Phố Huế, thuộc quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

25/08/2017 08:56

Phố Huế dài 1.266m, rộng 14m. Từ ngã tư phố Hàm Long - Hàng Bài đến phố Đại Cồ Việt - ô Cầu Dền cắt ngang qua các ngã tư Nguyễn Du - Lê Văn Hưu, Trần Nhân Tông - Trần Xuân Soạn, Tuệ Tĩnh - Hòa Mã, Tô Hiến Thành - Nguyễn Công Trứ.

Phố Huế dài 1.266m, rộng 14m.

Phố Huế, thuộc quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Từ ngã tư phố Hàm Long – Hàng Bài đến phố Đại Cồ Việt – ô Cầu Dền cắt ngang qua các ngã tư Nguyễn Du – Lê Văn Hưu, Trần Nhân Tông – Trần Xuân Soạn, Tuệ Tĩnh – Hòa Mã, Tô Hiến Thành – Nguyễn Công Trứ.

Đây nguyên là một đoạn của con đường thiên lý xưa, nối kinh thành Thăng Long với các trấn, các tỉnh ở phía Nam.

So với địa thế các làng mạc đầu thế kỷ XIX, thì phố này chạy qua phần đất của những thôn sau (kể từ bắc xuống nam): phường Phục Cổ, thôn Giáo Phường, thôn Đông Hạ và thôn Yên Thọ. Tất cả đều thuộc tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Tới giữa thế kỷ XIX, thôn Đông Hạ hợp với thôn Sài Tan, Cẩm Chỉ thành thôn Đông Tân, còn thôn Yên Thọ thì đổi ra là Yên Nhất, do hợp với thông Thống Nhất.

Năm 1890, phố này đã được gọi là đường Huế (route de Hué). Năm 1945, đổi thành phố Duy Tân. Từ ngày giải phóng Thủ đô, đổi tên thành phố Huế, mang tên kinh đô Huế của nhà Nguyễn (từ 1802 – 1945), một địa danh lịch sử của nước ta.

Nay thuộc các phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Ngô Thì Nhậm, phố Huế quận Hai Bà Trưng.

Vết tích các phường thôn cũ ở đây là những đình đền mà tới nay còn tồn tại: đình Phục Cổ là số nhà 14 phố Nguyễn Du, đình Giáo Phường là số nhà 83B phố Huế, đình Đông Hạ ở số nhà 133 phố Huế (còn đền của làng này ở tại số nhà 28 ngõ Huế) và đình Yên Nhất là số nhà 260 phố Huế.

Phường Phục Cổ đã được sử sách xưa nhắc tới vào năm 1371. Đó là năm mà quân Chiêm Thành, khoảng tháng 3 nhuận, đã tiến đánh thành Thăng Long. Toàn thư ghi: “Dụ binh của địch đến bến Thái Tổ, nay là phường Phục Cổ” (thế kỷ XV). Như vậy là cho tới cuối thế kỷ XIV, sông Hồng chưa lùi ra phía đông như ngày nay (đình Phục Cổ này mới bị dỡ vào năm 1967. Xem mục Nguyễn Du).

Còn thôn Giáo Phường sở dĩ có tên gọi như vậy vì đây chính là nơi cư trú của những người làm nghề ca xướng thuở xưa. Tương truyền là vào đầu đời Lê (thế kỷ XV) có họ Đào từ Thanh Hóa ra sinh sống ở đây. Họ vừa chuyên dạy hát ca đàn phách, vừa tổ chức ra những đoàn chuyên nghiệp đi diễn phục vụ các đình đám hội hè. Những đoàn này gọi chung là “Giáo Phường”. Đình Giáo Phường nay đã thành nhà ở, chỉ còn cái cổng trên đề ba chữ “Giáo Phường từ” và hai bên cột trụ có câu đối nhắc lại tên thôn.

