Sách “Phát lộ di tích Hoàng Thành Thăng Long”: Câu chuyện từ lòng đất

14/12/2018 15:41

Những ngày này 16 năm về trước, các nhà khảo cổ học bắt đầu cuốc những nhát đầu tiên để thám sát xây mặt bằng cho công trình nhà Quốc hội. 3 tháng làm việc dưới sự khắc nghiệt của thời tiết, áp lực từ các nhà thầu xây dựng, những dấu tích đầu tiên chứa đựng di sản 13 thế kỷ dần phát lộ dưới lớp bùn đất ở độ sâu 5m.

Cuốn sách “Phát lộ di tích Hoàng thành Thăng Long (HTTL): Thoáng nhìn đầu tiên về di sản khảo cổ học Hà Nội”, được xuất bản bởi NXB Thế Giới, Viện Viễn đông Bác cổ tại Hà Nội (EFEO) và Viện Khảo cổ học, do GS Andrew Hardy (EFEO) và nhà khảo cổ học, TS Nguyễn Tiến Đông (Viện Khảo cổ học) chủ biên. Cuốn sách kể những kỷ niệm, hồi ức của những nhà khảo cổ học cầm cuốc, cầm bay bóc từng lớp đất đá để khai quật. Đồng thời, cuốn sách cũng có những bài viết đầy tính khoa học, cảm xúc của các nhà nghiên cứu như GS Phan Huy Lê, GS Tống Trung Tín, GS Franciscus Verellen (nguyên Giám đốc EFEO), PGS Diệp Đình Hoa…
Trò truyện cùng phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Tiến Đông chia sẻ: “Giữa 2006, tôi và GS Ardew Hardy cùng có ý tưởng ra một cuốn sách về HTTL. Thời điểm đó, đã có khá nhiều ấn phẩm về HTTL ra đời nhưng đại đa số đều mang tính học thuật và khoa học cao. Tôi muốn các kiến thức về HTTL nói riêng và lịch sử Thăng Long Hà Nội được phổ cập hơn trong mọi tầng lớp Nhân dân. Chính vì thế, trong cuốn sách, tất cả các góc nhìn đều được tiếp cận và thể hiện một cách rất gần gũi, ngắn gọn, dễ đọc, dễ hình dung”.

GS Tống Trung Tín, khi đó với cương vị là Viện trưởng Viện Khảo cổ học, Chủ nhiệm Dự án nhớ lại thời kỳ đầu khai quật: “Khi đọc thấy tin tức trên báo chí cho biết, Chính phủ sẽ cho phép Viện Khảo cổ học khai quật thăm dò 2.000m2/48.000m2, GS Phan Huy Lê đã hỏi tôi: Tại sao không lập kế hoạch khai quật hết luôn mà lại còn phải thăm dò có 2.000m2? Tôi trả lời thầy rằng vì tình hình thực tế nên phải lập kế hoạch từng bước. Lần khai quật đầu tiên vào ngày 17/12/2002”. Những tháng ngày đầu tiên khai quật ở khu 18 Hoàng Diệu, mọi thứ đều ngổn ngang, thậm chí có ngày tháng các nhà khảo cổ “lên đồng” vì “ngẩng mặt lên thấy rắn đầy trên đầu, lật viên gạch nhiều bọ cạp ở dưới”. Nói về những ngày đầu khai quật, nhiều nhà khảo cổ nhớ lại: “Nhìn thấy công trường mà chán, nó bề bộn, lõng bõng, bẩn thỉu, vất vả, chẳng thấy gì ngoài mấy hiện vật mới bật lên”. 

“Sau khoảng 3 tháng khai quật, ngoài những di vật lẻ, hệ thống di tích thời Lý - Trần và thời Lê bắt đầu xuất hiện. Lúc đó chúng tôi biết mình đã gặp HTTL "bằng xương bằng thịt". Đến 2004, khi các hố khai quật nối liền với nhau và trở thành công trường khai quật rất lớn (18.000m2) thì nó đã trở thành một phức hệ, hệ thống các di tích, dấu tích của một hoàng cung, HTTL rực rỡ trong lịch sử” - TS Nguyễn Tiến Đông chia sẻ.

Trong cuốn sách này, GS Andrew Hardy (EFEO) đã kể lại chuyến thăm đầu tiên tới HTTL với câu hỏi: "Và nếu trong tương lai nó được bảo tồn (một trong những lời đồn đoán cho là vậy), liệu Việt Nam có đủ chuyên môn kỹ thuật để quản lý khu di tích này không? Liệu có ai đủ chuyên môn để giải quyết vấn đề bảo tồn một khu vực rộng lớn đến vậy trong điều kiện khí hậu ẩm và mưa nhiều không?”. Sau 16 năm, câu hỏi của nhà nghiên cứu lịch sử người Pháp đã được trả lời, di chỉ khảo cổ không những đang được bảo tồn mà còn trở thành Di sản Văn hóa thế giới, Di tích đặc biệt Quốc gia và là một điểm không thể bỏ qua khi tới thăm Hà Nội.

Cuốn sách “Phát lộ di tích Hoàng thành Thăng Long: Thoáng nhìn đầu tiên về di sản khảo cổ học Hà Nội” sẽ đưa người đọc vào trong những bối cảnh về cuộc khai quật lớn nhất cả nước ấy.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Huyện Thanh Oai: Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 30-CT/TU với tuyên truyền các Quy tắc ứng xử
    Huyện Thanh Oai đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, mỗi gia đình trong xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
Đừng bỏ lỡ
Sách “Phát lộ di tích Hoàng Thành Thăng Long”: Câu chuyện từ lòng đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO