Rắn trong nghệ thuật tạo hình
Chuyện cổ tích Việt Nam kể rằng Thạch Sanh giết được mãng xà trong miếu thờ trừ họa cho dân làng, lại bị Lý Thông hãm hại và tranh công. Câu chuyện đã được hình tượng hóa bằng nghệ thuật tranh khắc gỗ và in trên giấy bản để nhiều người có dịp treo trong dịp Tết. Hình tượng rắn dữ dằn, rõ là một con rắn hổ mang bành, thân uốn khúc miệng phun lửa, đại diện cho Thần Ác. Cách chọn gam màu nóng đã thể hiện cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác gay go, đẫm máu.
1. Rắn trong tranh dân gian xuất hiện rất ít, nhưng cũng đã thấy trong hình tượng mãng xà (còn được gọi là trăn tinh hay chằn tinh). Các nghệ nhân tranh đã vẽ và sau đó in trên giấy gió hình tượng Thạch Sanh chém mãng xà.
Chuyện cổ tích Việt Nam kể rằng Thạch Sanh giết được mãng xà trong miếu thờ trừ họa cho dân làng, lại bị Lý Thông hãm hại và tranh công. Câu chuyện đã được hình tượng hóa bằng nghệ thuật tranh khắc gỗ và in trên giấy bản để nhiều người có dịp treo trong dịp Tết. Hình tượng rắn dữ dằn, rõ là một con rắn hổ mang bành, thân uốn khúc miệng phun lửa, đại diện cho Thần Ác. Cách chọn gam màu nóng đã thể hiện cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác gay go, đẫm máu.
Tranh dân gian còn miêu tả một trò chơi của nhi đồng phổ biến là “rồng rắn lên mây”, một đám trẻ túm áo nhau rồi xếp thành hình con rắn uốn khúc, lượn vào một sân nhà rộng trong làng để xin quà mừng tuổi cũng là bức tranh được nhiều người thích. Về mặt nghệ thuật, đây là một bức tranh sinh động, mô tả các tư thế hồ hởi, chân bước thấp bước cao, xô đẩy nhau. Bố cục tranh đẹp, con “rắn” được sắp thành hình cung tròn đối lập với mảng vuông của nhà mái ngói trang nghiêm. Tranh còn có thêm dòng chữ Hán Nôm làm tăng thêm vẻ đẹp và sự khuyến học cho lớp trẻ.
Rắn còn được vẽ lên tranh dân gian làng Sình (Huế), đại diện cho một năm, đó là năm Tỵ. Quan niệm một vòng lịch can chi là 12 năm, mỗi năm một con vật tiêu biểu. Người sinh năm nào đều ứng với một con vật về mặt phong thủy, tâm linh và tính cách.
2. Nghệ thuật chạm khắc đã đưa rắn lên tột đỉnh vinh quang. Đó là con vật được đích thân Hoàng Đế Minh Mạng chọn lựa trong một số ít con vật được khắc vào Cửu Đỉnh (9 cái đỉnh) biểu tượng của sự trường tồn của vương triều Nguyễn. Mỗi loài vật chỉ được khắc một lần vào một chiếc đỉnh. Tuy nhiên, nếu tính cả loài trăn (mãng xà) và loài rắn (nhiêm xà) cùng là một loài rắn (chữ xà nghĩa là rắn) thì xem ra cả hai con xà này đều được đặc cách, cùng được đúc trên 2 đỉnh (Anh Đỉnh và Huyền Đỉnh). Có thể đây là sự ưu ái cho rắn khi có đại diện 2 con vật thuộc loài rắn, nhưng cũng có thể người Việt coi trăn và rắn là hai con vật khác nhau vì thế mới đều được khắc trên Cửu Đỉnh.
Nghệ thuật chạm khắc còn đưa rắn lên một hình tượng cao quý nữa là rồng. Đây là một con vật không có thật, được ghép từ nhiều con vật khác mà thành, nhưng lại có cái cốt là thân rắn mà điển hình là rồng thời Lý - Trần, uốn khúc như rắn và lại là biểu tượng của vua, quyền lực tối thượng. Hình tượng rồng có mặt nhiều nhất ở Hoàng thành Thăng Long và các chùa chiền thời Lý - Trần.
Trong nghệ thuật chạm khắc đá, hình tượng rồng Lý - Trần còn để lại nhiều tác phẩm tuyệt đẹp, tiêu biểu là hình ảnh rắn trên cột đá ở chùa Dạm (Bắc Ninh). Hình tượng hai con rồng được châu đầu vào nhau, thân hình uốn lượn quanh một vòng của cột đá. Hai con rồng này đã được tạc vào đầu thời Lý, đến nay đã gần 1.000 tuổi mà vẫn cuốn hút du khách bởi tạo hình dạng 3D hiện đại, nổi bật nhiều chiều và hoa văn vẫn còn nét đanh. Tác phẩm này nửa như tượng tròn, nửa như phù điêu, hết sức sống động.
Hình tượng rồng - rắn Lý Trần còn được tạo hình trên nhiều cấu kiện kiến trúc của Hoàng thành Thăng Long, nhất là trên các lá đề đất nung trên mái cung điện, trên đồ gốm ngự dụng trong vương triều.
3. Trên chất liệu đồng, người xưa cũng đúc tượng rắn trên cán dao găm. Bức tượng đôi rắn khá đẹp và là tượng tròn cổ nhất tả rắn trong văn hóa Đông Sơn. Về mặt nghệ thuật, có thể xếp pho tượng tròn này vào loại hình mỹ thuật ứng dụng như cách xếp loại hiện đại. Bức tượng này được “đặt” vào cán một con dao găm đồng. Những chiếc dao găm thời này thường có phần lưỡi nhọn, sắc, có thể vừa là vũ khí, vừa là vật biểu tượng quyền uy nên ở phần cán thường là tượng người phụ nữ đang khuỳnh tay, chống nạnh hay tượng voi, tượng rắn với mục đích trang trí nghệ thuật.