Đình làng Đông Hạ được bảo vệ tương đối tốt, đó là nơi thờ thần Cao Sơn (xem mục Kim Liên). Trong thần phả đình Đông Hạ này có một câu rất đáng chú ý vì nó liên quan đến địa lý Hà Nội cổ. “Thượng tự Đông Hạ, hạ chí Trung Chí, giai Búa Cái phường”. Nghĩa là: Trên từ Đông Hạ, dưới đến Trung Chí, đều là phường Búa Cái. Trung Chí nay vẫn là một làng ở mé dưới Lương Yên. Và như vậy thì phường Búa Cái phải là một phường rất rộng. Từ đó có thể suy ra rằng một phường ở thời Lý – Trần thì tới thời Lê – Nguyễn đã bị chia ra làm nhiều phường thôn nhỏ. Đình Yên Nhất thì thờ một anh hùng chống giặc ngoại xâm, duệ hiệu là Phạm Phụ Quốc. Phụ quốc nghĩa là giúp nước. Có nhà nghiên cứu cho rằng có thể đây là Phạm Cự Lang một danh tướng của Lê Đại Hành.

Cuối cùng, phố Huế chấm dứt ở ô Cầu Dền: Đây là một cửa ô qua tường tòa thành đất vòng giữa bao bọc phần đông dân cư của Thăng Long xưa. So vào bản đồ Hà Nội 1831 thì cửa ô này có tên là ô Yên NInh. Nhưng tới bản đồ Hà Nội 1866 thì đã đổi tên là ô Thịnh Yên. Song dân chúng vẫn chỉ gọi là ô Cầu Dền.

Ngày nay phố Huế là nơi sầm uất. Giữa phố có chợ: Chợ Hôm, là chợ lớn vào hàng thứ hai, thứ ba ở nội thành. Nhưng vào thời gian cuối thế kỷ XIX thì chỉ là một cái “chợ Hôm” tức là chợ chỉ họp buổi chiều hôm, chủ yếu là nơi mua bán mớ rau con cá vặt vãnh mà thôi. Thời đó các bà nội trợ muốn mua sắm nhiều thứ thì phải lên chợ Cầu Đông.

Sang đầu thế kỷ XX, cùng với sự phát triển của thành phố, Chợ Hôm lớn dần lên thành chợ họp cả ngày, đồng bào các thôn xóm lân cận thường đem gà vịt ra bày bán ở hai bên cổng chợ. Cho nên một đoạn phố Huế này còn có tên là Hàng gà. Và để phân biệt với Hàng Gà – Cửa Đông người ta đã gọi chỗ này là Hàng Gà – Chợ Hôm hoặc Dốc Hàng Gà.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Hà Nội thông qua Nghị quyết quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao
    Tại Kỳ họp 19 (kỳ họp chuyên đề) ngày 19/11 của HĐND Thành phố Hà Nội, UBND Thành phố đã trình Dự thảo quy định việc nhượng quyền khai thác, quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao thuộc phạm vi quản lý của thành phố (thực hiện điểm a, b khoản 4 Điều 41 Luật Thủ đô). HĐND Thành phố đã xem xét và thông qua Nghị quyết về nội dung này.
  • Cô giáo Lan và những bài học không chỉ đến từ kiến thức
    Trong cuộc sống của mỗi chúng ta, có những khoảnh khắc và những con người đặc biệt mà ta không thể nào quên. Đối với tôi, một trong những người để lại ấn tượng sâu sắc nhất là cô Lan - giáo viên trường Tiểu học Liên Bảo (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).
  • Thầy giáo “không lương” tận tâm vì học sinh nghèo vùng đầm Sam
    Thầy giáo Trần Văn Hòa (xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) hơn 30 năm âm thầm trao truyền con chữ cho trẻ em nghèo và “xóa mù” cho nhiều người ở vùng đầm Sam.
  • Ngọn lửa đam mê khoa học của nữ giảng viên GenZ
    Trong thời đại Gen Z – thế hệ trẻ được biết đến với sự năng động, sáng tạo và không ngừng khẳng định mình – Nguyễn Thị Huyền Trang là một người trẻ minh chứng của trí tuệ, lòng đam mê và tinh thần cống hiến.
Đừng bỏ lỡ
Phố Huế, thuộc quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO