Chính sách & Quản lý

Sớm nâng cấp đường nối cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và Hà Nội - Hải Phòng qua Hà Nam

Hải Đô 18:58 18/03/2024

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có công văn số 2711/BGTVT-CDCTVN trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Nam liên quan đến nâng cấp đường nối cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và Hà Nội - Hải Phòng.

sj67zgdp.png
Tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, đoạn qua Hà Nam.

Theo đó, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Nam do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 1611/BDN ngày 21/11/2023, nội dung kiến nghị như sau:

“Trên địa bàn tỉnh Hà Nam có tuyến đường nối hai cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và Hà Nội - Hải Phòng, thuận tiện cho việc giao thông đi lại của nhân dân. Tuy nhiên, đoạn cuối tuyến từ cây xăng Thụy Dương (xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân) lên cầu Thái Hà do công ty BOT cầu Thái Hà quản lý có chiều dài khoảng trên 2km đã xuống cấp, đến nay toàn tuyến đã được nâng cấp chỉ còn lại đoạn đường này chưa triển khai để đồng bộ toàn tuyến. Mặt khác Khu công nghiệp Thái Hà giai đoạn 1 đã đầy đủ hạ tầng và đoạn đường nối từ ĐT492 đến đường nối 2 cao tốc đang thi công, nhưng vẫn chưa được đấu nối trực tiếp vào đoạn đường này. Cử tri đề nghị Bộ có giải pháp nâng cấp đồng bộ cùng với tuyến đường nối 2 cao tốc để giao thông đi lại thuận tiện.”.

Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ GTVT có ý kiến trả lời như sau:

Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, giai đoạn I theo hình thức hợp đồng BOT (Dự án BOT cầu Thái Hà) được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại văn bản số 1304/TTg-KTN ngày 25/7/2014, Bộ GTVT phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 3619/QĐ-BGTVT ngày 25/9/2014; theo đó: Dự án có tổng chiều dài khoảng 5,6 Km, quy mô 2 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 1.709 tỷ đồng; khởi công năm 2014, hoàn thành đưa vào khai thác năm 2018.

Dự án đầu tư tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (Dự án đường nối hai cao tốc) được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư tại các Quyết định số 302/QĐ-BGTVT ngày 22/02/2011 và số 3744/QĐ-BGTVT ngày 20/10/2015. Theo nội dung được duyệt: Dự án có tổng chiều dài 47,7 Km, quy mô 4 làn xe, phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn (giai đoạn 1 đầu tư quy mô 2 làn xe, giai đoạn 2 mở rộng quy mô 4 làn xe); chia thành 02 dự án thành phần (dự án thành phần I qua địa phận tỉnh Hưng Yên và dự án thành phần II qua địa phận tỉnh Hà Nam).

Để đáp ứng nhu cầu vận tải, hiện nay các tỉnh Hà Nam và Hưng Yên đang triển khai đầu tư giai đoạn 2, mở rộng bảo đảm quy mô 4 làn xe. Tuy nhiên, đối với đoạn tuyến dài khoảng 1,3 Km kết nối từ cuối dự án thành phần 1 đến đầu dự án thành phần 2 thuộc phạm vi đường dẫn cầu Thái Hà (Dự án BOT cầu Thái Hà) hiện đang khai thác với quy mô 2 làn xe; nếu không thực hiện mở rộng đoạn tuyến này sẽ không bảo đảm khai thác đồng bộ quy mô 4 làn xe cùng với hai dự án thành phần do địa phương đang đầu tư mở rộng, tạo thành điểm nghẽn về giao thông, tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc và tai nạn giao thông. Do vậy, Bộ GTVT thống nhất sự cần thiết đầu tư mở rộng, bảo đảm khai thác đồng bộ quy mô 4 làn xe đối với đoạn tuyến 1,3 km thuộc phạm vi đường dẫn cầu Thái Hà.