Cặp rắn được tả sinh động, đang cuốn lấy nhau, mồm há rộng ngậm chân voi, trên lưng voi lại đặt một chiếc trống đồng. Tinh xảo là vậy, nhưng chiều dài của cả con dao găm cũng chỉ khoảng 12cm. Dao găm tượng rắn này đã được xếp hạng Bảo vật quốc gia và hiện đang trưng bày ở Bảo tàng tỉnh Nghệ An.
4. Hình tượng rắn ở ta còn liên quan đến một vụ án oan nổi tiếng. Đó là vụ án “Hồ Dâm Đàm” (tức hồ Tây ngày nay). Dân làng đã mượn ngôn ngữ mỹ thuật tạo tượng đá để thể hiện nỗi lòng của một trung thần bị hàm oan. Bức tượng đá nổi tiếng này miêu tả một con rắn có đủ mắt tròn, vây khắp thân, có cả vành tai để nghe ngóng “thế sự”, nhưng hàm răng sắc đang cắn chặt vào thân mình như chẳng bao giờ gỡ ra được tựa nỗi hàm oan đã qua nhiều thế kỷ.
Cái đẹp của bức tượng rắn này là được tả thực, đường nét chạm khắc sắc sảo, xử lý hình khối gọn gàng, theo khúc cuộn mà không theo khối dài loằng ngoằng như thân rắn ngoài đời.
5. Trong các điện thờ mẫu Tam phủ, tứ phủ và các chùa "Tiền Phật, hậu Mẫu" cũng có mặt tượng rắn. Một dấu hiệu quan trọng của điện thờ là có các cặp tượng rắn đang vắt vẻo trên xà nhà hay trên tường hướng vào các Mẫu. Đặc biệt, tượng rắn màu trắng được gọi là Bạch Xà Đại tướng, rắn màu xanh gọi là Thanh Xà Đại tướng mà dân gian thường gọi là “Ông Lốt”. Những tượng này không làm từ chất liệu đá, gốm, đồng… mà thường làm bằng giấy, carton, tả thực như một dạng đồ hàng mã, nhẹ nhàng, dễ uốn lượn, tạo hình.
6. Hình tượng rắn ở các văn hóa miền Trung và miền Nam nước ta cũng được thể hiện trong nghệ thuật tạo hình. Tại các di tích Chăm Pa có hình tượng con rồng Makara, cũng là con vật không có thật trong thực tế, có cái thân là con rắn, cá sấu, voi. Đây là biểu tượng của thủy quái, vật cưỡi của thần biển Varuna và cả nữ thần sông Hằng Ganga Devi. Con rồng Makara biểu tượng cho nước, cầu vồng (coi rắn là hình tượng thân cong như cầu vồng). Makara có mặt trong văn hóa Chăm từ thế kỷ VII và kéo dài cho đến tận thế kỷ XIV với các tượng tròn điêu khắc đá.
Trong nghệ thuật tạo hình rắn ở văn hóa Khơ Me, Nam Bộ, rắn thần Naga là một vị Thần trong hình hài một con rắn hổ mang với đặc trưng là có cái mang bành to ở phần đầu. Có khi con rắn được thể hiện 1 đầu hay nhiều đầu, nhưng số đầu thường là số lẻ: 1, 3, 5, 7 và 9. Rắn Naga được tạo hình với chất liệu gỗ được sử dụng trang trí đầu tay cầm xe tang, tủ kinh kệ, điêu khắc nổi trên cánh cửa…, xi măng (được đổ khuôn thạch cao), đồng (đúc khuôn)… tạo thành các pho tượng tròn. Naga còn được thể hiện trong tranh vẽ trên giấy, tranh sơn dầu, tranh đắp nổi (phù điêu) trên các bức tường trong chính điện, nóc mái của cổng chùa. Đề tài rắn thường gặp là diễn tả câu chuyện về rắn thần Naga có 7 đầu dùng thân mình làm ghế cho đức Phật ngồi tu và dùng mang làm mái vòm che mưa nắng cho Phật. Rắn Naga còn được tạo khối trang trí trên cổng chùa, tường rào, cột cờ, cầu thang dẫn lên chính điện, nóc mái, mi cửa…
7. Nhìn rộng ra, hình tượng rắn Naga có mặt khắp các nước láng giềng của Việt Nam như Lào, Campuchia và Thái Lan… Đó là hình tượng con rắn hổ mang bành được Ấn Độ Giáo và Phật giáo “thiêng hóa” thành vị Thần Nagraj (vua rắn), biểu tượng của sự bất tử.
Nhiều khi tượng Naga được tạc có đầu người mình rắn. Rắn được vẽ trong tư thế cuộn mình trên cổ thần Shiva hay rắn đang cuộn mình làm giường ngủ cho thần Vishnu… Làn sóng truyền bá Ấn Độ giáo và Phật giáo đã lan truyền từ Ấn Độ sang các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Campuchia đã mang theo cả nghệ thuật tạo hình rắn hổ mang bành. Ảnh hưởng của sự giao lưu văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng này được thấy rõ ở Kinh đô cổ Angkor Wat ở Xiêm Riệp (Campuchia) nơi có rất nhiều truyền thuyết và tượng rắn hổ mang bành ở các cổng vào khu đền đài nổi tiếng này./.