Sớm “vá” lỗ hổng trong quản lý, sử dụng nhà ở xã hội

kinhtedothi| 09/06/2022 13:27

Việc phát triển nhà ở xã hội là chủ trương nhân văn nhằm đáp ứng nguyện vọng về chỗ ở cho người thu nhập thấp. Để chủ trương này đến đúng đối tượng thì việc quản lý từ khâu xét duyệt đến mua, vào ở tại các dự án đang là vấn đề “nóng” đặt ra hiện nay.

Còn nhiều lỗ hổng

Hà Nội luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển nhà ở xã hội. Thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội, trong giai đoạn 2016 - 2020, TP đã hoàn thành 23 dự án nhà ở xã hội, tương đương hơn 1,2 triệu m2 sàn với 12.659 căn hộ. Mới đây nhất quý I/2022, toàn TP đã hoàn thành 130.220 m2 sàn với 1.170 căn.

Với con số này rất nhiều người thu nhập thấp tại Thủ đô đã có nhà ở, song thực tế nguồn cung loại hình nhà ở này vẫn chưa đáp ứng kịp so với nhu cầu. Chính vì thế, chính sách an sinh này đã bị một số đối tượng lợi dụng những lỗ hổng trong quản lý, giám sát của cơ quan chức năng để trục lợi.

Khi giá căn hộ chung cư liên tục tăng, nhà ở xã hội được quan tâm hơn bao giờ hết bởi giá thành chỉ bằng một nửa so với giá nhà thương mại. Hiện nay, tại thị trường Hà Nội giá chung cư thương mại thuộc phân khúc tầm trung vào khoảng 35 - 50 triệu/m2, nhưng nhà ở xã hội lại chỉ có giá bán từ 14 - 17 triệu đồng/m2 đối với trường hợp mở bán mới và khoảng 25 - 27 triệu đồng/m2 với trường hợp rao bán lại.

Chính sự chênh lệch quá lớn này khiến nhà ở xã hội dù bị cấm giao dịch mua bán trong 5 năm đầu tiên, nhưng vẫn trở thành mặt hàng “hot” trên thị trường. Do phù hợp khả năng nên nhiều người vẫn chấp nhận mua lại dù phải mất số tiền chênh lên đến 10 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khi cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra phát hiện việc mua bán này, chủ căn hộ sẽ có thể bị mất nhà. Luật sư Lê Ngọc Sơn (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, theo Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 100/2015/NĐ-CP, việc mua bán nhà ở xã hội phải đạt điều kiện sau khi người mua thanh toán hết tiền và sau thời hạn 5 năm mới được phép chuyển nhượng. Trong trường hợp mua bán chưa đủ điều kiện pháp lý mà cơ quan quản lý phát hiện ra, giao dịch sẽ bị vô hiệu và căn hộ bị thu hồi.

Dự án nhà ở xã hội ngõ 622 phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Dự án nhà ở xã hội ngõ 622 phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, thời gian qua, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý một số trường hợp sử dụng không đúng mục đích như cải tạo đập thông 2 căn hộ, bán, cho thuê lại, hoặc không sử dụng căn hộ…

Điển hình tại dự án nhà ở xã hội ngõ 622 phố Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) phát hiện 57 trường hợp không sử dụng; dự án nhà ở xã hội tại ô đất CC-1, lô đất N1+N3 Khu đô thị Quốc Oai (huyện Quốc Oai) có 65 trường hợp; dự án Tổ hợp văn phòng, dịch vụ, thương mại và nhà ở xã hội số 30 Phạm Văn Đồng (quận Cầu Giấy), có tình trạng cải tạo thông 2 căn hộ...

Nói về nguyên nhân xảy ra tình trạng trên, Trưởng phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) Bùi Tiến Thành cho hay, chủ đầu tư và UBND các quận, huyện, thị xã nơi có dự án nhà ở xã hội chưa làm tốt việc giám sát sử dụng nhà ở xã hội. Khi phát hiện, chính quyền địa phương chưa quan tâm đến việc xử lý vi phạm theo quy định...

Tăng cường các giải pháp quản lý

Trước thực tế trên, nhằm chấn chỉnh tình trạng nhà ở xã hội sử dụng không đúng mục đích, UBND TP Hà Nội vừa có kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện chuyên đề "Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng nhà ở xã hội trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025".

Theo đó, TP phân công rõ trách nhiệm của các cấp, ngành, lĩnh vực; làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan khi để xảy ra sai phạm, không xử lý dứt điểm. Đồng thời, xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về nhà ở xã hội nếu có và đề xuất biện pháp khắc phục.

Về giải pháp cụ thể, TP yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND quận, huyện, thị xã thường xuyên kiểm tra danh sách đối tượng dự kiến được giải quyết mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội nhằm phát hiện người được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội không đúng đối tượng hoặc không đủ điều kiện để thông báo cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội biết để xóa tên trong danh sách dự kiến được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.

Đặc biệt, yêu cầu UBND cấp xã thành lập Tổ giám sát để theo dõi, giám sát việc bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn quản lý. Ngoài ra, TP cũng yêu cầu Công an TP thông qua quản lý nhân khẩu, kiểm tra thường xuyên, xác định các trường hợp bán lại, cho thuê lại, cho ở nhờ, không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích nhà ở xã hội.

Theo luật sư Lê Ngọc Sơn,  TP Hà Nội yêu cầu quản lý chặt việc đăng ký cư trú tại các dự án nhà ở xã hội là giải pháp đúng đắn. Điều này đảm bảo người cần nhà ở thực sự ở đó chứ không phải những người không có nhu cầu ở mua rồi để cho thuê, chuyển nhượng trá hình. Mặt khác, vị luật sư cũng cho rằng, chúng ta cần thay đổi quan niệm về sở hữu nhà ở xã hội.

"Đã là chính sách ưu đãi về nhà ở thì Nhà nước nên đầu tư theo hướng nhà ở xã hội chỉ cho thuê mua hoặc cho thuê. Khi người ở không còn nhu cầu, Nhà nước sẽ lấy lại để cho những đối tượng có nhu cầu thực sự sử dụng, như hiện nay là không hợp lý dẫn đến việc nhiều đối tượng không có nhu cầu thực sự lợi dụng mua bán kiếm lời dựa trên những ưu đãi của chính sách" - Luật sư Lê Ngọc Sơn nhấn mạnh.

Bên cạnh tăng cường siết chặt việc quản lý, sử dụng sau đầu tư, ông Bùi Tiến Thành thông tin, để người thu nhập thấp có nhiều cơ hội hơn với việc tiếp cận nhà ở xã hội, TP đang rà soát việc lập, trình phê duyệt quy hoạch chi tiết và triển khai đầu tư xây dựng 5 khu nhà ở xã hội tập trung đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về nguyên tắc, trên cơ sở đó lựa chọn chủ đầu tư. Ngoài ra, TP rà soát 68 ô đất thuộc các quỹ đất 20%, 25% tại những dự án nhà ở thương mại, khu đô thị, đề xuất phương án sử dụng xây dựng nhà ở xã hội.

Làm rõ thêm những vấn đề về thị trường bất động sản trong phiên chất vấn được đại biểu Quốc hội nêu ra ngày 8/6, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, cả nước hiện đang tiếp tục triển khai 339 dự án nhà ở xã hội nhưng tốc độ triển khai rất chậm, trong đó nhà ở công nhân 7,6 triệu m2 với hơn 152.000 căn hộ, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị là 9,6 triệu m2 với 219.000 căn hộ.

Các dự án này mới chỉ khởi động lại thời gian gần đây, sau khi có gói hỗ trợ tín dụng theo Nghị quyết 11 của Chính phủ được công bố. Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, giá bất động sản, đặc biệt là nhà ở, đất ở liên tục tăng, cao hơn so với thu nhập của người dân. Điều này khiến cho người lao động thu nhập thấp tại các đô thị, công nhân khu công nghiệp càng khó khăn trong việc tiếp cận và tạo lập chỗ ở.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • “Ngày về” - lời ru giàu cảm xúc về làng quê Việt Nam
    “Ngày về” được mở đầu bằng hình ảnh quen thuộc, dễ nhận thấy nhất của làng quê Việt Nam với những giá trị truyền thống thiêng liêng: “Cây đa, bến nước, sân đình/ Con đường gạch lát nối tình xóm thôn”.
  • Nguyễn Đình Thi một bản lĩnh  văn hóa lớn
    Nguyễn Đình Thi là một nhà hoạt động cách mạng lão thành và là người làm văn học nghệ thuật đa tài, nhiều sáng tạo. Ông viết sách khảo luận triết học, viết văn, viết báo, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình, và ở lĩnh vực nào, ông cũng thể hiện mình là một bản lĩnh văn hóa lớn. Những chia sẻ của nhà thơ Bằng Việt - nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, người đã tuyển chọn và dịch tác phẩm của Nguyễn Đình
  • Tuần lễ chiếu phim đặc sắc về Quân đội nhân dân Việt Nam
    Tuần phim Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) sẽ diễn ra tại thành phố Cao Bằng (từ ngày 9/12 đến ngày 13/12) và trên phạm vi cả nước (từ 19/12 đến ngày 25/12).
  • CLB Giám đốc các bệnh viện miền Trung chia sẻ kinh nghiệm quản lý, điều hành
    CLB Giám đốc các bệnh viện khu vực miền Trung chia sẻ kinh nghiệm quản lý, điều hành… để hướng tới người bệnh và lấy người bệnh làm trung tâm phấn đấu cho mục tiêu cung cấp dịch vụ y tế chất lượng.
  • Huy động sức dân xây dựng Thủ đô Sáng - Xanh – Sạch – Đẹp
    Với quyết tâm mạnh mẽ, cam kết tạo ra bước đột phá trong công tác bảo vệ môi trường, kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm, thúc đẩy phong trào chung tay hành động để xây dựng Thủ đô, UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 359/KH-UBND về việc thực hiện phong trào thi đua Sáng - Xanh – Sạch – Đẹp của Thành phố.
Đừng bỏ lỡ
Sớm “vá” lỗ hổng trong quản lý, sử dụng nhà ở xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO