Ra mắt tập nhật ký "Con đường văn sĩ" của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng
Trong khuôn khổ các hoạt động của Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 – 2024, sáng ngày 24/4, Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức chương trình giao lưu và ra mắt sách "Con đường văn sĩ" – nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từ 1938 đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Trước khi “Con đường văn sĩ” xuất bản, nhật ký Nguyễn Huy Tưởng đã được công bố nhiều lần dưới nhiều hình thức, trong đó đã có 2 lần nhật ký của ông được xuất bản thành sách, bao quát gần như toàn bộ quãng đời cầm bút của ông, từ năm 18 tuổi cho đến khi không lâu trước khi mất (năm ông 48 tuổi).
Tuy nhiên, do quy mô của bộ nhật ký trước (3 tập) khó đến với bạn đọc thông thường, nên NXB Kim Đồng đã lựa chọn một phân khúc trong nhật ký Nguyễn Huy Tưởng hàm chứa những nội dung gần gũi, thấm đẫm những yếu tố nhân văn để giới thiệu với bạn đọc. Đó là giai đoạn 1938 – 1945.
Tên sách “Con đường văn sĩ” lấy theo giai đoạn nhật ký ngày 15/3/1945 của Nguyễn Huy Tưởng: “Dẫu sao, cũng phải nhất định đi vào con đường văn sĩ. Khơi đào mãi mãi”.
Cuốn sách “Con đường văn sĩ” gồm 3 phần. Phần 1 là những trang nhật ký từ 1938 - 1939 với các nội dung chính: Đời công chức, Mộng văn chương, Em bé Hàng Vôi, Truyền bá quốc ngữ và hôn nhân. Phần 2, nhật ký những năm 1940 - 1943 với các nội dung: Đổi xuống Hải Phòng, Hướng đạo, Tri tân, Đêm hội Long Trì và mẹ mất. Phần 3 là những trang nhật kí từ 1943 đến trước Cách mạng tháng Tám 1945 bùng nổ với các nội dung chính: Vũ Như Tô, An Tư, Văn hóa Cứu quốc, Tiên Phong. Giữa phần 1 và phần 2 là “Một thiên kí sự” những trang nhật kí về một tháng tân hôn cũng rất đặc sắc của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.
Qua 3 phần nội dung của cuốn sách bạn đọc thấy rõ “con đường văn sĩ” của Nguyễn Huy Tưởng kể từ khi là một chàng trai ôm mộng văn chương, cho đến khi có tác phẩm đầu tay “Đêm hội Long Trì” được in thành sách và tiếp đó là các tác phẩm lớn trong sự nghiệp của mình: “Vũ Như Tô”.
Bên cạnh “Con đường văn sĩ”, với bố cục 3 phần này, độc giả cũng có thể biết được hành trình tham gia các hoạt động xã hội, các hoạt động yêu nước trước cách mạng của ông với phong trào Truyền bá quốc ngữ đến Hướng đạo rồi Văn hóa cứu quốc.
Những trang nhật kí được viết trong suốt những năm 1938 đến 1945 thời điểm trước Cách mạng tháng Tám bùng nổ là những trang tư liệu chân thực để tìm hiểu về con đường lập thân lập nghiệp của người thanh niên - công chức sở Thuế quan để trở thành nhà văn, nhà hoạt động xã hội, nhà cách mạng trẻ tuổi Nguyễn Huy Tưởng. Đồng thời là những nét phác họa chân thực một thế hệ nhà văn tiền chiến, những trang sử quý giá về các hoạt động cách mạng và yêu nước trước Cách mạng tháng Tám của trí thức tiểu tư sản thành thị.
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng trong bước đầu đến với văn chương coi viết nhật ký là một cách rèn luyện cách viết văn. Không những vậy, ông quan niệm “Tôi đang chép nhật ký và suy xét mình, và tìm lấy một quan niệm về nhân sinh” (nhật ký ngày 24/11/1938). Những trang nhật ký riêng tư của Nguyễn Huy Tưởng là những tư liệu quý giá, về đời sống xã hội, đời sống công chức và phần nào phác họa bức tranh văn học Việt Nam trước cách mạng tháng Tám.
Chia sẻ tại buổi ra mắt sách, tác giả Nguyễn Huy Thắng bộc bạch, cha ông – nhà văn Nguyễn Huy Tưởng mất khi ông mới 5 tuổi. Và những trang nhật ký cha để lại chính là cánh cửa đưa ông đến với thế giới của cha. “Đọc nhật ký của cha, tôi nhận ra chân dung của cha, tình cảm của cha. Ở đó có thế giới mà cha đã sống, đã trải qua; có những người đương thời thế hệ với cha, và có cả những sự kiện lớn nhỏ mà cha tham gia trong đó... ”, tác giả Nguyễn Huy Thắng chia sẻ.
Tiến sĩ văn học Đỗ Thanh Nga nhận định, khác với những trang nhật ký thông thường, nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đặc biệt hơn bởi người đọc có thể tìm thấy trong đó khát vọng con người, quan niệm sáng tạo văn chương nghệ thuật, và cả lẽ sống của ông; tìm thấy trong đó lịch sử, câu chuyện văn chương, bức tranh văn hóa xã hội của đất nước… Qua những trang viết chân thực, xúc động có thể thấy được phẩm chất của người tri thức cùng những day dứt, trăn trở trước cuộc sống của ông.
Cuốn nhật ký “Con đường văn sĩ” không chỉ dành cho những ai yêu văn chương nói chung, yêu nhà văn Nguyễn Huy Tưởng nói riêng, đó còn là kho tư liệu quý giá để hiểu về tác giả Nguyễn Huy Tưởng và rộng hơn là thế hệ nhà văn tiền chiến. Xuất bản đúng vào dịp hướng tới kỉ niệm 112 ngày sinh nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cũng cho thấy sức sống ngòi bút của ông. Những trải nghiệm tư tưởng của ông trên bước đường lập thân lập nghiệp cũng là nguồn cổ vũ cho thế hệ trẻ hôm nay./.
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là một nhà văn, nhà viết kịch Việt Nam nổi tiếng. Ông là tác giả của những tiểu thuyết lịch sử, vở kịch lớn như: Vũ Như Tô, Đêm hội Long Trì, Bắc Sơn, Sống mãi với Thủ đô. Các độc giả nhỏ tuổi nhiều thế hệ, yêu quý ông qua các tác phẩm thiếu nhi đặc sắc: Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Tìm mẹ, An Tư công chúa, Cô bé gan dạ… Ông là một trong những người sáng lập và là giám đốc đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng.
Nguyễn Huy Tưởng đến với công việc viết văn khá muộn. Những năm tháng tuổi trẻ, không cam chịu đời viên chức cạo giấy, ông tham gia các phong trào yêu nước của thanh niên, học sinh ở Hải Phòng; hoạt động Truyền bá quốc ngữ, Hướng đạo sinh. Năm 1943, ông gia nhập nhóm Văn hóa cứu quốc bí mật. Tháng 8/1945, Nguyễn Huy Tưởng được cử tham dự Đại hội quốc dân ở Tân Trào. Cách mạng tháng Tám thành công, ông trở thành người lãnh đạo chủ chốt của hội Văn hóa cứu quốc và là đại biểu Quốc hội khóa 1 năm 1946. Sau 1954, ông là thành viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã đoạt nhiều giải thưởng, trong đó có Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật, đợt I, năm 1996.