Dục Tú có cây bồ đề
Có đồng lúa nếp có nghề cửi canh.
Trong ký ức tôi còn in đậm hình ảnh những buổi sáng mùa thu tháng 10 sương mờ dăng dăng trên cánh đồng lúa thơm chín vàng trĩu hạt, bàn tay non nớt của mình lóng ngóng cầm chiếc liềm chạm đến những bông lúa còn đẫm sương. Rồi, những bữa cơm ăn cùng bà con nông dân, thức ăn chỉ có dưa muối còn xanh cay xè chấm với tương ăn cùng cơm gạo mới nóng hổi thơm ngọt, sao ngon thế, cái ngon bây giờ không còn gặp lại nữa! Những ngày ngắn ngủi sống ở Dục Tú hồi đó (khoảng năm 1963 - 1964), bên cạnh việc lao động, học sinh chúng tôi được đi tham quan khu di tích Cổ Loa, đền An Dương Vương, tượng Mỵ Châu, giếng Trọng Thủy… Cảm giác thiêng liêng lâng lâng từng bước chân theo các thầy cô giáo, cùng cô bác người địa phương dẫn đi vòng vòng trên con đường di tích Thành Cổ Loa cứ như là được đi theo một đường xoáy ốc… Vốn đã được đọc An Dương Vương xây thành Ốc, rồi Lá cờ thêu sáu chữ vàng, lại nghe các thầy cô giáo giới thiệu Dục Tú là quê hương nhà văn Nguyễn Huy Tưởng nên trong tâm trí trẻ thơ của tôi, làng quê Dục Tú và vùng Cổ Loa như là một miền cổ tích. Sau này tới thời chiến tranh tôi lại đi học cấp III ở huyện Thuận Thành. Một vùng đất nằm giữa sông Hồng và sông Đuống nơi là đất Luy Lâu cổ với nhiều ngôi chùa, làng nghề nổi tiếng… rồi từ đó qua bến Hồ sông Đuống là sang đất Từ Sơn, Tiên Du, miền quan họ… Thế là tự nhiên cả một vùng Đông Ngàn - Vũ Ninh xưa bỗng nhập tâm vào mình, từ những trang văn của Nguyễn Huy Tưởng, từ những ký ức của thời học trò, một không gian cổ tích nghệ thuật xanh thăm thẳm đã in dấu văn hóa vào tâm hồn tôi.
Xin mở đầu hơi dài dòng như vậy để hôm nay mở trang sách đọc lại tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, tôi đã mang cả những ký ức tuổi thơ để cảm nhận thêm chiều sâu từng câu chữ.
Đã từ lâu chúng ta thừa nhận rằng truyện cổ tích An Dương Vương xây thành Ốc là một sáng tạo để đời của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Giờ đây khi đọc lại tác phẩm này với một tinh thần khảo sát khoa học, tôi bỗng nhận ra nhiều điều mới mẻ. Trước hết ta cần tìm hiểu xem nguồn gốc lịch sử của câu chuyện là từ đâu? Văn bản truyền thuyết Việt Nam cổ nhất còn lưu truyền lại là tác phẩm Lĩnh Nam chích quái (của Trần Thế Pháp - Vũ Quỳnh). Trong tác phẩm này có Truyện Kim Quy. Sự việc xây thành Ốc cùng chi tiết diệt con Kê tinh (gà trắng) ở núi Thất Diệu chỉ là phần mở đầu và được ghi chép khá đơn giản trong một đoạn văn ngắn. Chuyện nỏ thần và mối tình Mỵ Châu - Trọng Thủy rồi kết cục bi đát của cha con An Dương Vương mới hoàn chỉnh nội dung của câu chuyện thần Kim Quy.
Những câu chuyện của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng luôn hấp dẫn nhiều thế hệ độc giả Việt Nam
Vậy tại sao nhà văn Nguyễn Huy Tưởng lại chỉ lựa chọn phần mở đầu để xây dựng nguyên một truyện cổ tích có tên An Dương Vương xây thành Ốc? Chuyện các nàng tiên gánh đất xây thành là do nhà văn tưởng tượng, có dựa trên một cơ sở văn học dân gian nào không? Tiếp tục cuộc hành trình đi tìm câu trả lời tôi bắt gặp bài viết “An Dương Vương có thật” của Giáo sư Trần Quốc Vượng.
Tôi chú ý đoạn sau đây: “… Ba vòng thành Cổ Loa với chiều dài hơn 16.000m quanh co bao bọc lẫn nhau như hình xoáy ốc, miếu thờ thần Rùa trên bờ giếng Rùa mang tên Loa khẩu, hàng loạt gò đống từng đôi, từng đôi, phân bố dọc con đường từ làng Tiên Hội tới Cổ Loa… là chứng cứ cho truyền thuyết đắp thành. Truyền thuyết kể rằng Tiên Hội là nơi các nàng tiên đêm đêm tụ họp tại đó để gánh đất giúp vua đắp thành, những hòn đất lọt từ sọt rơi xuống chất thành gò đống.…”
Như vậy, không còn nghi ngờ gì nữa, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng thời thơ ấu sống ở làng quê, tâm hồn được nuôi dưỡng với những truyền thuyết, truyện kể dân gian vùng Cổ Loa, đấy chính là nguồn cội để ông cảm hứng viết nên truyện cổ tích An Dương Vương xây thành Ốc.
Viết truyện theo lối kể lại truyền thuyết lịch sử hoàn toàn không phải là một việc dễ dàng. Ở truyện An Dương Vương xây thành Ốc, tác giả đã hóa thân vào vai An Dương Vương - một vị vua, diễn tả tâm trạng, suy nghĩ, nói năng, hành xử đàng hoàng mang tầm cỡ của một người đứng đầu đất nước. Đạt được một tâm thế “Đại trượng phu” như vậy trong giọng văn, hoàn toàn không phải là việc nhà văn nào cũng làm được, nếu thực sự không phải là người có tầm, có tâm và có tài. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã hội tụ được cả những điều đó. Tuy thế, nhân vật An Dương Vương trong truyện cũng không quá cao đạo, đường bệ, xưng hô không quá cầu kỳ… Vua ngày ấy là ông vua gần dân, gần quân sĩ, lo nỗi lo chung… Nhà vua có giấc mơ gặp thần Kim Quy, khi tỉnh giấc liền kể lại giấc mơ chia sẻ cùng tướng sĩ.
“…Vua kêu lên một tiếng, tỉnh dậy thì ra là một giấc chiêm bao.
Nghe tiếng vua kêu, các tướng sĩ chạy vào. Vua kể lại chuyện trong giấc mơ. Tướng sĩ nói:
- Đấy là trời đất phù hộ người Âu Lạc…”
Nhà văn chắc chắn phải là một người am tường lịch sử hiểu rõ thời kỳ sơ khai của dân tộc mới có thể phác họa được một nhân vật An Dương Vương dân dã như vậy, thật hoàn toàn khác sau này, khi ông viết Lá cờ thêu sáu chữ vàng, miêu tả vua Trần với các vương hầu, tướng lĩnh… tác giả lại có lối viết khác hẳn trong khi thể hiện cử chỉ lời nói đậm chất văn hóa quý tộc của một thời đại phong kiến đã phát triển.
Để tìm hiểu văn chương truyền thuyết lịch sử của nhà văn, xin hãy đọc đoạn văn miêu tả các nàng tiên xây thành: “… Trên không các nàng bay đi bay về. Có hàng vạn nàng tíu tít như đàn chim én mùa xuân. Mặt các nàng đẹp như hoa. Mắt các nàng sáng như gương. Người các nàng nhẹ nhàng như liễu. Tóc các nàng xõa trong khi bay rập rờn như làn sóng. Người nào cũng mặc áo xanh, yếm trắng, quần hồng, thắt lưng quan lục bỏ múi sau lưng. Bàn chân trắng như ngà, gót đỏ như sen, đạp trên mây trắng trôi đi, trôi lại, khi lên, khi xuống. Người nào cũng gánh những sọt mây đầy đất đổ xuống những đường vòng trên cánh đồng cỏ bao la, bằng phẳng. Đổ xong, các nàng lại thoăn thoắt bay về núi Thất Diệu. Họ vừa bay lên thì một tốp khác lại là là hạ xuống. Họ giục nhau hối hả, ríu rít, để đắp xong thành cho An Dương Vương trước khi gà gáy. Trên không phất phới như bướm, như hoa, những làn tóc, những tà áo, những dải thắt lưng tung bay trong gió. Trên cao nữa, ngồi trên những đám mây năm sắc, có những nàng tiên đánh đàn, thổi sáo, cất những tiếng hát du dương, thánh thót làm vang động cả vòm trời…”
Tôi có cảm giác rằng nếu để đoạn văn trên đây bên cạnh những đoạn văn trong các truyện thần thoại châu Âu, các truyện thần tiên Trung Quốc… thì vẻ sinh động và huyền ảo của câu chữ cũng có lẽ tương đương… Có điều khác là trang phục dân tộc đã được tả thật rõ nét: “Người nào cũng áo xanh, yếm trắng, quần hồng, thắt lưng quan lục bỏ múi sau lưng”. Có thể nói rằng, đến bây giờ ta đọc lại đoạn văn trên vẫn thấy ngôn ngữ của tác giả quả là vừa cổ điển lại vừa hiện đại, vừa dân tộc lại vừa hòa nhập với nền văn hóa chung của nhân loại.
An Dương Vương xây thành Ốc là một truyện cổ tích viết lại từ một truyền thuyết lịch sử về một giai đoạn khởi đầu xây thành cho một triều đại mở đầu lịch sử dân tộc - thời kỳ Âu Lạc. Cuốn sách ra đời năm 1957 là một trong tám cuốn sách đầu tiên của nhà xuất bản Kim Đồng, ở đây có lẽ là một sự ngẫu nhiên mà lại là tất nhiên. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, người sáng lập và là vị giám đốc đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng, phải chăng đã hòa nhập tâm thế của mình trong những ngày “xây nền đắp móng” cho một nhà xuất bản thiếu nhi đầu tiên của nước Việt Nam với tâm thế của nhân vật An Dương Vương. Những nỗi trăn trở, những lao tâm khổ tứ để dẹp yên những trở lực hữu hình và vô hình khác nào con Kê tinh, niềm hi vọng ở sự thiện tâm ủng hộ của công chúng hiển hiện trong hình ảnh các nàng tiên tải đất giúp vua An Dương Vương dường như cũng chính là tâm trạng của một người hi vọng vào một hình ảnh người lãnh đạo anh minh của đất nước.
Ngày nay đọc lại một câu chuyện nhỏ trong một sự nghiệp sáng tác lớn của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, ta như hiểu rõ hơn rằng: Cội nguồn quê hương, miền cổ tích của tâm hồn nhà văn chính là nguồn mạch chất liệu tiềm tàng, nguồn năng lượng nuôi dưỡng sức sáng tạo để nhà văn thăng hoa trong từng tác phẩm.