Quản lý chặt chẽ chất lượng nước đóng chai

HNM| 24/05/2019 19:34

Nước uống đóng chai, đóng bình hay đá viên là những mặt hàng được tiêu thụ mạnh trong mùa hè. Tuy nhiên, vấn đề về chất lượng, an toàn, vệ sinh của những sản phẩm này cũng là một trong những băn khoăn đối với người sử dụng. Do đó, việc quản lý chặt chẽ chất lượng sản phẩm nước đóng chai, đóng bình, nước đá cần được triển khai kịp thời, triệt để.

Kịp thời chấn chỉnh sai phạm

Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có hơn 500 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình và nước đá dùng liền. Để bảo đảm an toàn thực phẩm nước uống đóng chai, đóng bình, hằng năm, các đoàn kiểm tra liên ngành từ thành phố đến các quận, huyện, thị xã đều tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất. Bên cạnh những thương hiệu lớn, những cơ sở bảo đảm chất lượng, còn có tình trạng các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình nhỏ lẻ, giá rẻ chưa được cấp phép, sản xuất trong điều kiện, môi trường không an toàn…
Quản lý chặt chẽ chất lượng nước đóng chai
Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội kiểm tra cơ sở sản xuất nước uống đóng bình trên địa bàn huyện Chương Mỹ.

Trước nhu cầu gia tăng của người tiêu dùng đối với sản phẩm nước uống đóng chai, đóng bình và nước đá dùng liền vào mùa hè nóng bức, trong tháng 4 và tháng 5-2019, Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã chủ động kiểm tra, giám sát hơn 50 cơ sở sản xuất và phát hiện 7 cơ sở không đạt chất lượng. Các lỗi vi phạm chủ yếu, gồm: Mẫu nước uống đóng chai, nước đá dùng liền không đạt chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, nhãn sản phẩm không đúng quy định, quy trình sản xuất không tuân thủ đầy đủ các điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm, người lao động không có giấy khám sức khỏe hoặc có, nhưng hết hạn… Sau khi xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã giao cho chính quyền địa phương theo dõi, giám sát.

Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, qua kiểm tra thực tế, Chi cục đã phát hiện một số cơ sở sản xuất nước đóng bình, đóng chai chưa bảo đảm an toàn và việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm chưa nghiêm túc, trong đó có cả cơ sở hoạt động tự phát, không đủ điều kiện an toàn thực phẩm, sản phẩm chưa được cấp giấy xác nhận công bố phù hợp tiêu chuẩn an toàn thực phẩm... Thậm chí, nhiều nơi có nguồn nước bảo đảm tiêu chuẩn, nhưng do vệ sinh bình, chai đóng nước không sạch, dẫn đến sản phẩm không bảo đảm chất lượng. Chẳng hạn, cùng một cơ sở sản xuất nước uống, khi xét nghiệm nguồn nước ở những chai đóng nhỏ với dung tích 300ml hoặc 500ml (không tái sử dụng vỏ), thì nước bảo đảm an toàn, nhưng xét nghiệm ở các bình dung tích lớn (tỷ lệ tái sử dụng vỏ 15%), lại không bảo đảm chất lượng. Nguyên nhân là việc rửa nắp bình và vòi không sạch. Ngoài ra, thiết bị diệt khuẩn không bảo đảm, chỉ diệt được 30% vi khuẩn trong nước...

Cũng theo ông Trần Ngọc Tụ, công tác quản lý an toàn thực phẩm nước uống đóng bình, đóng chai, nước đá dùng liền hiện vẫn gặp nhiều khó khăn. Bởi, địa bàn rộng, số lượng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng nước uống đóng chai, đóng bình nhiều, trong khi lực lượng giám sát, kiểm tra không đáp ứng đủ. Hơn nữa, một số đối tượng kinh doanh, sản xuất hoạt động lén lút, thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện. Ở một số địa bàn, chính quyền địa phương vẫn chưa thực sự vào cuộc quyết liệt trong việc kiểm soát an toàn thực phẩm nói chung và kiểm soát an toàn thực phẩm nước uống đóng chai, đóng bình, nước đá dùng liền nói riêng.

Nâng cao vai trò của chính quyền địa phương

Để bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm nước uống đóng chai, đóng bình, đá dùng liền, ông Trần Ngọc Tụ đề nghị các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra các cơ sở trên địa bàn, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sai phạm. Muốn việc quản lý mặt hàng này có hiệu quả, các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ với các thôn, xóm, tổ dân phố để nắm bắt tình hình các cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ. Mặt khác, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người sản xuất cũng như người tiêu dùng. Tích cực xác minh cũng như khuyến khích người dân, báo chí phản ánh các cơ sở không bảo đảm an toàn thực phẩm…

Còn theo ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cần tăng cường kiểm tra, hậu kiểm và có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan chức năng, nhất là phải nâng cao vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý an toàn thực phẩm nước đóng bình. Ngoài việc tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất, rà soát các doanh nghiệp trên địa bàn quản lý, chính quyền địa phương phải xử lý nghiêm khi phát hiện sai phạm, đồng thời kiểm tra lại xem cơ sở khắc phục sai phạm đến đâu. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, các đoàn kiểm tra phải lấy mẫu nước kiểm nghiệm tại chỗ và mẫu lưu thông trên thị trường. Với những cơ sở không đủ điều kiện yêu cầu đóng cửa, không cho sản xuất, kinh doanh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo, người tiêu dùng chỉ nên sử dụng các sản phẩm nước uống đóng chai, đóng bình, đá viên tinh khiết đã được công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Khi mua sản phẩm, cần lưu ý nhãn mác với đầy đủ các nội dung: Tên sản phẩm; tên, địa chỉ thương hiệu chịu trách nhiệm về hàng hóa; định lượng của sản phẩm; thành phần cấu tạo; chỉ tiêu chất lượng chủ yếu; ngày sản xuất, thời gian sử dụng, thời hạn bảo quản; hướng dẫn bảo quản, hướng dẫn sử dụng; xuất xứ của sản phẩm. Ngoài ra, người tiêu dùng cần kiểm tra về hình dạng bên ngoài: Vỏ bình phải còn mới, không bị bẩn, không bị móp, méo, dập, thủng… Không sử dụng các sản phẩm đã quá hạn sử dụng, hoặc nước có dấu hiệu bất thường như: Vẩn đục, có màu sắc khác lạ…
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Quản lý chặt chẽ chất lượng nước đóng chai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO