Mỗi độ xuân về, ai chẳng nhớ câu: “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ”. Vì đó là phong vị Tết cổ truyền. “Thịt mỡ dưa hành” vật chất đơn giản thôi nhưng “câu đối đỏ” - văn hóa tinh thần đỏ thắm lòng người. Mỗi câu đối dù ngắn dù dài đều có hai vế đối xứng sóng đôi, trông vững vàng, nghe dễ nhớ, dễ luận. Chúng bổ sung, nâng đỡ cho nhau, tuy đối lập mà thống nhất như âm với dương, như trời với đất.
Người xưa xem câu đối là thể cái chí, hiện cái khí, lượng cái đức, đo cái tài, ẩn cái tình, định cái phận mai sau của người viết.
Làm văn, đối hoạt thì đạt điểm cao; giao lưu, đối hay thì được thưởng; gặp gỡ đối tài thì nên duyên; phỏng vấn, đối giỏi thì trọng dụng; có lỗi, thậm chí có tội đối được thì tha… Cho nên, ngày xưa học chữ gắn liền với học đối từ thuở vỡ lòng, khai tâm. Văn hóa, văn minh càng cao thì kho tàng câu đối càng phong phú.
Người Việt mình vừa có chữ Nôm, vừa có chữ Hán, ngôn ngữ lại đơn âm triệt để nên kho đối càng giàu có.
Trong Kiến văn tiểu lục Đình nguyên, Bảng nhãn Lê Quý Đôn (1726 - 1784) tổng kết: “Cổ nhân dùng tới 6 phép đối để làm văn”. Đó là: Chính danh đối - Tục cú đối - Tá tự đối - Liên châu đối - Đồng loại đối và Bất đối chi đối.
Chính danh đối là phép đối phổ biến nhất được dùng trong mọi thể loại cổ văn. Riêng về câu đối, nó có thể chỉ ngắn một hai chữ, nhưng cũng có thể vài chục chữ.
Dù ngắn, dù dài, phép đối chính danh bao giờ cũng đòi hỏi chặt chẽ nhất, ý đối ý, lời đối lời, thanh đối thanh, nhịp điệu câu chữ, tu từ... đối nhau chan chát (nghịch đối). Ví dụ: “Trời sinh ông Tú Cát - Đất nứt con bọ hung”; hoặc sánh bước sóng đôi (bình đối), ví dụ:
Sóng biếc theo làn hơn gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo
(Thu điếu - Nguyễn Khuyến)
Người xưa chưa phân loại danh - tính - động... như ngày nay nhưng các cụ rất sành dùng từ cùng loại để đối với nhau như: trời - đất; sinh - nứt; ông Tú Cát - con bọ hung...
Nếu vế xướng dùng phép tu từ nào thì vế đối cũng phải dùng phép ấy, ví dụ:
Chị chờ em ở chợ Chì
Tao kéo mày về Keo Táo
(Chợ Chì và Keo Táo đều là địa danh ở Thuận Thành - Bắc Ninh, cũng là kết quả nói lái của chị chờ và tao kéo).
Câu sau còn chơi khó nhau bằng cách dùng họ hàng nhà chim:
Con trai Vân Cốc, lên dốc bắn cò, đứng lăm le,
cười khanh khách.
Thì vế đối toàn họ hàng nhà ếch:
Cô gái Bát Tràng, bán hàng thịt ếch, ngồi chầu chẫu,
nói ương ương
Vế xướng có vần lưng, có đồng âm chơi chữ, vế đối có kém cạnh gì đâu?
Câu sau đây còn hóc hiểm hơn nữa:
Năm con rắn mua năm con rắn,
ngâm rượu Ngũ Xá mừng xuân Tân Tỵ
(nhạc sĩ Trọng Bằng)
Ba cái Ly sắm ba cái ly, vào hang Tân Cốc,
uống khoáng Kim Bôi
(nhà giáo Quốc Thụy)
Tóm lại, về mặt đối lời, ông cha ta tài tình lắm. Các cụ sáng tác không biết bao kiểu hóc hiểm để đọ tài nhau. Và các bậc thần văn, thánh chữ đã tạo ra bao nhiêu giai thoại kỳ thú để đời.
Về đối thanh thì tương đối dễ nhớ. Đó là bằng đối với trắc. Vế trên cắt nhịp ra sao, vế dưới cũng vậy.
Trong phép chính danh đối, ý, lời, thanh càng chặt chẽ càng hay. Tài cao thấp chính là ở sự vận dụng thật chỉnh phép tắc. Người ta chỉ có thể châm chước chút ít ví như luật “Nhất tam ngũ bất luận” trong Đường thi, nghĩa là chữ thứ nhất, thứ ba, thứ năm trong câu thơ bảy chữ có thể tự do, không buộc phải đối thanh. Chính danh đối phổ biến đến nỗi không ít người nghĩ, đã là câu đối thì phải như vậy, làm khác một chút là phê thất đối!
Nhưng còn có tựu cú đối, không khắt khe về mặt đối thanh. Câu đối dài ngắn bao nhiêu cũng được, chỉ cần một chữ cuối đối bằng, trắc là đủ. Trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi nhiều lần dùng phép này, tiêu biểu là câu:
Tự Triệu, Đinh, Lý, Trần chi triệu tạo ngũ quốc
Dữ Hán, Đường, Tống, Nguyên nhi các đế nhất phương.
(Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập
Cùng Hán, Đường ,Tống, Nguyên mỗi bên đều chủ một phương)
Chính vì không biết đến phép tựu cú đối này mà có học giả đã lớn tiếng phê phán câu đối ở cổng Văn Miếu - Quốc Tử Giám là bất đối và đòi sửa lại. Nguyên văn câu đối ấy như sau:
Đông Tây Nam Bắc do tự đạo
Công khanh phu sĩ xuất thử đồ!
Nghĩa là:
Khắp 4 phương Đông Tây Nam Bắc đều do đạo này giáo hóa
Công hầu, khanh tướng, đại phu, kẻ sĩ đều từ đây mà ra
Một câu đối vừa bác học, vừa tự hào biết bao về ngôi trường đại học đầu tiên và trải hàng ngàn đời nay, không biết do danh sĩ nào viết mà hay đến thế. Sai phép làm sao được?
Nếu tựu cú đối cho phép thoáng về thanh thì tá tự đối lại cho phép thoáng về lời, đúng hơn là về chữ (từ loại). Nghĩa là, có một số chữ, xét về mặt chính danh thì không đối được với nhau, nhưng mượn đồng âm của chúng thì đối được. Có thể gọi nôm na là phép gá chữ.
Trong bài thơ Ông cò, hai câu thực Tú Xương viết:
Hai mái trống tung đành chịu dột
Tám giờ chuông điểm phải nằm co!
Rõ ràng trống tung là một tính từ, không đối được với chuông điểm là một cụm chủ vị. Nhưng mượn âm và tách ra thì chuông đối với trống, điểm đối với tung lại… rất chỉnh.
Cụ Tú Mỡ khi vào thăm cụ Song An Hoàng Ngọc Phách đang bệnh nặng, có viết một bài bát cú, trong đó có câu luận như sau:
Đây thằng bố lếu thơ tinh nghịch
Đấy bạn cô le nghĩa cũ càng
Cô le (college) là tiếng Pháp, có nghĩa là trường trung học. Hai cụ trước đây học tại trường Bưởi sao có thể đối được với bố lếu. Nhưng tách ra, mượn âm thì cô đối với bố, le đối với lếu lại rất thú vị. Các cụ hóm thế đấy, đâu phải không nắm được phép tắc?
Nếu tựu cú đối rộng về thanh, tá tự đối rộng về chữ thì đồng loại đối rộng về cả hai mặt. Nó cho phép người viết chỉ cần hai vế có số chữ bằng nhau. Ví dụ, trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi viết:
Xã tắc dĩ chi điện an
Sơn xuyên dĩ chi cải quan
(Xã tắc từ đây bền vững - Sông núi từ đây đổi mới)
Đôi câu đối ở đền thờ bà chúa Liễu Hạnh (thôn Thành Vật, Ứng Hòa, Hà Nội) ghi:
Vô danh thiên địa chi thủy
Hữu danh thiên địa chi thánh
(Ban đầu trời đất không tên - Thánh về trời đất thành tên)
Khi vịnh chiếc quạt, bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương viết:
Càng nóng bao nhiêu thì càng mát
Yêu đêm chưa phỉ lại yêu ngày
Có người cho rằng nữ sĩ họ Hồ phá luật. Nhưng thực ra bà đã vận dụng phép liên châu đối, nghĩa là khi ý thơ liền mạch như hai chuỗi ngọc thì không cần phải đối chữ như chính danh, chỉ cần số chữ của hai vế bằng nhau. Ấy là trong thơ, còn trong phú thì còn linh hoạt hơn nữa.
Tuy nhiên, trong làm văn, các nhà Nho vẫn rất coi trọng số chữ số trong từng vế đối phải bằng nhau.
Trong bài Hỏi thăm ông bạn bị cướp, cụ Nguyễn Khuyến viết:
Cướp của, đánh người, quân tệ nhỉ?
Xương già, da cóc, có đau không?
Rõ ràng, cả hai vế, các chữ đều không đối nhau ngoài hai câu cùng là hỏi kháy.
Cụ Nguyễn Đình Chiểu trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, mọi câu đều đối rất nghiêm theo phép chính danh. Nhưng ngay câu mở đầu lại viết theo bất đối chi đối:
Nhớ linh xưa
Côi cút làm ăn, toan lo nghèo khó…
Rõ ràng, chữ hai vế không đối, nhưng ý thì bổ sung cho nhau rất đậm.
Trong Chuyện người thiếu phụ Nam Xương, nhà Nho Nguyễn Dữ viết:
Xa cách ba năm giữ gìn một tiết
Tô son điểm phấn từng đã nguôi lòng
Từng vế trong mỗi câu, cũng như cả hai câu đều theo lối văn biền ngẫu, nhưng chỉ đối ý, không đối lời.
Bất đối chi đối còn được dùng khá phổ biến trong các vế tiểu đối khi viết thơ lục bát. Ví dụ trong Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du:
Cát lầm ngọc trắng, thiệt đời xuân xanh - Nói lời lại nói, lời chưa hết lời - Càng trông mặt, càng ngẩn ngơ - Truyền quân lệnh xuống, trướng tiền tha ngay…
Tóm lại, ngoài chính danh đối, 5 phép đối là những đặc cách, thể hiện rõ quan điểm “bất dĩ văn ức chí” (không câu nệ về văn để ép chí) của người xưa. Vì không biết tới 5 phép đối này mà có nhiều người đã lớn tiếng phê phán cổ nhân, những danh Nho là luôn luôn thất đối, tức là không nghiêm chỉnh. Đối ngẫu là sở trường của người xưa. Các cụ rất nghiêm cẩn phép tắc chứ đâu có buông tuồng, kể cả khi trào phúng, cho dù được phép “hỉ bất khả chấp” (đùa cợt không trách).