 lần so với năm 2022 và 19 triệu lượt khách nội địa, tăng 10,5% so với năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch đạt 77 ngàn tỷ đồng, tăng 28,2% so với năm 2022./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Người dân đội nắng đứng bên đường khóc tiễn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về lòng đất mẹ
    Trong thời tiết nắng nóng Hà Nội lên tới 40 độ C, nhưng rất nhiều người dân vẫn đội nắng đứng trên các tuyến đường hướng về Nghĩa trang Mai Dịch để tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần cuối.
  • Những dòng sổ tang nhoè nước mắt tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê nhà
    Rất đông người dân ở mọi độ tuổi, có người già, thanh thiếu niên, trẻ nhỏ... lặn lội từ các quận, huyện của thành phố Hà Nội và các tỉnh đến để tiễn đưa người lãnh đạo đáng kính.
  • Người dân nghẹn ngào, tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Tại quê nhà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội, những đôi mắt đỏ hoe, cùng hàng ngàn giọt lệ đã, đang và sẽ rơi là những hình ảnh đầy xúc cảm, thể hiện sự tiếc thương, kính trọng của người dân đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
  • Toàn văn lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Ngày 26/7, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội). Lễ truy điệu cũng được tổ chức đồng thời tại Hội trường Thống Nhất (thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội). Trong niềm tiếc thương vô hạn, Chủ tịch nước Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Lễ tang đã đọc Lời điếu tại Lễ Truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
  • [Video] Người dân từ mọi miền đất nước xếp hàng để được thắp nén tâm hương tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Tang lễ đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức theo nghi thức Quốc tang trong hai ngày 25 và 26/7/2024. Lễ viếng đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội, bắt đầu từ 7 giờ đến 22 giờ ngày 25/7 và từ 7 giờ đến 13 giờ ngày 26/ 7/ 2024. Lễ viếng, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Du lịch Hà Nội đã có sự phục hồi, phát triển khả quan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO