Chuyển động Hà Nội

Du lịch nông thôn Hà Nội cần được “cất cánh”

Trung Kiên 11:06 16/11/2023

Trong các loại hình du lịch của Hà Nội, du lịch nông nghiệp - nông thôn có nhiều tiềm năng phát triển, góp vào sự tăng trưởng ngành “công nghiệp không khói” của Thủ đô. Trên cơ sở đó, Hà Nội vừa có kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tạo cơ chế để phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn thành phố.

1. Tại Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững ngày 15/11, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã có một số kiến nghị với Chính phủ để du lịch Thủ đô phát triển hơn trong thời gian tới. Đáng chú ý, Thành phố Hà Nội đề nghị có cơ chế, chính sách về hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch tại một số khu, điểm du lịch trọng điểm, các điểm du lịch cộng đồng, nông nghiệp để Thành phố Hà Nội có cơ sở đầu tư hạ tầng, nâng cấp điểm đến đón tiếp du khách.

yen-my-2-.jpg
Các em học sinh tham gia trải nghiệm nông nghiệp tại khu du lịch trải nghiệm Vạn An – Hải Đăng (xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì).

Đề xuất, kiến nghị trên của Thành phố Hà Nội rất cần thiết khi xét trên thực tế du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng Thủ đô có nhiều tiềm năng để bứt phá. Hà Nội hiện có hầu hết các loại hình du lịch như du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch MICE, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao, du lịch về nguồn... Đặc biệt, dù đã có những khu đô thị văn minh, hiện đại, Thủ đô Hà Nội vẫn còn đó những “miền quê đáng sống”, điểm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng nổi bật.

Hiện khu vực ngoại thành Hà Nội có nhiều điểm du lịch gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn, làng nghề, sinh thái đã được UBND Thành phố Hà Nội công nhận. Đó là điểm du lịch xã Dương Xá, điểm du lịch Phù Đổng (huyện Gia Lâm); điểm du lịch làng nghề lược sừng Thụy Ứng, điểm du lịch làng nghề mộc Vạn Điểm (huyện Thường Tín); điểm du lịch Đại Áng, điểm du lịch Yên Mỹ (huyện Thanh Trì); điểm du lịch xã Kim Sơn (Thị xã Sơn Tây). Ngoài ra, các huyện, thị xã còn hình thành nhiều điểm đến du lịch nông thôn khác như: Khu thắng cảnh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức), làng cổ Đường Lâm (Thị xã Sơn Tây); các mô hình du lịch kết hợp nông nghiệp trang trại đồng quê và nhiều làng nghề nổi tiếng, có sức hút với du khách.

2. Một trong những điểm du lịch nông thôn của Hà Nội mà phóng viên Tạp chí Người Hà Nội đã đến tác nghiệp, cảm nhận được sự phát triển và có những ấn tượng khó quên, đó là điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh xã Hồng Vân (huyện Thường Tín). Cách trung tâm Thủ đô khoảng 20km, xã Hồng Vân toát lên vẻ miền quê yên bình, có “cây đa, bến nước, sân đình” cùng nhiều di tích lịch sử. Du khách khắp nơi đến xã Hồng Vân được trải nghiệm cùng các nghệ nhân làng nghề tạo tác, cắt, tỉa, tạo dáng và đặt tên cho những sản phẩm cây cảnh của mình tạo ra.

hongvan.jpg
Du khách hòa vào cảnh đẹp thiên nhiên, sắc hoa rực rỡ tại điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh xã Hồng Vân.

Tới xã Hồng Vân, mọi người được thong dong, thả bộ trên bờ đê sông Hồng thưởng ngoạn những cánh đồng rau xanh mướt, làng hoa rực rỡ sắc màu, những trang trại chăn nuôi, trồng cây ăn quả và thưởng thức các sản phẩm nông nghiệp của vùng đất sa bồi ven sông Hồng. Nơi này còn giúp du khách được trải nghiệm các hoạt động làm vườn, trồng và chăm sóc hoa, câu cá; trẻ nhỏ thả diều ngoài triền đê, người lớn lại "check in" tại những vườn hoa, hàng cây, cảnh quan trên địa bàn xã và các nhà vườn…

“Trung bình hàng năm xã Hồng Vân đón 3,5 vạn lượt khách, giá trị thu được từ du lịch ước đạt trên 10 tỷ đồng. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, lượng khách đến Điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân đã đạt gần 32.000 lượt khách”, ông Nguyễn Văn Phượng, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân, chia sẻ. Tuy nhiên, ông Phượng cho rằng, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng xã Hồng Vân còn có nhiều “chướng ngại vật” phải đối diện nên tiềm năng du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng của địa phương rất lớn nhưng chưa thể bung bật hết. Trong đó, địa phương này gặp khó về nguồn vốn, nguồn nhân lực, chính sách đặc thù xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch…

Tương tự, điểm du lịch xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì) cũng có thế mạnh phát triển du lịch nông nghiệp. Ngoài các điểm đến du lịch văn hóa, xã Yên Mỹ có khu du lịch trải nghiệm Vạn An – Hải Đăng, nhiều năm đã trở thành điểm đến hấp dẫn với các em học sinh trong và ngoài Hà Nội. Hàng vạn em học sinh các cấp học trong và ngoài Hà Nội đã đến đây học tập, trải nghiệm vui chơi. Sinh viên Đại học nghiên cứu nông nghiệp ở các trang trại, các em học sinh nhỏ tuổi lại trồng rau, đào khoai, bắt cá, chăm sóc vật nuôi, học phương pháp thủy canh, trồng nấm. Qua đó giúp các em học sinh được “học mà chơi, chơi mà học”.

Dẫu vậy, lãnh đạo UBND xã Yên Mỹ chia sẻ với Phóng viên Tạp chí Người Hà Nội, bên cạnh tiềm năng, để phát triển điểm du lịch địa phương cũng có không ít khó khăn, nhất là về cơ chế, chính sách. Chẳng hạn, địa phương có diện tích lớn đất nông nghiệp qua đấu thầu, nếu doanh nghiệp làm du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái muốn xây nhà lưu trú, khu ẩm thực sẽ sai quy định pháp luật, vì thế sẽ khó thu hút nhà đầu tư.

khach-quoc-te.jpg
Nhiều khách quốc tế đã đến điểm du lịch xã Hồng Vân thời gian qua.

3. Thực tế, để thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn hiệu quả, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 73/KH-UBND về “Phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025”.

Theo đó, Hà Nội đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn dựa trên cơ sở phát huy giá trị văn hóa truyền thống, môi trường cảnh quan của khu vực nông thôn Hà Nội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững. Thành phố Hà Nội tập trung xây dựng thí điểm 6 mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng; làng du lịch thông minh; du lịch làng nghề... theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững tại các huyện Thường Tín, Đan Phượng, Thanh Trì, Mỹ Đức, Thạch Thất và Thị xã Sơn Tây.

Trở lại với đề xuất, kiến nghị của Thành phố Hà Nội tại Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững vừa diễn ra, cũng như câu chuyện điểm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng tại xã Hồng Vân, xã Yên Mỹ nói trên, có thể thấy Hà Nội rất cần được “tiếp sức” để du lịch nông nghiệp - nông thôn “cất cánh”.

Khi du lịch nông nghiệp - nông thôn Hà Nội được “tiếp sức” sẽ có điều kiện phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẽ giảm áp lực cho điểm du lịch nội đô, tăng cơ hội việc làm, thu nhập cho người dân địa phương, đồng thời chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ sở vật chất, môi trường cảnh quan và xây dựng nông thôn mới đoàn kết, giàu bản sắc văn hóa vùng, miền.

Hơn cả, du lịch nông thôn “cất cánh” góp sức đưa du lịch nói chung thành ngành kinh tế mũi nhọn theo mục tiêu Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thủ đô Hà Nội đã và đang triển khai những năm qua./.

Bài liên quan
  • Du lịch Hà Nội đã có sự phục hồi, phát triển khả quan
    Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, thông qua việc triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển du lịch theo định hướng, chủ trương của Chính phủ, Bộ VH-TT&DL; du lịch Thủ đô đã có sự phục hồi, phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Truyện ngắn: Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • [Video] Chùa Thầy - Di sản văn hóa xứ Đoài tỏa sáng cùng Thủ đô ngàn năm văn hiến
    Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến có hàng ngàn di tích lịch sử - văn hóa, nhưng hiếm có di tích nào hàm chứa cả giá trị di sản vật thể và phi vật thể như Chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) được xây dựng từ thế kỷ thứ 11, gắn liền với tên tuổi của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Cuối năm 2014, chùa Thầy được Chính phủ công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt, tới năm 2023, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội công nhận Chùa Thầy là “Điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt" và đầu năm 2024, Đảng bộ - Chính quyền và nhân dân h
  • Phố cũ
    Chiều. Làn gió se lạnh vời vợi dọc theo những con phố. Gió về cuốn đi cái oi nồng của những ngày nắng hanh hao. Bỗng vòng xe vô tình rẽ vào phố cũ. Lâu lắm không về phố, hình như đã không còn cảm giác thân thuộc ngày nào. Phố cũ hiện ra trước mặt là lạ, quen quen…
  • Trưng bày văn hóa Đông Sơn và tinh hoa cổ vật Vĩnh Phúc
    Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc khai mạc trưng bày văn hóa Đông Sơn và tinh hoa cổ vật Vĩnh Phúc với hơn 600 hiện vật quý hiếm, với nhiều loại hình và chất liệu phong phú.
  • Hà Nội: Tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
    UBND Thành phố Hà Nội vừa có công văn gửi các Sở, ngành, Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn Thành phố.
Đừng bỏ lỡ
Du lịch nông thôn Hà Nội cần được “cất cánh”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO