"Sắc sen Hà Nội" nâng tầm văn hóa, du lịch Thủ đô
Lần đầu tiên, nhân dân Thủ đô và du khách quốc tế được thưởng thức những giá trị văn hóa tinh thần đặc sắc của Thăng Long-Hà Nội, cùng vùng đất Tây Hồ qua Lễ hội Sen Hà Nội. Lễ hội không chỉ khẳng định giá trị và thương hiệu văn hóa, du lịch của Thủ đô mà còn mang đến sự lan tỏa giá trị của sen Tây Hồ.
“Mùa hoa tháng năm cháy rực phượng đỏ
Hồ Tây ngát hương mùa sen tháng sáu"...
Trong ca khúc “Hà Nội 12 mùa hoa” của nhạc sĩ Giáng Son, hoa sen Hồ Tây được nhắc đến là loài hoa của tháng 6 trong suốt 12 mùa hoa ngát hương của Hà Nội. Cũng không biết tự bao giờ, với người Hà Nội, hoa sen đã trở thành “một đặc sản”, một mùa hoa được mong chờ nhất trong năm, một loài hoa đã trở thành biểu tượng trong nét đẹp văn hóa, trong đời sống tinh thần của người Hà Nội.
Có lẽ, bởi vì sen có vẻ đẹp và phẩm chất có nét tương đồng với người Tràng An chăng? “Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”, còn vẻ đẹp và hương thơm của hoa sen, có thể nói cũng mang sự thanh lịch, thanh tao hiếm có.
Dường như, ít có loài hoa nào mà dù ngay cả khi mật độ nồng đậm nhất cũng không gây cảm giác khó chịu hay ngột ngạt. Ngược lại, là sự thanh thoát, tươi mát, sảng khoái. Đứng trước cả một đầm hoa sen nở rộ, hoa ken dày, vẫn muốn hít căng cái hương sen ngan ngát, cho thấm đẫm vào trong lồng ngực.
Còn vẻ đẹp của sen, thì cũng khó có loài hoa nào sánh được với sự thanh khiết, dịu dàng mà tươi tắn. Từ khi còn là một nụ sen hồng phơn phớt, cho đến lúc sen xòe bung từng lớp, từng lớp những áo sen tươi tắn, khoe nhị vàng, rồi cánh rụng rơi, kết lại thành đài sen đốm hạt… đều có một vẻ đẹp khiến người ta mê đắm. Không những thế, sen còn là biểu trưng cho vẻ đẹp “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, một cốt cách thanh tao, giản dị mà kiêu sa, đài các.
Với người Hà Nội, từ xưa, sen đã có một vị trí thật đặc biệt. Năm 1049 vua Lý Thái Tông đã cho xây dựng chùa Một Cột với lối cấu trúc Liên hoa đài. Ngôi chùa ngự trên đài hoa sen, đã trở thành biểu tượng nhận diện về người Hà Nội xuyên suốt ngàn năm văn hiến Thăng Long – Hà Nội. Sen cũng giữ vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Trong “Vang bóng một thời”, nhà văn Nguyễn Tuân đã tả thể này về thú uống trà tao nhã mà cầu kỳ của người Hà Nội.
Không biết tự bao giờ, nghệ thuật ướp trà sen đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Hà Nội. Trà ướp sen là sự hòa quyện tuyệt vời giữa cái ngọt tinh tế của trà xanh và hương thơm nhẹ nhàng đến tinh khiết của hoa sen. Xưa kia, người Hà Nội thường tự ướp trà sen để dành ngày Tết tiếp đãi khách quý, thì nay trà sen trở thành thức quà đặc sắc gói trọn hương vị đất Hà thành. Ngày nay, người Hà Nội cũng vẫn chuộng uống trà sen. Và loại trà sen thượng hạng nhất là phải được ướp từ hoa sen bách diệp trồng ở Hồ Tây.Ngày nay, người Hà Nội cũng vẫn chuộng uống trà sen. Và loại trà sen thượng hạng nhất là phải được ướp từ hoa sen bách diệp trồng ở Hồ Tây.
Giống như vùng đất dành riêng cho loài hoa này, những bông sen Bách Diệp ở hồ Tây được nuôi dưỡng bởi tinh tuý trời đất nơi địa linh, có màu sắc và hương vị đậm đà hơn các vùng đất khác. Sen bách diệp khi nở to như hai bàn tay, cánh mỏng mịn như lụa. Hàng trăm cánh hoa xếp lớp bao bọc lấy nhụy, đài và gạo sen, giữ cho sen một mùi hương thuần khiết, đậm hương rất đặc trưng mà các giống sen khác không có được.
Không đến mức cầu kỳ như tương truyền là phải mang trà ra để vào bông sen rồi buộc lại, đến sáng sớm thì chèo thuyền ra lấy trà, những cánh trà hấp thụ hết tinh túy của hương sen và trời đất; giờ trà sen được làm đơn giản hơn.
Nhận thấy được nhu cầu của thị trường đối với sen, những năm gần đây, Hà Nội đã đẩy mạnh khuyến khích người dân trồng sen từ việc chuyển đổi diện tích đồng trũng, đất hồ ao, ruộng bỏ hoang hóa, kém hiệu quả. Hà Nội hiện có diện tích trồng sen khoảng 600ha, tập trung ở Mỹ Đức, Mê Linh, Ba Vì, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Ứng Hòa…
Nhằm phát huy hết lợi thế, để mở rộng diện tích trồng sen trên địa bàn, những năm qua, Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông triển khai các mô hình khuyến nông trình diễn đưa các giống sen mới chất lượng thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất. Mô hình đã được triển khai tại Mê Linh, Mỹ Đức, Thạch Thất và quận Tây Hồ với tổng diện tích gần 30ha.
Đặc biệt với Tây Hồ, nhằm khôi phục, phát triển và nhân rộng giống sen Bách Diệp, năm 2024, UBND quận Tây Hồ đã phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội và Viện Nghiên cứu rau quả (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) triển khai thực hiện dự án; Xây dựng mô hình mẫu sản xuất sen gắn với phát triển du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị tại Tây Hồ - Hà Nội. Mô hình được triển khai thí điểm tại các hồ Đầu Đồng và Thủy Sứ (phường Quảng An) với diện tích 7ha. Mô hình được Sở NN&PTNT hỗ trợ 50% giống sen Bách Diệp (tương đương 7.000 cây), 50% vật tư, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật…
Nhiều sản phẩm từ sen đã được công nhận OCOP tiêu biểu như: Khăn lụa tơ sen (tiềm năng 5 sao); trà sen Quảng An (4 sao), trà sen Mê Linh (4 sao) và các sản phẩm OCOP 3 sao như: Giò sen, xôi cốm sen, chè long nhãn sen, mứt sen, sữa sen... được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng.
Chính việc phát huy được những giá trị của sen, đã khiến bông sen không chỉ mang ý nghĩa biểu trưng về văn hóa, tinh thần, mà còn giúp người dân phát triển kinh tế, tạo thương hiệu và khiến nhiều người thêm nhớ về một Hà Nội thanh lịch, hào hoa gắn liền với vẻ đẹp những bông sen.
Cũng vì thế, Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024 vừa được diễn ra tại Không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo người dân và du khách. Hình ảnh của những đầm sen bên khung cảnh lãng mạn của Hồ Tây lộng gió cùng những sản phẩm OCOP đã níu chân du khách.
Tác giả: Thu Trang
15/07/2024 15:54