Hiện nay, Dự án BOT cầu Thái Hà đã hoàn thành và đang thu phí hoàn vốn, nhưng do doanh thu thu phí bị sụt giảm (nhiều phương tiện lựa chọn đi theo hướng cầu Hưng Hà để không phải mất phí nên nguồn thu phí không đủ bù đắp chi phí bảo trì, trả lãi vay) nên Nhà đầu tư không cân đối được nguồn vốn để thực hiện đầu tư nâng cấp, mở rộng đoạn tuyến 1,3 km nêu trên.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ GTVT sẽ tiếp tục chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam tích cực làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Nam và Nhà đầu tư dự án BOT cầu Thái Hà, nghiên cứu phương án phù hợp để triển khai đầu tư mở rộng đoạn tuyến khoảng 1,3 Km thuộc phạm vi đường dẫn cầu Thái Hà bảo đảm quy mô 4 làn xe, nhằm khai thác đồng bộ với tuyến đường nối hai cao tốc./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tiếp nối mạch nguồn, tạo sự bứt phá
    Giá trị VHNT Hà Nội - Huế - Thành phố Hồ Chí Minh là một bộ phận nền tảng quan trọng, mang ý nghĩa văn hóa, xã hội trong tiến trình phát triển của đất nước. Điều này được thể hiện rõ nét trên các lĩnh lực: văn học, văn nghệ dân gian, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, điện ảnh, kiến trúc, múa. Nhìn lại chặng đường gần 50 năm kể từ ngày thống nhất đất nước của VHNT 3 thành phố, có thể thấy rõ những thành tựu và cả những mặt hạn chế tồn tại cần phải thay đổi để tiếp nối mạch nguồn, tạo sự bứt phá.
  • Độc đáo “ngõ cổng vòm” giữa lòng Thủ đô
    Thời gian gần đây, ngách 5/1 phố Từ Hoa (Tây Hồ, Hà Nội) trở thành một địa điểm check-in, chụp hình quen thuộc của người dân Thủ đô. Với lối kiến trúc mộc mạc, con ngách đã trở thành một “góc xưa” giữa Thủ đô hiện đại.
  • Triển lãm "Hào khí Điện Biên - Một thiên sử vàng"
    Tư liệu, hình ảnh được tập trung vào 3 phần, gồm: “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, “Cuộc chiến 56 ngày đêm chấn động địa cầu”, “Quảng Nam - Đà Nẵng chia lửa cùng Điện Biên”.
  • Kem Thủy Tạ ra mắt 2 vị kem mới tại Lễ hội 2024
    Ngày 20/4, Công ty Cổ phần Thực phẩm Thủy Tạ tổ chức “Lễ hội kem Thủy Tạ 2024” tại nhà hàng Thủy Tạ Legend, số 1 Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Sự kiện nhằm tri ân khách hàng đã yêu mến Thủy Tạ suốt hơn 66 năm qua, đồng thời ra mắt dòng kem tươi cao cấp và 2 vị kem mới.
  • Hà Nội mùa đông lịch sử
    Đêm Hà Nội những ngày tháng 12, không khí lạnh tăng cường, nhiệt độ thấp nhất ở mức 7-8 độ C, tôi trằn trọc trở mình trong chăn đệm êm ấm, rưng rưng lắng nghe những ca từ xúc động trong bài hát “Cảm xúc tháng Mười” vang lên từ ngôi nhà kế bên. Ngoài kia gió rít từng cơn thổn thức, những cảm xúc nghẹn ngào thôi thúc tôi dậy mở máy tính, xem lại những thước phim tư liệu về 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô của Hà Nội năm 1946. Từ hiện tại bình yên, tôi đã được trở về với mùa đông lịch sử của thành Rồng - một mùa đông giá buốt nhưng rực lửa.
Đừng bỏ lỡ
Sớm nâng cấp đường nối cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và Hà Nội - Hải Phòng qua Hà Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO