Sự kiện & Bình luận

Quốc hội thông qua Luật BHXH sửa đổi, đồng ý phương án về hạn chế rút BHXH một lần

KT 11:33 29/06/2024

Tiếp tục kỳ họp thứ 7, sáng 29/6, với 454/465 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 93,42% tổng số đại biểu Quốc hội), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua.

j8dqwid7.png
Quốc hội đã biểu quyết thông qua toàn văn dự án Luật BHXH sửa đổi với 454/465 đại biểu tán thành. Ảnh: NT

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025.

Trước khi thông qua toàn bộ dự án luật, Quốc hội đã biểu quyết thông qua quy định về hưởng BHXH một lần. Kết quả, có 456/470 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành; 5/470 đại biểu không tán thành; 9/470 đại biểu không biểu quyết.

Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đề cập đến điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, ngày 18-6-2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo lấy phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về nội dung này.

Kết quả cho thấy, có 355/487 đại biểu cho ý kiến; trong đó, có 310/355 đại biểu Quốc hội (chiếm tỷ lệ 87,32% số đại biểu cho ý kiến) lựa chọn phương án 1; có 38/355 đại biểu Quốc hội (chiếm tỷ lệ 10,70% số đại biểu cho ý kiến) lựa chọn phương án 2; có 7/355 đại biểu Quốc hội (chiếm tỷ lệ 1,97% đại biểu cho ý kiến) không lựa chọn 1 trong 2 phương án mà đề xuất phương án khác.

Một trong những nội dung còn ý kiến khác nhau liên quan đến quy định về trường hợp người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng BHXH, chưa đủ hai mươi năm đóng BHXH và có yêu cầu nhận BHXH một lần. Dự thảo Luật đưa ra hai phương án.

Phương án 1: Người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày luật này có hiệu lực thi hành (dự kiến ngày 1-7-2025), sau 12 tháng không tham gia BHXH bắt buộc, tự nguyện và thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được rút BHXH một lần. Sau thời gian luật có hiệu lực thi hành sẽ không được rút BHXH một lần nữa.

Phương án 2: Sau 12 tháng người lao động không tham gia BHXH bắt buộc, tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được rút BHXH một lần, nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian còn lại được bảo lưu để tiếp tục tham gia khi có điều kiện và hưởng các chế độ BHXH.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho hay tại phiên thảo luận ở Hội trường, có 18 đại biểu lựa chọn Phương án 1, bảy đại biểu lựa chọn Phương án 2, năm đại biểu đề xuất phương án khác.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, phương án được đa số đại biểu lựa chọn cũng là phương án có nhiều ưu điểm hơn, như: Bảo đảm tính kế thừa quy định hiện hành, không làm ảnh hưởng nhiều đến gần 18 triệu người đang tham gia bảo hiểm xã hội nên sẽ hạn chế gây xáo trộn trong xã hội.

Phương án này thể chế hóa đúng tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW “giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí” và hạn chế được tình trạng một người tham gia bảo hiểm xã hội có nhiều lần hưởng bảo hiểm xã hội một lần thời gian qua.

Quy định như dự thảo cũng hướng tới tiếp cận theo tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế về bảo hiểm xã hội và góp phần thích ứng với tốc độ già hóa dân số rất nhanh hiện nay ở nước ta. Về lâu dài, người tham gia mới sẽ chỉ còn hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong một số trường hợp đặc biệt nên sẽ góp phần gia tăng số người ở lại hệ thống để được thụ hưởng các chế độ của bảo hiểm xã hội từ chính quá trình tích lũy khi tham gia bảo hiểm xã hội của mình và giảm gánh nặng cho cả xã hội, ngân sách nhà nước sau này ưu tiên cân đối nguồn lực để thực hiện các chính sách, chế độ mang tính chất bảo trợ xã hội.

Tuy có quy định về việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không mong muốn người lao động yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần, người lao động cần tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội để bảo đảm an sinh xã hội lâu dài.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý Chính phủ, trong thời gian tới, cần phải có giải pháp căn cơ, lâu dài để hỗ trợ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội gặp khó khăn trước mắt trong cuộc sống như có chính sách tín dụng phù hợp; tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về lao động, việc làm (Luật Việc làm, Luật An toàn, vệ sinh lao động...) để duy trì ổn định việc làm, thu nhập, tư vấn, kết nối, hướng nghiệp, đào tạo, chuyển nghề để người lao động có việc làm bền vững.

Chính phủ đẩy mạnh các giải pháp về truyền thông để người lao động hiểu được lợi ích của việc hưởng lương hưu hằng tháng và những bất lợi khi lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần cùng với việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và thực hiện chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm về bảo hiểm xã hội của cơ quan quản lý nhà nước, của tổ chức thực hiện chính sách…

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Hồi ký chân thực của một người từng thoát khỏi địa ngục Khmer đỏ
    Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật vừa ra mắt bạn đọc ấn phẩm “Thoát khỏi địa ngục Khmer đỏ - Hồi ký của một người còn sống” của tác giả của Denise Affonço. Qua lời kể của một người đã từng trải qua những năm tháng địa ngục ở Campuchia, cuốn sách giúp những thế hệ đi sau hiểu hơn về một giai đoạn tang thương của người Campuchia dưới tội ác diệt chủng của chính quyền Khmer đỏ, cũng như tôn vinh những đóng góp to lớn của bộ đội tình nguyện Việt Nam trong sự nghiệp quốc tế cao cả, giúp giải phóng đất nước Campuchia.
  • Ký ức không quên mùa thu năm ấy...
    70 năm đã trôi qua nhưng những ký ức về ngày Giải phóng Thủ đô dường như chưa bao giờ phai nhạt trong tâm trí của những người từng sống trong những ngày thu lịch sử. Mỗi người đều mang trong mình những kỷ niệm riêng, mà khi gợi nhắc, những ký ức ấy lại tô điểm thêm bức tranh toàn cảnh ngày tiếp quản Thủ đô (10/10/1954).
  • Tình già
    Gió rít từng cơn rải những hạt mưa to rào rào vào cái vách lá dừa nhà ông già Tám làm cho con Lu đang khoanh tròn trong bếp tro giật mình ngái ngủ. Cơn giông cuối ngày làm cho đám cây mì trước nhà lúc la lúc lắc như uống từng giọt mưa sau những ngày nắng hạn kéo dài héo rũ.
  • Phát động cuộc thi sáng tác “Rẻo cao hạnh phúc” về bình đẳng giới vùng dân tộc và miền núi
    Mỗi bạn đoàn viên, thanh niên hưởng ứng tích cực cuộc thi để có nhiều hơn nữa những sản phẩm sáng tạo của người trẻ, là công cụ tuyên truyền hữu hiệu, lan tỏa thông điệp tích cực về cuộc sống bình đẳng, an toàn, hạnh phúc...
  • Bà Đinh Thị Mai giữ chức Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương
    Theo Quyết định số 1331-QĐNS/TW, Ban Bí thư bổ nhiệm bà Đinh Thị Mai, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Ban Tuyên giáo Trung ương giữ chức Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thông qua Luật BHXH sửa đổi, đồng ý phương án về hạn chế rút BHXH một lần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO