Sáng 4/11, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội bước vào ngày thứ 2 với nội dung thảo luận kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021…
Trong ngày hôm nay (4/11), đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; các chương trình mục tiêu quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020, dự kiến các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công trung hạn, tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025…
Các đại biểu tham gia buổi thảo luận. |
|
Năm 2020 là năm có ý nghĩa quan trọng, được kỳ vọng tiếp nối đà tăng trưởng và thành tựu của những năm trước, đồng thời cũng là năm chuẩn bị và xây dựng kế hoạch 5 năm 2021-2025. Tuy nhiên, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế toàn cầu, thiên tai, bão lũ, nhất là tại các tỉnh miền Trung trong thời gian vừa qua đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và cả nhiệm kỳ 2016-2020.
Do đó, ngoài việc thảo luận các vấn đề đã được nêu trong các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra, Quốc hội sẽ tập trung phân tích, đánh giá, đề xuất các giải pháp hữu hiệu nhằm khắc phục hậu quả của đại dịch và thiệt hại do bão lũ gây ra.
Đề nghị Chính phủ cân nhắc, nâng các chỉ tiêu về năng suất lao động, tỷ lệ che phủ rừng
Thảo luận về các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, đại biểu Trần Văn Tiến (tỉnh Vĩnh Phúc) đề nghị Chính phủ cân nhắc, nâng các chỉ tiêu về năng suất lao động, tỷ lệ che phủ rừng… và bổ sung chỉ tiêu mức tiêu hao năng lượng/GDP do chỉ tiêu này phản ánh kết quả đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển những ngành tiêu hao ít năng lượng.
Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (tỉnh Quảng Ngãi) cho rằng, trước những diễn biến phức tạp của thiên tai, với địa hình các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, thời gian qua, bão lũ đã gây thiệt hại nặng nề, trong đó tỉnh Quảng Ngãi chịu tổn thất nặng nề về người và tài sản tới hơn 4,4 nghìn tỷ đồng. Tỉnh rất cảm ơn Trung ương và các địa phương, đồng bào cả nước đã quan tâm, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống.
Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) phát biểu tại hội trường |
|
Đại biểu cho rằng trong quá trình phát triển, các giải pháp giảm thiểu thiệt hại của thiên tai là hết sức quan trọng. Đại biểu kiến nghị tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân mất tích, khắc phục hậu quả thiên tai; điều tra, đánh giá và công bố các nguyên nhân gây ra thiên tai như vừa qua, đồng thời sử dụng các phân tích này trong quá trình hoạch định kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai trong các kế hoạch phát triển; lập bản đồ cảnh báo thiên tai, bố trí lại dân cư… để bảo đảm an toàn tính mạng và sản xuất cho người dân.
Đại biểu cũng đề nghị cấp có thẩm quyền quan tâm, hỗ trợ đầu tư phát triển hơn nữa cho huyện đảo Lý Sơn hiện còn rất nhiều khó khăn trong phát triển, để tỉnh này giữ vững vai trò đảo tiền tiêu của Tổ quốc.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (tỉnh Long An) cho rằng hiện còn nhiều kiến nghị của cử tri liên quan tới các vấn đề môi trường, kiến nghị rà soát từng khu công nghiệp, khu chế xuất, nêu rõ các nơi chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, yêu cầu tất cả các khu này phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung trước năm 2025; đề nghị Quốc hội bổ sung một số chỉ tiêu về môi trường trong kế hoạch phát triển sắp tới như về xử lý nước thải, chất thải rắn được thu gom xử lý đạt tiêu chuẩn, từ đó giải quyết một cách tổng thể các vấn đề về môi trường.
Nhiều địa phương vẫn thừa, thiếu giáo viên
Đại biểu Quách Thế Tản (tỉnh Hòa Bình) cho rằng từ khi thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ngành giáo dục đã đạt được nhiều kết quả. Chất lượng giáo dục phổ thông được nâng lên. Lộ trình đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT đã được hoàn thành. Tự chủ đại học đã được thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam, đặc biệt là công tác nghiên cứu khoa học. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 song ngành giáo dục đã thực hiện tốt việc dạy và học, trong đó đẩy mạnh học trực tuyến, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành giáo dục. Các địa phương tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT thay vì Bộ GD&ĐT phải tổ chức toàn bộ như những năm trước.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng việc phát triển đội ngũ nhà giáo đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục còn khó khăn. Nhiều địa phương vẫn thừa, thiếu giáo viên. Cơ sở vật chất, trường lớp còn thiếu, xuống cấp, đặc biệt tại miền núi. Công tác quản lý sách giáo khoa, sách tham khảo còn bất cập, một số nội dung chưa phù hợp, việc dạy đạo đức, lối sống cho học sinh chưa có chuyển biến căn bản.
Đại biểu Quách Thế Tản đề nghị thời gian tới ngành giáo dục cần quan tâm hơn nữa để đến chất lượng thẩm định, phê duyệt các bộ SGK, có giải pháp khắc phục những nội dung chưa phù hợp trong các cuốn SGK đã được phát hành, sửa đổi, bổ sung các khâu giám sát, thẩm định, phê duyệt đối với các cuốn SGK tiếp theo.
Việc quy hoạch, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục, tinh giản 10% biên chế giáo viên cần xem xét, tính đến đặc thù của ngành giáo dục, điều kiện thực tế của địa phương.
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (TP Đà Nẵng) bày tỏ tán thành các giải pháp của Chính phủ phục hồi nền kinh tế trong trạng thái bình thường mới, đánh giá kỹ hơn hiệu quả của gói hỗ trợ 62.000 tỷ, tiếp tục có những gói hỗ trợ để khắc phục hậu quả của đợt bão lũ tại miền Trung vừa qua.
Về giáo dục phổ thông, đại biểu Nguyễn Bá Sơn cho rằng năm học 2019-2020 gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh nhưng ngành giáo dục đã đạt được những kết quả quan trọng, hoàn thành năm học, tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT, định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông được đẩy mạnh. Tuy nhiên, do thời lượng số tiết học giáo dục hướng nghiệp còn ít, thiếu giáo viên nê đại biểu đề nghị ngành giáo dục cần có những giải pháp để nâng cao chất lượng công tác tư vấn hướng nghiệp, cần có sự tham gia của DN.
Trong lĩnh vực giáo dục đại học, đại biểu cho rằng cần ban hành đầy đủ các văn bản liên quan đến quản lý hoạt động tự chủ đại học, chấn chỉnh những trường đại học chưa tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp luật. Nhiều trường đại học còn thiếu giảng viên cơ hữu nên chất lượng đào tạo còn yếu. Có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, liêm chính trong nghiên cứu khoa học, cần có hệ thống đo lường chất lượng giáo dục đại học khách quan, trung thực, hiệu quả.
Trước những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, đại biểu Nguyễn Bá Sơn đề nghị phân tích kỹ hơn những khó khăn của thị trường lao động, người lao động, có chính sách hỗ trợ người lao động, đặc biệt là chuyển đổi ngành nghề theo diễn biến dịch bệnh, thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0.